GKM Holdings - “Ông lớn” gạch không nung lấn sân sang mảng sản xuất, truyền tải điện

Công ty Cổ phần GKM Holdings (mã cổ phiếu GKM), doanh nghiệp gạch không nung lớn hàng đầu Việt Nam, vừa quyết định góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện.
GKM Holdings
GKM Holdings hiện đang vận hành nhà máy gạch không nung xi măng cốt liệu lớn nhất cả nước.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần GKM Holdings (mã cổ phiếu GKM – sàn HNX) vừa thông qua chủ trương góp 60 tỷ đồng để đầu tư, thành lập Công ty Cổ phần Power Trade với ngành nghề kinh doanh là truyền tải và phân phối điện, sản xuất kinh doanh buôn bán điện và các hoạt động khác có liên quan.

Dự kiến Power Trade sẽ có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, được chia thành 300.000 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần. Như vậy, phần vốn góp của GKM Holdings tại Power Trade sẽ tương đương 60.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ của Power Trade.

HĐQT GKM Holdings uỷ quyền cho ông Đặng Việt Lê – Chủ tịch HĐQT làm người đại diện đối với toàn bộ phần vốn góp của GKM Holdings tại Power Trade.

GKM Holdings được thành lập vào năm 2010, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạch không nung xi măng cốt liệu, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hiện GKM Holdings đang vận hành nhà máy gạch không nung xi măng cốt liệu lớn nhất cả nước với công suất 195 triệu viên qui tiêu chuẩn/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn được biế đến với sản phẩm đá nhân tạo Conslab thạch anh chất lượng cao vốn được sử dụng rộng rãi tại loạt dự án resort và biệt thự cao cấp trên toàn quốc.

Đặc biệt, GKM Holdings là đơn vị sản xuất gạch không nung đầu tiên tại Việt Nam đã đăng ký và được Liên Hiệp Quốc chứng nhận, cấp Chứng chỉ giảm phát thải theo Cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism). CDM là chứng chỉ cấp cho các nhà sản xuất không tạo ra khí thải carbon và có sản phẩm thay thế cho các nhà máy cùng ngành có tạo ra khí thải carbon.

Điều này giúp GKM Holdings có thể tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon (CER) quốc tế. Trên thực tế, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bán CER cho Tập đoàn Eneco Energy Trade B.V. (Hà Lan) và Tập đoàn ENBW Trading GMHB (Đức) từ năm 2011.

Giá cổ phiếu GKM GKM Holdings
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GKM của GKM Holdings từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn PC1: Bắt đầu hưởng “trái ngọt” từ mảng nickel, ước tính doanh thu khai khoáng năm sau tăng 53%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2023, GKM Holdings ghi nhận doanh thu đạt 63,5 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính lại tăng vọt 489%, đạt 41,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, GKM Holdings báo lãi ròng 44,8 tỷ đồng, tăng 549% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, GKM Holdings ghi nhận tổng doanh thu đạt 268,5 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2022. Doanh thu tài chính tăng đột biến 320%, đạt 48,3 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, GKM Holdings báo lãi ròng 47,4 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 61% mục tiêu doanh thu và 91% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.

Tính đến cuối tháng 9/2023, GKM Holdings ghi nhận tổng tài sản gần 746 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, riêng tiền và các khoản tương đương tiền tăng tới 46%, lên hơn 453 tỷ đồng - tương đương 60,7% tổng tài sản.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng 5%, đạt gần 316 tỷ đồng - tương đương 42,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn đã giảm 17% so với hồi đầu năm, còn hơn 188 tỷ đồng.

Duy Quang