Đa dạng thành phần loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng

NCS. Trần Văn Hải (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ThS. Phạm Thị Thanh Hương (Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia) và ThS. Nguyễn Xuân Nhã (Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Bài báo trình bày về đa dạng loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại Vườn quốc gia (VQG) Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng. Dựa trên kết quả các đợt nghiên cứu thực địa cùng với các kết quả nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã thống kê được ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) vùng này gồm 2 lớp, 156 họ, 617 chi, với 1.289 loài. 10 họ có số loài nhiều nhất, chiếm 6,33% tổng số họ của ngành, nhưng lại có số loài là 451 loài, chiếm 34,99%; 170 chi, chiếm 27,56% số chi của ngành Ngọc lan nơi đây. 10 chi có số lượng loài nhiều nhất chiếm 1,62% tổng số chi của ngành với 159 loài chiếm 12,28%. Có 841 loài thực vật có ích, chiếm 65,24% tổng số loài, nhóm có số lượng loài nhiều nhất là nhóm cây làm thuốc với 741 loài chiếm 57,49%. Theo Sách đỏ Việt Nam (2007), thực vật ngành Ngọc lan nơi đây có 63 loài được ghi nhận với 3 loài cấp rất nguy cấp (CR), 21 loài ở cấp nguy cấp (EN), 39 loài ở cấp sẽ nguy cấp (VU).

Từ khóa: Thành phần loài thực vật, ngành Ngọc lan, Phia Oắc - Phia Đén, Vườn quốc gia, tỉnh Cao Bằng.

 I. Đặt vấn đề

Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén được thành lập theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, có diện tích tự nhiên 10.593,5 ha, thuộc địa bàn 5 xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc. VQG Phia Oắc - Phia Đén được đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao.

Mặc dù đã có một số kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá về đa dạng loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) của vùng. Để có cơ sở khoa học cho việc bảo tồn hiệu quả, chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng thành phần loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng”.

II. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu mẫu theo Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) [1].

- Định loại các tiêu bản thực vật của VQG Phia Oắc - Phia Đén theo Nguyễn Tiến Bân (1997) [2], Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) [3], Phạm Hoàng Hộ (1999-2000) [4]; http://www.efloras.org (Thực vật chí Trung Quốc) [5].

- So sánh mẫu với các tiêu bản ở các phòng tiêu bản thực vật.

- Xây dựng danh lục các loài dựa trên các đợt khảo sát thực địa từ các năm 2016-2018 và các tài liệu tham khảo. Các mẫu tiêu bản được lưu tại Phòng tiêu bản thực vật (HN) của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

- Sau khi đã có tên khoa học, chúng tôi sử dụng các trang website chuyên ngành để kiểm tra về danh pháp như: http://www.theplantlist.org [6]; http://www.tropicos.org [7] và Danh lục các loài thực vật Việt Nam [8].

- Đánh giá giá trị sử dụng nguồn tài nguyên thực vật theo Võ Văn Chi (2018)[9], Võ Văn Chi & Trần Hợp (2000) [10], Trần Hợp (2003) [11], Viện Dược liệu (2016)[12], Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) & cs.(2003, 2005)[8].

- Phương pháp đánh giá đa dạng các taxon thực vật theo Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) [1].

- Tra cứu các loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007) [13].

- Nhập dữ liệu và phân tích tính đa dạng các taxon bằng phần mềm Microsoft Access. Đây là phương pháp rất quan trọng và hiệu quả để đánh giá đa dạng thực vật với số lượng taxon và dữ liệu lớn.

III. Kết quả nghiên cứu

1. Đa dạng taxon

          Chúng tôi đã ghi nhận được 1.289 loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta), được xếp trong 2 lớp, 158 họ và 617 chi.

1.1. Tỷ trọng giữa hai lớp trong ngành Ngọc lan

Hệ thực vật Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén có tỷ trọng của lớp Ngọc lan so với lớp Hành được thể hiện ở (Bảng 1). Qua Bảng thấy rằng, Hệ thực vật VQG Phia Oắc - Phia Đén có tỷ trọng của lớp Ngọc lan so với lớp Hành luôn cao hơn 3, thậm chí đạt đến 5,08 lần. Điều này cho thấy, hệ thực vật nơi đây mang tính chất nhiệt đới.

Bảng 1. Tỷ trọng của lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) so với lớp Hành (Liliopsida)

ty-trong-cua-lop-ngoc-lan

 Thực vật lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) chiếm 79,98% tổng số loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta), còn lớp Hành (Liliopsida) chiếm 20,02% tổng số loài thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta).

1.2. Đa dạng họ

Để đánh giá sự đa dạng bậc họ ở hệ thực vật thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) của VQG Phia Oắc - Phia Đén, chúng tôi thống kê theo thứ tự 10 họ nhiều loài nhất (Bảng 2). Qua thống kê và xếp theo thứ tự giảm dần thấy, họ ở vị trí thứ 10 có 9 chi, với 26 loài. Như vậy, trong 10 họ đa dạng nhất ở VQG Phia Oắc - Phia Đén, ít nhất mỗi họ cũng có 26 loài trở lên.

Bảng 2. Mười họ đa dạng nhất của ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)

tại VQG Phia Oắc - Phia Đén

muoi-ho-da-dang-nhat-cua-nganh-ngoc-lan

 Qua Bảng 2 thấy rằng, 10 họ đa dạng nhất của hệ thực vật ở VQG Phia Oắc - Phia Đén mặc dù chỉ chiếm 6,33% tổng số họ của toàn hệ, nhưng lại có số loài là 451 và số chi là 170, chiếm các tỷ lệ tương ứng là 34,98% tổng số loài và 27,56% tổng số chi thực vật ngành Ngọc lan nơi đây. Trong số những họ đa dạng nhất, phải kể đến: họ Cói - Cyperaceae (91 loài), họ Cúc - Asteraceae (74 loài), họ Thầu dầu  - Euphorbiaceae (56 loài), họ Cỏ - Poaceae (44 loài), họ Cà phê  - Rubiaceae (38 loài), họ  Dâu tằm - Moraceae (36 loài), họ Ngũ gia bì - Araliaceae (30 loài), họ Long não - Lauraceae (28 loài), họ Hành - Liliaceae (28 loài), họ Đậu - Fabaceae (26 loài). Đây đều là những họ lớn và giàu loài của hệ thực vật Việt Nam.

1.3. Đa dạng chi

Các chi đa dạng nhất của ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) của VQG Phia Oắc - Phia Đén cho thấy 10 chi này chiếm 1,62% tổng số chi với tổng số loài là 159, chiếm 12,28% tổng số loài thực vật ngành Ngọc lan ở đây. Kết quả được trình bày ở Bảng 3.

Bảng 3. Mười chi đa dạng nhất của ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)

tại VQG Phia Oắc - Phia Đén

muoi-chi-da-dang-nhat-cua-nganh-ngoc-lan

2. Tài nguyên thực vật có ích

Trên cơ sở điều tra, lập danh lục thực vật ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) ở VQG Phia Oắc - Phia Đén cũng như tham khảo tài liệu, chúng tôi đã thống kê được trong tổng số 1.289 loài thực vật thuộc ngành Ngọc lan, có 841 loài thực vật có công dụng, chiếm 65,24% tổng số loài. Kết quả về giá trị sử dụng tài nguyên thực vật của hệ thực vật VQG Phia Oắc - Phia Đén được ghi nhận trong Bảng 4.

Bảng 4. Giá trị sử dụng của nguồn tài nguyên thực vật

ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) tại VQG Phia Oắc - Phia Đén

file.-gia-tri-su-dung-cua-nguon-tai-nguyen-thuc-vat

 Trong số 1.289 loài thực vật ở VQG Phia Oắc - Phia Đén, chúng tôi đã thống kê được 841 loài có công dụng (chiếm 65,24% tổng số loài). Trong đó, nhóm cây làm thuốc có 741 loài, chiếm 57,49%; nhóm cây gỗ có 104 loài, chiếm 8,07%; nhóm cây làm cảnh có 80 loài, chiếm 6,21%; nhóm cây có phần ăn được có 77 loài, chiếm 5,97%; nhóm cây làm rau có 115 loài, chiếm 8,92; nhóm cây làm thức ăn cho động vật có 42 loài, chiếm 3,26%; nhóm cây để nhuộm có 26 loài, chiếm 2,02%; nhóm cây làm sợi có 18 loài, chiếm 1,40%; nhóm cây chứa tinh dầu có 17 loài, chiếm 1,32%.

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu đa dạng hệ thực vật tại VQG Phia Oắc - Phia Đén, chúng tôi đã ghi nhận được 1.289 loài thuộc 617 chi, 158 họ trong ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta). Tỷ trọng của lớp Ngọc lan so với lớp Hành trong ngành Mộc lan luôn cao hơn 3, thậm chí đạt đến 5,08. Điều này cho thấy, hệ thực vật nơi đây mang tính chất nhiệt đới. Đa dạng bậc dưới ngành: Mười họ có số loài đa dạng nhất, chiếm 6,33% tổng số họ của ngành Ngọc lan, nhưng lại có số loài là 451 loài và số chi là 170, chiếm các tỷ lệ tương ứng là 34,98% tổng số loài và 27,56% tổng số chi trong ngành Ngọc lan nơi đây.

Đã thống kê được trong tổng số 1.289 loài thực vật ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) có 841 loài thực vật có công dụng, chiếm 65,24% tổng số loài. Trong đó, nhóm cây làm thuốc chiếm 57,49%, nhóm cây gỗ chiếm 8,07%; nhóm cây làm cảnh chiếm 6,21%; nhóm cây có phần ăn được chiếm 5,97%; nhóm cây làm rau chiếm 8,92; nhóm cây làm thức ăn cho động vật chiếm 3,26%; nhóm cây để nhuộm chiếm 2,02%; nhóm cây làm sợi chiếm 1,40%; nhóm cây chứa tinh dầu chiếm 1,32%.

          63  loài được ghi nhận có trong Sách đỏ Việt Nam (2007), trong đó 3 loài ở thứ  hạng CR (rất nguy cấp), 21 loài ở thứ  hạng EN (nguy cấp) và 39 loài ở thứ hạng VU (sẽ nguy cấp).

Lời cảm ơn: Các tác giả xin chân thành cảm ơn đề tài VAST 04.08/18-19

đã tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu này, sự hỗ trợ từ dự án “Tiềm năng

sinh học của nguyên liệu sinh học ở Việt Nam” - mã số VONO01.08/18-19.

Bên cạnh đó, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn tới Ban quản lý, cán bộ kiểm

lâm Khu BTTN Phia Oắc - Phia Đén, tỉnh Cao Bằng, nay là VQG Phia Oắc -

Phia Đén đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Nghĩa Thìn, Các phương pháp nghiên cứu thực vật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007.
  2. Nguyễn Tiến Bân, Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 1997.
  3. Nguyễn Nghĩa Thìn, Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 1997.
  4. Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam (3 quyển), Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999-2000.
  5. http://www.efloras.org
  6. http://www.theplantlist.org.
  7. http://www.tropicos.org
  8. Nguyễn Tiến Bân (chủ biên) và cs, Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 2, 3, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2003-2005.
  9. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, 2, Y học, Hà Nội, 2018.
  10. Võ Văn Chi, Trần Hợp, Cây cỏ có ích, Giáo dục, 2000.
  11. Trần Hợp, Tài nguyên cây gỗ Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, TP. Hộ Chí Minh, 2003.
  12. Viện Dược liệu, Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, 2016.
  13. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam, phần II - Thực vật, Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2007.

 

STUDY ON THE DIVERSITY OF MAGNOLIOPHYTA IN PHIA OAC – PHIA DEN NATIONAL PARK, CAO BANG PROVINCE

Ph.D’s student TRAN VAN HAI

Graduate University of Science and Technology

Vietnam Academy of Science and Technology

Master. PHAM THI THANH HUONG

Faculty of State Management of Social Affairs

National Academy of Public Administration

Master. NGUYEN XUAN NHA

Faculty of State Management of Social Affairs

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

This article is to present the diversity of Magnoliophyta in Phia Oac - Phia Den National Park, Cao Bang Province. There are 1.289 species belonging to 617 genera and 158 families of Magnoliophyta in this national park. The Magnoliopsida/Liliopsida rate is 4.00 in species, 4.66 in genera and 5.08 in families respectively. Ten families are the most diverse families representing 6.33% of the total of families, 27.56% of the total of genera and 34.98% of the species. There were 841 useful plant species. 63 species are listed in Viet Nam Red Data Book (part 2. Plants. 2007), there are 03 species in critically endangered (CR), 21 species in endangered category (EN) and 39 species in vulnerable category (VU).

Keywords: Plant diversity, Magnoliophyta, Phia Oac - Phia Den, National Park, Cao Bang Province.