Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020

ThS. LÊ MINH HIỀN (Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Tóm tắt:
Sơn La là một tỉnh cửa ngõ khu vực Tây Bắc có các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cho phát triển kinh tế, DNNVV của tỉnh hiện nay đang đóng góp tới 40% thu nhập của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020, DNNVV đóng góp tới 45% thu ngân sách của tỉnh và cần có các giải pháp hỗ trợ, phát triển DNNVV từ nay đến năm 2020.
Từ khóa: Sơn La, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2018-2020.

1. Giới thiệu doanh nghiệp nhỏ và vừa Sơn La
Sơn La là một trong những tỉnh cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 320 km, phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa; Sơn La có 250 km đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với cửa khẩu quốc gia Lóng Sập và Chiềng Khương. Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên là 14.174 km2, đứng thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước (sau Nghệ An và Gia Lai), bằng 4,28% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 37,88% tổng diện tích tự nhiên vùng Tây Bắc, với 12 đơn vị hành chính cấp huyện (11 huyện và 01 thành phố). Trong những năm qua, hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá, hoạt động ngày một hiệu quả.
1.1. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Sơn La cho thấy, năm 2017 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh ước đạt 28.831,153 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,59% so với năm 2016 (Trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 18%; khu vực dịch vụ tăng 6,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%) [6].
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế là khu vực dịch vụ tăng từ 39,6% năm 2016 lên 40,3% năm 2017; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 33% năm 2016 xuống 33,6% năm 2017; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,4% năm 2016 xuống 22,1% năm 2017; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm duy trì chiếm khoảng 4% trong cơ cấu kinh tế. [6]
Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn năm 2017 ước đạt 14.533 tỷ đồng, bằng 107,7% kế hoạch và tăng 10,5% so với năm trước. Trong đó vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước ước đạt 5.499,9 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước; vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước khoảng 9.012,5 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 20,5 tỷ đồng, tăng 79,4% so với năm trước. [6]
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch: Chiếm tỷ trọng cao nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là khu vực dịch vụ tăng từ 40,6% năm 2012 lên 42,3% năm 2014 với những con số đáng chú ý như: Giá trị sản xuất ngành Dịch vụ đến hết năm 2012 đạt 8.510 tỷ đồng, năm 2014 ước đạt 12.126,5 tỷ đồng, tăng bình quân 18,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng cao qua các năm, năm 2012 đạt 12.486 tỷ đồng, ước năm 2014 đạt 15.642 tỷ đồng, bình quân tăng 16,9%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 69,5 triệu USD, tăng 15 lần so với năm 2012.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giảm dần từ 35,6% xuống 31%; khu vực công nghiệp - xây dựng trong giai đoạn có nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng từ 23,7% lên 26,6% [5].
Tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (11 huyện và 01 thành phố). Dân số toàn tỉnh đến năm 2014 khoảng 1.160.000 người, trong đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động là 721,82 nghìn người, chiếm 62,7% tổng dân số, số lao động đã qua đào tạo là 227,37 nghìn lao động, số lao động phổ thông là 421,63 nghìn lao động. Lực lượng lao động trẻ, dồi dào và được tỉnh Sơn La chú trọng đào tạo về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông, lâm, ngư nghiệp...
Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội có bước phát triển tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm tập trung giải quyết; quốc phòng - an ninh đảm bảo, quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được củng cố, tăng cường, mở rộng và phát triển.
1.2. Hiện trạng DNNVV tỉnh Sơn La
Theo số liệu thống kê của tỉnh Sơn La, đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh Sơn La có 1.801 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, phân theo loại hình: Doanh nghiệp tư nhân có 588 doanh nghiệp, chiếm 32,65%; Công ty TNHH có 709 doanh nghiệp, chiếm 39,37%; Công ty cổ phần 504 doanh nghiệp, chiếm 27,98%. Trong đó hầu hết các doanh nghiệp được xếp vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ (trong phạm vi bài viết này, được gọi chung là DNNVV). Hiện nay, DNNVV chiếm hơn 97%, sử dụng hơn 50% lao động, tạo 47% GDP và đóng góp khoảng 40% nguồn thu ngân sách của tỉnh [1], [5]
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 12/2017 toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 108.586 triệu đồng, giảm 9,1% về số doanh nghiệp và giảm 72,6% số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 5.429 triệu đồng, giảm 70,0%. Tính chung toàn tỉnh có 306 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 3.011.339 triệu đồng, tăng 39,7% về số doanh nghiệp và giảm 6,4% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9.841 triệu đồng, giảm 33,0%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động là 52 doanh nghiệp, tăng 57,6%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 22 doanh nghiệp, giảm 66,2% so với cùng kỳ [4].
2. Cơ hội và thách thức đối với phát triển DNNVV tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2020
2.1. Tiềm năng phát triển kinh tế của Sơn La
Tiềm năng khoáng sản: Sơn La có trên 150 điểm khoáng sản, trong đó có những loại khoáng sản quý như: Niken - đồng, Ma nhê hít, than và những khoáng sản quý khác như vàng, thủy ngân... Đặc biệt, với đặc điểm địa hình đồi núi, Sơn La có nguồn đá vôi, sét cao lanh trữ lượng lớn, chất lượng tốt, cho phép phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, cát chất lượng cao, đá xây dựng, gạch không nung...
Tiềm năng công nghiệp chế biến: Tỉnh Sơn La được biết đến là tỉnh có sản lượng các loại cây công trồng ngắn ngày vào loại cao của cả nước, đặc biệt là ngô và sắn (sản lượng ngô trung bình 670 nghìn tấn/ năm, sản lượng sắn 360 nghìn tấn/ năm), bên cạnh đó là các loại cây trồng khác như cây cà phê, cây chè, cây chuối, cây mận hậu...[2]
Tiềm năng du lịch: Sơn La sở hữu cao nguyên rộng nhất Việt Nam là cao nguyên Mộc Châu với độ cao trung bình 1050m, khí hậu ôn đới trong lành. Mộc Châu có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử như Động Sơn Mộc Hương, Đồi Mộc Lỵ, Bia Tây Tiến, Thác Dải yếm, Rừng thông Bản Áng (quần thể rừng thông, công viên và hồ nước nhân tạo), những bản làng dân tộc, những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Nào Sồng, Lễ hội cầu mùa, ngày hội văn hoá các dân tộc Mộc Châu (diễn ra vào Quốc khánh 2/9 hàng năm), Hội thi Hoa hậu Bò sữa (do Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu tổ chức)... Cùng với những đồng cỏ, đồi chè bát ngát của vùng có khí hậu ôn đới trong lành, Mộc Châu vốn vẫn được khách du lịch ví như Đà Lạt của miền Bắc.
Tiềm năng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, rau và hoa: Sơn La có 927.514,95 ha đất nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp lớn là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Đa số đất đai còn màu mỡ, tầng canh tác dày thuận lợi để thâm canh tăng năng suất cây trồng. Sơn La có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau là lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Đặc biệt với 2 cao nguyên lớn (Mộc Châu và Nà Sản) với đất đai phì nhiêu là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như chè, mía, cà phê, cao su... và các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, dứa, na, chuối...các loại rau, hoa và cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới, cây dược liệu. [2]
Tiềm năng phát triển chăn nuôi: Tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi như có nhiều đồng bãi chăn thả, tổng diện tích đồng cỏ gieo trồng lớn, hiện có 2.505 ha cỏ trồng, kế hoạch phát triển đến năm 2015 đạt 5.000 ha, là tiềm năng lớn để phát triển các loại gia súc ăn cỏ như: trâu, bò, dê... Đàn vật nuôi của tỉnh có quy mô lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại theo vùng sinh thái và có nhiều giống có giá trị kinh tế cao như: Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, gà đen, nhím... là tiềm năng, lợi thế để đầu tư có hiệu quả các dự án phát triển chăn nuôi. [2]
Tiềm năng phát triển rừng: Tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh là 934.039 ha, chiếm tỷ lệ 66% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó quy hoạch rừng đặc dụng là 62.987,7 ha (đất có rừng 46.653,2 ha, đất chưa có rừng 16.325,5 ha); Quy hoạch rừng phòng hộ 423.992,6 ha (đất có rừng 296.945,8 ha, đất chưa có rừng 127.044,8 ha); Quy hoạch rừng sản xuất 447.067 ha (đất có rừng 229.253,2 ha, đất chưa có rừng 217.814,5 ha). Như vậy tiềm năng về diện tích đất để đầu tư các dự án trồng và bảo vệ rừng tại tỉnh Sơn La là rất lớn. [2]
Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản: Tỉnh Sơn La có tiềm năng mặt nước rất lớn để phát triển thủy sản bao gồm 2.443 ha ao, trên 500 hồ đập công trình thủy lợi lớn, nhỏ, gần 5.000 ha ruộng lúa có kết hợp nuôi cá, 02 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, 35 dòng suối lớn nhỏ, 02 hồ thủy điện lớn là hồ chứa thủy điện Hòa Bình và Sơn La với diện tích lòng hồ 432 km2. Điều đó khẳng định, Sơn La là một trong những tỉnh Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thủy sản. Ngoài ra Sơn La có nhiều tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển các loại thủy đặc sản như ba ba, các loại các nước lạnh như cá hồi vân, cá tầm, cá lồng... [2]
2.2. Cơ hội và thách thức
Thách thức chung của Sơn La
PCI năm 2016 của Sơn La so với 2015 tụt 1,72 điểm và tụt xếp hạng 14 bậc. Mức tụt hạng của Sơn La tương đối sâu, đặc biệt là một số tiêu chí vốn dĩ đã là khó khăn của DNNVV nay lại tiếp tục giảm sâu: (Bảng 2.1) Cơ hội và thách thức của DNNVV Sơn La (Bảng 2.2) 3. Giải pháp phát triển DNNVV tỉnh Sơn La
3.1. Mục tiêu phát triển DNNVV của Sơn La
Mục tiêu đặt ra của tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.100 DN [3]; khu vực kinh tế tư nhân đó đóng góp trên 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 1952/QĐ- UBND ngày 12/8/2016 với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập”.
3.2. Một số giải pháp phát triển DNNVV của Sơn La
Thứ nhất, trong thời gian tới cần có định hướng chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ đó đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho DNNVV phát triển. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ; Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, huy động và thu hút các nguồn lực, đảm bảo các cân đối cho đầu tư phát triển.
Thứ hai, cần tận dụng các chính sách ưu tiên của nhà nước đối với DNNVV để hỗ trợ các DNNVV giải quyết các khó khăn như khả năng tiếp cận đất bằng khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp; tiếp cận thông tin, thể chế của tỉnh đối với DNNVV.
Thứ ba, Sơn La cần xây dựng hệ thống các tổ chức tài chính phục vụ cho nhu cầu về vốn của các DNNVV, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với các nguồn vốn với lãi suất thấp thông qua chính sách, nghị định của chính phủ. Chính phủ nên thúc đẩy nhanh việc giảm lãi suất. Nếu chỉ đưa ra một giải pháp hạ lãi suất thì cũng không phải là giải pháp tối ưu, mà phải thực hiện cả 3 điều: khoanh nợ, giãn nợ và mua lại nợ xấu.
Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài đào tạo nâng cao chuyên môn, đội ngũ lãnh đạo cần được đào tạo về kỹ năng quản lý, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng quản trị nguồn nhân lực…
Thứ năm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại và quản lý thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. http://sba.vn/index.html
2. Báo cáo tổng kết nông nghiệp, nông thôn năm 2017, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2018 của UBND tỉnh Sơn La;
3. UBND tỉnh Sơn La (2016), “Quyết định phê duyệt Đề Án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh Sơn La đến 2020”, Ngày 10/10/2016;
4. Báo cáo số 255/BC-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020;
5. Cục Thống kê tỉnh Sơn La (2016), Niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2016;
6. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017- Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La;
7. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015, 2016 của VCCI.

SOLUTIONS TO DEVELOP SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN SON LA PROVINCE IN 2018-2020

MA. LE MINH HIEN

Institute of Agriculture and Rural Development

ABSTRACT:

Son La is a gateway province in the Northwest with natural and socio-economic conditions for economic development. The province's SMEs are contributing 40% of the provincial income. In  2020, SMEs are expected to contribute up to 45% of provincial budget revenues, hence, it is necessary to have solutions to support and develop SMEs from now to 2020.

Keywords: Son La, small and medium enterprises, period 2018 - 2020.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây