TÓM TẮT:
Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn được Nhà nước chú trọng về đầu tư công. Bài viết phân tích những tác động của đầu tư công đến kinh tế các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công của khu vực.
Từ khóa: đầu tư công, kinh tế, tác động, Duyên hải Nam Trung bộ.
1. Đặt vấn đề
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực có vị trí địa lý chiến lược, kết nối giữa miền Bắc và miền Nam, đồng thời có đường bờ biển dài với nhiều cảng nước sâu, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế biển. Khu vực này còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Đầu tư công (ĐTC) đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại đây, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, khu công nghiệp và đô thị. Việc phân bổ nguồn vốn ĐTC hợp lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mà còn nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hút vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và hạ tầng chưa đồng bộ, ĐTC đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Việc nghiên cứu tác động của ĐTC đến kinh tế khu vực này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, giúp đưa ra các chính sách phù hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực. Bài viết phân tích thực trạng và tác động của ĐTC tới kinh tế của các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thời gian vừa qua. Qua đó, đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Tình hình đầu tư công ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ
ĐTC ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng miền nói chung, các địa phương nói riêng. Tỉ trọng ĐTC trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2014 - 2024 luôn có sự biến động qua các năm: Phú Yên (36,7% trong năm 2018), Quảng Nam (32,5% trong năm 2018), Ninh Thuận (36,8% trong năm 2014), Đà Nẵng (31,3% trong năm 2024)[1]. Điều này cho thấy, cơ sở hạ tầng của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua còn đang ở mức thấp, chưa phát triển, nên Nhà nước vẫn tiếp tục chú trọng đầu tư. Điểm chung trong tổng vốn ĐTC của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm tỉ trọng trên 50% trong tổng vốn ĐTC và có xu hướng tăng dần qua các năm. Nguồn vốn đầu tư trong nước luôn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng vốn ngân sách trung ương (trên 55%). Nguồn vốn nước ngoài tại các tỉnh mặc dù không ổn định giữa các năm nhưng cũng đã có xu hướng tăng lên - đây chính là kết quả của các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Vùng.
Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ luôn dành phần lớn vốn ĐTC cho khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, xây dựng; tỉ trọng vốn ĐTC khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản thấp, mức phân bổ của mỗi địa phương không giống nhau. Nguyên nhân xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ luôn xác định “du lịch” là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế nhằm tạo điều kiện cải thiện đời sống nhân dân, thu hút các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất kinh doanh.
Vùng Duyên hải Nam trung bộ luôn tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư các công trình thủy lợi, đê điều, kho bãi, các công trình chống xói mòn sạt lở đất, xâm nhập mặn, kho bãi... Coi ĐTC là vốn mồi để nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống ngày càng nâng cao, giảm chênh lệch vùng miền, thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu.
Thực trạng tác động của đầu tư công đến kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ
Thứ nhất, tác động của ĐTC đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế.
Những năm qua, ĐTC đã có vai trò định hướng và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. (Bảng 1)
Bảng 1. Tổng vốn ĐTC và tốc độ tăng trưởng GRDP của các tỉnh
Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2014 - 2024
Địa phương |
Năm 2014 |
Năm 2018 |
Năm 2024 |
|||
Tổng vốn ĐTC (tỉ đồng) |
Tăng trưởng GRDP so với năm 2015 (%) |
Tổng vốn ĐTC (tỉ đồng) |
Tăng trưởng GRDP so với năm 2017 (%) |
Tổng vốn ĐTC (tỉ đồng) |
Tăng trưởng GRDP so với năm 2023 (%) |
|
Đà Nẵng |
6002 |
+ 7,69 |
7076 |
+ 9,04 |
+ 3,85 |
|
Bình Định |
2632 |
+ 6,72 |
6511 |
+ 9,34 |
15819 |
+ 8,15 |
Khánh Hòa |
3715 |
+ 7,02 |
5091 |
+ 8,55 |
8269 |
+ 9,28 |
Ninh Thuận |
3178 |
+ 10,2 |
4259 |
+ 12,4 |
3186 |
+ 9,34 |
Bình Thuận |
1339 |
+ 7,41 |
2801 |
+ 7,91 |
4784 |
+ 8,11 |
Quảng Nam |
4824 |
+ 8,11 |
7515 |
+ 11,4 |
7268 |
- 3,52 |
Quảng Ngãi |
2800 |
+ 8,2 |
2675 |
+ 9,3 |
6902 |
+ 8,33 |
Phú Yên |
4261 |
+ 8,21 |
5801 |
+ 8,7 |
4548 |
+ 8,78 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014, 2018, 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, 2019, 2025 của 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ
Thời kỳ 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP của các tỉnh đều đạt ở mức tăng trưởng dương và năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Đây chính là minh chứng cho thấy mối tương quan cùng chiều giữa giữa tốc độ tăng trưởng GRDP với tổng vốn ĐTC của vùng. Thời kỳ 2019 - 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của các tỉnh cơ bản là sụt giảm, mặc dù vẫn đạt ở mức tăng trưởng dương. Đây là thời kỳ Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao; đồng thời là những biến đổi về khí hậu và ảnh hưởng của căng thẳng chính trị thế giới đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cả nước nói chung, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Đáng chú ý, Quảng Nam là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP mức âm (giảm 3,52 % so với năm 2023).
Thứ hai, tác động của đầu tư công đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những năm qua, ĐTC đã tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Tốc độ tăng trưởng các khu vực kinh tế đều tăng, trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khi thường xuyên đạt ở mức tăng hai con số: Đà Nẵng tăng 4,6%; Bình Định tăng 8,5%; Khánh Hòa tăng 10,3%; Ninh Thuận tăng 7,9%; Bình Thuận tăng 11,3%; Quảng Nam tăng 4,5; Quảng Ngãi tăng 23,9%; Phú Yên tăng 9,8%. Xếp thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng: Đà Nẵng giảm 0,5%; Bình Định tăng 9,8%; Khánh Hòa tăng 14,9%; Ninh Thuận tăng 15,1%; Bình Thuận tăng 7,7%; Quảng Nam giảm 11,7%; Quảng Ngãi tăng 9,3%; Phú Yên tăng 11,5%. Cuối cùng là nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đà Nẵng tăng 01,3%; Bình Định tăng 3,1%; Khánh Hòa tăng 4,2%; Ninh Thuận tăng 4,9%; Bình Thuận tăng 3,0%; Quảng Nam giảm 2,8%; Quảng Ngãi tăng 2,6%; Phú Yên tăng 3,3%[2].
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ chưa thực sự bền vững khi một số địa phương vẫn có tình trạng tăng trưởng âm. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Khánh Hòa giảm 4,2% so với năm 2017[3]. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng giảm so với năm 2023. Trong đó, TP. Đà Nẵng giảm 0,5% và tỉnh Quảng Nam giảm 11,7% so với năm 2023. Điểm chung của 2 địa phương là tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh thì phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức suy thoái toàn cầu, dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên, vật liệu khan hiếm,... Ngành Xây dựng gặp khó khăn do giá cả tăng cao; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao. Tình hình xây dựng các dự án đầu tư tư khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều dự án nhà ở, thương mại dịch vụ chậm tiến độ; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa phục hồi...
Về cơ bản, ĐTC đã góp phần làm cơ cấu kinh tế của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ, thương mại, du lịch và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Đà Nẵng và Khánh Hòa là những địa phương đạt tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh nhất. Riêng năm 2024, Đà Nẵng có tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 69,0%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%. Khánh Hòa có tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm 48,1%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,3%. Đây vừa là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Đà Nẵng và Khánh Hòa. Đây là địa phương phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, bởi vậy dưới tác động của đại dịch Covid-19, Khánh Hòa, Đà Nẵng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2024, Quảng Ngãi là tỉnh có tỉ trọng công nghiệp - xây dựng lớn nhất trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (chiếm 56,3%), trong đó động lực của ngành và của GRDP toàn tỉnh là ngành Lọc hóa dầu. [136, tr.108]. Nhìn chung, nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi chịu sự tác động của những biến động về giá dầu, nhu cầu tiêu dùng của sản phẩm dầu và kế hoạch hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Các tỉnh còn lại của Duyên hải Nam Trung Bộ có tốc độ chuyển dịch nền kinh tế của Vùng còn chậm. Mặc dù tỉ trọng GRDP ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đã giảm xuống mức khá thấp nhưng quy mô dân và người lao động sinh sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn tương đối nhiều, khả năng sản xuất còn lớn. Bên cạnh đó, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản. Vì vậy, tăng trưởng GRDP ngành đạt mức khá cao, dẫn đến ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn đóng góp quan trọng cho GRDP của Vùng.
Thứ ba, tác động của đầu tư công đến phát triển doanh nghiệp.
Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ đã rất chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Năm 2014, Đà Nẵng có 3.827 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký 12.650 tỷ đồng; đến năm 2024, con số này đạt 3.947 doanh nghiệp với vốn đăng ký tăng lên 26.102 tỷ đồng. Tại Bình Định, số doanh nghiệp thành lập mới tăng từ 525 vào năm 2014 lên 1.103 vào năm 2024, kéo theo mức vốn đăng ký từ 1.530 tỷ đồng lên 9.384 tỷ đồng. Khánh Hòa cũng có sự tăng trưởng đáng kể khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng từ 1.699 lên 2.117 doanh nghiệp, vốn đăng ký tăng từ 9.010 tỷ đồng lên 19.830 tỷ đồng. Ninh Thuận có sự tăng trưởng tương đối khi số doanh nghiệp mới tăng từ 231 lên 517 doanh nghiệp trong vòng 10 năm. Trong khi đó, Bình Thuận có mức tăng đáng kể từ 586 doanh nghiệp năm 2014 lên 1.454 doanh nghiệp năm 2024. Quảng Nam và Quảng Ngãi đều có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gần gấp đôi so với năm 2014, trong khi Phú Yên cũng ghi nhận mức tăng từ 366 doanh nghiệp lên 537 doanh nghiệp trong cùng giai đoạn[4].
Có thể thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ có thiên hướng tăng trong thời kỳ 2014 - 2018 và giảm trong thời kỳ 2019 - 2024. Đà Nẵng, Khánh Hòa là những địa phương có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký ở top đầu của Vùng. Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký thấp.
3. Kết luận
Đầu tư công đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại Duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đầu tư công tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ cần thực hiện một số giải pháp sau:
Để nâng cao hiệu quả ĐTC, các địa phương cần tập trung vào việc tăng thu ngân sách nhằm tạo nguồn lực tài chính bền vững, giúp chủ động và bảo đảm chi, đặc biệt là chi đầu tư phát triển. Việc lập hồ sơ dự án đầu tư cần được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đảm bảo chất lượng để đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật ĐTC, tránh tình trạng chậm trễ hoặc vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời, việc phân bổ nguồn vốn ĐTC phải kịp thời, đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn từ trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, cần tích cực tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương cho các dự án quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Khi đăng ký kế hoạch vốn hàng năm, cần bám sát tình hình thực tế, cân đối với khả năng thực hiện và giải ngân của từng công trình, tránh tình trạng vốn không sử dụng hết hoặc giải ngân chậm, gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, phân bổ vốn ĐTC cần bảo đảm công khai, minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh phải tuyệt đối tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, tránh tình trạng phân bổ tùy tiện, cảm tính hoặc thiếu công bằng. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, nhằm bảo đảm nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Cần bảo đảm nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách nhằm duy trì sự đồng bộ trong triển khai các dự án. Việc thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đồng thời tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai dự án, đảm bảo sự linh hoạt nhưng vẫn trong khuôn khổ giám sát chặt chẽ từ cấp trung ương. Cơ chế phân cấp cần đi đôi với việc nâng cao năng lực quản lý, trách nhiệm giải trình và tăng cường giám sát nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí và đảm bảo tiến độ giải ngân đúng kế hoạch. Để bảo đảm tính hiệu quả, vốn ĐTC cần được ưu tiên cho các dự án có tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, việc phân bổ vốn phải gắn với kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm hoặc mất cân đối giữa các địa phương và lĩnh vực. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả đầu tư sau mỗi giai đoạn triển khai, thông qua việc kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện dự án, chất lượng công trình và mức độ đóng góp của từng dự án vào sự phát triển chung.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm, 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ
[2] Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm, 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ
[3] UBND tỉnh Bình Định (2018), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2018 và kế hoạch đầu tư công năm 2019.
[4] UBND tỉnh Quảng Nam (2014), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2014 và kế hoạch ĐTC năm 2015.
[5] Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014, 2018, 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, 2019, 2025 của 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm, 2014, 2018, 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, 2019, 2025 của 8 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
2. UBND tỉnh Bình Định (2018), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2018 và kế hoạch ĐTC năm 2019.
3. UBND tỉnh Quảng Nam (2014), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC năm 2014 và kế hoạch ĐTC năm 2015.
Impact of public investment on the economy of Vietnam’s South Central Coast provinces
Nguyen Thi Phuong Thuy1
Nguyen Van Thuc1
1Ho Chi Minh City University of Technical Education
Abstract:
Vietnam’s South Central Coast is a region with a strategic position in terms of socio-economic development and national defense and security, which has always received public investment attention from the government. This paper analyzes the impacts of public investment on the economy of the South Central Coast provinces, thereby proposing a number of solutions to improve the efficiency of public investment in the region.
Keywords: public investment, economy, impact, the South Central Coast.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2025]