Lỗi câu trong tiếng Anh đối với sinh viên trường đại học năm thứ nhất

ThS. VŨ MINH ĐỨC (Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định)

TÓM TẮT:

Trong phạm vi bài nghiên cứu này, tác giả sẽ chỉ ra và phân tích nguyên nhân sinh viên năm thứ nhất hay mắc phải khi viết một câu tiếng Anh. Với tư cách là người trực tiếp giảng dạy và trên cơ sở khảo sát nhiều bài viết của sinh viên không chuyên năm thứ nhất ở Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, người viết đưa ra một vài gợi ý về biện pháp khắc phục nhằm giúp sinh viên tránh mắc lỗi khi học kỹ năng viết.

Từ khóa: Tiếng Anh, lỗi câu, sinh viên, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.

I. Đặt vấn đề

Tiếng Anh ngày nay được sử dụng rộng rãi trong giao dịch giữa các quốc gia trên thế giới. Trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng, tiếng Anh cũng là ngoại ngữ được giảng dạy nhiều nhất. Để đáp ứng nhu cầu của một xã hội hiện đại thì việc nắm vững và sử dụng tiếng Anh thành thạo là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản. Kỹ năng viết, một trong 4 kỹ năng cơ bản khi học tiếng Anh, có thể nói là không dễ đối với người học, đặc biệt là với các học sinh, sinh viên không chuyên năm thứ nhất, khi vốn từ ngữ, cấu trúc câu và kiến thức về văn hóa nước Anh còn hạn chế. Do vậy, sinh viên thường khó có thể tránh mắc lỗi khi viết, bắt đầu từ một câu đúng (correct sentence), đến một đoạn văn (paragraph) và cuối cùng là bài luận (essay), ngay cả khi họ rất chú ý tới bài viết của mình.

Thực tế khi muốn viết một bài luận bằng tiếng Anh tốt thì ta phải biết viết được một đoạn văn tốt, vì một bài luận được tạo nên bởi nhiều đoạn văn. Muốn viết được một đoạn văn tốt thì phải viết được những câu đúng về ngữ pháp và đầy đủ về ngữ nghĩa. Vậy, phần cốt lõi đề viết tiếng Anh tốt phải bắt đầu từ việc viết một câu tốt. Lỗi viết một câu chưa hoàn chỉnh hay chỉ là một phần của câu, đối với sinh viên không chuyên năm thứ nhất, là rất phổ biến mà tiếng Anh gọi là “Sentence Fragments”. Để viết một câu đúng về mặt ngữ pháp thì trước tiên ta phải nắm được những nguyên tắc cơ bản về văn phạm tiếng Anh như cụm từ, mệnh đề và câu. Tiếp đó, ta phải chọn loại câu nào: câu đơn, câu ghép hay câu phức để chuyển tải thông tin định viết đúng ngữ pháp và đầy đủ về nghĩa. Nói một cách khác, câu viết phải đúng về mặt cấu trúc ngữ pháp và logic về nghĩa.

II. Những kiến thức văn phạm cơ bản để tránh viết một câu tiếng Anh chưa hoàn chỉnh hoặc chỉ là một phần của câu

Có rất nhiều vấn đề cần bàn khi viết câu tiếng Anh; ví dụ như sử dụng từ, kết cấu ngữ pháp và ngữ nghĩa, văn phong, thể loại viết... tất cả phải có sự liên quan, kết hợp chặt chẽ để tạo thành một câu đúng về mặt cú pháp và lô gíc về mặt ngữ nghĩa. Thực tế khi dạy kỹ năng viết cho sinh viên năm thứ nhất không chuyên ở Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định và tham khảo nhiều bài viết của họ; lẽ dĩ nhiên ngoài các yếu tố khách quan, phần đa các bài viết đều phản ánh một thực trạng chủ quan là kiến thức ngữ pháp tiếng Anh cơ bản của các sinh viên này đều yếu và thiếu. Như vậy, để có được một câu tiếng Anh đúng ngữ pháp và đủ nghĩa thì bất cứ người học tiếng Anh nào cũng cần phải nắm được những kiến thức văn phạm cơ bản dưới đây.

Cú pháp là phép dùng các cấu trúc từ vựng, cấu trúc câu và các đặc điểm ngữ pháp để tạo thành câu văn hoàn chỉnh và được xem như là linh hồn của ngôn ngữ. Muốn viết văn cho đạt, người học phải nắm chắc về cú pháp. Muốn chắc chắn về cú pháp, phải hiểu thế nào là câu văn, các loại câu văn, mệnh đề, các loại mệnh đề, cùng cấu trúc của chúng.

Câu văn là sự kết hợp của nhiều từ hoặc nhóm từ theo một cấu trúc ngữ pháp nào đó diễn tả một sự việc (sự tình) hay nhiều sự việc một cách đầy đủ, có ý nghĩa và có liên quan với nhau.Trong một câu, dùng dấu phẩy (,) và chấm phẩy (;) để phân các chữ, các nhóm chữ và các mệnh đề. Mỗi câu văn gồm có một hay nhiều mệnh đề.

Mệnh đề là lời nói nhằm diễn tả một sự việc, một hành động, một sự phán đoán... Nếu có đầy đủ ý nghĩa, một mệnh đề tự nó đã là một câu và được gọi là mệnh đề độc lập hoặc là câu đơn, ngược lại là một mệnh đề phụ (không thể đứng độc lập). Nếu trong một câu có hai mệnh đề độc lập được nối với nhau bởi các liên từ đẳng lập (and, but, so... ) thì câu đó là câu ghép (compound sentence). Còn nếu một mệnh đề độc lập được hỗ trợ bằng một trong các loại mệnh đề phụ mở đầu bằng một trong các liên từ phụ thuộc (when, although, because...) thì đó là câu phức (complex sentence).

1. She has gone out. /Cô ấy đi vắng. (Mệnh đề độc lập).

2. This book is mine, and that book is yours. /Quyển sách này là của tôi và quyển kia là của anh. (Hai mệnh đề độc lập).

3. I didnt visit you because my car broke down. /Tôi không lại thăm anh được vì xe hỏng. (Mệnh đề chính và mệnh đề phụ).

Như vậy, mệnh đề phụ (dependent/subordinate clause) là một nhóm từ có một chủ ngữ, một động từ ở dạng chia và mở đầu bằng một liên từ phụ thuộc, nhưng chưa đưa ra một thông tin trọn nghĩa. Chính vì vậy, nó phải được gắn vào một mệnh đề độc lập (lúc này được gọi là mệnh đề chính) để tạo thành một câu trọn nghĩa (câu phức). Mệnh đề độc lập (independent clause) cũng là một nhóm từ có một chủ ngữ, một động từ ở dạng chia nhưng lại cung cấp một thông tin đủ nghĩa (câu đơn).

Cụm từ là một nhóm từ có liên quan với nhau hoặc chỉ có chủ ngữ hoặc chỉ có động từ làm vị ngữ. Cụm từ chỉ có chức năng từ loại và không thể đứng độc lập trong câu. Nếu phân loại từ theo từ loại, ta có: cụm danh từ (noun phrase): my mother, cụm động từ (verb phrase): didnt come, cụm giới từ (prepositional phrase): at night, cụm động từ không chia (verbal phrase), cụm danh động từ (gerund phrase)...

Chú ý: Cụm động từ không chia là cụm từ gồm động từ nguyên thể (infinitive), phân từ hiện tại (present participle) và phân từ quá khứ (past participle). Do vậy ta có thể có cụm động từ nguyên thể (infinitive phrase) và cụm phân từ (participal phrase):

It began to rain.

Going from door to door, they interviewed a lot of people.

Amazed by some peoples answers, they always listened carefully.

Cụm danh động từ (gerund phrase) bắt đầu bằng một danh động từ, có chức năng như một danh từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ... trong câu:

Writing in English is not so easy.

III. Lỗi viết cụm từ và mệnh đề mà chưa phải là câu

Về mặt cú pháp, câu chưa hoàn chỉnh là một nhóm từ hoặc một phần của câu, chuyển tải một phần chưa đủ của thông tin mà ta cứ tưởng đó là một câu hoàn chỉnh, khiến người đọc nhầm lẫn, thậm chí không hiểu được ý của câu định viết là gì. Có 2 loại lỗi tạo ra mọt câu chưa hoàn chỉnh hay chỉ là một phần của câu mà người viết không chuyên thường mắc phải là: cụm từ và mệnh đề chưa phải là câu.

Cụm từ chưa phải câu:

Loại này thường thiếu chủ ngữ (người, vật hoặc địa điểm), hoặc thiếu động từ (động từ hành động hoặc động từ chỉ trạng thái), hoặc đôi khi thiếu cả hai. Lỗi này thường xuất hiện khi cụm từ đó thực ra là sự tiếp nối của câu trước hoặc dẫn nhập cho câu sau.

Để khắc phục lỗi này, chúng ta nên bắt đầu bằng việc xét xem cụm từ đó thiếu cái gì và ý nghĩa của nó liên quan như thế nào với các thành phần của những câu trước hoặc sau nó. Tiếp theo, hoặc là ta kết nối cụm từ đó với câu trước hoặc sau nó, hoặc là ta bổ sung chủ ngữ hoặc động từ còn thiếu.

Giải pháp 1: Nối cụm từ với câu trước hoặc sau nó, nếu cụm từ ấy là ý nối tiếp hay dẫn nhập cho câu sau.

Chú ý: Câu phải có ít nhất một mệnh đề độc lập (câu hoàn thiện) để được coi là hoàn chỉnh và ta gắn cụm từ ấy với câu đã hoàn thiện ấy.

Ví dụ: Helen skips dinner every day. To lose weight. (Helen thường nhịn ăn tối mỗi ngày. Để giảm cân.)

“To lose weight is a fragment because it does not have a subject or a true verb”. “Để giảm cân” là một cụm từ, chứ không phải là một mệnh đề độc lập vì nó không có chủ ngữ hoặc động từ phù hợp và cũng không chuyển tải một thông tin đầy đủ.

Sửa lại: Helen skips dinner every day to lose weight. (Helen nhịn ăn tối mỗi ngày để giảm cân).

Giải pháp 2: Bổ sung chủ ngữ hoặc động từ còn thiếu cho cụm từ đó.

Ví dụ 1: Also needs a specific plan. (Cũng cần có một kế hoạch cụ thể - thiếu chủ ngữ)

Who or What needs a specific plan? (Ai hoặc Cái gì cần một kế hoạch cụ thể?)

Sửa lại: The student/He/She... also needs a specific plan. (Sinh viên ấy cũng cần phải có kế hoạch cụ thể).

Ví dụ 2: For example, the cost of renting an apartment. (Ví dụ, chi phí thuê nhà - thiếu động từ làm vị ngữ)

What is the cost of renting an apartment like? (Chi phí thuê nhà thế nào?)

Sửa lại: For example, the cost of renting an apartment has increased. (Chi phí thuê nhà đã tăng).

Chú ý: Dạng động từ đuôi – ing hay động từ nguyên mẫu (chưa chia) không bao giờ giữ vai trò độc lập trong một câu. Chúng cần một động từ hỗ trợ (trợ động từ) để hoàn thiện nghĩa của chúng. Nếu không có trợ động từ này, câu viết sẽ không hoàn chỉnh nghĩa (câu cụt).

Ví dụ: The children playing football on the school yard. (Bọn trẻ chơi bóng đá ở sân trường)

Động từ đuôi – ing không thể đứng độc lập để diễn tả ý nghĩa về thì, nên cần động từ “to be” hỗ trợ hoàn chỉnh nghĩa: When? (Chơi khi nào? - lúc ấy đang chơi).

Sủa lại: The children were playing football on the school yard. (Lúc ấy, bọn trẻ đang chơi bóng đá ở sân trường)

Mệnh đề chưa phải câu:

Chúng ta hãy quan sát một ví dụ dưới đây.

Ví dụ: When the ball was run over by the car. (Khi quả bóng bị chiếc xe cán/đè/chẹt... lên).

Đây là một mệnh đề phụ vì liên từ When - Khi (mà) làm cho mệnh đề này không thể đứng độc lập được.

Ta có thể dễ dàng nhận ra đây là một mệnh đề phụ vì có cảm giác như thiếu một phần gì đó và tự ta sẽ thấy cần bổ sung thêm thông tin. Theo ví dụ trên, người đọc sẽ tự hỏi thế này: “What happened when the ball was run over by the car?” “Chuyện gì đã xảy ra khi quả bóng bị chiếc xe chẹt lên?”

Sửa lại: The ball was run over by the car, or When the ball was run over by the car, it got blown up. (Quả bóng bị chiếc xe cán/đè/chẹt... lên // Chiếc xe cán/đè/chẹt... lên quả bóng).

Hoặc (Khi quả bóng bị chiếc xe chẹt phải, nó nổ tung lên)

Như vậy chúng ta sẽ có 2 cách để sửa lỗi này.

Giải pháp 1: Ta hãy nối mệnh đề phụ ấy với một mệnh đề độc lập (một câu hoàn chỉnh) đứng trước hoặc sau nó.

Ví dụ: Anna has very little free time. Because she a part-time job in addition to full-time classwork.

“Vì cô ấy có việc làm bán thời gian kèm theo việc học cả ngày trên lớp” là một mệnh đề chưa hoàn chỉnh nghĩa vì nó là một mệnh đề phụ. Do đó, ta cần ghép nó với một mệnh đề độc lập để trở thành một câu phức hoàn chỉnh về nghĩa.

Sửa lại: Anna has very little free time because she has a part-time job in addition to full-time classwork. (Anna rất ít khi rảnh rỗi vì cô ấy làm bán thời gian kèm với việc học cả ngày trên lớp).

Giải pháp 2: Cách khác nữa để sửa loại lỗi này là ta hãy loại bỏ liên từ phụ thuộc đi. Về cấu trúc thì bản thân các mệnh đề phụ đã phải có một chủ ngữ và một động từ rồi, nên liên từ phụ thuộc chính là bộ phận làm cho câu ấy trở nên không hoàn chỉnh về nghĩa.

Ví dụ: Anna has very little free time. Because she a part-time job in addition to full-time classwork.

Sửa lại: Anna has very little free time. She a part-time job in addition to full-time classwork.

(Bỏ liên từ Because đi, chấm câu và viết hoa đại từ She để thành 2 câu đơn hoàn chỉnh).

Chú ý, trường hợp ngoại lệ: Câu ra lệnh và một số câu thỉnh cầu có vẻ trông giống như những câu chưa hoàn chỉnh, nhưng không phải, vì trong những câu này chủ ngữ “You” có thể không phải đưa vào nhưng trong câu vẫn bao gồm nội hàm đó.

Ví dụ: Sit down! = ( You ) sit down!

IV. Nguyên nhân của lỗi viết kiểu này

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra những lỗi này khi học kỹ năng viết trong tiếng Anh của sinh viên không chuyên năm thứ nhất. Có thể xem xét một vài nguyên nhân sau đây dẫn tới việc sinh viên thường mắc loại lỗi kể trên trong khi viết.

1. Không nắm vững kiến thức ngữ pháp cơ bản

Chính việc chưa nắm vững kiến thức ngữ pháp cơ bản đã làm cho sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng thì, cấu trúc từ, cấu trúc mệnh đề, cấu trúc câu khi viết một câu tiếng Anh cho đúng chứ chưa nói đến một đoạn văn hay một bài luận. Do đó mắc lỗi là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, biện pháp khả thi nhất để sinh viên có thể sử dụng chúng một cách chuẩn xác là học thuộc lòng. Nếu không, họ sẽ tạo nên những câu sai ngữ pháp và không hoàn chỉnh về ngữ nghĩa.

2. Sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ

Điều dễ nhận thấy là sinh viên không chuyên năm thứ nhất thường diễn đạt ý tưởng trong bài viết tiếng Anh theo lối tư duy tiếng Việt vì vốn từ ngữ hạn chế, kiến thức cơ bản về kết cấu cụm từ, kết cấu mệnh đề và câu chưa rõ ràng, nói một cách khác là chưa phân biệt được sự khác nhau giữa các khái niệm đó. Do đó, điều hiển nhiên xảy ra là họ sẽ dịch từng từ chứ không phải là việc sử dụng hoặc kết hợp đúng những kiểu câu, mệnh đề tiếng Anh trong bài viết. Điều này làm cho bài viết dài dòng, không mạch lạc và đôi khi làm cho người đọc hiểu sai ý tưởng của người viết.

3. Không thực hành viết thường xuyên

Sinh viên không chuyên năm thứ nhất, trong khuôn khổ chương trình học và thời lượng lên lớp cho kỹ năng viết tiếng Anh có thể nói là rất hạn chế (trong chương trình đào tạo Cử nhân Điều dưỡng), chưa được luyện tập kỹ năng viết một cách thường xuyên nên họ không nhanh nhạy trong việc tìm ý cho bài viết bắt đầu từ một câu viết và chưa có thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh trước khi viết. Do đó, họ mắc khá nhiều lỗi trong bài viết của mình.

V. Biện pháp khắc phục

Sau đây là một vài gợi ý về biện pháp khắc phục lỗi cụm từ hoặc mệnh đề chưa phải là câu khi học kỹ năng viết tiếng Anh của sinh viên không chuyên năm thứ nhất nhằm giúp họ tạo ra những bài viết không có những câu lỗi về cấu trúc từ, mệnh đề, câu, bảo đảm đúng ngữ pháp, đầy đủ thông tin và giàu tính thuyết phục.

1. Nắm chắc kiến thức ngữ pháp cơ bản

Để có thể viết một câu tốt dẫn đến xây dựng một bài viết tốt, cái mà sinh viên cần quan tâm ở đây không phải là cái gì đó xa vời, vượt quá khả năng mà chính là những kiến thức nền tảng trong sách giáo trình để từ đó có thể khắc phục được lỗi trong việc sử dụng thì, cấu trúc, câu, từ, dấu câu, chính tả,... Sinh viên nên học từ những kiến thức đơn giản đến phức tạp một cách cẩn thận. Bất cứ khi nào bạn không chắc chắn về cách sử dụng của một từ, cụm từ, mệnh đề hay kết cấu của một câu, bạn nên xem lại trong sách ngữ pháp hoặc tra trong từ điển để có thể sử dụng một cách chính xác.

2. Đọc sách báo, tài liệu

Tạo thói quen đọc sách báo, nhất là các sách chuyên khảo, tham khảo về viết tiếng Anh vào thời gian rảnh rỗi sẽ giúp chúng ta học được từ, cấu trúc câu cũng như lối diễn đạt và phong cách viết trong tiếng Anh để, ở một chừng mực nào đó, bạn có thể dễ dàng hơn khi diễn đạt và bỏ thói quen dịch từng từ.

3. Tự hoàn thiện và nâng cao kiến thức tiếng Anh nói chung và kỹ năng viết nói riêng

Vì thời lượng học trên lớp và qui định chương trình học tiếng Anh trên lớp nói chung là hạn chế vì đặc điểm của ngành đào tạo dẫn đến thời gian dành cho kỹ năng viết càng hạn chế. Vì vậy, sinh viên không chuyên nên chủ động, tích cực bổ sung kiến thức văn phạm tiếng Anh thông qua các lớp học thêm ngoài giờ trong và ngoài trường, để có thể nâng cao khả năng tư duy theo kiểu người Anh khi viết. Đây là cách rất tốt, vì qua đó chúng ta củng cố lại cái đã học, học được từ, cấu trúc mới và cách diễn đạt chúng trong một câu và bài luận bằng tiếng Anh.

VI. Kết luận

Trong quá trình học cách sử dụng tiếng Anh như người bản ngữ, những người học tiếng Anh, đặc biệt là sinh viên không chuyên năm thứ nhất thường gặp khá nhiều khó khăn và môn viết là một trong số những khó khăn đó. Sinh viên thường lúng túng không biết kết hợp các cụm từ thành một câu hoàn chỉnh, hai câu hoàn chỉnh với nhau hoặc một câu hoàn chỉnh với một phần chưa hoàn chỉnh của câu để diễn đạt ý định viết một cách trọn nghĩa, do đó mắc lỗi là điều khó có thể tránh khỏi. Bằng việc chỉ rõ lỗi và cách khắc phục khi viết những câu chưa hoàn chỉnh của sinh viên không chuyên năm thứ nhất và phân tích nguyên nhân của chúng, tác giả hi vọng người học tiếng Anh nói chung cũng như sinh viên năm thứ nhất nói riêng sẽ khắc phục được những lỗi như trên để viết nên những câu đúng, dễ hiểu, rành mạch và hấp dẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Collins Publishers. (1992).English Usage. Harper Collins Publishers.

2. Ferris, D.R. (1997).The Influence of Teacher Commentary on Student Revision. TESOL Quarterly.

3. Michael Swan. (1995).Practical English Usage. Oxford University Press.

4. Murphy, R. (1994).English Grammar in use. Cambridge University Press.

5. Oshima, A., & Hogue, A. (1999). Writing academic English (3rd ed.). New York: Longman.

6. Oshima, A. & Hogue, A. 1983. Introduction to academic writing. Addison-Wesley Publishing Company.

7. Oshima, A., & Hogue, A. (1997). Introduction to Academic Writing. London: Longman.

8.Vivina, M. R. (1989).Reading, Writing and Thinking.Random House. New York.

FRESHMEN AND THEIR ENGLISH SENTENCE ERROR

MA. VU MINH DUC

Nam Dinh University of Nursing

ABSTRACT:

Within the scope of this paper, the author analyzes why freshmen have grammartical errors in writing English sentences. As a person who directly teaches and examines many articles of amateur students at Nam Dinh University of Nursing, the writer gives some suggestions on remedies to help students avoid mistakes when learning writing skills.

Keywords: English, sentence errors, students, Nam Dinh University of Nursing.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây