Kỹ sư Võ Quí Huân và mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc chuyến thăm Pháp vào tháng 9/1946, một số trí thức có địa vị, uy tín tại Pháp đã quyết định về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

Trong đó, kỹ sư Võ Quí Huân là một trong những người đặt nền móng cho việc phát triển ngành luyện kim Việt Nam sau này, đặc biệt là lĩnh vực gang thép. Ông là một trong những kỹ sư Đúc - Luyện kim, Cơ - Điện và Kỹ nghệ chuyên nghiệp người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp và làm việc tại nhiều công ty, nhà máy lớn.

Về nước, kỹ sư Võ Quý Huân được phân công giữ cương vị Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế (Bộ Công Thương ngày nay). Đầu năm 1947, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rông, ông được phân công đảm trách cương vị Giám đốc Sở Khoáng chất - Kỹ nghệ Trung Bộ, kiêm Tổng Thư lý Hội đồng sản xuất Kỹ nghệ miền Nam và Liên khu IV.

Trên cương vị mới, kỹ sư Võ Quí Huân đã tích cực bắt tay vào công cuộc xây dựng nền móng của ngành Đúc – Luyện kim. Ông đã cho sơ tán khoảng 3.000 tấn thiết bị, dụng cụ, vật liệu của các nhà máy xe lửa Tràng Thi và nhà máy điện Bến Thuỷ để thành lập 5 công xưởng dọc theo sông Lam (Nghệ An). Các công xưởng này sửa chữa, chế tạo một số loại máy công cụ nhỏ, nông cụ.

Kỹ sư Võ Quí Huân
Kỹ sư Võ Quý Huân (thứ tư từ phải sang) giới thiệu công trình chuẩn bị dự triển lãm thành tích sản xuất trong kháng chiến tại Liên khu IV vào năm 1949, gồm: Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc từ mẻ gang đầu tiên, mô hình lò cao thí nghiệm, nồi hơi, máy phát điện (Ảnh: Tư liệu)

Vào năm 1948, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất vũ khí khi cuộc kháng chiến ngày càng trở nên khốc liệt, Cục Quân giới (Bộ Quốc Phòng) đã đề nghị kỹ sư Võ Quí Huân nghiên cứu sản xuất gang ở quy mô công nghiệp nhỏ để chế tạo các loại vũ khí. Điều này đòi hỏi phải thiết kế, xây dựng lò cao luyện gang khi không có lấy một viên gạch chịu lửa, một cân quặng sắt… và nguồn nhân lực kỹ thuật luyện kim không có gì hơn ngoài con số 0 tròn trĩnh. 

Vượt qua các khó khăn kỹ thuật, kỹ sư Võ Quí Huân và các công sự đã xây dựng lò cao thí nghiệm có dung tích 0,5 mét khối tại huyện Con Cuông, Nghệ An và khảo sát các nguồn nguyên liệu địa phương như mỏ than Khe Bố, quặng sắt Vân Trình… Ngày 15/11/1948, lò cao này đã sản xuất thành công mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ quặng sắt Vân Trình, đánh dấu mốc son phát triển công nghiệp luyện kim của nước ta. Để đánh dấu sự kiện lịch sử này, mẻ gang đầu tiên đã được sử dụng để đúc tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gửi ra chiến khu Việt Bắc.

Sản xuất gang trong hang đá

Dựa trên công nghệ của lò cao thí nghiệm này, hai lò cao mang tên NX1 (dung tích 6,7 mét khối, chuyên để sản xuất) và NX2 (dung tích 2 mét khối, chủ yếu đêr nghiên cứu) được xây dựng và đi vào vận hành tại thung lũng Đồng Mười (Thanh Hóa) vào cuối năm 1951. Chỉ trong 2 năm, hai lò cao này đã sản xuất hơn 400 tấn gang phục vụ các xưởng sản xuất vũ khí và một số nông cụ đáp ứng phần nào nhu cầu của tiền tuyến và hậu phương.

Tuy nhiên, cuối năm 1952, quân đội Pháp đã phát hiện ra hai lò cao này và liên tiếp ném bom đánh phá. Tình thế này buộc các cán bộ kỹ sư và công nhân tìm phương án giải quyết và đề xuất việc xây dựng lò cao ngay trong hang núi Đồng Mười. Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong hang núi đá là vô cùng khó khăn, phức tạp về kỹ thuật nhất là khi ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là điều chưa có tiền lệ trên thế giới, nhất là khi chiến tranh diễn ra ác liệt.

Tháng 1/1953, các kỹ sư và công nhân bắt đầu vừa cải tạo hang đá, vừa di chuyển hàng trăm tấn máy móc vào trong hang cũng như nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh như xử lý hệ thống xả hơi, xả hơi độc, thoát khói… Bằng ý chí, nghị lực sáng tạo, đến tháng 7/1953 đội ngũ kỹ sư và công nhân đã di chuyển toàn bộ lò cao NX1, NX2 vào trong hang. Trong suốt thời gian xây dựng, địch ném bom dữ dội bên ngoài nhưng bên trong, đội ngũ kỹ sư, công nhân ta vẫn bình tĩnh vận hành lò.

Lò cao kháng chiến Hải Vân
 Di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân trong hang núi Đồng Mười (Thanh Hoá) (Ảnh: Tư liệu)

Vào tháng 11/1953, lò cao NX3 có dung tích tới 8,3m3, cao 13m được xây dựng mới trong lòng hang đá chính thức hoạt động. Việc lắp đặt thành công lò cao NX3 đi vào vận hành sản xuất ổn định, mỗi ngày sản xuất ra trung bình 3 tấn gang cung cấp cho việc sản xuất vũ khí ở các chiến trường cũng đúng vào lúc quân và dân ta làm nên chiến thắng to lớn tại đèo Hải Vân (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) vào cuối năm 1953. Vì vậy lò Cao NX3 được mang tên là “Lò cao Hải Vân”. Toàn bộ hệ thống lò cao này được duy trì vận hành đến tận tháng 12/1954.

Trong quá trình xây dựng, vận hành lò cao NX3 nhiều cải tiến mới được áp dụng như: dùng đá gres để thay thế gạch dinas cách nhiệt cho toàn than lò; dùng amiante cách nhiệt cho nồi lò; nước làm lạnh cho lò cao được sử dụng hệ tuần hoàn khép kín; khí của lò cao được sử dụng 100% cho lò gió nóng và nồi hơi cho 2 đầu máy xe lửa kéo máy phát điện 1000KW; việc nạp nhiên liệu được cơ giới hóa và bán tự động… Đây là những sáng tạo lớn của các cán bộ, kỹ sư Việt Nam trong điều kiện thiếu thốn trầm trọng máy móc, vật tư và kinh nghiệm kỹ thuật.

Từ những mẻ gang do kỹ sư Võ Quí Huân và cộng sự sản xuất, những quả lựu đạn, mìn và nhiều loại vũ khí khác đã được chế tạo, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1954, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, hệ thống lò cao kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và trở thành 1 bảo tàng Quân giới thời chống Pháp.

[Quảng cáo]

 

Phòng Truyền thống ngành Công Thương