Tăng giá điện đảm bảo hài hòa mọi lợi ích

Ngày 01/12/2017, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017 và trao đổi thông
Cơ sở tăng giá bán điện được tính toán kỹ lưỡng

Trước đó, ngày 30/11, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành giá bán lẻ điện năm 2017, từ ngày 01/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Tuy nhiên, lần điều chỉnh này, mức giá cho từng nhóm khách hàng vẫn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Do đó, Chính phủ vẫn hỗ trợ hộ nghèo và hộ gia đình chính sách. Theo tính toán, với mức hỗ trợ này thì hiện nay có 3,5-4 triệu hộ được nhà nước hỗ trợ hàng năm, với trên dưới 2.500 tỷ đồng/năm, ông Tuấn cho biết thêm.


Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương chủ trì buổi họp báo

Bên cạnh đó, để đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô, tránh áp lực lên người dân, trong đợt điều chỉnh giá điện này mới chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. “Theo quy định của Thủ tướng từ nay đến năm 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện. Mức điều chỉnh mỗi lần chỉ được trong khuôn khổ cho phép và có sự ngắt quãng trong từng thời gian”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh việc, để có được kết quả này, Thủ tưởng Chính phủ đã yêu cầu EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện, sau đó có sự đóng góp tham gia cho ý kiến của các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước… xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế nói chung, việc ảnh hưởng giá điện lên các chỉ số CPI, GDP...

Đánh giá tác động của tăng giá điện đối với các đối tượng sử dụng, Ông Lâm cho biết thêm, trong 28,5 triệu hộ dùng điện thì cơ bản số hộ điện 78% dùng dưới 200kW/h. Năm 2016 có 5,4 triệu hộ khách hàng (chiếm 22,7%) tiêu thụ từ 50-100 kw/h/tháng; có 4,1 triệu hộ sử dụng dưới 50kw/h/tháng và sử dụng 200kw/h/tháng là 5,2 triệu hộ.

Tương ứng, mức tăng giá điện lần này đối với các hộ sản xuất là khoảng 1,4-6,4%, các hộ dịch vụ là 3 – 5%, đơn vị hành chính sự nghiệp là khoảng 4,97%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.200 đồng. Hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 kWh là 23.600 đồng còn hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng.

Theo tính toán của các cơ quan liên quan, việc tăng giá điện sẽ có tác động đến chỉ số sản xuất của năm 2017 là khoảng 0,07%; chỉ số CPI 0,08%.


Toàn cảnh buổi họp báo về điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2017

Tạo tiền đề tăng thu hút đầu tư vào ngành điện

Trao đổi về việc, tác động của tăng giá điện tới việc thu hút đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Một trong những cơ chế thu hút đầu tư là điều hành giá điện phải theo những thông số yếu tố đầu vào như: chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện trong đó có các yếu tố như tỷ giá, chi phí bán lẻ, chi phí mua điện trên thị trường điện…”

Ông Tuấn khẳng định, khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tích cực trong thị trường bán buôn cạnh tranh để thu hút đầu tư trong ngành điện.

“Trong cơ cấu nguồn chúng tôi tính toán cho điện gió và điện mặt trời, nhưng trong phương án giá điện 2017 thì điện mặt trời chưa có nhà máy điện nào lớn để phát điện còn điện gió thì đã và đang vận hành và tính toán giá thành 2017. Trong thời gian tiếp theo sẽ đưa vào tính toán giá thành điện gió trong những năm tới, điện gió thì đắt hơn giá điện của chúng ta hiện nay. Về lộ trình, Thủ tướng đã công bố, trong giai đoạn này chúng ta chỉ được điều chỉnh giá điện trong khung giá điện quy định còn tăng ngoài khung thì phải báo cáo Chính phủ", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Hoàng Hòa