Đạm Cà Mau (DCM): Đà phục hồi được củng cố, tận dụng triệt để khối tiền mặt 10.500 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết lãi ròng quý 4/2023 đạt 493 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần so với quý 3/2023.

Đà phục hồi của Đạm Cà Mau tiếp tục được củng cố

Đạm Cà Mau
Sản lượng tiêu thụ phân bón các loại của Đạm Cà Mau trong quý 4/2023 đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần gần 3.600 tỷ đồng, giảm 20% so với mức nền cao kỷ lục của quý 4/2022.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ của doanh nghiệp này tăng mạnh 26%, đạt 106 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chỉnh giảm hơn 50%, chỉ còn gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí khác đã tăng lên; đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, lên tới 209 tỷ đồng.

Kết quả, Đạm Cà Mau ghi nhận 493 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù kết quả kinh doanh trong quý 4/2023 sụt giảm sâu so với mức nền cao kỷ lục của quý 4/2022, so với quý 3/2023 thì doanh thu của quý 4/2023 đã tăng 16% và lãi ròng tăng gấp 6,6 lần, cho thấy đà phục hồi đang dần được củng cố.

Theo ban lãnh đạo Đạm Cà Mau, sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong quý 4/2023 đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên giá bán đầu ra giảm mạnh đã ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng mạnh trong kỳ báo cáo là do doanh nghiệp trích bổ sung quỹ Khoa học công nghệ, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết.

Luỹ kế cả năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần 12.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và giảm 74% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Đạm Cà Mau hoàn thành 94% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tận dụng triệt để khoản tiền mặt 10.500 tỷ đồng

Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt gần 15.300 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tăng 18%, lên mức 10.500 tỷ đồng, tương đương gần 69% tổng tài sản. Hàng tồn kho của doanh nghiệp đã giảm nhẹ về mức 2.100 tỷ đồng.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tăng hơn 48%, lên gần 5.285 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do vay nợ ngắn hạn tăng đột biến gấp 338 lần, lên 845,8 tỷ đồng. Đạm Cà Mau cho biết đây là khoản vay với Ngân hàng Vietcombank, có kỳ hạn 2 tháng, lãi suất từ 2,8% - 3,5%/năm.

Điều này có thể cho thấy Đạm Cà Mau đang sử dụng nghiệp vụ ngân quỹ, tận dụng lợi thế kinh doanh để sử dụng nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp; trong khi đó, nguồn tiền “khổng lồ” hiện có để gửi tiết kiệm với kỳ hạn trên 3 tháng - 12 tháng, để hưởng mức lãi suất cao hơn. Điều này, giúp giảm hơn 50% chi phí tài chính trong kỳ nhưng doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) lại tăng 26%.

cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Đạm Cà Mau (DCM) được chấp thuận đầu tư nhà máy mới tại Bình Định" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 khi giá phân bón các loại đã tạo đáy vào tháng 6/2023 và đang trong chu kỳ phục hồi nhờ Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón.

Đồng thời, các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) cùng dự báo nhu cầu phân bón từ nông dân phục hồi trên toàn cầu, và sản lượng phân bón toàn cầu ước tăng 1,8% trong năm 2024.

Trong một diễn biến liên quan, Đạm Cà Mau vừa được chấp thuận đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau tại tỉnh Bình Định với mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy này sẽ được sớm triển khai và đi vào hoạt động từ quý 1/2025.

Duy Quang