Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học và hàm ý cho Việt Nam

Đề tài Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học và hàm ý cho Việt Nam do Ths. Nguyễn Thị Phương Thùy (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

TÓM TẮT:

Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học đang mở ra một hướng đi mới trong công tác giáo dục, trang bị cho sinh viên kiến thức về đổi mới sáng tạo, tạo nền móng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và thay đổi tư duy. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu kinh nghiệm của một quốc gia trên thế giới về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị về mặt chính sách đối với giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Từ khóa: giáo dục, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KN ĐMST) ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia. KN ĐMST là một trong số các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Để đạt được điều đó, giáo dục (GD) KN ĐMST trong trường đại học đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo nền móng vững chắc cho khởi nghiệp thành công. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm GD KNĐMST trong trường đại học của một số nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và đã có thành công, như: Isreal, Singapore, Malaysia, đồng thời đưa ra hàm ý cho Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học

Thứ nhất: Khởi nghiệp

Khởi nghiệp là cách mà một số cá nhân xác định cơ hội cũng như rủi ro, tính khả thi của các cơ hội đó để ra quyết định là có triển khai, khai thác chúng hay không (Scott và Venkatreman, 2000).

Theo Sobel và King nhận định vào năm 2008, khởi nghiệp là một công cụ quan trọng để phát triển kinh tế, vậy nên thúc đẩy lớp trẻ khởi nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở nhiều khu vực, quốc gia của các nhà hoạch định chính sách.

- Thứ hai: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

Drucker (1992), khởi nghiệp luôn gắn liền với đổi mới sáng tạo, hay nói ngược lại đổi mới sáng tạo chính là công cụ chính hình thành nên khởi nghiệp. Sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu trong các cuộc khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp. Bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào nếu không muốn chọn lựa đi lối mòn như những doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường đều phải thay đổi tư duy và tạo ra sự khác biệt. Có như vậy sản phẩm tạo ra mới đem lại sức hút và phát triển vượt trội.

Trong Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đã chỉ rõ: KN ĐMST là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Chủ thể thực hiện khởi nghiệp theo nghĩa này cũng có thể là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc tổ chức.

Thứ 3: Giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Có nhiều định nghĩa khác nhau về giáo dục khởi nghiệp. Theo Hood and Young (1993), giáo dục khởi nghiệp là dạy mọi người bắt đầu việc kinh doanh thành công và vận hành các doanh nghiệp để có thể sinh lợi nhuận, từ đó tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế. Bechard và Tolohous (1998) lập luận giáo dục khởi nghiệp là một chương trình hoặc khóa học nhằm giới thiệu kiến thức kinh doanh và sáng tạo các khởi nghiệp cũng như đào tạo các cá nhân khởi nghiệp.

Vậy, GD KNĐMST là quá trình truyền đạt kiến thức và kỹ năng KNĐMST cho sinh viên để giúp họ khai thác cơ hội kinh doanh. Theo đó, sinh viên dự kiến sẽ cải thiện thái độ của họ đối với tinh thần khởi nghiệp và phát triển kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp và rủi ro hoặc không chắc chắn vốn có trong quá trình khởi nghiệp.

3. Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học

Năm 2016 được Chính phủ Việt Nam xác định là “Năm khởi nghiệp quốc gia” điều này cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ nhằm thúc đẩy tinh thần toàn dân khởi nghiệp, mang đến dấu ấn khởi sắc cho nền kinh tế. Mỗi một quốc gia có kinh nghiệm GD KNĐMST trong trường đại học nhằm phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia khác nhau. Trong bài viết này, tác giả đi sâu phân tích kinh nghiệm GD KNĐMST trong trường đại học của quốc gia Isreal - quốc gia được thế giới biết đến với thương hiệu “Quốc gia khởi nghiệp”. Tiếp đến phân tích kinh nghiệm của Singapore - đây là quốc gia được xếp trong danh sách những quốc gia sáng tạo nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới và sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động bậc nhất. Cuối cùng là Malaysia -  quốc gia có đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sử dụng 5,6 triệu lao động và đóng góp khoảng 32% GDP quốc gia tương đồng về điều kiện và đặc điểm kinh tế với Việt Nam.

3.1. Kinh nghiệm của Isreal

Nói đến “Quốc gia khởi nghiệp” ai cũng đều nhớ đến Israel. Israel có tỉ lệ công ty khởi nghiệp bình quân đầu người cao nhất thế giới, khoảng 1 công ty trên 1.400 người. Để đạt được thành tựu trên Isreal đã triển khai các chính sách cho GD KNĐMST trong trường đại học như sau:

- Thứ nhất, tích hợp tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc thi cho học sinh trung học hướng tới tinh thần khởi nghiệp, giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh cũng như cách phát triển ý tưởng phù hợp trong bối cảnh thương mại. Đối với sinh viên từ năm thứ hai trở đi gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...

- Thứ hai, văn hóa “không ngại thất bại” và phản biện. Người Israel quan niệm trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ không phải vì thất bại mà suy sụp, bế tắc. Văn hóa này có vai trò rất quan trọng trong sự thành công về KN ĐMST của Israel. Văn hóa của họ là phản biện, luôn tìm thấy điều hay hơn, phản biện để phát triển. Họ thích trao đổi, tranh luận với nhau, sự tranh luận, phản biện đã thấm vào trẻ em từ khi còn nhỏ đến khi lớn lên, ra trường và đi làm. Điều đó đã giúp cho họ có nhiều sáng tạo, phát minh, đổi mới.

- Thứ ba, sinh viên đều được khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, 8 trường đại học và hơn 70 trường cao đẳng công và tư đều được đào tạo khởi nghiệp. Đại học Technion, Hebrew University of Jerusalem, Đại học Tel Aviv, Đại học Haifa. Tất cả đều tích hợp vào trung tâm khởi nghiệp để đưa ra các khóa học và các mô-đun về khởi nghiệp cho sinh viên.

- Thứ tư, giáo dục có sự gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp, điển hình là chương trình Iseal Innovation Authority với ngân sách hàng năm. Xây dựng chương trình ươm tạo và tăng tốc công nghệ. Mục tiêu của vườm ươm công nghệ là hỗ trợ những nhà khởi nghiệp mới tại giai đoạn khởi nghiệp ban đầu bằng cách cung cấp cách thức xác định công nghệ và ứng dụng thị trường cho ý tưởng của họ, phát triển kế hoạch kinh doanh, tổ chức đội nhóm, gọi vốn và chuẩn bị gia nhập thị trường với vốn thương mại hóa.

- Thứ năm, tăng số lượng các chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Các chương trình tăng tốc nhắm tới các sartup cả giai đoạn ý tưởng và giai đoạn chạy thử nghiệm. Chương trình kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Trong suốt thời gian thực hiện chương trình, đội ngũ thực hiện có thể ở không gian co-working space, hỗ trợ vốn mầm, tư vấn kinh doanh, huấn luyện và memtor, cơ hội gặp các nhà đầu tư tiềm năng, liên kết với thị trường.

3.2. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore được xếp hạng là hệ sinh thái khởi nghiệp số 1 ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 và quốc gia sáng tạo nhất với các chỉ số thúc đẩy khởi nghiệp đứng đầu thế giới. Sự thành công của GD KNĐMST trong trường đại học ở Singapore thể hiện:

- Thứ nhất, các chương trình GD KNĐMST được tích hợp trong giáo trình trung học và tài liệu giảng dạy tại hơn 130 trường học phổ thông và gần 32.000 học sinh theo học. Đây là tiền đề tạo nền móng nuôi dưỡng và thúc thẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh khi lên học bậc cao hơn.

- Thứ hai, Học viện Quản lý Singapore và Đại học công nghệ Nanyang cung cấp các khóa học GD KNĐMST và cấp bằng chính thức về KN ĐMST. Hai trường này cung cấp chủ yếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao và có kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp trong nước.

- Thứ ba, có sự kết hợp mạnh mẽ giữa khu vực tư nhân và trường đại học để thúc đẩy GD KNĐMST thông qua các cuộc thi kế hoạch kinh doanh và giải thưởng cho sinh viên.

 - Thứ tư, SPRING Singapore đã phát triển một bộ công cụ tương tác bao gồm các hướng dẫn thực hành, các mẫu kinh doanh thông thường và nội dung về các chủ đề quản lý kinh doanh cụ thể. Bộ công cụ này là miễn phí và có sẵn trực tuyến để tham khảo dễ dàng. Đây là công cụ trang bị cho các nhà khởi nghiệp tiềm năng thông tin cơ bản về quản lý kinh doanh.

- Thứ năm, có nhiều khu thí nghiệm công nghệ, công ty khởi nghiệp hay vườn ươm xen lẫn với các tổ chức nghiên cứu tư nhân hay trường đại học. Mục đích chính của hệ thống này là tạo ra một cộng đồng chia sẻ kiến thức cũng như giúp các công nghệ trở nên thiết thực và gần gũi với cuộc sống hơn. Một số trường đại học hợp tác với các công ty khởi nghiệp hoặc phòng nghiên cứu để cho sinh viên thực tập về đào tạo khởi nghiệp hoặc tham gia vào quá trình phát triển dự án.

- Thứ sáu, sự hỗ trợ lớn của Chính phủ trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Khung Quốc gia về Sáng tạo và Khởi nghiệp (NFIE) là một chương trình toàn quốc nhằm thúc đẩy sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Mục tiêu của NFIE là khuyến khích các trường đại học và trường đào tạo nghề kỹ thuật đưa nghiên cứu của họ trở thành các sản phẩm thương mại phục vụ thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nhân thành lập các công ty công nghệ.

