TÓM TẮT:
Mục tiêu của bài nghiên cứu nhằm tìm hiểu những nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang. Nghiên cứu đã khảo sát ngẫu nhiên 150 sinh viên bằng bảng hỏi. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố có tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên lần lượt là: công tác học tập và thi cử, chương trình đào tạo, công tác quản lý. Từ đó, kết quả của nghiên cứu đóng góp vào việc tìm ra giải pháp giúp đẩy mạnh, nâng cao động lực học tập của sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang.
Từ khóa: động lực học tập, sinh viên, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, sinh viên đang đối mặt với nhiều thách thức và áp lực trong quá trình học tập. Công nghệ thay đổi cách chúng ta tiếp cận thông tin và kiến thức, mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn mới. Sự gia tăng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực không chỉ ở yêu cầu chuyên môn cao mà còn phải có kỹ năng xử lý công việc chính xác. Kết quả học tập của sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sinh viên đó có đáp ứng tốt về kiến thức, kỹ năng cần thiết hay không. Và động lực học tập chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sinh viên cố gắng phấn đấu, vươn lên tiếp nhận tri thức và hiện thực hóa các mục tiêu bản thân đã đề ra.
Thông qua kết quả một số nghiên cứu cho thấy động lực học tập của sinh viên Việt Nam nói chung còn khá thấp, sinh viên chưa dành nhiều thời gian cho việc học tập cũng như hoạch định kế hoạch cho tương lai. Có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, đã chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên. Tuy nhiên, trong số đó có rất ít nội dung đề cập hoặc đi sâu vào vấn đề này một cách thỏa đáng. Xét khía cạnh Trường Đại học Văn Lang, bên cạnh một số sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng đã xác định được động lực học tập của bản thân còn tồn tại một bộ phận không nhỏ sinh viên mơ hồ về tương lai, có kết quả học tập thấp.
Trong đó, việc sinh viên chưa xác định được động lực học tập của bản thân một cách đúng đắn có tác động mạnh mẽ đến kết quả học tập và định hướng cho tương lai. Vì vậy, xác định và phân tích được “Các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang” là một yêu cầu cấp bách nhằm giúp Khoa và Nhà trường tìm ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo động lực học tập hơn nữa cho sinh viên hiện tại và trong tương lai.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu về tâm lí học đã chỉ ra động lực có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của con người, là một quá trình nội tại, giúp thúc đẩy, định hướng và duy trì hành động liên tục (Murphy & Alexander, 2000; Pintrich, 2003; Schunk, 2000; Stipek, 2002). Về động lực học tập của người học, Bomia và cộng sự (1997) cho rằng đó là sự khao khát, mong muốn, hào hứng, cảm thấy có trách nhiệm và đầy nhiệt huyết trong quá trình học tập. Động lực học tập là nguyên nhân dẫn đến hành động của sinh viên (Mer iam-Webster, 1997). Như vậy, động lực học tập có vai trò vô cùng quan trọng đối với người học nói chung và sinh viên nói riêng. Nếu có động lực học tập, sinh viên sẽ khát khao và hứng thú trong học tập, do đó kết quả thu được thường sẽ rất tích cực.
Biết được những nhân tố ảnh hưởng đến thái độ học tập của sinh viên sẽ giúp những người làm giáo dục dự báo được kết quả học tập, từ đó đưa ra những sự giúp đỡ đối với sinh viên (Kamauru, 2000).
Các nhân tố ảnh hưởng tới động lực học tập của sinh viên, bao gồm:
+ Môi trường học tập
Nghiên cứu của Williams, Kay- lene C, Caroline (2011) cho rằng cần tạo một môi trường học tập để sinh viên cảm thấy gần gũi, an toàn, được tôn trọng và chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Phần lớn sinh viên cho rằng lớp học vui vẻ, không khí học tập sôi nổi, hăng hái, mối quan hệ bạn bè tốt đẹp,… nhằm mở rộng các mối quan hệ xã hội, tăng cường các kỹ năng sống là mong muốn của nhiều sinh viên trong nghiên cứu của Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2012), nghiên cứu này đưa ra giả thuyết:
MT: Sự hài lòng với môi trường học tập tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
+ Điều kiện học tập
Theo Cole và Chan (1994), điều kiện vật chất của lớp học, trang thiết bị dạy và học, môi trường xung quanh và quy mô lớp học có ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên. Cũng theo nghiên cứu nghiên cứu của Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2012), đa phần sinh viên cảm thấy hào hứng hơn với những gì họ được học, được thực hành trong một phòng học có đầy đủ các trang thiết bị, nghiên cứu này đưa ra giả thuyết:
ĐK: Sự hài lòng với điều kiện học tập tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
+ Chương trình đào tạo
Williams, Kaylene C & Coroline (2011) cho rằng chương trình học cần cung cấp cho sinh viên những công cụ để họ có thể áp dụng vào cuộc sống của họ hiện tại và sau này. Nghiên cứu của Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2012) cho rằng sự hài lòng với chuyên ngành đào tạo, hài lòng với nội dung mong muốn khám phá, tìm tòi và do vậy tất yếu sẽ dẫn tới kết quả học tập tốt, nghiên cứu này đưa ra giả thuyết:
CT: Sự hài lòng với chương trình đào tạo tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
+ Chất lượng giảng viên
Trong các trường đại học, viện khoa học, vai trò của giảng viên rất quan trọng để giúp sinh viên thay đổi thái độ đối với việc học. Debo - ra và cộng sự (1999) cho rằng phần lớn sinh viên sẽ nỗ lực học tập nếu giảng viên của họ mong đợi họ học. Nghiên cứu của Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2012) cho rằng giảng viên phải là người khám phá, thúc đẩy và duy trì động lực học tập của sinh viên, đồng thời tham gia vào các hoạt động học tập với vai trò là người hướng dẫn, người định hướng trong học tập, nghiên cứu này đưa ra giả thuyết:
CL: Sự hài lòng với chất lượng giảng viên tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
+ Công tác quản lý
Sự hài lòng của người học đối với các chính sách về quản lý đào tạo, cách thức đánh giá kết quả học tập, tính công bằng và nghiêm túc trong việc thi cử, kết quả học tập có ảnh hưởng đến động lực học tập. Nghiên cứu của Domer (1983) cho rằng sự hài lòng trong học tập của sinh viên được xác định bởi sự khác nhau giữa mức độ mong đợi và kết quả thực tế mà họ thu được. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thùy Dung và cộng sự (2012), để phù hợp với bối cảnh nghiên cứu, tác giả đưa các yếu tố phản ánh công tác quản lý và các hoạt động hỗ trợ đào tạo vào mô hình nghiên cứu, đó là: quản lý đào tạo, công tác sinh viên và hoạt động phong trào, nghiên cứu đưa ra giả thuyết:
QL: Sự hài lòng với các công tác quản lý đào tạo tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
Ngoài ra một số nghiên cứu trước đây có liên quan đến chủ đề này gồm có: Nguyễn Trọng Nhân, Trương Thị Kim Thủy (2014), Hoàng Thị Mỹ Nga, Nguyễn Tuấn Kiệt (2016), Nguyễn Tiến Dũng và cộng sự (2018),... Các nghiên cứu đã cho thấy những kết quả khác nhau về các yếu tố tác động, cũng như mức độ tác động của từng yếu tố đến động lực học tập của sinh viên là không giống nhau.
Nhìn tổng thể các bài nghiên cứu đã giúp cho người đọc có cái nhìn rõ hơn về các nhân tố tác động đến động lực học tập. Động lực học tập không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên mà còn quyết định đến tương lai của họ sau này trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt. Ngoài ra, ta cũng thấy được một số mô hình về động lực học tập đã được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu trước đây. Dựa trên những mô hình này, tác giả đã đề xuất một mô hình nghiên cứu mới để xác định 6 yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐHVL. Các yếu tố bao gồm: môi trường học tập, điều kiện học tập, chương trình đào tạo, chất lượng giảng viên, công tác quản lý và công tác sinh viên.
Dựa trên phân nhóm các yếu tố, tác giả đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên như sau: (Hình 1)
- MT: Môi trường học tập tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
- ĐK: Điều kiện học tập tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
- CT: Chương trình đào tạo tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
- CL: Chất lượng giảng viên tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
- QL: Công tác quản lý đào tạo tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
- CTA: Công tác sinh viên tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên
Thực hiện khảo sát online ngẫu nhiên sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang, trong tháng 3/2024. Bảng câu hỏi khảo sát được gửi đến sinh viên thông qua Google Drive. Mô hình khảo sát đề xuất có 34 quan sát (biến Y: 4 quan sát, các biến X: 30 quan sát), theo Hair và cộng sự (1998): cỡ mẫu cần thiết N = 34*5 =170 quan sát và theo Tabacknick & Fidell (1996): n ≥ 8m + 50 ≈ n ≥ 8 x 6 + 50 = 98. Để thỏa mãn cả 2 điều kiện cần khoảng 150 quan sát, bài nghiên cứu có bộ dữ liệu khảo sát được thu thập từ phần trả lời của 160 sinh viên, trong đó có 150 câu trả lời hợp lệ. Phần mềm SPSS 26.0 để hỗ trợ phân tích, kết quả thực hiện mô hình nghiên cứu.
3. Kết quả nghiên cứu
Bước 1: Kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha
Hệ số Cronbach’s Alpha kiểm định độ tin cậy trong thang đo, xác định và loại bỏ các yếu tố không phù hợp của mô hình nghiên cứu. Kết quả cho thấy các biến trong thang đo có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6, hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha như thể hiện tại Bảng 1.
Bước 2: Phân tích khám phá EFA
Phân tích Nhân tố khám phá (EFA - Exploratory factor analysis) để phân tích dữ liệu khảo sát nhận được. Sau khi loại biến không phù hợp, các thang đo đã được kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha trên được đưa vào sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá EFA với phương pháp trích “Principal Component” và ma trận xoay Varimax.
Phân tích nhân tố cho các biến độc lập, kết quả kiểm định KMO cho thấy KMO = 0,892 (> 0,5) và có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ dữ liệu đủ điều kiện thực hiện phân tích nhân tố khám phá, Sig. (Bartlett’s Test) = 0,000 (sig. < 0,05) chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Kết quả EFA cho thấy đạt yêu cầu: Eigenvalue = 1,051 (>1) đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi nhân tố, thì nhân tố rút ra có ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất; tổng phương sai trích - Rotation Sums of Squared Loadings (Cumulative %) = 66,853% (> 50%), nghĩa là các nhân tố giải thích được 66,853% biến thiên của của dữ liệu được giải thích bởi 5 nhân tố. 24 biến độc lập được gom thành 5 nhân tố, tất cả các biến số có hệ số Factor Loading > 0,5.
Tương tự, khi phân tích nhân tố cho biến phụ thuộc, ta có kết quả như sau: kết quả kiểm định KMO cho thấy KMO = 0,700 và có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ dữ liệu đủ điều kiện thực hiện phân tích nhân tố khám phá; Sig. (Bartlett’s Test) = 0.000 (sig. < 0.05) chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Kết quả EFA cho thấy đạt yêu cầu: Eigenvalue = 2,078 (>1) đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi nhân tố, thì nhân tố rút ra có ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất; tổng phương sai trích - Rotation Sums of Squared Loadings (Cumulative %) = 69,277% (> 50%) nghĩa là các nhân tố giải thích được 69,277% biến thiên của của dữ liệu được giải thích bởi 1 nhân tố.
Từ kết quả nhận được sau khi thực hiện các kỹ thuật phân tích trên, ta có phương trình hồi quy tuyến tính:
Y = 𝜷1𝑿𝟏 + 𝜷𝟐𝑿𝟐 + 𝜷3𝑿3 + 𝜷4𝑿4 + 𝜷5𝑿5
Đặt các biến trong phương trình hồi quy đa biến như sau:
• X1: CÔNG TÁC QUẢN LÝ (là trung bình của các biến CTA1, CTA2, QL3, QL4, QL5)
• X2: CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (là trung bình của các biến CT1, CT2, CT3, ĐK5)
• X3: ĐIỀU KIỆN MÔI TRƯỜNG (là trung bình của các biến MT3, MT4, MT5, ĐK1, ĐK3)
• X4: CHẤT LƯỢNG GIẢNG VIÊN (là trung bình của các biến CL1, CL2, CL3, CL4, CL5)
• X5: CÔNG TÁC HỌC TẬP VÀ THI CỬ (là trung bình của các biến QL1, QL2, CL6, CL7, CTA3)
• Y: ĐỘNG LỰC HỌC TẬP (là trung bình của các biến ĐC1, ĐC2, ĐC3)
Bước 3: Phân tích hồi quy tuyến tính
Phân tích hồi quy sẽ xác định mối quan hệ giữa biến phụ thuộc (động lực học tập) và các biến độc lập (công tác quản lý, chương trình đào tạo, điều kiện môi trường, chất lượng giảng viên, công tác học tập và thi cử). (Bảng 2)
Bảng 2. Phân tích các hệ số hồi quy
Mô hình |
R |
R2 |
R2 hiệu chỉnh |
Sai số chuẩn của ước lượng |
3 |
0,720c |
0,518 |
0,509 |
0,49755 |
Durbin Waston (c) = 1,998 F = 52,406, Sig. F. = 0,000 |
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS
(c: mô hình gồm 4 biến độc lập X5, X2 và X1)
R2 hiệu chỉnh = 0,509 cho thấy sự tương thích của mô hình với biến quan sát là rất lớn và biến phụ thuộc gần như hoàn toàn được giải thích bởi 3 biến độc lập trong mô hình. Trị số F và mức ý nghĩa Sig. = 0,000 cho thấy mô hình hồi quy gồm 3 biến độc lập là X5, X2, X1, biến phụ thuộc Y phù hợp với dữ liệu thực tế thu thập được và các biến đưa vào đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%. Hệ số Durbin Watson dùng để kiểm định tương quan chuỗi bậc nhất cho thấy mô hình không vi phạm khi sử dụng phương pháp hồi quy bội, vì giá trị DW đạt được là 1,998 (nằm trong khoảng từ 1 đến 3) và chấp nhận giả thuyết không có sự tương quan chuỗi bậc nhất trong mô hình. Như vậy, mô hình hồi quy bội thỏa các điều kiện đánh giá và kiểm định độ phù hợp cho việc rút ra các kết quả nghiên cứu. (Bảng 3)
Bảng 3. Kết quả hồi quy
Mô hình 3 |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
t |
Mức ý nghĩa Sig. |
Thống kê hiện tượng đa cộng tuyến |
||
B |
Độ lệch chuẩn |
Beta |
Tolerance |
Hệ số phóng đại phương sai VIF |
|||
Hằng số |
1,491 |
0,287 |
|
1,710 |
0,089 |
|
|
X5 |
0,550 |
0,088 |
0,469 |
6,243 |
0,000 |
0,585 |
1,711 |
X2 |
0,181 |
0,044 |
0,254 |
4,133 |
0,000 |
0,874 |
1,144 |
X1 |
0,169 |
0,063 |
0,190 |
2,674 |
0,008 |
0,652 |
1,535 |
Nguồn: Kết quả phân tích SPSS
Các biến được chấp nhận do có giá trị Tolerance > 0,0001. Đại lượng chuẩn đoán hiện tượng đa cộng tuyết với hệ số phóng đại phương sai VIF (Variance Inflation Factor) < 10, chứng tỏ mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến. Các giả định phân phối chuẩn không bị vi phạm.
Động lực học tập của sinh viên được giải thích hoàn toàn thông qua các biến độc lập Xi (công tác quản lý thi cử, chương trình đào tạo, công tác quản lý):
ĐỘNG LỰC HỌC TẬP = 0,469* CÔNG TÁC HỌC TẬP VÀ THI CỬ + 0,254*CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO + 0,190*CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Trong đó: Nếu biến X5 (CÔNG TÁC HỌC TẬP VÀ THI CỬ) tăng 1 đơn vị thì biến Y (ĐỘNG LỰC HỌC TẬP) sẽ tăng 0,469 đơn vị, tương tự như vậy; nếu biến X2 (CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO) tăng 1 đơn vị thì biến Y sẽ tăng 0,254 đơn vị và cuối cùng nếu biến X1 (CÔNG TÁC QUẢN LÝ) tăng 1 đơn vị thì biến Y sẽ tăng 0,190 đơn vị.
4. Kết luận và giải pháp
Từ kết quả phân tích, tác giả nhận thấy động lực học tập rất quan trọng với sinh viên. Có sự khao khát về phát triển năng lực bản thân sẽ giúp sinh viên tạo ra động lực học tập, kiên trì không bỏ cuộc, nỗ lực để thành công. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang có động lực học tập như sau:
Thứ nhất, trong quá trình giảng dạy, giảng viên có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hứng thú từ sinh viên thông qua bài giảng, phương pháp truyền đạt, do đó giảng viên cần chú trọng tạo không khí vui vẻ và sôi động trong lớp học, kích thích sinh viên thảo luận đưa ra ý tưởng và quan điểm mới, chủ động sáng tạo. Về phía Nhà trường cần chú trọng đảm bảo tính công bằng và nghiêm túc trong thi cử, đảm bảo công tác quản lý điểm số, có trách nhiệm giải đáp thắc mắc về điểm thi, điểm phúc khảo,...
Thứ hai, đối với chương trình học, Khoa và Nhà trường cần xây dựng một chương trình linh hoạt và thực tế, đáp ứng yêu cầu và xu hướng, có tính ứng dụng cao và đảm bảo sinh viên có cơ hội tham gia vào các dự án thực tế, thực tập và nghiên cứu khoa học. Điều này giúp sinh viên áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, phát triển kỹ năng thực tế và tăng cường động lực học tập. Ngoài ra, Khoa và Trường nên mở rộng sử dụng phương pháp giảng dạy dự án trong các môn chuyên ngành và đưa thêm học phần mô phỏng, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận, tương tác thực tế để khám phá thông tin trong các lĩnh vực ngành nghề. Đồng thời, tăng cường tổ chức các học kỳ doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu, hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức trong ngành để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Điều này giúp sinh viên mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm hiểu thêm về ngành nghề và tạo thêm động lực học tập.
Thứ ba, công tác hỗ trợ và tư vấn học tập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên động lực học tập. Nhà trường cần cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn học tập cho sinh viên, như hướng dẫn về lộ trình học tập, lựa chọn môn học phù hợp và giúp sinh viên vượt qua khó khăn trong quá trình học tập. Sự quan tâm và hỗ trợ này giúp sinh viên cảm thấy được đồng hành và tăng động lực học tập, Nhà trường cần thiết lập các chương trình đánh giá và khen thưởng để khuyến khích sự nỗ lực học tập của sinh viên. Đánh giá và khen thưởng có thể dựa trên thành tích học tập và đóng góp trong quá trình học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Dung, N. T., & Anh, P. T. T. (2012). Những nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên: Nghiên cứu tại một trường ở đại học Hà Nội. Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số đặc biệt, trang, 24-30.
- Nhân, N. T., & Thủy, T. T. K. (2014). Những nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên ngành Việt Nam học, Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Đại học cần Thơ, (33), 106-113.
- Nga, H. T. M., & Kiệt, N. T. (2016). Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, (46), 107-115.
- Trần, T. N. (2018). Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Tây Đô (Doctoral dissertation, Đại học Tây Đô).
- Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Nghiên cứu phân tích dữ liệu với SPSS (tập 1, 2). NXB Hồng Đức.
Factors affecting the learning motivation of students of the Faculty of Finance - Banking, Van Lang University
Master. Le Nguyen Quynh Phuong
Faculty of Finance – Banking, Van Lang University
Abstract:
This study explored the factors affecting the learning motivation of students of the Faculty of Finance - Banking, Van Lang University. A questionnaire was used to randomly survey 150 students. The study’s results showed that there are several factors positively impacting the learning motivation of students, including study and examination, training programs, and student management. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to promote and improve the learning motivation of students of the Faculty of Finance and Banking, Van Lang University.
Keywords: learning motivation, student, Faculty of Finance - Banking, Van Lang University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]