TÓM TẮT:
Bài viết tập trung phân tích thực trạng trải nghiệm cảm xúc âm tính trong giao tiếp với giảng viên của sinh viên ngành Quản trị Khách sạn khóa 17, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh qua việc khảo sát trên 150 sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Quản trị Khách sạn khóa 17 thường xuyên trải nghiệm các cảm xúc âm tính khác nhau. Trong đó, các cảm xúc âm tính thường gặp nhất là cảm xúc lo lắng, không hài lòng, buồn và cảm xúc mất hứng thú.
Từ khóa: cảm xúc âm tính, trải nghiệm cảm xúc, sinh viên, giảng viên.
1. Đặt vấn đề
Theo nhóm tác giả D.R. Caruso và P. Salovey (2004): “Các xúc cảm có thể thúc đẩy suy nghĩ của chúng ta và có thể trợ giúp cho tư duy của chúng ta, thúc đẩy việc giải quyết vấn đề và hỗ trợ tìm ra nguyên nhân. Nếu chúng ta có tâm trạng tích cực, chúng ta có thể tạo ra những ý tưởng mới thú vị và có xu hướng giải quyết tốt hơn các vấn đề, chẳng hạn như nảy sinh ý tưởng về một kế hoạch tiếp thị mới. Nếu chúng ta ở trong tâm trạng hơi tiêu cực, chúng ta lại tập trung chú ý hơn vào các chi tiết và có thể giải quyết tốt hơn việc tìm nguyên nhân của vấn đề, chẳng hạn như tìm ra lỗi của một báo cáo tài chính” [1].
Từ đó cho thấy về lý luận cũng như thực tiễn, cảm xúc là một trong những chất liệu nền tảng làm nên đời sống tâm lý cá nhân. Việc nghiên cứu trải nghiệm cảm xúc nói chung và cảm xúc âm tính nói riêng rất cần thiết, giúp chúng ta biết cách kiểm soát tốt những cảm xúc tiêu cực, tránh được những rủi ro trong giao tiếp và cuộc sống.
Kinh doanh khách sạn trong bối cảnh có nhiều biến động do ảnh hưởng của lạm phát, chiến tranh, biến đổi khí hậu là bài toán khó cho các doanh nghiệp. Do vậy, chất lượng đội ngũ là vấn đề quan trọng, trong đó kiểm soát được cảm xúc tiêu cực khi làm nghề là một trong tiêu chí doanh nghiệp tuyển dụng rất coi trọng. Tìm hiểu thực trạng trải nghiệm cảm xúc âm tính của sinh viên ngành quản trị khách sạn giúp sinh viên có cơ hội nhận diện các cảm xúc âm tính khi giao tiếp với giảng viên, nhờ vậy rút ra những bài học đúng đắn trong giao tiếp, bên cạnh đó còn là cơ sở quan trọng giúp người giảng viên thay đổi tư duy nghề nghiệp, hoàn thiện bản thân đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội trong bối cảnh hiện nay.
2. Cơ sở nghiên cứu
2.1. Lý luận khái quát về cảm xúc âm tính trong giao tiếp
2.1.1. Khái niệm cơ bản
2.1.1.1. Giao tiếp là gì?
Theo Chu Văn Đức (2005) định nghĩa: Giao tiếp là hoạt động xác lập, vận hành các mối quan hệ giữa con người với con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định [tr 13].
2.1.1.2. Cảm xúc là gì?
Có rất nhiều tác giả trong nước như: Lê Mỹ Dung (2013); Đinh Hồng Vân (2014); Trần Thành Nam (2015); Nguyễn Bá Phu (2016); Nguyễn Thị Thanh Vân (2019)… nghiên cứu về cảm xúc. Theo tác giả Phan Thị Tố Oanh (2016): “Cảm xúc là những rung động của con người đối với từng sự vật hiện tượng riêng lẻ có liên quan đến nhu cầu, động cơ của người đó trong những tình huống nhất định”.
2.1.1.3. Cảm xúc âm tính là gì?
Cảm xúc âm tính là một loại cảm xúc thường gặp ở con người. Trong lịch sử tiến hóa, cảm xúc âm tính có vai trò quan trọng trong việc kích thích hành động tích cực để bảo vệ sự tồn tại của cá thể và giống loài. Các cảm xúc âm tính như lo âu, buồn phiền, tức giận… được nảy sinh khi con người đánh giá sự kiện gây nên cảm xúc không thỏa mãn được nhu cầu (Nguyễn Quang Uẩn, Trần Trọng Thủy, 2003) hay không phù hợp với mục tiêu của họ (Lazarus, 1991). Tiêu chí phân loại dựa vào sự phù hợp mục tiêu, dựa vào nhu cầu của con người, do đó, cảm xúc âm tính được quan niệm là “những rung động thể hiện thái độ khó chịu, không thoải mái của cá nhân đối với các sự vật, hiện tượng có liên quan đến việc không thỏa mãn nhu cầu của họ”. (Đinh Thị Hồng Vân, 2014, tr 24)
Dưới góc nhìn của tác giả Nguyễn Thị Thanh Vân (2019): “Cảm xúc âm tính được hiểu là những cảm xúc biểu hiện sự không thỏa mãn nhu cầu, làm mất hứng thú, giảm nghị lực như tức giận, buồn chán, lo âu… và những cảm xúc này ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập và rèn luyện tại trường của sinh viên” [tr33].
Tóm lại: Các tác giả khi nghiên cứu về cảm xúc âm tính đều đưa ra những đặc trưng cơ bản sau:
- Cảm xúc thể hiện sự khó chịu, không thoải mái của con người đối với hiện thực khách quan và chính bản thân.
- Con người chỉ thể hiện cảm xúc âm tính khi cá nhân đánh giá sự kiện không thỏa mãn được các nhu cầu của họ.
- Được biểu hiện rõ thông qua những biến đổi sinh lý và hành vi, cử chỉ bên ngoài.
- Cảm xúc âm tính mang bản chất xã hội lịch sử.
Do đó, khi nghiên cứu cảm xúc âm tính cần chú ý nhiều tới bối cảnh hiện thực khách quan tại thời điểm cụ thể và cả dấu ấn của xu thế thời đại.
2.1.2. Các loại cảm xúc âm tính phổ biến hiện nay
Có khá nhiều cách phân loại cảm xúc, mỗi tác giả có những căn cứ làm tiêu chí khác nhau. Nhưng theo Đinh Thị Hồng Vân (2014, tr.24), căn cứ vào mức độ thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống, cảm xúc có thể được chia thành 2 loại: cảm xúc âm tính và cảm xúc dương tính.
+ Cảm xúc dương tính là cảm xúc biểu hiện sự thỏa mãn nhu cầu, làm tăng nghị lực, thúc đẩy hoạt động như: cảm xúc vui sướng, hạnh phúc, tự hào, yêu thương, hi vọng, biết ơn...
+ Cảm xúc âm tính là cảm xúc biểu hiện sự không thỏa mãn nhu cầu, làm mất hứng thú, giảm nghị lực như: tức giận, cảm xúc buồn rầu, lo âu, xấu hổ, lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi, khinh bỉ, ghen tỵ, đố kỵ…
Hiện nay các cảm xúc âm tính đang có xu hướng lan rộng và phổ biến ở sinh viên và giới trẻ. Những cảm xúc âm tính có thể đem lại những ảnh hưởng vừa tích cực, vừa tiêu cực. Về phương diện tâm lý, hiện nay một số cảm xúc âm tính là nguyên nhân dẫn đến một số rối nhiễu tâm lý khá trầm trọng như: trầm cảm, rối loạn hành vi và các biểu hiện bệnh lí tâm thần khác như mệt mỏi tinh thần, mất tập trung, trí lực giảm sút, hành vi tự hủy hoại bản thân (Birmaher và các cộng sự, 1996). Cảm xúc âm tính cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích học tập của sinh viên. Vì vậy, nghiên cứu các cảm xúc âm tính và cách phòng tránh là việc làm cần thiết, ý nghĩa ở mọi thời đại.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Để tìm hiểu thực trạng trải nghiệm cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường của sinh viên ngành Quản trị Khách sạn khóa 17 (sinh viên năm 3) với giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Tác giả sử dụng phối hợp các phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, phương pháp phỏng vấn và phương pháp thống kê toán học. Trong đó, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chính. Số lượng phiếu điều tra 200 sinh viên, lọc và xử lý độ tin cậy lấy số lượng mẫu là 150 sinh viên ngành Quản trị khách sạn khóa 17.
Nội dung chính của bảng hỏi bao gồm:
Câu 1, chúng tôi đưa ra 10 tình huống hay xảy ra trong giao tiếp giữa sinh viên với giảng viên, nhằm tìm hiểu thực trạng trải nghiệm các cảm xúc âm tính thường gặp trên giảng đường của sinh viên Ngành Quản trị Khách sạn Khóa 17. Chcúng tôi nghiên cứu ảm xúc âm tính là: giận dữ, lo lắng, buồn, không hài lòng, mất hứng thú, chán nản. Nếu không có cảm xúc tương ứng, người khảo sát có thể đánh dấu vào ô cảm xúc khác.
Câu 2, tác giả tìm hiểu tần suất sự trải nghiệm các cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, khóa 17 với giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh ở 5 mức độ: không bao giờ, hiếm khi (vài lần trong năm), thỉnh thoảng (vài lần trong tháng), thường xuyên (vài lần trong tuần) và rất thường xuyên (hầu như ngày nào cũng có).