3.3. Kinh nghiệm của Malaysia

Các trường đại học ở Malaysia đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy KN ĐMST nhằm cải thiện doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Sự thành công GD KNĐMST trong trường đại học ở Malaysia ở các nội dung sau:

- Thứ nhất, đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy vào những năm 1990 và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế mới, mà ở đó tri thức là nguồn lực lớn nhất trong phần lớn các hoạt động kinh tế. GD KNĐMST trong trường đại học cung cấp cho các sinh viên kỹ năng kinh doanh, sáng tạo để nắm bắt cơ hội của nền kinh tế mới thông qua việc hình thành hoạt động khởi nghiệp.

- Thứ hai, đưa “Chính sách phát triển khởi nghiệp” cho các trường đại học.Với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng là sinh viên tốt nghiệp có những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. Mục tiêu phát triển của giáo dục đại học được thiết kế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của đất nước bằng cách phát triển tiềm năng của con người thông qua đào tạo ở các khu vực và tạo ra một nhóm tài năng có chức năng như vốn nhân lực của quốc gia. Hệ thống giáo dục đại học công lập cung cấp các khóa học khởi nghiệp như là một trong những khóa học cốt lõi.

- Thứ ba, nghiên cứu và điều tra về GD KNĐMST cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến nó. Những điều tra nghiên cứu đó đóng góp rất lớn cho các trường đại học trong giảng dạy KNĐMST, cho các nhà quản lý khi đưa ra các chính sách giáo dục, thúc đẩy KNĐMST.

- Thứ tư, Chính phủ đưa ra chính sách và chương trình hỗ trợ như “Đại học nghiên cứu” trong chương trình “Kế hoạch lần thứ 9”. 4 trường đại học hàng đầu được công nhận là Đại học nghiên cứu cho phép các trường nhận được nhiều nguồn tài chính hỗ trợ và nhân viên có được nhiều hỗ trợ và các lợi ích. Các chính sách về giáo dục tại Malaysia đã và đang hướng đến nền kinh tế tri thức lấy con người làm chủ đạo. Điều này là cho các trường có trách nhiệm hơn với ngành công nghiệp.

- Thứ năm, các chương trình giảng dạy được thiết kế để thúc đẩy định hướng khởi nghiệp. Chương trình giảng dạy định hướng khởi nghiệp đặt trọng tâm mạnh mẽ vào sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh trên tất cả các chuyên ngành.

- Thứ sáu, cải thiện sự hợp tác Đại học và khu vực công nghiệp để giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Các trung tâm khởi nghiệp đã được thành lập tại các trường Đại học với động lực mạnh mẽ cho sinh viên tham gia vào các chương trình thực tập với ngành công nghiệp.

- Thứ bảy, Chính phủ ban hành các tài liệu chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia. Các khuyến khích khởi nghiệp được nêu rất rõ trong tài liệu chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia.

4. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

4.1. Thách thức đối với giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học ở Việt Nam hiện nay

Với Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/3/2018 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” là bệ phóng thúc đẩy KN ĐMST trong trường đại học. Tuy nhiên, hiện nay còn một số thách thức cho GD KNĐMST trong trường đại học ở Việt Nam. Cụ thể:

- Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn non trẻ so với thế giới và GD ĐMST trong trường đại học chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó.

- GD KNĐMST trong trường đại học vẫn là một lĩnh vực mới nên hiện nay ở Việt Nam chưa có chuyên ngành riêng đào tạo KNĐMST. Chương trình giáo dục đại học chưa bổ sung tích hợp GD KNĐMST. GD KNĐMST dường như chỉ gói gọn trong một vài học phần quản trị kinh doanh và thấy nhiều ở chuyên ngành kinh tế, quản trị là chủ yếu, các chuyên ngành khác không thấy. Thiếu cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ sinh viên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đội ngũ giảng viên về GD KNĐMST còn mỏng và yếu, chưa được đào tạo bài bản, hệ thống.

- Việc thúc đẩy GD KNĐMST chưa có kế hoạch và thiết kế theo các cấp độ và chuyên ngành. Các cơ chế tài trợ, cơ chế ươm mầm chưa có hiệu quả trong GD KNĐMST trong trường đại học. Thiếu kinh phí để hỗ trợ thực hành GD KNĐMST và  thiếu các kênh thông tin cung cấp các nguồn tài liệu tại các trường đại học hiện nay.

- Có ít trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo được mở ra nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên trong trường đại học như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa,…

4.2. Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Xuất phát từ kinh nghiệm phát triển GD KNĐMST trong trường đại học của 3 quốc gia Isareal, Singapore và Malaysia và những thách thức mà GD KNĐMST trong trường đại học ở Việt Nam bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, cụ thể:

- Chính phủ nên thiết lập các kế hoạch và chương trình quốc gia đưa GD KNĐMST tích hợp vào hệ thống giáo dục đại học kể cả trong và ngoài chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh. Tích cực hơn nữa trong xây dựng các chuyên đề KNĐMST và vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn cho phù hợp với thực tiễn trường đại học.

- Chính phủ có thể trực tiếp tài trợ các chương trình, xây dựng chương trình GD KNĐMST và đào tạo giảng viên nguồn về GD KNĐMST trong trường đại học. Có chính sách rõ ràng và minh bạch cho các đối tượng tham gia KNĐMST như giảng viên tham gia hỗ trợ, dự án khởi nghiệp cũng như sinh viên khi thực hiện dự án khởi nghiệp. Cần có hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ giúp thúc đẩy hoạt động KN ĐMST cho sinh viên một cách mạnh mẽ.

- Đẩy mạnh hơn nữa quá trình xây dựng và phát triển các đầu mối trung tâm đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kiểu mẫu trong nước với các chương trình đào tạo chuyên sâu, thiết thực. Các trung tâm đào tạo này có sự liên kết và phối kết hợp với nhau trong quá trình thực hiện.

- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học trong đào tạo kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các chương trình hợp tác, các dự án khởi nghiệp có tính thực tế, có hệ thống.

- Cần học tập và xây dựng cũng như phát triển các vườn ươm KN ĐMST như các nước Singapore, Isreal, Malaysia,… cấp trường học đến cấp quốc gia phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái KN ĐMST ở Việt Nam.

- Tìm kiếm nguồn tài trợ cho GD KNĐMST trong trường đại học ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ khu vực tư nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các dự án KNĐMST, các quỹ đầu tư.

- Khen thưởng đúng lúc, kịp thời cho trường đại học có những thành tích cao trong GD KNĐMST. Khen thưởng giảng viên trong phát triển GD KMĐMST ở trường đại học và hướng dẫn các dự án KN ĐMST thành công.

- Cần tích hợp các chương trình GD KNĐMST lên cổng thông tin KNĐMST quốc gia. Thông qua cổng này, người học có thể nắm bắt thông tin, học hỏi và tham gia học kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

5. Kết luận

GD KNĐMST có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội. GD KNĐMST trong trường đại học sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết, từ đó sinh viên hình thành ý định khởi nghiệp định hướng phát triển bền vững, đo lường được những rủi ro có thể gặp phải trong tương lai để đưa ra các quyết định khởi nghiệp, lựa chọn phương án tối ưu nhất để khởi nghiệp thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Drucker, P. F (1999), Innovation and entreprenneurship: practice and principles, edn.
  2. Hood, J., và Young, J. (1993) “Entrepreneurship as a route out of poverty and low- income status”, International Council for Small Business, Las Vegas.
  3. Scott, M.G, và Twomey. D. F. (1998), “The long - term supply of model of entrepreneurial intent among students: Findings from Austria”, Diversity in Entrepreneurship.
  4. Sobel, R.S và King, K.A (2008), Does school choice increase the rate of youth entrepreneurship, Economics Review, 27 (4), 429 - 438.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐTTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, ngày 18/5/2016.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", Hà Nội.
  7. Ngọc Trang (2022), Các mô hình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp trên thế giới, ngày 28/5/2022, Giáo dục Thủ đô online. Truy cập tại https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/cac-mo-hinh-dao-tao-ho-tro-khoi-nghiep-tren-the-gioi-9947.html.
  8. Khu công nghiệp phần mềm Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 28/5/2022, ITP online, https://itp.vn/en/news/startup/875-kinh-nghiem-thuc-day-khoi-nghiep-tai-cac-truong-dai-hoc-o-singapore.html.
  9. Bằng Châu (2016), “Giáo dục Đại học Malaysia đang chuyển biến như thế nào?”, ngày 19/4/2016, Trung tâm Cinec, https://duhocinec.com/giao-duc-dai-hoc-malaysia-dang-chuyen-bien-nhu-the-nao.

International experiences in innovative entrepreneurship education in universities and recommendations for Vietnam

MBA. Nguyen Thi Phuong Thuy

Faculty of Business Administration, Trade Union Univerrsity

Abstract

Innovative entrepreneurship education in universities is a new direction for education and training activities. It help students gain knowledge about innovation and change thinkings, promoting the entrepreneurship of students. This study analyzes experiences of countries around the world in the innovative entrepreneurship education in universities, and makes some policy recommendations for the entrepreneurship education and innovation in Vietnam.

Keywords: education, innovative start-ups, Vietnam, international experience.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương