Một số biện pháp đổi mới công tác xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng theo hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

GIANG THANH LONG (Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại nhiều cơ hội, như: giảm chi phí giao dịch - quản lý; tăng khả năng tiếp cận thị trường và cơ hội kinh doanh mới; cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại và từ đó tạo ra sự đột phá. Bên cạnh phát huy tri thức của người Việt, tiếp thu tri thức của nhân loại thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có cơ hội tiếp cận hoặc thay đổi vượt bậc về công nghệ khai thác, sản xuất và chế biến sản phẩm.

Từ khóa: Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Cơ hội và thách thức trong cách mạng công nghiệp 4.0

1.1. Cơ hội

Năng lực cạnh tranh trong cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong khu vực và toàn cầu, được tiếp cận với công nghệ cao hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ vượt ra khỏi quy mô công xưởng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi vạn vật được kết nối bởi internet. Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu. Cách làm này giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho.

Cuộc cách mạng này không chỉ tăng năng suất và giảm lao động mà các bộ phận sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với bộ phận lắp ráp, bộ phận vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất; chi phí vận chuyển và truyền thông sẽ giảm, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn và chi phí thương mại sẽ giảm, các thị trường mới được mở ra và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

1.2. Thách thức

- Các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) nói chung và DN xuất nhập khẩu ở Hải Phòng nói riêng sẽ đứng trước thách thức đầu tiên về công nghệ thông tin, nên rủi ro công nghệ sẽ tăng lên. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng rất cao với kĩ năng và trình độ, kiến thức về công nghệ phải ở trình độ cao. Trong cuộc cách mạng này, tự động hóa thay thế sức lao động của con người dẫn tới người lao động sẽ bị dư thừa. Điều này tạo ra khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động.

- Nếu các cơ quan quản lý chậm vào cuộc trước ảnh hưởng của cuộc cách mạng này cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy, việc thay đổi nhận thức và lựa chọn của khách hàng và đối tác khi ứng dụng các công nghệ mới là điều các DN cần làm.

- Để đạt được doanh thu tốt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nâng cao sản phẩm, đổi mới hợp tác và về các hình thức tổ chức, xem xét lại cách họ kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các DN xuất nhập khẩu cần không ngừng cải tiến liên tục về chiến lược cũng như về công nghệ.

- Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN xuất nhập khẩu cần hoạch định chính sách trước những tác động của cuộc cách mạng này. Bởi lẽ, internet và công nghệ số cho phép tạo ra những giá trị số hóa, phương thức giao dịch lần đầu tiên xuất hiện, chẳng hạn như quản lý như thế nào đối với tiền điện tử Bitcoin. Vì vậy, các khuôn khổ pháp lý cần phải hoàn thiện và bắt kịp với sự phát triển nhanh của công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2017, Bộ Công Thương, mặc dù các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã cố gắng đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại các DN xuất nhập khẩu chỉ ra, chỉ 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website. Thách thức đặt ra khi đa phần các DN của Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và vừa, nền tảng quản trị, tài chính và công nghệ yếu.

- Mặt khác, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với môi trường kinh doanh và công nghệ hiện nay.

2. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng

Là thành phố công nghiệp của Việt Nam, Hải Phòng hiện có 19 khu công nghiệp trong quy hoạch và có một số khu công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, điển hình như khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (gồm các khu công nghiệp: Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ I, Nam Đình Vũ II, Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng và các khu công nghiệp: Nomura Hải Phòng, Đồ Sơn Hải Phòng, Nam Cầu Kiền, An Dương. Các công ty xuất nhập khẩu ở Hải Phòng như: Phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, tàu biển, sản phẩm cơ khí siêu trường, siêu trọng, sơn các loại, các chi tiết robôt, nhựa PVC các loại, sơn các loại, các chi tiết rô-bốt, nhựa PVC các loại, giày cao cấp, sản phẩm dệt may, ắc quy các loại, giấy lụa…

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính hết quý I/2017, năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 11% so với năm 2015, gấp 1,7 lần bình quân chung cả nước. Thu ngân sách ước đạt 62.640,2 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 17.068,6 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ)... Những con số trên cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng đã được cải thiện rõ rệt.

Với việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hải Phòng đã thu hút công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, tạo việc làm cho người lao động chuyển dịch cơ cấu lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng trong 9 tháng năm 2016, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp hạ tầng và thứ cấp khối FDI đạt kết quả cao, trong đó: doanh thu của các doanh nghiệp hạ tầng ước đạt 43 triệu USD, vốn thực hiện đạt 24 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5 triệu USD (tương đương 110,51 tỷ đồng). Doanh thu của các doanh nghiệp thứ cấp ước đạt 3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 500 triệu USD.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động xuất khẩu của Hải Phòng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng khá cao, nhưng giá trị kim ngạch thấp chưa tạo được bước phát triển đột phá, chưa tương xứng với thế mạnh của thành phố công nghiệp có cảng biển lớn. Các sản phẩm xuất khẩu chưa phong phú, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu là gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu không cao. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như thủy sản, nông sản lại chưa tạo được vùng nguyên liệu. Do vậy, giá trị kim ngạch đóng góp trong cơ cấu GDP thấp, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động xuất khẩu còn khiêm tốn, chưa chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của thành phố, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nhiều chủng loại nguyên liệu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị kim ngạch lớn lại chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nhất là đối với dệt may - giày dép, vật liệu điện, hóa chất, kể cả là đóng tàu xuất khẩu.

Về giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu: Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu công nghiệp bằng 31-32% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố và có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Kết quả hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng năm 2016 của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường xuất khẩu 9 tháng năm 2016 của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ yếu là Nhật Bản, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm khoảng 17%; thị trường Hàn Quốc chiếm 17%; Asean chiếm 6%; Euro chiếm 5% và một số thị trường khác.

Về công nghệ: Các dự án của các tập đoàn lớn như Yazaki, Tohoku Pioneer, Toyoda Gosei, GE, Bridgestone, Nipro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox… liên kết với doanh nghiệp ở Hải Phòng đã sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất, với tỷ lệ cơ khí hóa, tự động hóa cao trong dây chuyền sản xuất, để cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu; mặt khác, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa được sản xuất ở Hải Phòng trên thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hải Phòng đã ứng dụng một số công nghệ như:

- Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong thiết kế nhờ trợ giúp của máy tính trong các ngành Dệt, May, Da giày xuất khẩu. Ngoài ra, tự động thiết kế các máy công cụ, các dụng cụ cơ khí và các chi tiết cơ khí chủ yếu. Trong ngành Đóng tàu, công nghệ CAD được ứng dụng rộng rãi trong việc tạo dáng, thiết kế vỏ tàu và hoàn toàn tự động hóa thiết kế cho loại tàu dưới 10.000 tấn. Sử dụng các chương trình tự động hóa thiết kế và tính toán trong thiết kế cơ khí, xây dựng công trình, xây dựng giao thông.

- Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong các quá trình công tác như lắp ráp, bảo trì bảo hành các hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển giám sát và xử lý số liệu) trong các ngành năng lượng, chế biến thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, xăng dầu. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ CNC các máy công cụ, thiết bị công tác. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật rô bốt, ưu tiên áp dụng trong một số ngành có các công đoạn sản xuất nguy hiểm cho con người như sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất và một số ngành về sản xuất độc hại về môi trường. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ PLC điều khiển tự động các máy công tác và hệ thống chấp hành.

- Tự động hóa đo lường và xử lý thông tin các quá trình công nghệ, đó là các hệ thống đo lường công nghiệp, bảo vệ môi trường và xử lý thông tin phải tự động hóa đến 80%. Đẩy mạnh tự động hóa các thiết bị đo lường, ngư khí cụ hàng hải, thủy sản, các chủng loại cân điện tử hiện số và truyền số liệu, công tơ thẻ, máy dò cá...

3. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới xuất nhập khẩu tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng

Trong khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại những nước phát triển đã biết cách ứng dụng công nghệ với những khái niệm, như: Connected Consumer, Big Data & Analytics, Automation để tìm hiểu về thị hiếu khách hàng, từ đó xây dựng phương án kinh doanh thì đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng vẫn chưa tiếp cận được với các ứng dụng công nghệ trong Sales và Marketing.

Bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin trong mỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại không phải là kinh doanh chuyên nghiệp, vì vậy, việc tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp xuất nhập khẩu cách ứng dụng công nghệ tối ưu nhất vào hoạt động thương mại còn nhiều hạn chế. Vấn đề mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lúng túng đó là người đứng đầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa biết phải xây dựng chiến lược như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng này thúc đẩy các DN xuất nhập khẩu phải tăng năng lực cạnh tranh của mình thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí; Các DN đầu tư cho khoa học công nghệ và sản phẩm mới, từ đó thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới…

Hiện tại, nhiều DN xuất nhập khẩu Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng còn rất bị động với các xu thế mới, họ chưa hiểu rõ bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy chưa tận dụng được xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, bị động trong việc tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng...

Trong một cuộc khảo sát về quan điểm đối với cách mạng công nghiệp 4.0 được Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội thực hiện mới đây với 2.000 hội viên cho thấy, có 55% DN đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Đối với vấn đề chiến lược kinh doanh, 79% DN trong số này trả lời rằng họ chưa làm gì để “đón sóng" cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 55% DN cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% DN đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% DN đang triển khai. Đối với các DN không quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 67% DN không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của DN không bị tác động nhiều; 76% DN cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.

Hiện nay, trước làn sóng robot hóa thì việc đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định thành công trong cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, DN xuất nhập khẩu cần nhận thức thế mạnh riêng của mình để đưa ra chiến lược đúng đắn, đó là cần có thêm thời gian thử nghiệm để tìm thấy ứng dụng tốt nhất trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu FDI tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng như sau:

-Về mặt chính sách, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội cho kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hải Phòng nói riêng. Vấn đề này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam nói chung và ở Hải Phòng nói riêng tiếp cận công nghệ tiên tiến; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các quy định của pháp luật và các cơ chế chính sách cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo tạo môi trường pháp lý, kinh doanh, thuận lợi, bình đẳng cho ứng dụng cho công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng…

Cần tăng cường nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức để toàn xã hội và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc thay đổi cách tiếp cận giáo dục, đó là sự liên kết hợp tác thuận lợi giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để cung cấp một môi trường thực hành cao, giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp.

Đối với công tác nghiên cứu và phát triển, Việt Nam cần tạo điều kiện để các DN xuất nhập khẩu tiếp cận nhanh hơn nữa với xu hướng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhận tạo, công nghệ sinh học… Cần sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với các công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc đầu tư kết cấu hạ tầng đòi hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng chúng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Việc đổi mới về công nghệ cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến (rô bốt bán tự động, điện toán đám mây…) để ứng dụng quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh…

5. Các biện pháp đề xuất đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu FDI tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong cuộc cách mạng 4.0

- Thứ nhất, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và lĩnh vực của nền kinh tế 4.0, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu FDI tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng phải đào tạo người lao động để tạo ra những “sản phẩm”- người lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

- Thứ hai, đội ngũ quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu FDI tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp quản lý hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Ưu tiên nguồn lực để triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như trong công tác xuất nhập khẩu.

- Thứ ba, hiện đại hóa hạ tầng CNTT trong toàn bộ doanh nghiệp từ quản lý và điều hành đến xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu; trung tâm quản lý, điều hành tổng thể xuất nhập khẩu; đầu tư các thiết bị, hệ thống thông tin quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng. Coi thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác xuất nhâp khẩu.

- Thứ tư, tăng cường các hoạt dộng hợp tác đa phương, song phương trong các lĩnh vực của xuất nhập khẩu. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội phù hợp cho hoạt động xuất nhập khẩu.

- Thứ năm, xây dựng các chính sách cơ chế và các giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng; trong đó, đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, bảo đảm tính khả thi.

- Thứ sáu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật và cáccơ chế chính sách bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng.

- Thứ bảy, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017.

2. ThS. Nguyễn Thị Hải Bình(2017), Chính sách tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017.

3. TS. Lê Tuấn Ngọc, ThS. Hoàng Thị Kim Oanh (2017), Nền công nghiệp 4.0 và thách thức đặt ra đối với lao động Việt Nam, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017.

4. Thanh Tâm, Hoài Sâm (2017), Doanh nghiệp và chiến lược “thích nghi 4.0”, Doanh nhân Sài Gòn.

5. Đình Anh (2017), Doanh nghiệp Việt còn bị động với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử Infonet.

6. Tài liệu Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4/2017 diễn ra tại Hà Nội;

7. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2017), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017;

8. Hương Quỳnh (2017), Không để lỡ tàu khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử Vietnamnet;

9. Thành Đạt (2017), Cách mạng 4.0 và bàn tay Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ.

SOME MEASURES TO IMPROVE THE IMPORT-EXPORT ACTIVITIES

OF FDI ENTERPRISES IN HAI PHONG IN THE DIRECTION

OF THE INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0

● GIANG THANH LONG

Hai Phong University

ABSTRACT:

For export-import enterprises in Vietnam in general and Haiphong in particular, industrial revolution 4.0 will bring many opportunities such as reducing transaction costs - management; increasing access to markets and new business opportunities; providing opportunity to access and apply modern technology and thereby creating breakthrough. Apart from accessing great knowledge, the import and export businesses provide the opportunity to access or apply new technology of mining, manufacturing and processing products.

Keywords: Export, FDI enterprises, industrial revolution 4.0.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây