Indonesia muốn giá thiếc tăng cao hơn nữa

Indonesia hiện đang tìm cách nâng giá thiếc lên cao hơn trong bối cảnh nước này đang thực hiện chính sách yêu cầu thiếc phải được giao dịch trong nội địa trước khi xuất khẩu.

Theo ông Sutriono Edi, người đứng đầu Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai Indonesia (Coftra), chính sách yêu cầu thiếc phải được giao dịch trong nội địa trước khi xuất khẩu được áp dụng kể từ ngày 30/8/2013 hiện đang diễn ra theo đúng kể hoạch. Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Gita Wirijawan đã cho biết, Chính phủ Indonesia không có dự định thay đổi các quy định giao dịch trong bối cảnh khối lượng giao dịch thiếc trên sàn Giao dịch hang hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia (ICDX) đang tăng lên. Ông Gita Wirijawan đang hướng đến mục tiêu nâng giá thiếc lên cao hơn nữa.

Giá cao hơn nữa

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang muốn thay thế Sàn giao dịch kim loại London (LME) để trở thành nơi xác định mức giá tham chiếu cho kim loại thiếc cũng như đẩy giá thiếc lên cao hơn. Việc Indonesia cắt giảm nguồn cung thiếc ra thị trường thế giới đã đẩy giá thiếc giao tương lai lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng vào hồi tháng 10/2013. Thiếc là kim loại cơ bản có mức tăng giá tốt nhất trong năm và là kim loại được chuyên gia Peter Richardson dự báo là kim loại có mức tăng cao nhất trong năm 2014. Ông Peter Richardson hiện là trưởng kinh tế gia ngành hàng kim loại thuộc tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley.

Vào ngày 25/11 tại Jakarta (Indonesia), ông Gita Wirijawan đã cho biết: “Tôi cảm thấy hài lòng nhưng chưa hoàn toàn vừa ý với mức giá thiếc hiện tại, nếu có thể, giá thiếc cần tăng cao hơn nữa trong tương lai. Đây là sự kết tinh giá trị mà chúng tôi (Indonesia) muốn.” Tuy nhiên, ông Gita Wirijawan không đưa ra con số về mức giá cụ thể.

Giá thiếc giao sau 3 tháng (giá chào mua) trên sàn LME (1/10 - 27/11)

Giá thiếc trên sàn LME trong tháng 7 và tháng 8/2013 đã tăng lên trước khi quy định của Chính phủ Indonesia có hiệu lực và sau đó đã tăng vọt 9,8% vào tháng 10/2013 – mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 9/2012. Vào ngày 4/10, giá thiếc đã chạm mức 24.000 USD/tấn; trong năm 2012, giá thiếc đã tăng 5,4%, đạt 22.575 USD/tấn. Lượng thiếc dự trữ được theo dõi bởi sàn LME đã giảm xuống còn 10.795 USD/tấn vào ngày 27/11; đây là mức dự trữ nhỏ nhất kể từ tháng 3/2012. Mức dự trữ này thấp hơn 30% so với mức dự trữ vào ngày 30/8/2013 – thời điểm quy định của Chính phủ Indonesia có hiệu lực.

Xuất khẩu thiếc

Ông Sutriono Edi cho biết, sàn giao dịch ICDX sẽ tiếp tục là sàn giao dịch duy nhất tại Indonesia được phép giao dịch thiếc thỏi trước khi xuất khẩu, mục tiêu của Chính phủ Indonesia là nâng giá thiếc lên cao và tạo ra mức giá tham chiếu đối với giá thiếc trên toàn cầu.

Số liệu của sàn ICDX cho thấy, tính từ đầu tháng 11 đến ngày 26/11/2013, lượng thiếc thỏi được giao dịch trên sàn ICDX đã tăng lên mức 5.594 tấn so với mức 3.020 tấn trong tháng 10/2013. Số lượng thành viên có thể giao dịch thiếc trên sàn ICDX đã tăng từ con số 12 vào ngày 30/8/2013 lên 31 thành viên như hiện nay.

Vào ngày 26/11, ông Sutriono Edi cho biết, Coftra đang xử lý đơn xin giao dịch từ 16 công ty nữa. Trong tháng 10/2013, Indonesia đã xuất khẩu được 4.070 tấn thiếc thỏi và các sản phẩm từ thiếc khác. Trước đó, lượng thiếc thỏi và các sản phẩm từ thiếc khác được Indonesia xuất khẩu đã sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 786 tấn trong tháng 9/2013, giảm 88% so với tháng 8/2013. Ông Sutriono Ed dự báo lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia trong tháng 11 sẽ đạt 6.500 tấn.

Trong một cuộc phỏng vấn vào hồi tháng 9/2013, ông Gita Wirijawan đã nói rằng Chính phủ Indonesia đang tìm cách nâng giá trị các loại hang hóa xuất khẩu. Nếu như chính sách áp dụng đối với kim loại thiếc thành công thì chính sách này sẽ được áp dụng cho các loại hàng hóa khác. Indonesia, quốc gia khai thác niken lớn nhất thế giới, hiện cũng lên kế hoạch cấm xuất khẩu quặng niken thô vào năm 2014 trong bối cảnh Indonesia đang áp dụng các điều khoản từ Luật Khai khoáng 2009 của nước này.

Dự báo giá thiếc

Theo ông Peter Richardson thiếc sẽ là kim loại có mức tăng giá cao nhất trong năm 2014 do nhu cầu sử dụng thiếc tăng lên, trong khi lượng thiếc dự trữ giảm xuống và một số mỏ thiếc ngừng hoạt động; nhu cầu sử dụng thiếc trên toàn cầu được dự báo sẽ vượt mức cung cho đến năm 2016.

Ông Stephen Briggs, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn hàng hóa BNP Paribas SA (Pháp) dự báo quy định của Chính phủ Indonesia có thể giúp giá thiếc đạt mức trung bình 25.000 USD/tấn trong năm 2014. Hãng BNP Paribas SA được hãng tin Bloomberg đánh giá là hãng dự báo giá chính xác nhất trong vòng 8 quý qua.

Đặng Quang - Vi Thu (Theo Bloomberg)