Châu Âu bộn bề mối lo trước ngưỡng cửa 2019

Các quốc gia trong “mái nhà chung châu Âu” vừa trải qua một năm với nhiều khó khăn, trắc trở cả về kinh tế, chính trị, đối ngoại.

Tuy nhiên, dù năm 2018 đã dần khép lại, song những thách thức thì vẫn còn đó và Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào ngưỡng cửa của năm mới 2019 với bộn bề những mối lo.

Ở thời điểm sắp chuyển giao năm mới, mối lo lớn nhất của các quốc gia châu Âu là tình trạng bất ổn đang có nguy cơ lan rộng và đã làm chao đảo các chính phủ của “lục địa già”. Hơn một tháng qua, phong trào biểu tình “Áo vàng” đã  biến thành bạo loạn và làm chao đảo nước Pháp. Nhờ phản ứng kịp thời và các cam kết của Tổng thống Macron, làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu ở Pháp đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Bộ Nội vụ Pháp, "độ nóng" của cuộc biểu tình đã giảm đáng kể khi cảnh sát đã không phải dùng nhiều đến đạn hơi cay để giải tán những kẻ quá khích…

ao vang
Phong trào “Áo vàng” tại Pháp 

 

Tuy nhiên,  dù “sóng đã yên, nhưng biển chưa lặng”, bởi dù làn sóng biểu tình đã hạ nhiệt, nhưng ông Macron và Chính phủ Pháp hiện vẫn đối mặt không ít khó khăn. Trước hết, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn vừa qua đã khiến uy tín của Tổng thống suy giảm đáng kể, nhất là so với thời điểm ông đắc cử và trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Việc khôi phục uy tín của cá nhân Tổng thống và Chính phủ Pháp đòi hỏi bản thân ông Macron phải nỗ lực rất nhiều, trước hết là thực hiện các cam kết ông đã hứa trong bài phát biểu hôm 10/12 vừa qua. Cũng trong những ngày qua, biểu tình, bạo loạn đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho phe cực hữu trỗi dậy. Tờ New York Times vừa cho biết, những ngày qua, lãnh đạo các đảng cánh hữu đã sớm có mặt để “đục nước béo cò” từ các cuộc biểu tình. Trong số có bà Marine Le Pen, ứng viên tổng thống của Mặt trận Quốc gia từng thất bại trong cuộc đua trở thành Tổng thống Pháp năm ngoái. Không chỉ cổ vũ những người biểu tình, bà Le Pen trực tiếp chỉ đạo những người ủng hộ và thành viên đảng được bổ nhiệm vào chính quyền tham gia cuộc biểu tình mà bà gọi là "cuộc cách mạng" chống lại chính sách của Tổng thống Macron. Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu luôn là mối đe dọa với EU, bởi phe cực hữu có tư tưởng ly khai và chống sự liên kết trong EU.

Khi mà mối lo về nước Pháp mới chỉ tạm lắng xuống, các nhà lãnh đạo EU lại canh cánh một mối lo mới bởi phong trào “Áo vàng” từ Pháp đang “lây lan” ra nhiều quốc gia khác như Anh, Bỉ, Italy và Áo. Hiệu ứng domino từ các cuộc biểu tình tại Pháp đã khiến 17.000 người ở Áo xuống đường tại Thủ đô Vienna trong ngày 16/12 vừa qua, khiến nhiều tuyến phố tại trung tâm Vienna tắc nghẽn. Tại đây, những người tham gia biểu tình đã phản đối chính sách di cư của chính phủ và đề nghị giảm ngày làm việc, bãi bỏ các chính sách “khắc khổ”. Trước đó, tại Italy, hàng nghìn người dân đã xuống đường ở thủ đô Rome để phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn tại Bỉ, khi làn sóng biểu tình lấy cảm hứng từ phong trào “áo vàng” ở Pháp đã “thổi bay” chiếc ghế của Thủ tướng Bỉ. Hàng nghìn người biểu tình đã lên tiếng phản đối chính phủ, yêu cầu đóng cửa biên giới, bảo vệ quyền lợi của người dân EU. Bạo loạn đã xảy ra trên nhiều đường phố và  tối 18/12, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã đột ngột thông báo trước Hạ viện nước này về việc ông sẽ từ chức và giải tán chính phủ. 

Một vấn đề lớn của châu Âu, cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến phong trào biểu tình chống chính phủ nói trên, đó là dư âm của cuộc khủng hoảng di cư vẫn tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội cũng như gây chia rẽ các quốc gia trong khu vực. Các cuộc biểu tình tại Italy, Bỉ và kể cả Pháp, đều có nguyên nhân từ việc người dân chia rẽ sâu sắc về Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ cũng như các chính sách của chính phủ liên quan đến người di cư. Trong các cuộc biểu tình tại Italy, hàng nghìn người dân ở Thủ đô Rome đã phản đối luật nhập cư và an ninh mới được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn”. Ở Pháp, hiệp ước di cư nói trên cũng đã bị các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do “tấn công” mạnh mẽ. Một số thành viên của phong trào "Áo vàng" thậm chí còn cáo buộc việc Chính phủ tham gia hiệp ước này là “cách để từ bỏ chủ quyền”.

di cu
 Trong năm tới, vấn đề nhập cư vẫn luôn có nguy cơ trở thành “ngòi nổ” cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở châu Âu

 

Thực trạng nêu trên cho thấy, dù làn sóng người di cư vào EU đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" của nó vẫn còn rất nặng nề tại các quốc gia châu Âu. Trong năm tới, vấn đề nhập cư vẫn luôn có nguy cơ trở thành “ngòi nổ” cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở châu Âu. Bên cạnh đó, chính sách với người di cư cũng sẽ luôn tạo nên những bất đồng trong nội bộ nhiều nước EU nói riêng và các thành viên trong “mái nhà chung châu Âu” nói riêng. Trên thực tế, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn vừa chính thức được 150 nước thông qua tại Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) ở Marrakesh (Maroc), tuy nhiên hiện các nước EU vẫn chia rẽ về hiệp ước này. Hồi tháng 7 năm nay, một làn sóng phản đối hiệp ước đã bùng lên tại nhiều quốc gia châu Âu. Tám quốc gia thành viên EU gồm là Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia, cùng Croatia, Slovenia, Bulgaria và Áo, cũng các nước Thụy Sĩ, Australia, Chile... đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước. 

Một thách thức nữa của EU trước thềm năm mới 2019, đó là tiến trình Anh rời EU (Brexit) hiện vẫn “mắc kẹt” ở Quốc hội Anh và tương lai của thỏa thuận này vẫn là một ẩn số. Đàm phán Brexit đã diễn ra khó khăn và nhiều thời điểm tưởng như sẽ “dậm chân tại chỗ” trong năm qua. Tuy nhiên, Anh và EU cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận vào trung tuần tháng 11/2018. Theo thỏa thuận mới nêu trên, hai bên thống nhất được ý kiến về vấn đề “hóc búa” nhất đó là biên giới giữa Anh và Ireland hậu Brexit. Nhưng, Brexit vẫn không thể “về đích” đúng hạn và đang bế tắc vì bị phản đối tại Quốc hội Anh. Làn sóng chỉ trích gay gắt tại Hạ viện đã buộc Chính phủ Anh tuyên bố hoãn bỏ phiếu trưng cầu ý kiến của các nghị sĩ về thỏa thuận Brexit nói trên sang thời điểm sau tháng 1/2019, thay vì ngày 21/1/2019.

Trước triển vọng không chắc chắn của Brexit, cả Anh và EU hiện đã chuẩn bị sẵn phương án “phòng thân”. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh hôm 17/12 vừa xác nhận Thủ tướng Anh Theresa May đang chuẩn bị kế hoạch để nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận với chi phí 2 tỷ Bảng.  Trong khi đó, hôm 19/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang “thực hiện các bước cần thiết” để đảm bảo những biện pháp ứng phó nhanh chóng được triển khai vào ngày 30/3/2019 giúp hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Kế hoạch bao trùm 14 lĩnh vực mà EU cho rằng sẽ chịu tác động mạnh, ảnh hưởng lớn tới các công dân và các doanh nghiệp như lĩnh vực dịch vụ tài chính, vận tải hàng không, chính sách khí hậu và các hoạt động thương mại khác. 

brexit
Kinh tế Anh và EU sẽ vẫn đối mặt những nguy cơ lớn trong năm tới khi vấn đề Brexit chưa ngã ngũ

 

Một khi “cuộc ly hôn” giữa Anh và EU này chưa ngã ngũ, kinh tế Anh và EU sẽ vẫn đối mặt những nguy cơ lớn trong năm tới. Trong một báo cáo mới đây, Fitch đánh giá nếu Luân Đôn “trắng tay” rời EU, điều này sẽ phá vỡ các hoạt động hải quan, thương mại và trở thành “ác mộng” đối với kinh tế Anh.  Bloomberg mới đây ước tính, với kịch bản Brexit "cứng" như trên, GDP của nước này vào năm 2030 sẽ giảm 7% so với thời điểm vẫn là thành viên của EU. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tiến trình Brexit đổ vỡ sẽ khiến những nền kinh tế mở hơn của EU, trong đó có Bỉ, Hà Lan và Ireland, sẽ “cảm nhận rõ nhất tác động với kinh tế”. GDP của Anh sẽ sụt giảm 4% trong khi GDP của 27 nước thành viên EU giảm 0,5%. 

Tình thế nêu trên cho thấy, dù “cuộc khủng hoảng kép” là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư ở châu Âu đã là quá khứ, song di chứng của nó vẫn chưa thể “ngủ yên”. Theo đó, một loạt khó khăn, thách thức hiện vẫn đang “bủa vây” EU trước ngưỡng cửa năm mới 2019.

TS. Nguyễn Quốc Trường