Đà Nẵng: Đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chủ lực, thế mạnh

Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của Thành phố.
cảng Đà Nẵng
TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 9-10%/năm.

Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được UBND TP.Đà Nẵng ban hành mới đây xác định phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của thành phố; phát triển thị trường, lĩnh vực mới có tiềm năng; xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung toàn thành phố.

Mục tiêu cụ thể là duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của Thành phố. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 9-10%/năm, trong đó, giai đoạn 2022 - 2025 tăng trưởng bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 10-11%. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 5-6%/năm, trong đó, giai đoạn 2022 - 2025 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 6-7%.

Tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu

Để đạt được những mục tiêu trên, Thành phố định hướng tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và ưu tiên sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng. Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có tỷ trọng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, như: dệt may, thủy sản, sản phẩm cao su, động cơ, linh kiện điện - điện tử,... thông qua xây dựng các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường. Khai thác hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,...); gắn với mục tiêu phát triển xuất khẩu theo hướng tăng trưởng bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, bảo đảm vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới tại các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á- Trung Đông,...

Bên cạnh đó, khuyến khích nhập khẩu các hàng hóa công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

cao su Đà Nẵng
Sản xuất tại Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC). Ảnh: DRC.

Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu phù hợp nhu cầu phát triển thị trường của từng ngành hàng

Thành phố đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Thứ nhất, phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Trong đó phối hợp triển khai Kế hoạch tái cơ cấu các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu; triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững kết hợp phát triển du lịch và ẩm thực với xuất khẩu nông sản, thủy sản. Phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chủ động liên kết, chia sẻ thông tin với các địa phương về tình hình sản xuất, sản lượng, tình hình xuất khẩu và thông tin cho các doanh nghiệp để hợp tác tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản; nắm bắt và kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh...

Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, phối hợp hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nước ngoài. Phối hợp với cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về nhu cầu, đối tác và các quy định liên quan của thị trường xuất khẩu, nhập khẩu tiềm năng, cơ sở dữ liệu về các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài. Tổ chức hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với nhu cầu hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu của từng ngành hàng, trên từng khu vực thị trường cụ thể và cho từng giai đoạn cụ thể; phối hợp với các bộ, ngành liên quan từng bước tăng cường hoạt động xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa và hợp lý hóa cán cân thương mại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển thị trường, xúc tiến xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố. Phối hợp thông tin cho doanh nghiệp về các biện pháp tại các thị trường xuất khẩu chính để doanh nghiệp chủ động và kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu…

Thứ ba, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu. Theo đó, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phối thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu như lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử, logistics. Rà soát, đề xuất bộ ngành chủ quản xây dựng năng lực cho các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đối với hàng hóa xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng. Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu, có tính chất kết nối vùng miền, khu vực có tiềm năng phát triển; kết nối các phương thức vận tải và tuyến đường vận tải hàng hóa. Nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi, logistics, giao thông, cửa khẩu...

Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Cụ thể, kịp thời thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại; phối hợp với các bộ ngành thông tin cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng; phối hợp trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Tuyên truyền phổ biến thông tin để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong thực thi cam kết các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng các quy định của thị trường. Tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Thứ năm, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn. Trong đó, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước, kỹ năng triển khai xuất khẩu thông qua thương mại điện tử; phát triển thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm, xây dựng, phát triển thương hiệu, marketing nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

xuất khẩu Đà Nẵng
(Nguồn: Cục Thống kê TP.Đà Nẵng).

Theo Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố trong tháng 5/2023 ước đạt gần 263,5 triệu USD, tăng 7,7% so với so với tháng trước và giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 168 triệu USD, tăng 5,9% so với tháng trước và giảm 7,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 95 triệu USD, tăng giảm tương ứng 11,2% so với tháng trước và 25,9% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu 73,5 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Thành phố ước đạt 1.203,9 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 765,8 triệu USD, giảm 9,3%; giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 437,1 triệu USD, giảm 23,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục duy trì xuất siêu khoảng 328,7 triệu USD.

Việt Hằng