Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII): Doanh thu mảng BOT năm nay sẽ tăng 60-70%

Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) hiện ước tính doanh thu mảng BOT năm nay sẽ tăng từ 60-70% so với năm 2023.
Thu phí BOT Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh
Mảng thu phí BOT đóng góp tới hơn 54% tổng doanh thu của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong năm 2023.

Theo Báo cáo thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE), hoạt động thu phí giao thông (BOT) vẫn là nguồn thu chính của doanh nghiệp này trong năm 2023 với doanh thu đạt 1.687 tỷ đồng (tăng trưởng 16,7% so với năm 2022), chiếm hơn 54% tổng doanh thu cả năm.

Trong khi đó, doanh thu từ các mảng kinh doanh bất động sản, xây dựng và cấp nước sạch lần lượt giảm mạnh từ 50-70% so với năm 2022, còn 1.139 tỷ đồng, 163 tỷ đồng và 113 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, công ty đang ghi nhận nguồn thu phí hạ tầng giao thông tại 7 dự án trong năm 2023. Trong đó, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đóng góp nguồn thu lớn nhất với 834 tỷ đồng, theo sau là dự án BOT Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ với 680 tỷ đồng, và dự án BOT cầu Rạch Miễu với 253 tỷ đồng.

Công ty CII B&R hiện là đơn vị trực tiếp vận hành hoạt động thu phí BOT của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tại các dự án kể trên. Năm 2023, CII B&R ghi nhận mức doanh thu 1.703 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2022, và lãi ròng hơn 927 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022.

Nhận định về tình hình kinh doanh thời gian tới, ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, với giả định lưu lượng phương tiện tăng 3-8%/năm và giá vé thu phí tăng 9-25% trong mỗi giai đoạn 3-5 năm, doanh thu từ mảng BOT trong năm 2024 có thể đạt khoảng 2.800-2.900 tỷ đồng, tăng 60 - 70% so với năm 2023. Con số này sẽ tăng dần qua các năm và đạt khoảng 5.500 tỷ đồng vào năm 2033.

Giai đoạn 2024-2033, doanh thu mảng BOT của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung chủ yếu ở 3 dự án gồm BOT Ninh Thuận, BOT Xa lộ Hà Nội và BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chiếm tỷ trọng từ 80-90%).

Trong số này, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ duy trì mức đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu, ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ước tính.

Giá cổ phiếu CII Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CII của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vì sao nhóm CII muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 96,89% tại Năm Bảy Bảy (NBB)?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cuối tháng 12/2023, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã giải ngân xong khoản vay trị giá 9.302 tỷ đồng cho hai dự án trọng điểm là Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án BOT Xa lộ Hà Nội.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 diễn ra hồi giữa tháng 10/2023, một số cổ đông đã bày tỏ lo ngại về rủi ro khi Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn.

Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong hai năm nay, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã không thực hiện dự án mới mà chỉ tập trung phát triển các dự án cũ. Do đó, nếu không bắt đầu thực hiện dự án mới thì chỉ trong vòng 2 - 3 năm tới, động lực tăng trưởng của công ty sẽ không còn.

Đồng thời, vị lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong 104 dự án BOT được Bộ Giao thông Vận tải kêu gọi đầu tư hiện nay chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chiếm phần lớn trong đó là các dự án của công ty.

Duy Quang