3. Kết quả nghiên cứu
Tác giả đã khảo sát mức độ trải nghiệm cảm xúc âm tính trong giao tiếp của sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17 với giảng viên khi học trên lớp qua một số môn học như: Tâm lý học du lịch; Kỹ năng giao tiếp; Quản trị tiền sảnh cụ thể tìm hiểu các vấn đề:
- Trong giao tiếp với giảng viên, những tình huống nào thường làm nảy sinh cảm xúc âm tính ở sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17?
- Các cảm xúc âm tính sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17 thường gặp là cảm xúc nào?
- Mức độ trải nghiệm các cảm xúc âm tính này ở sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17 có thường xuyên hay không?
Đồng thời kết hợp phỏng vấn trực tiếp 20 sinh viên một cách ngẫu nhiên trong nhóm 150 sinh viên khảo sát. Các câu hỏi phỏng vấn chính là 10 tình huống và các cảm xúc âm tính dùng đo tần suất thể hiện. Kết quả khảo sát thể hiện ở Bảng 1 và Bảng 2.
Bảng 1. Thực trạng trải nghiệm cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, khóa 17 (năm 3) với giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong các tình huống (N= 150)
Tình huống |
Giận dữ % |
Lo lắng % |
Buồn % |
Không hài lòng % |
Mất hứng thú % |
Chán nản % |
Cảm xúc khác % |
1. Sinh viên đi học trễ bị cô phê bình nhiều lần. |
0 |
16 |
16 |
26 |
12 |
0 |
30 |
2. Sinh viên sử dụng điện thoại làm việc riêng khi cô giảng bài, cô tạm thu điện thoại và phê bình |
0 |
0 |
36 |
36 |
16 |
0 |
12 |
3. Sinh viên nộp bài tập không đúng thời hạn cô qui định |
0 |
56 |
26 |
0 |
0 |
0 |
18 |
4. Cô yêu cầu rất cao về kỹ năng làm việc nhóm trên lớp. |
0 |
72 |
0 |
0 |
0 |
0 |
28 |
5. Cô thiên vị và thiếu công bằng giữa các nhóm sinh viên |
0 |
12 |
38 |
36 |
0 |
8 |
6 |
6. Cô sử dụng PP dạy học chưa khêu gợi tính tích cực ở sinh viên |
0 |
0 |
16 |
40 |
32 |
0 |
12 |
7. Sinh viên phải chạy deadline tần xuất quá nhiều |
0 |
66 |
0 |
22 |
0 |
0 |
12 |
8. Thỉnh thoảng cô nổi nóng với sinh viên |
0 |
0 |
18 |
52 |
12 |
6 |
12 |
9. Cô yêu cầu cao với sinh viên về kiến thức thực tiễn nghề nghiệp khách sạn |
0 |
52 |
8 |
24 |
0 |
8 |
8 |
10. Cô đánh giá và cho điểm sinh viên khá khắt khe |
0 |
24 |
32 |
18 |
12 |
4 |
10 |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Kết quả thể hiện ở Bảng 1 kết hợp với phỏng vấn trực tiếp 20 sinh viên ngẫu nhiên trong nhóm mẫu 150 sinh viên khảo sát cho thấy cảm xúc lo lắng, không hài lòng và buồn là phổ biến trong các tình huống giao tiếp của sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17 với giảng viên trên giảng đường
Bảng 2. Mức độ xảy ra các cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường
với giảng viên của sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17
Cảm xúc âm tính |
Mức độ xảy ra |
|||||||||
Không bao giờ |
Hiếm khi |
Thỉnh thoảng |
Thường xuyên |
Rất thường xuyên |
||||||
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
|
Giận dữ |
141 |
94 |
9 |
6 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Lo lắng |
0 |
0 |
9 |
6 |
39 |
26 |
93 |
62 |
9 |
6 |
Buồn |
12 |
8 |
12 |
8 |
120 |
80 |
6 |
4 |
0 |
0 |
Không hài lòng |
18 |
12 |
9 |
6 |
114 |
76 |
9 |
6 |
0 |
0 |
Mất hứng thú |
27 |
18 |
30 |
20 |
87 |
58 |
6 |
4 |
0 |
0 |
Chán nản |
111 |
74 |
18 |
12 |
18 |
12 |
3 |
2 |
0 |
0 |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Số liệu từ Bảng 2 cũng kết hợp với phỏng vấn trực tiếp 20 sinh viên ngẫu nhiên trong nhóm mẫu 150 sinh viên khảo sát cho thấy, tần suất xảy ra cảm xúc lo lắng ở mức độ “thường xuyên” khá cao so với các cảm xúc âm tính còn lại. Tiếp theo là các cảm xúc buồn, không hài lòng, mất hứng thú chiếm tần suất cao ở mức “thỉnh thoảng”. Cảm xúc “chán nản” rải đều ở các mức không bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng và thường xuyên, nhưng tỷ lệ thường xuyên thấp. Tất cả các cảm xúc âm tính đo được ở sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, khóa 17 phù hợp với thực tiễn trong giao tiếp trên lớp khi học các môn nói trên. Do vậy, khi giao tiếp với sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, các thầy cô cần cố gắng giảm thiểu sự lo lắng, buồn và không hài lòng ở sinh viên. Tạo điều kiện cho sinh viên tự tin hơn về bản thân để học tập tốt hơn.
4. Kết luận
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường của giảng viên với sinh viên nói chung là rất cần thiết hiện nay, một mặt giúp bản thân sinh viên nhận diện chính xác cảm xúc âm tính của mình để kiểm soát tốt hơn cân bằng cuộc sống và học tập, mặt khác giúp giảng viên chọn cách ứng xử phù hợp nhằm tăng uy tín nghề nghiệp.
Kết quả khảo sát thực trạng trải nghiệm cảm xúc âm tính trong giao tiếp trên giảng đường của giảng viên với sinh viên năm 3 ngành Quản trị Khách sạn cho thấy cảm xúc âm tính phổ biến là: cảm xúc lo lắng; không hài lòng và buồn xuất hiện nhiều hơn so với các cảm xúc âm tính khác. Theo tác giả, nguyên nhân chủ yếu do áp lực học tập, áp lực cuộc sống, những thói quen chưa tốt ảnh hưởng tới hình thành cảm xúc âm tính này.
Từ các kết quả thu được như trên, tác giả cho rằng trong công tác đào tạo giảng viên cũng như các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trong ngành Giáo dục, cần thiết phải trang bị cho giảng viên những kiến thức, kỹ năng để đương đầu hiệu quả với các cảm xúc âm tính này như: trang bị cho giảng viên các hiểu biết cơ bản về cảm xúc âm tính. Cũng từ kết quả này nhắc nhở sinh viên trải nghiệm nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, bên cạnh đó giảng viên, trường đại học luôn đồng hành cùng sinh viên, tạo nhiều cơ hội để sinh viên được trải nghiệm nhiều loại cảm xúc để phát triển tốt kỹ năng nhận diện và kiểm soát cảm xúc đặc biệt là cảm xúc âm tính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chu Văn Đức (Chủ biên, 2005). Giáo trình kỹ năng giao tiếp. NXB Hà Nội, tr 13.
2. Phan Thị Tố Oanh (2016). Giáo trình Tâm lý học đại cương. NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội; trang 121.
3. Huỳnh Văn Sơn, Lê Thị Hân (Chủ biên), Trần Thị Thu Mai, & Nguyễn Thị Uyên Thy (2018). Giáo trình Tâm lý học đại cương. NXB Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
4. Trần Trọng Thủy (Chủ biên), Nguyễn Quang Uẩn (2003). Tâm lý học đại cương. NXB Giáo dục, Hà Nội.
5. Đinh Thị Hồng Vân (2014). Cách ứng phó với những cảm xúc âm tính trong quan hệ xã hội của trẻ vị thành niên thành phố Huế. Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trang 30,31.
6. Nguyễn Thị Thanh Vân (2019). Sự kiểm soát cảm xúc của sinh viên các trường đại học Công an nhân dân khu vực phía Nam. Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trang 33.
7. Birmaher B., Ryan N. D., Williamson D. E., Brent D. a, Kaufman J., Dahl R. E., Perel J., et al. (1996). Childhood and adolescent depression: a review of the past 10 years. Part I, Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry, 35(11), 1427-39.
8. Caruso D.R., Salovey P. (2004). The Emotionally Intelligent Manager - How to develop and use four key emotional skills of leadership. Jossey - Bass, 43-44.
Examining negative emotional experiences in classroom communication
between lecturers and hotel management students (Course 17)
at Ho Chi Minh City University of Industry
Le Thi Thuong
Industrial University of Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study investigates the prevalence of negative emotional experiences in communication between lecturers and students majoring in Hotel Management, Course 17, at the Ho Chi Minh City University of Industry. A survey conducted with 150 students reveals that these students frequently encounter various negative emotions. The most commonly experienced emotions include anxiety, dissatisfaction, sadness, and a loss of interest. The findings highlight the emotional challenges faced by hotel management students and underscore the need for targeted interventions to improve communication dynamics and support students' emotional well-being in higher education settings.
Keywords: negative emotions, emotional experience, student, lecturer.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]