Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Đề tài Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu do ThS. Phan Thị Cẩm Giang (Giảng viên Khoa quản lý Kinh tế và Xã hội - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) là một quá trình để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả ở nước ta trong những năm gần đây nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bài viết này khái quát sự cần thiết đẩy mạnh CDCCKT, những kết quả bước đầu, hạn chế của CDCCKT và gợi ý một số giải pháp nhằm đẩy mạnh CDCCKT vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ khóa: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Sự cần thiết chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cơ cấu kinh tế (CCKT) là thuộc tính của hệ thống kinh tế, phản ánh tính chất và trình độ của hệ thống kinh tế. Sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng của CCKT, đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế của một quốc gia, vùng hay một địa phương hợp lý sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững (PTBV) và ngược lại. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học, quản lý vĩ mô đã quan tâm nhiều đến CDCCKT theo hướng PTBV đối với cấp quốc gia, song đối với cấp vùng và cấp địa phương thì chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều vấn đề lý luận về CDCCKT theo hướng PTBV chưa được nghiên cứu và thực hiện một cách đầy đủ và có hệ thống.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế có vị trí hết sức quan trọng cả về chính trị, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vùng có diện tích đất tự nhiên chiếm 12,2% diện tích đất của cả nước, dân số khoảng 18 triệu người. Tổng sản phẩm nội vùng chiếm 12% tổng sản phẩm quốc nội. Vùng là một trong những vựa lúa lớn nhất nước ta, trung tâm sản xuất thủy sản và trái cây có vị trí hàng đầu, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành Nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, hơn 65% sản lượng nuôi trồng hải sản, 70% sản lượng trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí, năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời và năng lượng thủy triều… là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng lưới sinh thái với vườn cây, rừng cây rộng lớn, có 4 khu dự trữ khí quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới [2].

Tuy nhiên, ĐBSCL chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. Nhiều năm qua, nền tảng, cấu trúc kinh tế của vùng ĐBSCL đang gặp vấn đề về định hình và thay đổi, xu hướng cơ cấu chuỗi  cung ứng sản xuất, cải thiện năng suất là một cơ hội lớn, nhưng tổ chức triển khai và khai thác lợi thế còn chậm. Những biến đổi khí hậu và các nhân tố tác động đến môi trường và xã hội là những thách thức lớn mà vùng ĐBSCL đã và đang phải đối mặt.

Do đó, nghiên cứu và quản lý CDCCKT ở ĐBSCL là yêu cầu có tính khách quan và thực tiễn cao, nhằm phát triển KTXH và ngăn ngừa tác động biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

2. Thực trạng quản lý chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua

2.1. Về những kết quả bước đầu

Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Bộ Chính trị đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng.

Mục tiêu Nghị quyết số 13 đã chỉ rõ: (1) Đến năm 2030: Vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch… (2) Đến năm 2045, vùng ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước [6].

Thực hiện mục tiêu của NQ13 của Bộ Chính trị,  với quyết tâm cao để vùng ĐBSCL đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các ngành kinh tế thuộc vùng ĐBSCL để từng bước phấn đấu đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng ĐBSCL. Đó là: Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016 phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020… Cùng với đó là các quyết định của một số Bộ, ngành đối với nhóm ngành nâng cao tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu kinh kế toàn vùng thuộc ngành Công nghiệp và Dịch vụ, như: Quyết định số 465/QĐ-BGTVT ngày 08/03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành kế hoạch thực hiện việc phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực ĐBSCL; Quyết định số 4051/QĐ-BCT ngày 10/10/2016 của Bộ Công Thương phê duyệt “Quy hoạch hệ thống kho hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp chế biến vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035…). Với ngành giảm tỷ trọng đóng góp trong CCKT toàn vùng thuộc ngành Nông nghiệp (Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL…).

Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu trên đã đem lại những kết quả nổi bật trong hoạt động quản lý đối với CDCCKT vùng ĐBSCL trong thời gian qua. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành, bổ sung cơ chế, chính sách và các công cụ chủ yếu như; quy hoạch, kế hoạch, kiểm tra, giám sát, quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy Chính quyền địa phương CDCCKT. Những công cụ quản lý nêu trên được Chính phủ sử dụng thường xuyên, linh hoạt, góp phần giúp chính quyền 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của toàn Vùng và từng tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi công cụ kế hoạch hóa đã dần thay thế cho các công cụ hành chính mang tính mệnh lệnh quản lý trong nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã xây dựng và ban hành được một khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế ngày càng hoàn thiện với mức độ ban hành kịp thời và phù hợp với thực tiễn và có lồng ghép dự báo dài hạn đến năm 2045. Thể hiện rõ nét qua hệ thống luật pháp đã hình thành khung pháp lý cơ bản hiện hành của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh tế, bao gồm: (1) Nhóm các luật lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Trồng trọt; (2) Nhóm các luật lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch); Nhóm các luật lĩnh vực thương mại - dịch vụ (Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương, Luật Phá sản, Luật Giá. Như vậy, trong lĩnh vực kinh tế hiện nay, các luật cơ bản đã hình thành khung pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hướng hành vi các thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật và từng bước phát triển các ngành kinh tế để đạt được mục tiêu CDCCKT quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, đã được Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, kết quả CDCCKT được thể hiện của từng ngành kinh tế trong CCKT như sau:

(1) Ngành Nông nghiệp: các tỉnh, thành phố trong vùng có xu hướng chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trong cơ cấu GRDP từ năm 2015 - 2020, trừ thành phố Cần Thơ tăng nhẹ (Bảng 1).

Bảng 1. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp tại vùng ĐBSCL (%)

Các

tỉnh

Cần

Thơ

Long

An

Tiền

Giang

Bến

Tre

Trà

Vinh

Sóc

Trăng

Bạc

Liêu

Mau

Kiên

Giang

An

Giang

Vĩnh

Long

Đồng

Tháp

Hậu

Giang

2015

9,3

26,2

39,9

42,4

45,92

49,62

47,62

36,15

38,3

41,03

36

39,9

33,95

2020

10,09

15,32

39,3

38,6

29,96

37,32

40,63

34,2

32,74

32,86

33,62

34,5

26,53

                                              Nguồn: Báo cáo tình hình KTXH các tỉnh ĐBSCL 2015, 2020

Tỷ lệ nông nghiệp trong CCKT nhìn chung có sự sụt giảm từ 5% đến 10% tùy điều kiện từng tỉnh, thành phố trong Vùng. Dấu hiệu đáng mừng và rõ nét là sự gia tăng giá trị của nông nghiệp trong CCKT, liên tục ổn định về sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu được giữ vững.

(2) Ngành Công nghiệp - xây dựng: từ năm 2015 - 2020, xu hướng chuyển dịch tăng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP, gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trong cơ cấu GRDP, gồm: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Vĩnh Long (Bảng 2).

Bảng 2. Tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng tại vùng ĐBSCL (%)

Các

tỉnh

Cần

Thơ

Long

An

Tiền

Giang

Bến

Tre

Trà

Vinh

Sóc

Trăng

Bạc

 Liêu

Mau

Kiên

Giang

An

Giang

Vĩnh

Long

Đồng

Tháp

Hậu

Giang

2015

32,6

42,7

24,9

21,8

26,02

11,37

25,36

35,31

26,2

11,64

26

17,4

21,18

2020

32,86

52,14

26,0

18,3

35,22

19,59

20,34

30,9

20,65

14,4

19,3

19,93

24,58

                                           Nguồn: Báo cáo tình hình KTXH các tỉnh ĐBSCL 2015, 2020

Kết quả chuyển dịch tỷ lệ công nghiệp - xây dựng có dấu hiệu tích cực, khởi sắc, phát triển bền vững ở những tỉnh, thành phố phát triển các khu công nghiệp, đó là Cần Thơ, Long An, Trà Vinh và Cà Mau. Tuy nhiên, tỷ lệ CDCC ngành Công nghiệp - Xây dựng trong Vùng cần có những biện pháp căn cơ, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

(3) Ngành Thương mại - Dịch vụ: từ năm 2015 - 2020, xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang và Hậu Giang (Bảng 3).

Bảng 3. Tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ tại vùng ĐBSCL (%)

Các

tỉnh

Cần

Thơ

Longg

 An

Tiền

Giang

Bến

Tre

Trà

Vinh

Sóc

Trăng

Bạc

Liêu

Mau

Kiên

Giang

An

Giang

Vĩnh

Long

Đồng

Tháp

Hậu

Giang

2015

51,5

31,1

35,2

35,8

27,98

36,11

27,02

28,54

35,5

43,99

38

42,7

44,87

2020

49,89

32,54

28,7

39,55

28,09

43,09

34,11

30,9

42,67

49,09

40,72

45,53

39,3

                                            Nguồn: Báo cáo tình hình KTXH các tỉnh ĐBSCL 2015, 2020

Bức tranh tổng thể về kết quả CDCCKT cho thấy rất rõ vùng ĐBSCL đã có bước phát triển mới, tuy chưa đồng đều trong các tỉnh, thành phố, nhưng có sự tách biệt vươn lên của các tỉnh, thành phố như: Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp. Dự báo, vùng ĐBSCL sẽ có bước CDCCKT cao hơn trong giai đoạn tầm nhìn từ năm 2025-2030 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Thuật ngữ (khái niệm) vùng đã được xác định, là căn cứ quan trọng để Nhà nước và nhân dân ta quyết tâm cao hơn nữa trong phát triển KTXH vùng nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, với những mục tiêu và nhiều kết quả trong CDCCKT và phát triển KTXH.

2.2. Về những hạn chế chủ yếu trong quản lý đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh những ưu điểm trong quản lý đối với CDCCKT, việc triển khai thực hiện CDCCKT tại vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại một số hạn chế chủ yếu như sau:

Một là, quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch từng tỉnh, thành phố trong vùng thiếu tính đột phá, mang tính phong trào với nội dung chồng chéo, mục tiêu thiếu tầm nhìn dự báo dài hạn, tính khả thi trong tổ chức thực hiện chưa cao.

Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của từng tỉnh, thành phố chưa mang tính đặc thù điều kiện tự nhiên, chủ yếu quy hoạch theo xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng dịch vụ. Đồng thời, chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa gắn kết khai thác với tiềm năng thế mạnh của vùng, thiếu tính liên kết vùng, dẫn đến, tình trạng mỗi địa phương mỗi hướng đi khác nhau, nhiều khu công nghiệp quy hoạch bị bỏ hoang hoặc tỷ lệ lấp đầy thấp, lãng phí tài nguyên và lãng phí nguồn lực đầu tư. Hạn chế thể hiện rất rõ qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL so với mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của vùng ĐBSCL (Bảng 4).

Bảng 4. So sánh tỷ trọng các NKT giữa mục tiêu quy hoạch và kết quả đạt được năm 2020 (đơn vị tính %)

Tỉnh/TP

Nông nghiệp

Công nghiệp -

Xây dựng

Thương mại -

Dịch vụ

Mục tiêu quy hoạch

Kết quả đạt được

Mục tiêu quy hoạch

Kết quả đạt được

Mục tiêu quy hoạch

Kết quả đạt được

1. Cần Thơ

3,3

10,09

48,8

32,86

47,9

49,89

2. Long An

15

15,32

45

52,14

40

32,54

3. Tiền Giang

27,5-28,9

39,3

35 - 35,5

26,0

36,1-37

28,7

4. Bến Tre

19,2

38,6

32,6

18,3

48,2

39,55

5. Trà Vinh

30

29,96

36

35,22

34

28,09

6. Sóc Trăng

28

37,32

34,2

19,59

37,8

43,09

7. Bạc Liêu

31

40,63

69-DV

20,34

69-CN

34,11

8. Cà Mau

19,6

34,2

43,5

30,9

36,9

30,9

9. Kiên Giang

35-36

32,74

23-24

20,65

40-41

42,67

10. An Giang

19,7

32,86

21

14,4

59,3

49,09

11. Vĩnh Long

28

33,62

25,6

19,3

46,4

40,72

12. Đồng Tháp

28,5

34,5

36,5

19,93

35

45,53

13. Hậu Giang

14

26,53

39

24,58

47

39,3

Nguồn: Tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển KTXH và báo cáo tình hình KTXH các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2020

Thứ hai, Nhà nước đã ban hành khung pháp lý rất lớn, nhưng còn thiếu hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật, thiếu những cơ chế, quy định, quy trình tổ chức thực hiện CDCCKT việc tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số bất cập trong thực tiễn.

Những quy định của luật pháp vừa nặng về nguyên tắc chung, chồng chéo trong quản lý, vừa thiếu tính ổn định, nhất là chưa và chậm xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện; thiếu cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, dẫn đến rất ít nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư trong Vùng.

Theo quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, mỗi địa phương đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, điều này là nguyên nhân dẫn đến hệ thống văn bản dưới luật quá đồ sộ, gây khó khăn cho chính chủ thể là cơ quan quản lý trong quản lý và điều hành CDCCKT; đồng thời, các thành phần kinh tế rất khó nắm bắt được hết các quy định điều chỉnh hoạt động kinh tế của mình, dẫn đến hiệu quả CDCCKT không đạt được kỳ vọng đề ra như mục tiêu.

Thứ ba, sự phối kết hợp giữa các địa phương trong vùng còn bất cập, hạn chế hiệu quả khai thác về tiềm năng và thế mạnh của vùng đối với CDCCKT.

Vùng ĐBSCL là vùng KTXH quy mô lớn cả về diện tích và dân số với 13 tỉnh và thành phố. Mặc dù theo Quyết định số 1054/QĐ-TTg về thành viên của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, Hội đồng do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch với 28 thành viên, chủ yếu là kiêm nhiệm, nhưng do có nhiều thành viên trong Hội đồng nên sự phối hợp không đều, lúc dồn dập lúc thì thiếu sự tham gia chung tay tham mưu và tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả Chương trình hành động phát triển KTXH theo Quyết định của Thủ tướng.

3. Đề xuất một số giải pháp quản lý của chính quyền địa phương đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long

Để đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, trong những năm tiếp theo, các tỉnh, thành phố trong Vùng cần rà soát, xây dựng, xác định các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, kiện toàn bộ máy Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, xây dựng quy định cụ thể và quy trình điều hành của Hội đồng trong nhiệm vụ phát triển KTXH nói chung và CDCCKT nói riêng, tạo mối quan hệ phối hợp nhịp nhàng vừa là trách nhiệm giữa người đứng đầu các tỉnh, thành phố vừa là điều hành phối hợp chung vừa đẩy mạnh CDCCKT từng địa phương. Tập trung chuyển dịch các ngành lao động có năng suất cao, áp dụng kịp thời công nghệ mới làm mũi nhọn tạo sức cạnh tranh trong và ngoài vùng. Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện mục tiêu CDCCKT trong từng giai đoạn và đánh giá trách nhiệm, hiệu quả điều hành, quản lý của người đứng đầu chính quyền địa phương.

Thứ hai, khai thác và phát triển các sản phẩm chất lượng cao, tạo thương hiệu cho sản phẩm và địa danh sản xuất nhằm khẳng định giá trị gia tăng cho các sản phẩm mang tính đặc sản của vùng. Hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực để tạo thành các cực tăng trưởng, nhằm tạo ra các tác động lan tỏa, thúc đẩy các sản phẩm khác phát triển, như: bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, gạo ST Sóc Trăng, tôm, cua Cà Mau, Đạm Cà Mau, Tôm, Xi măng Hà Tiên…). Tập trung sự quản lý, hỗ trợ cho một số địa phương đang có sự bứt phá mạnh trong quá trình CDCCKT của vùng (thành phố Cần Thơ, Long An, An Giang, Kiên Giang và đặc biệt là Phú Quốc…).

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế thu hút các nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông thủy, bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, tập trung hoàn thiện các tuyến đường cao tốc nội vùng kết nối với mạng lưới đường cao tốc với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sớm hình thành mạng lưới cảng sông, biển và hoàn thành các cây cầu kết nối sông Tiền và sông Hậu, tạo đầu mối giao thông cho khu vực và các nước Asean. Nghiên cứu và sớm thi công, hoàn thành các công trình thủy lợi, ngăn mặn cho vùng Đồng Tháp Mười và Tây sông Hậu, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều, hồ chứa nước thủy lợi để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống ngăn ngừa hạn hán, ngập mặn và nước biển dâng, phòng ngừa tác động do khai thác thủy điện, ngăn và nắn dòng sông Mê Kông trên thượng nguồn của các nước phía đầu nguồn.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 13-NQ-/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Chính phủ (2017). Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
  5. TTXVN (2023). Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết phát triển 6 vùng chiến lược. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

The economic restructuring’s results in the Mekong Delta in the context of climate change

Master. Phan Thi Cam Giang

Lecturer, Faculty of Economic and Social Management, National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

Economic restructuring is a process promoting modern, scientific, and effective socio-economic development, and it has been implemented in Vietnam in general and in the Mekong Delta region in particular for several years. This paper summarizes the need for promoting economic restructuring, points out this process's initial results and limitations, and proposes some solutions to promote this process in the Mekong Delta in the coming time with a vision to 2045.

Keywords: economic restructuring, Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương