TÓM TẮT:
Nghiên cứu nhằm khám phá các yếu tố tác động đến ý định tham gia cuộc học thuật “The Manager To Be” của sinh viên (SV) Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, xác định mức độ tác động của từng yếu tố dựa trên phương trình hồi quy. Dữ liệu được thu thập từ 246 SV thuộc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có 3 yếu tố ảnh hưởng lên biến phụ thuộc đó là: Nhu cầu thách thức (β = 0.559), Kỹ năng nghề nghiệp (β = 0.352), Phần thưởng cuộc thi (β = 0.240). Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã phỏng vấn chuyên gia để đưa ra các giải pháp để giúp cuộc thi thu hút nhiều SV tham gia hơn.
Từ khóa: cuộc thi học thuật, Trường Đại học Bách khoa, sinh viên, ý định tham gia.
1. Đặt vấn đề
Theo Báo cáo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam đang sở hữu một cơ cấu dân số trẻ đầy tiềm năng, với hơn 60% dân số dưới 35 tuổi. Đây là một lợi thế to lớn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của SV mới ra trường lên đến 20%, chủ yếu do thiếu các kỹ năng mềm cần thiết. Do đó, chỉ có thành tích học tập tốt là chưa đủ để đảm bảo tìm được một công việc ưng ý sau khi tốt nghiệp (Chi và cộng sự, 2009). Ông Yamashita, Tổng Giám đốc thương hiệu Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cho biết: “Không thể phủ nhận rằng SV có kiến thức sau 4 năm học đại học, nhưng làm thế nào để chuyển kiến thức này từ lý thuyết sang thực hành lại là một vấn đề khó khăn. Điểm yếu của những nhân viên mới là không giải quyết được, ngại phát biểu ý kiến,...”.
Chúng ta nên khuyến khích việc phát triển các hoạt động tạo cơ hội cho SV kết hợp ứng dụng các kiến thức khác nhau, nhằm khơi nguồn cảm hứng và đề cao tính chủ động, sáng tạo của SV. Qua đó, đóng góp đáng kể vào quá trình học tập của họ. Năm 2014, với mục đích tổ chức sân chơi thiết thực, bổ ích nhằm nâng cao tinh thần giao lưu học hỏi, củng cố và vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tế, rèn luyện các kĩ năng trình bày, phản biện, tổ chức nhóm,… cho các bạn SV Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc thi The Manager to Be - M2B (Nhà Quản trị tương lai) do Khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chính thức được ra đời.
Theo thông tin từ Trưởng Ban Tổ chức, cuộc thi M2B được tổ chức hàng năm, với sự đầu tư, cải tiến của ban tổ chức nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các bạn SV trong trường như kỳ vọng của cuộc thi, mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng thí sinh. Do đó, Ban tổ chức nhận thấy cần thiết phải tìm được câu trả lời cho các câu hỏi: làm thế nào để thu hút đông đảo SV tham gia? M2B hiện tại cần thay đổi điều gì? SV kỳ vọng điều gì khi tham gia vào cuộc thi này? Chính vì thế, đề tài này được thực hiện để giúp Ban tổ chức cuộc thi có những cải tiến, hấp dẫn hơn và mang lại lợi ích lớn hơn cho người tham gia.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình và giả thuyết nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
· Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này dựa trên cơ sở lý thuyết là các khái niệm: cuộc thi học thuật (Memet A. Ozturk et al, 2008); ý định (Acek Ajzen, 1991); thuyết tự quyết (Self-determination Theory) (E. L. Deci & R. M. Ryan, 1985).
· Nhóm tác giả cũng căn cứ vào mô hình và thang đo của 3 nghiên cứu: Manuel B. Garcia (2022), Neng Tang Norman Huang và cộng sự (2015), I Fan Liu (2016).
2.2. Mô hình nghiên cứu
Dựa trên cơ sở lý thuyết trên và phỏng vấn 5 chuyên gia, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu chính thức gồm 7 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc và 33 biến quan sát.
Hình: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất
2.3. Giả thuyết nghiên cứu
- Kinh nghiệm thực tế: là mức độ SV nhận thấy giá trị khuyến khích của việc tham gia cuộc thi học thuật là hữu ích cho việc đạt được các mục tiêu trong tương lai của SV (Manuel et al, 2022). Zhang, et al (2021); Smith, et al (2016) đều cho thấy yếu tố kinh nghiệm thực tế có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi học thuật của SV.
H1: Kinh nghiệm thực tế có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV
- Kỹ năng nghề nghiệp: kỹ năng và kiến thức có được sau cuộc thi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ý định tham gia cuộc thi học thuật của SV. Việc tham gia các cuộc thi không chỉ có tác động tích cực đến kết quả học tập của SV mà còn cung cấp cho họ cơ hội thực hành và nâng cao các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai của họ (Dionne, et al, 2012). Có thể kể đến đó là kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và làm việc nhóm (Pajares, 1997).
H2: Kỹ năng nghề nghiệp có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
- Kết nối xã hội: cơ hội giao lưu và học hỏi từ những người khác là một yếu tố quan trọng thu hút SV tham gia các cuộc thi học thuật (Burguillo, 2010). Theo S. Saeed and D. Zyngier (2012) cũng khẳng định SV tham gia các cuộc thi vì họ muốn mở rộng mạng lưới quan hệ, kết nối với những người cùng chí hướng.
H3: Kết nối xã hội có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
- Nhu cầu thách thức: Broh (2002) cho rằng, áp lực hoặc các cuộc thi mang tính cạnh tranh thường thành công trong việc kích thích sự hứng thú của người tham gia. Ngoài ra, Brown và cộng sự (2022) cũng ủng hộ quan điểm trên khi cho rằng yếu tố nhu cầu thách thức tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi của SV.
H4: Nhu cầu thách thức có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
- Phần thưởng cuộc thi: theo Manuel et al (2022), phần thưởng cuộc thi là những giá trị người tham gia nhận được từ sự tưởng thưởng của ban tổ chức khi họ đạt giải (như: tiền, cúp, huy chương, giấy chứng nhận,…). Manuel (2015) khẳng định cơ hội nhận được giải thưởng và sự công nhận là một yếu tố quan trọng thu hút SV tham gia các cuộc thi.
H5: Phần thưởng cuộc thi có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
- Danh tiếng bản thân: theo Goffman (1959), việc tham gia cuộc thi có thể được xem như một "khung trình diễn" mà SV sử dụng để thể hiện bản thân và tạo ấn tượng mong muốn với người khác.
H6: Danh tiếng bản thân có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
- Cơ hội nghề nghiệp: là mức độ SV tin rằng các sự kiện cuộc thi học thuật là một con đường đặc biệt để họ có thể nhận được lời mời thực tập hoặc việc làm (Manuel B. Garcia, 2022). Theo Borden et al (2005), ông cho rằng SV có xu hướng tham gia cuộc thi vì họ tin kinh nghiệm từ cuộc thi sẽ giúp họ có được lợi thế cạnh tranh trong thị trường việc làm.
H7: Cơ hội nghề nghiệp có tác động tích cực đến ý định tham gia cuộc thi M2B của SV.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng với mẫu dữ liệu được thu thập chính thức thông qua bảng câu hỏi. Đối tượng khảo sát là SV Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Quá trình phân tích bao gồm thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hệ số tương quan Pearson, phân tích hồi quy tuyến tính. Dựa trên kết quả này và phỏng vấn chuyên gia để đề xuất các hàm ý quản trị.
4. Kết quả nghiên cứu
· Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của 8 biến độc lập đều đạt yêu cầu ( > 0.6). Ngoài ra, hệ số tương quan biến tổng của tất cả 33 biến đo lường đều > 0.3.
· Sau khi phân tích EFA, có 7 nhân tố độc lập được trích với Eigenvalue đều lớn hơn 1, hệ số KMO = 0.806 với mức ý nghĩa Sig = 0.00 < 0.05. Tổng phương sai trích đạt 63.016> 50% nên phân tích EFA này phù hợp với bài nghiên cứu. Kết quả thu được sau khi chạy EFA có 2 biến đo lường bị loại là: Tôi nghĩ tôi có thể nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên trong cuộc thi M2B; Khi tôi tham gia Cuộc thi M2B, tôi cải thiện kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai của bản thân.
· Phân tích hồi quy tuyến tính cho kết quả có 3 biến độc lập có tác động lên biến phụ thuộc: Nhu cầu thách thức (β=0,559); Kỹ năng nghề nghiệp (β=0.352); Phần thưởng cuộc thi (β=0,24). R2 hiệu chỉnh là 50.3%.
5. Thảo luận kết quả
· Từ mô hình nghiên cứu ban đầu có 7 biến độc lập, qua quá trình phân tích, kết quả của nghiên cứu này có 3 biến độc lập tác động lên biến phụ thuộc Ý định tham gia cuộc thi M2B của SV Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đó là: Nhu cầu thách thức; Kỹ năng nghề nghiệp; Phần thưởng cuộc thi.
· Trong khi đó với các nghiên cứu tác giả thừa kế: Manuel (2022) có các yếu tố kinh nghiệm thực tế, kỹ năng nghề nghiệp, kết nối xã hội, nhu cầu thách thức tác động lên biến phụ thuộc; Neng Tang Norman Huang và cộng sự (2015) chỉ có biến Tư duy thái độ hành vi tác động lên biến phụ thuộc; I Fan Liu (2016) có các biến động lực tham gia bên trong, động lực tham gia bên ngoài, động lực tham gia giữa các cá nhân có tác động lên biến ý định. Sự khác biệt này so với nghiên cứu của tác giả nguyên nhân có thể do sự khác biệt về tính chất của các cuộc thi và hoàn cảnh, môi trường nghiên cứu khác nhau.
6. Kết luận và hàm ý quản trị
Dự trên cơ sở lý thuyết nền là thuyết tự quyết (Deci & Ryan, 1985), thừa kế các nghiên cứu: Manuel (2022), Neng Tang Norman Huang và cộng sự (2015), I Fan Liu (2016 ) và ý kiến của các chuyên gia, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 7 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Kết quả nghiên cứu còn 3 biến độc lập có tác động lên biến phụ thuộc.
Từ kết quả nghiên cứu, kết hợp với phỏng vấn chuyên gia là trưởng Ban tổ chức cuộc thi, tác giả đề xuất các giải pháp sau để nâng cao ý định tham gia cuộc thi M2B của SV:
- Giải pháp 1: Nội dung thi cần đa dạng và thách thức.
Yếu tố Nhu cầu thách thức (gồm các biến đo lường: Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, kỹ năng của tôi có thể được kiểm chứng; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tính cạnh tranh của tôi sẽ được thúc đẩy và phát triển; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tôi sẽ được giải quyết các vấn đề khó; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, có khả năng sẽ gặp các thử thách nhưng có thể kinh nghiệm mang lại rất xứng đáng) tác động mạnh nhất đến ý định tham gia cuộc thi M2B (β =0,559). Theo đó, giá trị trung bình của các câu trả lời của thang đo thuộc khoảng [2,76; 4,30]. Để có thể nâng cao ý định tham gia của SV, cuộc thi cần được cải thiện về mặt nội dung, không để trùng lắp ở các vòng thi, cũng như bám sát trọng tâm của cuộc thi và có ý nghĩa thực tế; đồng thời cần tạo cho SV có những thách thức mới qua mỗi vòng thi.
- Giải pháp 2: Vận dụng đa dạng kiến thức, kỹ năng.
Yếu tố Kỹ năng nghề nghiệp (gồm các biến đo lường: Khi tôi tham gia Cuộc thi The Manager To Be, tôi cải thiện kỹ năng mềm của bản thân; Khi tôi tham gia Cuộc thi The Manager To Be, tôi cải thiện kỹ năng chuyên môn của bản thân; Khi tôi tham gia Cuộc thi The Manager To Be, tôi cải thiện kỹ năng liên quan đến bằng cấp của tôi; Tôi cảm thấy khi tôi tham gia cuộc thi, tôi sẽ học được các kỹ năng không được dạy trong trường học) là yếu tố có mức độ ảnh hưởng lớn thứ hai đến ý định tham gia cuộc thi M2B (β = 0,352). Giá trị trung bình của các câu trả lời của thang đo thuộc khoảng [3,90; 4,13]. Tác giả đề xuất nội dung cuộc thi cần được thiết kế sao cho người dự thi cần phải vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng không những liên quan đến chuyên môn, lý thuyết được học ở trường mà còn là sự phối hợp giữa các thành viên trong đội thi, là công tác tổ chức của mỗi đội, là kỹ năng tuy duy, phản biện, giải quyết vấn đề,… Cuộc thi cũng cần gắn liền với tình huống quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp để SV có cơ hội vận dụng lý thuyết để giải quyết tình huống thực tế. Trong trường hợp này, Ban giám khảo cần thiết có những doanh nhân để có những nhận xét, những đóng góp và đánh giá xác đáng cho mỗi đội thi.
- Giải pháp 3: Khen thưởng.
Yếu tố Phần thưởng cuộc thi (β = 0,240) (gồm các biến đo lường: Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tôi sẽ nhận được tiền thưởng; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tôi sẽ nhận được giấy chứng nhận; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tôi sẽ nhận được các phần quà lưu niệm; Khi tôi tham gia cuộc thi M2B, tôi sẽ nhận được cúp và huy chương) có giá trị trung bình của các câu trả lời của thang đo thuộc khoảng [3,56; 4,01]. Cuộc thi cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Để thông qua đó, không những được cải thiện về nội dung như giải pháp trên đã trình bày, mà còn là cơ hội để cho các đội thi có thêm những phần thưởng và cơ hội làm việc, thực tập, học tập tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng cần tăng các giải phụ do SV bình chọn, không những làm tăng sự tương tác, hứng thú cho các đội thi, mà còn tăng tính truyền thông cho cuộc thi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Tổng cục Thống kê (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. NXB Thống kê, Hà Nội.
- Hoàng Trọng, C. N. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Thống kê, Hà Nội.
- Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động Xã hội, Hà Nội.
- Ajzen I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.
- Broh B. A. (2002). Linking extracurricular programming to academic achievement: Who benefits and why?. Sociology of Education, 75(1), 69-95.
- Brown C., & Harris D. (2022). Exploring the factors aafecting university students’ participation in academic competitions in the UK: A structural equation modeling approach. Assessment & Evaluation in Higher Education, 47(6), 853-867.
- Burguillo J. C. (2010). Using game theory and competition-based learning to stimulate student motivation and performance. Computers & Education, 55(2), 566-575.
- Borden L. M., Perkins D. F. et al (2005). To participate or not to participate: That is the question. New Directions for Youth Development, 105, 33-49.
- Chi C. G., & Gursoy D. (2009). How to help your graduates secure better jobs? An industry perspective. International Journal of Contemporary Hospitality Management, 21(3), 308-322.
- Dionne L., Reis G. et al. (2012). Students’sources of motivation for participating in science fairs: An exploratory study within the Canada-wide science fair 2008. International Journal of Science and Mathematics Education, 10(3), 669-693.
- E. L. Deci & R. M. Ryan (1985). Intrinsic motivation and self determination in human behavior. Springer, New York.
- H. Sternberg and J. Baalsrud Hauge (2015). Does competition with monetary prize improve student learning? An exploratory study on extrinsic motivation. Lunds Universitets Utvecklingskonfe-rens.
- I Fan Liu (2016). An exploration based on intrinsic, extrinsic, and interpersonal motivation that affect learners’ intention to participate in an English reading contest: From extensive reading perspective. Journal of Educational Computing.
- Manuel B. Garcia (2022), Hackathons as extracurricular activities: Unraveling the motivational orientation behind student participation. Wiley Online Library
- Memet A. Ozturk, Ceylan A., et al (2008). The role of academic competitions in student motivation: The case of Turkish high school students. Educational Research and Evaluation, 14(2), 115-132.
- Neng Tang Norman Huang, et al (2015). Relationship Among Students’ Problem-Solving Attitude, Perceived Value, Behavioral Attitude, and Intention to Participate in a Science and Technology Contest. Journal of Science Education and Technology.
- Pajares F. (1997). Current directions in self-efficacy research. In M. Maehr & P. R. Pintrich (Eds.). Advances in motivation and achievement, 10, 1-49.
- Smith J., & Jones M. (2016). Understanding the Factors that Drive Students to Participate in Academic Competitions: A Mixed-Methods Study. Journal of Educational Psychology, 108(4), 596-612.
- S. Saeed and D. Zyngier (2012). How motivation influences student engagement: a qualitative case study. Journal of Education and Learning, 2, 252-267.
- Zhang L., & Fang Y. (2021). Cultural factors influencing students’ participation in academic competitions: A comparative study of Chana and United States. International Journal of Comparative Education and Assessment,23(3), 325-342.
- Goffman E. (1959). The Presentation of Self in Everyday Life. Garden City, NY: Doubleday-Anchor.
Factors affecting the intention to participate in the "the manager to be" competition among students of the University of Technology - Vietnam National University Hochiminh City
DUONG THI NGOC LIEN
VO QUANG HUY
School of Industrial Management, Ho Chi Minh City University of Technology
ABSTRACT:
The purpose of this research is to explore the factors affecting the intention of students at the Ho Chi Minh University Of Technology to participate in the "The Manager To Be" academic competition. From there, the impact level of each factor is determined based on the regression equation. Data was collected from 246 students at the Ho Chi Minh City University Of Technology. The research results show that there are 3 factors that affect the dependent variable: Challenge demand (β = 0.559), Vocational skills (β = 0.352), Competition prize (β = 0.240). Based on the research results, the author interviewed experts to propose solutions to help the competition attract more students to participate.
Keywords: academic competition, Ho Chi Minh City University of Technology, student.