Dự thảo Luật Căn cước công dân đề xuất bỏ dấu vân tay, bỏ thông tin "quê quán"

Vừa qua, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiều đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Theo đó, nhiều đại biểu quan tâm thảo luận liên quan đến tên gọi và các thông tin thay đổi trên thẻ căn cước.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú. Thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành sẽ được sửa đổi thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an" để phù hợp với các nội dung khác.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Dự thảo Luật Căn cước công dân đề xuất bỏ dấu vân tay, bỏ thông tin "quê quán"

Về điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn thông tin về “nơi tạm trú”, “nơi thường trú”, “nơi ở”, “quê quán”.

Ngoài ra, ông Tạ Văn Hạ cho rằng, các thông tin liên quan đến đời tư là bất khả xâm phạm. Vì vậy, việc quy định những thông tin, điều khoản trong Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) phải phù hợp với yêu cầu quản lý, đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân.

Quá trình thảo luận Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, giúp nhận diện lai lịch của một con người.

Vì vậy, cần cân nhắc một số thông tin như “nơi cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi sinh”, “nơi đăng ký khai sinh”, “giới tính”, “ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng” bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cân nhắc thông tin về cơ quan cấp thẻ căn cước, hình dạng, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ…

Một số ý kiến khác đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Giải trình các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”…

Điều này, để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Ngọc Châm