EU-MUTRAP: Giúp Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững

Sau 5 năm triển khai, Dự án EU – MUTRAP đã triển khai gần 130 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, xuất bản 74 báo cáo, tài liệu nghiên cứu, tổ chức gần 300 hội thảo/tọa đàm thu hút hàng chục triệu người tham g

Ngày 12/12/2017, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã tổ chức tổng kết Dự án với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ-Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan đối tác, các đơn vị thực hiện các tiểu Dự án và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu tổng kết dự án, ông Bùi Huy Sơn, Giám đốc Dự án EU-MUTRAP cho biết, khác với dự án EU-MUTRAP trước đây, Dự án EU-MUTRAP lần này mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các nội dung mới về cải thiện chính sách đầu tư, môi trường và lao động xã hội.

Ông Bùi Huy Sơn- Giám đốc Ban Quản lý Dự án EU-MUTRAP phát biểu tổng kết dự án

Dự án EU-MUTRAP được khởi động từ cuối năm 2012 do Liên minh châu Âu tài trợ và Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án đã chuyển dần từ hỗ trợ đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế sang hỗ trợ thực thu các cam kết thương mại quốc tế, cải thiện các điều kiện kinh doanh trong nước. Đặc biệt, EU-MUTRAP đã có những hoạt động hỗ trợ cụ thể, sát với nhu cầu của doanh nghiệp cho một số ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày và càphê...

Một trong những mục tiêu chính của Dự án là tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam-EU, cải thiện năng lực đàm phán và thực thi các cam kết thương mại đa phương và khu vực.

Do vậy, Dự án EU-MUTRAP đã hỗ trợ triển khai nhiều nghiên cứu quan trọng phục vụ đàm phán và thực thi hiệp định thương mại Việt Nam-EU, bao gồm nghiên cứu đánh giá tác động hiệp định EVFTA, lộ trình thực hiện hiệp định, 18 báo cáo về tác động theo ngành của EVFTA đối với doanh nghiệp.

Toàn cảnh Lễ tổng kết Dự án EU-MUTRAP

Đặc biệt là tuyên truyền phổ biện nội dung toàn bộ hiệp định, tranh bị cho các doanh nghiệp những kiến thức cần thiết để đối phó với những thách thức và tận dụng những lợi thế do hiệp định mang lại.

Sau 5 năm hoạt động (2012-2017), Dự án EU-MUTRAP đã hoàn thành các kế hoạch công tác đề ra, triển khai 130 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, xuất bản 74 báo cáo, tài liệu nghiên cứu, tổ chức gần 300 hội thảo/tọa đàm và khóa đào tạo tại 31 tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ đại diện nhiều Bộ, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm WTO, trường đại học trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Đặc biệt, trang web của Dự án đã thu hút hơn 15 triệu lượt truy cập với hơn 100 nghìn lần tải tài liệu.

Hơn nữa, Dự án đã tài trợ trang thiết bị tin học và xây dựng phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu cho 20 đơn vị thuộc Bộ/ngành, trường đại học.

Thông qua các khóa tập huấn, đào tạo của dự án, đại diện các cơ quan Chính phủ cũng như doanh nghiệp được nắm rõ hơn về các vấn đề trong các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp được trang bị kiến thức và yêu cầu của thị trường 28 nước EU về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU như: thủy sản, dệt may, da giày, càphê, ca cao, rau quả...

“Dự án EU-MUTRAP cũng đã hỗ trợ xây dựng nhiều văn bản pháp luật, chương trình chính sách thương mại nhằm nâng cao năng lực thể chế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập như: Báo cáo rà soát sửa đổi Luật Thương mại, Báo cáo rà soát chính sách thương mại của Việt Nam trong WTO, dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ...”, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.

Về phía liên minh châu Âu, Đại sứ Bruno Angelet cũng nhận định, sau 5 năm hoạt động, Dự án EU-MUTRAP đã khẳng định là dự án lớn nhất và quan trọng nhất của EU với Việt Nam. Dự án đã dự báo tình hình chuẩn xác và tổ chức các khóa đào tạo cho những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

“Nhờ sự hỗ trợ của EU-Mutrap, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tiếp cận những thông tin thị trường cập nhật, những kiến thức về an toàn thực phẩm đối với trái câu, rau quả, hải sản và mật ong. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- EU sẽ tăng đáng kể sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU được thực hiện”, Đại sứ Bruno Angelet cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những thành tích mà Dự án EU-MUTRAP mang lại. Sau 5 năm triển khai, Dự án EU-MUTRAP đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt là tăng cường mối quan hệ đầu tư thương mại với Liên minh châu Âu.

Dự án EU-MUTRAP đã khép lại nhưng kết quả thiết thực, toàn diện của nó đã tạo tiền đề quan trọng để mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-EU, khai thác tối ưu lợi ích của Hiệp định FTA Việt Nam- EU, giúp Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.