Hoàn thiện công tác phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long

TRẦN THỊ NGỌC THÚY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Phân tích báo cáo tài chính (BCTC) có một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cũng như là công cụ hỗ trợ các nhà quản lý ra quyết định quản lý, hỗ trợ các nhà đầu tư ra các quyết định đầu tư. Trên cơ sở nghiên cứu công tác phân tích BCTC tại Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long, bài viết đánh giá ưu điểm, hạn chế công tác phân tích BCTC, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện nội dung, phương pháp lập và phân tích BCTC tại Công ty.

Từ khóa: Phân tích báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long.

I. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình thoát khỏi quỹ đạo khó khăn. Quá trình sàng lọc và cạnh tranh lẫn nhau của các doanh nghiệp là điều tất yếu xảy ra. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Muốn vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đưa ra được các quyết định tối ưu trên cơ sở các thông tin tài chính được trình bày và phân tích đầy đủ, kịp thời.

Vì vậy, việc nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động tài chính thông qua công tác lập và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp là việc làm không thể thiếu trong công tác quản lý tài chính nhằm đưa ra những quyết định quan trọng về chiến lược sản xuất và kinh doanh kịp thời và hiệu quả.

II. Thực trạng nội dung, phương pháp lập và phân tích báo cáo tài chính tại Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long

Công ty cổ phần Sông Đà 11 - Thăng Long (SELCO) là một doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng công ty Sông Đà, được thành lập ngày 04/07/2008 theo Nghị quyết số 107 TCT/HĐQT ngày 09/04/2008 của Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà và Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/04/2008 của Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Sông Đà 11. SELCO hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0303001301 ngày 10/07/2008 của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Tây với mức vốn điều lệ (VĐL) khi thành lập là 30.000.000.000 VNĐ, dựa trên cơ sở ban đầu là sáp nhập Xí nghiệp Sông Đà 11-5 và Xí nghiệp Sông Đà 11- 2 được tách ra từ Công ty cổ phần Sông Đà 11.

1. Thực trạng nội dung, phương pháp lập BCTC

Các số liệu trên BCTC là cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu, phân tích để tính ra các chỉ tiêu kinh tế khác nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả của quá trình sản xuất - kinh doanh của Công ty. Đây là căn cứ quan trọng trong việc phát hiện ra khả năng tiềm tàng, để ra các quyết định quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh hay đầu tư vào công ty.

Hệ thống báo cáo tài chính của Công ty niên độ năm 2011 áp dụng theo Thông tư số 200/2014/TT - BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Bảng cân đối kế toán Mẫu số B01 - DN

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DN

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DN

Trong đó, Bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh được lập cuối mỗi quý và cuối mỗi năm tài chính, còn thuyết minh BCTC được lập vào cuối năm tài chính.

Công ty tuân thủ nghiêm túc yêu cầu cũng như nguyên tắc lập và trình bày BCTC được quy định tại chuẩn mực số 21 - Trình bày BCTC và các quy định kế toán liên quan khác.

- Yêu cầu lập và trình bày BCTC:

+ Trung thực, hợp lý

+ Lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán đảm bảo cung cấp thông tin thích hợp với nhu cầu ra quyết định kinh tế của người sử dụng và cung cấp được các thông tin đáng tin cậy.

2. Thực trạng phân tích BCTC

Công ty Cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long đã thực hiện phân tích cơ cấu và sự biến động của tài sản và nguồn vốn căn cứ vào bảng cân đối kế toán và sử dụng phương pháp so sánh. Cụ thể:

- So sánh tổng tài sản và nguồn vốn giữa cuối kỳ và đầu năm cũng như chi tiết đối với từng tài sản (cả về số tuyệt đối và tương đối) để xác định sự biến động của tài sản. Qua đó đánh giá chung nhất về quy mô sản xuất kinh doanh, năng lực kinh doanh của công ty. Từ đó xác định được việc tăng giảm đó có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính của công ty.

- Xác định tỷ trọng của từng loại tài sản chiếm trong tổng tài sản cũng như trong quy mô chung để thấy được việc phân bổ tài sản hợp lý hay không.

- So sánh cuối kỳ với đầu năm (cả về số tuyệt đối và tương đối) của từng loại nguồn vốn để thấy được tổng nguồn vốn tăng hay giảm là do nợ phải trả hay do nguồn vốn chủ sở hữu.

- Xác định tỷ trọng của từng loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cũng như trong tổng quy mô chung để thấy được chính sách tài chính của doanh nghiệp, mức độ mạo hiểm tài chính thông qua chính sách đó còn cho ta thấy được khả năng tự chủ hay phụ thuộc về tài chính của doanh nghiệp.

- So sánh sự biến động tỷ trọng từng loại tài sản và nguồn vốn.

3. Đánh giá về công tác phân tích BCTC

3.1. Những mặt đạt được

Thứ nhất, Công ty đã lập và trình bày BCTC theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kế toán số 21 đề ra. BCTC của công ty trình bày một cách tổng quát, phản ánh thông tin hợp nhất về tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu và kết quả kinh doanh của công ty. Và bảng cân đối kế toán thể hiện khá toàn diện và đầy đủ vị thế tài chính của Công ty tại một thời điểm và kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong một thời kỳ. Do đó, thông qua BCTC, có thể đánh giá về thực trạng cũng như triển vọng của Công ty, từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn phù hợp.

Thứ hai, công tác lập BCTC và phân tích BCTC được tiến hành đều đặn vào cuối mỗi năm. Kết quả phân tích và đánh giá tình hình tài chính của Công ty qua các số liệu trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh đã giúp cho lãnh đạo công ty thấy được tình hình tài chính tổng quát của công ty qua mỗi năm. Trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh các hoạt động tài chính, thúc đẩy quá trình sản xuất - kinh doanh của công ty phát triển bền vững. Hệ thống các chỉ tiêu phân tích khá đầy đủ: Tỉ số khả năng thanh toán, tỉ số cơ cấu tài sản, tỉ số khả năng sinh lời.

3.2. Một số tồn tại

Về hệ thống BCTC: Mặc dù công ty đã tiến hành lập BCTC theo đúng mẫu biểu quy định của Bộ Tài chính nhưng Công ty vẫn chưa lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ - một trong 4 mẫu báo bắt buộc và quan trọng trong Hệ thống BCTC.

Về phân tích BCTC của công ty bao gồm nhóm: Các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn; nhóm các chỉ tiêu phản ánh tình hính và khả năng thanh toán, nhóm các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời.

Quá trình phân tích mới chỉ dừng lại ở việc so sánh đơn giản giữa kết quả cuối năm và đầu năm, trên cơ sở đó đưa ra các nhận xét về xu hướng biến động của chỉ tiêu. Các chỉ tiêu phân tích mới chỉ dừng lại ở việc tính toán các con số mà không đưa ra nguyên nhân tạo ra con số đó. Nguồn số liệu dùng để phân tích còn rất hạn chế, vì vậy thiếu thông tin sử dụng trong việc phân tích. Tại Công ty Cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long, việc phân tích hầu như chỉ dựa vào phương pháp so sánh.

III. Các giải pháp hoàn thiện công tác phân tích BCTC tại Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long

1. Giải pháp hoàn thiện hệ thống BCTC

Bổ sung Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần quán triệt nguyên tắc sau:

- Trình bày luồng tiền vào theo từng hoạt động phù hợp với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, tài chính.

- Phân biệt luồng tiền phát sinh từ các hoạt động trên cơ sở thuần, bao gồm một số luồng tiền phát sinh trong những trường hợp sau:

+ Thu và chi trả tiền hộ khách hàng

+ Thu và chi tiền đối với các khoản có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn (mua bán ngoại tệ, các khoản đi vay và cho vay có thời hạn thanh toán không quá 3 tháng)

- Đối với các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền không được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

- Phải quy đổi các giao dịch ngoại tệ ra đồng tiền chính thức sử dụng để ghi sổ kế toán và lập Báo cáo theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch.

- Doanh nghiệp phải trình bày giá trị cùng với lý do của các khoản tiền và tương đương tiền có số dư cuối kỳ lớn do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không được sử dụng do có sự hạn chế của pháp luật hoặc các ràng buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện.

2. Giải pháp hoàn thiện phân tích BCTC

- Sử dụng phương pháp Dupont vào phân tích BCTC

Công ty cổ phần Sông Đà 11 Thăng Long, khi tiến hành phân tích tỉ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu theo phương pháp Dupont, ta có các số liệu sau:

Bổ sung thêm chỉ tiêu phân tích: Hệ số nợ so với tài sản, hệ số tài sản so với vốn chủ sở hữu:


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Kế toán tài chính 2015 (Học viện Tài chính)

2. Giáo trình Kế toán tài chính, Nhà xuất bản Tài Chính

3. Công ty Sông Đà 11 Thăng Long: Báo cáo tài chính, tài liệu kế toán 3 năm 2014, 2015, 2016

FINALIZATION OF FINANCIAL STATEMENT ANALYSIS

AT SONG DA 11 THANG LONG JOINT STOCK COMPANY

● TRAN THI NGOC THUY

Faculty of Accounting - University of Industrial Economics

ABSTRACT:

Financial analysis plays a very important role in the assessment of business performance, as well as a tool for managers to make management decisions and assist investors in investment decision. Based on the research on the analysis of financial statements at Song Da 11 Thang Long Joint Stock Company, the article assesses the advantages and disadvantages of financial report analysis, thus proposing solutions to complete the content, methods as well as the analysis financial reports at the company.

Keywords: Financial statement analysis, Song Da 11 Thang Long Joint Stock Company.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây