Chiến tranh thương mại leo thang: Sống chung với “rào cản”

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu còn leo thang, các quốc gia phải “sống chung với rào cản thương mại” và điều này gây hệ lụy khôn lường với kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo bày tỏ quan ngại rằng những hàng rào thương mại có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới” trong quan hệ thương mại quốc tế. Theo đó, các quốc gia sẽ phải sống chung với “rào cản thương mại” và điều này gây hệ lụy khôn lường với kinh tế toàn cầu.

Phát biểu của ông Roberto Azevedo được đưa ra trong bối cảnh WTO vừa công bố một báo cáo cho thấy các biện pháp hạn chế thương mại đang gia tăng giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, trong giai đoạn từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các nước thành viên WTO đã áp đặt 75 biện pháp hạn chế thương mại mới, tức trung bình mỗi tháng có 11 biện pháp được đưa ra. Con số này của giai đoạn cùng kỳ 2016-2017là 9.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo vừa cảnh báo những hậu quả lớn của các biện pháp đáp trả bằng thuế quan giữa một số nền kinh tế hàng đầu thế giới dù chưa nhìn thấy ngay song sẽ xảy đến trong tương lai và phương hại kinh tế toàn cầu.Maury Ohstfeld - một nhà kinh tế hàng đầu của IMF - bày tỏ quan ngại rằng, nếu các tuyên bố đe dọa biến thành hành động cụ thể và làm xói mòn lòng tin, những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế là “điều không thể tránh khỏi”. Ông cho rằng viễn cảnh xấu nhất là kéo đà tăng trưởng kinh tế thế giới thụt lùi 0,5% vào năm 2020. Trong khi đó, Hãng tin RIA Novosti đã của Nga vừa dẫn ý kiến của giới chuyên gia nhận định, nếu cuộc chiến thương mại nói trên không “được dập tắt” trong thời gian sớm nhất, không gian kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với một cuộc biến đổi lớn.

Cảnh báo nêu trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump đã chính thức “châm ngòi” cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác khác trong tháng 6 vừa qua. Tiếp đó, từ tháng 7/2018, Washington áp thuế nhập khẩu 25% đối với 818 chủng loại hàng hóa từ Trung Quốc với tổng trị giá nhập khẩu 34 tỷ USD mỗi năm. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng áp thuế nhập khẩu 25% đối với cùng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Những ngày gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ đạo các bộ liên quan nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25% do Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu của Washington và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.

Thép là một trong những mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng, trong phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg vừa cảnh báo Trung Quốc về năng lực trả đũa của Mỹ sau khi Bắc Kinh vừa thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Larry Kudlow nêu rõ Trung Quốc "không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump" trong vấn đề thương mại.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã thông báo nước này sẽ áp thuế bổ sung từ 5-25% đối với 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá lên tới 60 tỷ USD. Bộ trên cho biết thời điểm áp dụng các mức thuế này sẽ phụ thuộc vào hành động từ phía Washington. Các mặt hàng bị áp thuế bổ sung gồm nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng.

Đậu nành là một trong số 106 sản phẩm Mỹ bị Trung Quốc tăng thuế

Ngoài việc “ra đòn” thuế mới với Trung Quốc, Mỹ cũng đã áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với tất cả ôtô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một văn kiện dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa trị giá tới 294 tỷ USD từ các đối tác thương mại.

Trước tình trạng chiến tranh thương mại leo thang như trên, giới phân tích quan ngại kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều hệ lụy. “Hậu quả nhãn tiền” từ việc cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang không chỉ là tăng trưởng kinh tế giảm sút. Chiến tranh thương mại đang có nguy cơ tạo ra một “cuộc chiến” mới là chiến tranh tiền tệ. Thực tế cho thấy, sau khi Mỹ tăng thuế với Trung Quốc, Bắc Kinh đã buộc phải giảm giá đồng NDT để nâng cao tính cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa nước này. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá trị đồng NDT đã giảm 8% và hiện ở mức hơn 6,8 NDT/1 USD. Giới phân tích quan ngại rằng tới đây Mỹ sẽ “buộc tội” Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” và thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn với Bắc Kinh. Theo đó, thị trường tài chính toàn cầu sẽ rối loạn, các nền kinh tế đều chịu cảnh “cháy thành vạ lây”.

Mặt khác, chiến tranh thương mại có nguy cơ thay đổi và “làm méo mó” hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã vận hành trơn tru nhiều năm qua. hãng tin RIA Novosti dẫn lời Hiệu phó Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Nga Aleksey Zubets cho rằng thương mại thế giới sẽ không quay lại xu thế tự do hóa. Ông Zubets cho rằng hiện đã bắt đầu thời kỳ phá thế toàn cầu hóa và trên thị trường thống nhất sẽ hình thành những “câu lạc bộ thương mại” kín đối với người bên ngoài. Ông nhận định: “Sẽ không có không gian thương mại thống nhất trên thế giới.

Một thực tế đáng lo ngại là cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc dường như sẽ không có điểm dừng trong nhiều năm tới. Chính quyền Trump đang đẩy chiến tranh thương mại lên “cao trào”, bất chấp cuộc chiến này trên thực tế không giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Washington với các đối tác chủ chốt. Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ vừa cho thấy, trong tháng 6/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng tới 7,3%. Đây là con số “đáng thất vọng” với Nhà Trắng bởi mức thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác chủ chốt mà Mỹ đang tiến hành chiến tranh thương mại như Trung Quốc, Canada, Mexico... đều tăng trong tháng 6.

So với tháng 5/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng 0,9%, với Mexico tăng 10,5% và với Canada tăng 39,7%. Con số thống kê về thâm hụt thương mại vừa công bố nêu trên cũng cho thấy, dù ông Trump “hừng hực quyết tâm” áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tự do suốt nhiều tháng qua, song điều này vẫn không giúp giảm mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm qua của Washington. Nhiều nhà phân tích của chính nước Mỹ cũng cho rằng, đã đến lúc ông Trump cần xem xét lại các chính sách không hiệu quả mà ông đang theo đuổi.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, việc Mỹ gánh chịu mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm là một thực tế không thể thay đổi bằng chính sách của nền kinh tế Mỹ, đó là mức tiêu thụ của người dân Mỹ lớn hơn lượng hàng hóa được sản xuất và hàng hóa nhập khẩu bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó.Và, nếu ông Trump cứ triển khai chính sách “nước Mỹ trên hết” bằng mọi giá trong lĩnh vực thương mại thì rất có thể công sức mà ông bỏ ra sẽ chỉ là “công dã tràng” mà thôi. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu “ông chủ Nhà Trắng” sẽ dừng tay trong việc xây các hàng rào thuế quan mới. IMF trong một báo cáo mới nhất vừa công bố cuối tháng 7 cho rằng trong giai đoạn ngắn hạn, nếu mức thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục tăng hơn so với mức 2,4% GDP ghi nhận trong năm 2017, cuộc chiến thương mại sẽ nghiêm trọng hơn. Chính quyền Mỹ có thể sẽ gia tăng các biện pháp kích thích tài chính và tiếp tục đưa ra các giải pháp thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại với các nước đối tác.Tuy nhiên, về bản chất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn chỉ là vì thâm hụt thương mại, mà vì cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới. Do vậy, việc “tháo ngòi nổ” cho cuộc chiến này không hề đơn giản.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu còn leo thang, các quốc gia phải “sống chung với rào cản thương mại”, Tổng Giám đốc WTO vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế phải “có lời đáp khẩn cấp” cho vấn đề này. WTO hiện cũng đang đối mặt với sức ép cải tổ khi những quy định của tổ chức này đã không còn đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn thương mại thế giới đã thay đổi nhanh chóng.

Quốc Trường