Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập

Bài báo "Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập" do tác giả ThS. Đỗ Thị Thanh Lan (Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung) thực hiện.

TÓM TẮT:

Từ giữa thập kỷ 80 thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng khoảng sâu sắc, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, dẫn đến những biến đổi to lớn về quan hệ quốc tế. Trật tự thế giới được hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trên cơ sở hai khối đối lập do Liên Xô và Hoa Kỳ đứng đầu (trật tự thế giới hai cực) tan rã, mở ra thời kỳ hình thành một trật tự thế giới mới. Các quốc gia, các tổ chức và lực lượng chính trị quốc tế thực hiện điều chỉnh chiến lược đối nội, đối ngoại và phương thức hành động cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bài viết nghiên cứu về đổi mới tư duy đối ngoại, thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; mở rộng và tăng cường liên kết, hợp tác với các nước phát triển để tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghệ, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất - kinh doanh.

Từ khóa: đối ngoại, Việt Nam, đổi mới, hội nhập, kinh tế.

1. Đường lối đối ngoại của Việt Nam qua các kỳ đại hội Đảng

Đại hội VI của Đảng (tháng 12 /1986):

Đảng chủ trương phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới và đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa, với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành. Tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình tình mới, khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế.

Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991):

 Đề ra chủ trương “hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hôi khác nhau, trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội VII đã đổi mới chính sách đối ngoại với các đối tác cụ thể. Với Lào và Campuchia, thực hiện đổi mới phương thức hợp tác, chú trọng hiệu quả trên tinh thần bình đẳng. Với Trung Quốc, Đảng chủ trương thúc đẩy bình thường hóa quan hệ, từng bước mở rộng hợp tác Việt -Trung. Trong quan hệ với khu vực, chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, phấn đấu cho một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Đối với Hoa Kỳ, Đại hội nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994) xác định:  Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo là: giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng.

Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996):

Đai hội xác định tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nhiều mặt với các nước, các trung tâm kinh tế, chính trị khu vực và quốc tế. Đồng thời chủ trương “xây dựng nền kinh tế mở và “đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”. Đại hội VIII xác định rõ hơn quan điểm đối ngoại với các nhóm đối tác như: ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN; không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống; coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế - chính trị thế giới; đoàn kết với các nước đang phát triển, với phong trào không liên kết; tham gia tích cực và đóng góp cho hoạt động của các tổ chức quốc tế, các diễn đàn quốc tế.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001):

Đảng nhấn mạnh chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực. Lần đầu tiên, Đảng nêu rõ quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trước hết là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách, đồng thời có tiềm lực kinh tế đủ mạnh. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ phải đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp phát triển đất nước”.

Chủ trương xây dựng quan hệ đối tác được đề ra ở Đại hội IX đánh dấu bước phát triển về chất tiến trình quan hệ quốc tế của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tháng 11/2001, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết đề ra 9 nhiệm vụ cụ thể và 6 biện pháp tổ chức thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (ngày 5/1/2004) nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006):

Đại hội xác định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là hoàn toàn chủ động quyết định đường lối, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, không thể rơi vào thế bị động; phân tích lựa chọn phương thức hội nhập đúng, dự báo được những tình huống thuận lợi và khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là khẩn trương chuẩn bị, điều chỉnh, đổi mới bên trong, từ phương thức lãnh đạo, quản lý đến hoạt động thực tiễn; từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp; khẩn trương xây dựng lộ trình, kế hoạch, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; tích cực, nhưng phải thận trọng, vững chắc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011):

Đại hội xác định tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực. Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững. Phát huy vai trò và nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016):

Đại hội xác định kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021):

Đại hội xác định nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Gắn kết chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Theo dõi sát diễn biến tình hình Biển Đông, kiên trì, kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Nội dung đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập

2.1. Về quan điểm chỉ đạo công tác đối ngoại

Trong quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm:

Một là: Bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo khả năng của Việt Nam.

Hai là: Giữ vững độc lập tự chủ, tự cường đi đôi với đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Ba là: Nắm vững 2 mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế; cố gắng thúc đẩy mặt hợp tác, nhưng vẫn phải đấu tranh dưới hình thức và mức độ thích hợp với từng đối tác; đấu tranh để hợp tác; tránh trực diện đối đầu, tránh để bị đẩy vào thế cô lập.

Bốn là: Mở rộng quan hệ với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị xã hội. Coi trọng quan hệ hòa bình, hợp tác với khu vực; chủ động tham gia các tổ chức đa phương, khu vực toàn cầu.

Năm là: Kết hợp đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Xác định hội nhập kinh tế quốc tế là công việc của toàn dân.

Sáu là: Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bảy là: Phát huy tối đa nội lực đi đôi với thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; tạo ra và sử dụng có hiệu quả các lợi thế so sánh của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tám là: Trên cơ sở thực hiện các cam kết gia nhập WTO, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Chín là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2. Về mục tiêu đối ngoại

Lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc. Mở rộng đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế  để tạo thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; kết hợp nội lực với các nguồn lực từ bên ngoài tạo thành nguồn lực tổng hợp để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phát huy vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2.3. Một số chủ trương, chính sách lớn về mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập

Một là, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững: Hội nhập sâu sắc và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ có địa vị bình đẳng với các thành viên khác khi tham gia vào việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn; có điều kiện thuận lợi để đấu tranh bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc tranh chấp thương mại với các nước khác, hạn chế được những thiệt hại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp: Chủ động và tích cực xác định lộ trình hội nhập hợp lý, trong đó cần vận dụng các ưu đãi WTO dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển; chủ động và tích cực nhưng hội nhập từng bước, dần mở cửa thị trường theo một lộ trình hợp lý. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các nguyên tắc, quy định của WTO: Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển kinh tế nhiều thành phần; thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường; xây dựng các sắc thuế công bằng, thống nhất, đơn giản, thuận tiện cho mọi chủ thể kinh doanh.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực  của bộ máy nhà nước: Kiên quyết loại bỏ nhanh các thủ tục hành chính không còn phù hợp; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm và kiểm tra, giám sát; thực hiện công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý.

Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế: Nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ; tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; các doanh nghiệp điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất trên cơ sở xác định đúng đắn chiến lược sản phẩm và thị trường; điều chỉnh quy hoạch phát triển, nhanh chóng có biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của một số sản phẩm.

Năm là, giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường trong qua trình hội nhập: Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập; xây dựng cơ chế kiểm soát và chế tài quản lý sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không lành mạnh, không phương hại đến sự phát triển đất nước, văn hóa và con người Việt Nam; kết hợp hài hòa giữa giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến trong quá trình giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài.

Sáu là, xây dựng và vận hành có hiệu quả mạng lưới an sinh xã hội như giáo dục, bảo hiểm, y tế; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo; có các biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng có hại cho môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.

By là, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh trong quá trình hội nhập: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh; có các phương án chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Tám là, phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại: Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động đối ngoại. Các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương cần hướng mạnh vào việc phục vụ đắc lực nhiệm vụ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tham gia đấu tranh vì một hệ thống quan hệ kinh tế quốc dân bình đẳng, công bằng cùng có lợi.

Chín là, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung xây dựng cơ sở đảng trong các doanh nghiệp và xây dựng giai cấp công nhân trong điều kiện mới; đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trọng tâm là cải cách hành chính.

3. Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm về đối ngoại của Việt Nam

3.1. Những kết quả đạt được về đối ngoại của Việt Nam

Trải qua 37 năm (1986 - 2023) thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:

Một là, phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 10/11/1991, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Ngày 11/7/1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Tháng 7/1995, Việt Nam ra nhập ASEAN, đánh dấu sự hội nhập của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á. Năm 1998, Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Năm 2006, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),… Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với  192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên Hiệp quốc,  góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Hai là, giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan. Đàm phán thành công với Malaysia về giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Thu hẹp diện tranh chấp vùng biển giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Đã ký với Trung Quốc Hiệp ước về phân định biên giới trên bộ, Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác về nghề cá.

Ba là, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng

hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn, kể cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tháng 5/2008 thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; ngày 13/7/2001, ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Bốn là, tham gia các tổ chức quốc tế.

Năm 1993, Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); sau khi gia nhập ASEAN (tháng 7/1995) Việt Nam đã tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); tháng 11/1998, gia nhập tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); ngày 11/01/2007, Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

3.2. Bài học kinh nghiệm về đối ngoại của Việt Nam

Từ những thành trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới, chúng tôixin rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhận thức, đánh giá đúng về tình hình thế giới đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn, để đưa ra đối sách đúng đắn, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đánh giá đúng cục diện và xu thế phát triển của thế giới giúp nước ta nhận thức đúng các vấn đề về an ninh và phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là sự chuyển dịch quan hệ giữa các nước lớn (từ tình trạng đối đầu gay gắt về chính trị, quân sự, khu biệt về kinh tế sang vừa đấu tranh, vừa hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình). Từ đó, giúp nước ta tranh thủ được sự đồng thuận của các nước và dư luận thế giới hiểu rõ quan điểm của nước ta về giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, làm thất bại âm mưu chống phá Việt Nam. Trong đối ngoại cần phải đặt lợi ích dân tộc trong mối quan hệ và sự kết hợp hài hòa giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế, với mục đích cao nhất là xây dựng nước Việt Nam “giàu đẹp, văn minh, hài hòa”.

Hai là, sự kết hợp giữa các lĩnh vực và nhiều kênh đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên lĩnh vực đối ngoại, phục vụ sự nghiệp đổi mới thắng lợi.

Sự kết hợp nêu trên tạo thêm thế và lực giúp nước ta đạt được nhiều thắng lợi trong  xây dựng nền kinh tế tự chủ. Đường lối đối ngoại  ngày càng phát triển, mở rộng về nội hàm với nội dung bao trùm: mở rộng quan hệ với nhiều nước, nhiều đối tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình, không phụ thuộc vào sự khác biệt về chế độ chính trị, xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật… làm cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

4. Một số vấn đề đặt ra trong công tác đối ngoại của Việt Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế cũng còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế cần nghiên cứu, khắc phục:

Một là, trong quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, Việt Nam chưa xây dựng được quan hệ lợi ích đan xen, tùy thuộc lẫn nhau với các nước.

Hai là, có một số chủ trương, cơ chế, chính sách chậm được đổi mới so với yêu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, không đồng bộ, gây khó khăn trong việc thực hiện các cam kết của các tổ chức kinh tế quốc tế.

Ba là, chưa hình thành được một kế hoạch tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế và một lộ trình hợp lý cho việc thực hiện các cam kết.

Bốn là, doanh nghiệp Việt Nam hầu hết quy mô nhỏ, yếu về quản lý và công nghệ; trang thiết bị lạc hậu; kết cấu hạ tầng và các ngành dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất - kinh doanh kém phát triển và có chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực.

5. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước, tác giả đề xuất cần thống nhất nhận thức và tập trung thực hiện một số trọng tâm chính sau đây:

Một là, tiếp tục nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và Nhà nước quản lý thống nhất công tác đối ngoại; phối hợp chặt chẽ giữa 3 trụ cột gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Hai là, đề ra các phương hướng, biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng thực sự đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Ba là, xác định và đề ra biện pháp đóng góp tích cực hơn thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, để hội nhập quốc tế thật sự tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực, sức mạnh tổng thể của quốc gia, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2012). Một số vấn đề chính trị quốc tế trong giai đoạn hiện nay. NXB Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  2. Hồ Chí Minh (2002). Toàn tập, Tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Hồ Chí Minh (2002). Toàn tập, Tập 8. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đỗ Mười (1996), Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Đinh Xuân Lý (2003). Quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại thời kỳ đổi mới. Lịch sử Đảng, (12), tr.12.
  6. Nguyễn Duy Niên (2004). Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Thông tin đối ngoại, (5), tr.9.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2023). Hệ thống tư liệu - văn kiện đảng. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/.

 

Vietnam’s foreign strategy in the innovation and integration period

Master. Do Thi Thanh Lan

Mien Trung Industry and Trade College

ABSTRACT:

In the mid-80s of the twentieth century, the socialist countries fell into a deep crisis, and the socialist regime in the Soviet Union collapsed, leading to great changes in international relations. The world order, which was formed after the Second World War on the basis of the two opposing blocs led by the Soviet Union and the United States (Yalta bipolar world order), was disbanded, opening the period for the formation of a new global order. Countries, organizations, and international political forces have adjusted their domestic and foreign strategies and modes of action to suit new circumstances. This study analyzes the policies on renewing foreign thinking; implementing multilateralization and diversification of international relations;  expanding and strengthening links and cooperation with developed countries to take advantage of capital, techniques, and technology, expand markets, and learn from experience in organization and management of production and business.

Keywords: foreign affairs, Vietnam, Doi Moi, integration, economics.