Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (CII): Tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng, mở rộng sang BĐS hưu trí, y tế

Bên cạnh việc mở rộng mảng BOT, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) hiện muốn mở rộng sang mảng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí với nhiều tiềm năng lớn.

Cơ cấu nguồn vốn, muốn phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE) vừa công bố thư mời và tài liệu Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 lần 2, dự kiến tổ chức vào ngày 17/10 tới đây.

Về chiến lược hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp này đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát hành với tổng giá trị khoảng gần 2.400 tỷ đồng thời hạn trên 10 năm.

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh mã cổ phiếu CII
Chiến lược tái cơ cấu nguồn vốn tín dụng của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. (Nguồn: Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh)

Ngoài ra, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm tổng giá trị 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, doanh nghiệp đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt một với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng.

Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết đã và đang hợp tác thành công với các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước để bổ sung các khoản tín dụng mới với thời gian dài hơn, tương đương với thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT. Gần đây nhất, vào tháng 6/2023, doanh nghiệp này đã được Ngân hàng Vietcombank cấp tín dụng với tổng hạn mức đạt 9.340 tỷ đồng cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.

Tại Đại hội bất thường lần này, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ trình cổ đông xem xét thông qua việc nghiên cứu và danh mục đề xuất các dự án BOT với tổng quy mô đầu tư lên đến 75.000 tỷ đồng. Các dự án này được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 do Quốc hội ban hành về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh”.

Danh mục dự án CII

Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nhận định Nghị quyết số 98 sẽ giúp giải quyết được bài toán đền bù giải toả vốn là vấn đề khó khăn, phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh. Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng nghiên cứu để có thêm thời gian đánh giá tính khả thi, cũng như lựa chọn dự án phù hợp với quy mô hoạt động, tiến tới triển khai các dự án để đạt lợi thế của nhà đầu tư đi trước.

Xem thêm: "Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền qua tín phiếu đến bao giờ?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Mở rộng sang mảng hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí

Ngoài đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư các dự BOT, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh còn trình cổ đông xem xét thông qua việc mở rộng đầu tư sang 02 lĩnh vực mới, gồm: hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.

Đối với mảng hạ tầng y tế, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh, bao gồm khối nhà nước và tư nhân, để đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc đã có sẵn để bệnh nhân các tỉnh thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành. Theo dữ liệu của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế địa phương ghi nhận 37 triệu lượt khám mỗi năm.

Bất động sản
Các lĩnh vực hạ tầng, bất động sản mới sẽ được Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tập trung phát triển tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận.

Đồng thời, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ phát triển mô hình hạ tầng y tế, phòng khám chữa bệnh đặt tại khối đế trong các dự án chung cư của doanh nghiệp, và tận dụng diện tích căn hộ bên trên để làm cơ sở lưu trú phục vụ người bệnh ngoại trú và thân nhân.

Đối với mảng bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết thị trường này hiện nhiều tiềm năng nhưng còn rất sơ khai, lĩnh vực này sẽ hướng đến tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu, an dưỡng.

Loại hình bất động sản này sẽ được đặt ở những vị trí có khả năng kết nối với các tuyến cao tốc đã và đang được hình thành nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới TP.Hồ Chí Minh; nhờ đó, việc đi lại và thăm viếng của gia đình cũng như khám chữa bệnh sẽ không còn là vấn đề lớn. Đặc biệt, việc trực tiếp sở hữu những căn nhà trong mô hình bất động sản này cũng tạo tâm lý thoải mái, xóa bỏ góc nhìn định kiến so với việc sống trong các viện dưỡng lão truyền thống, theo chia sẻ của lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng dẫn dữ liệu cho thấy Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới và người cao tuổi tại nước ta đang ngày càng có khuynh hướng sống độc lập hơn với con cái. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời của bất động sản hưu trí tại nhiều quốc gia có mức tăng ấn tượng. Điển hình, tại Mỹ, loại hình bất động sản này có tỷ suất lợi nhuận cao nhất so với các loại hình khác. 

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 29/9, cổ phiếu CII có giá tham chiếu tại mức 18.800 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu CII đã tăng gần 49%.

Duy Quang