Một số đặc trưng về khu vực kinh tế phi chính thức tại Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ THANH HUYỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:
Khu vực kinh tế phi chính thức (KTPCT) có vai trò quan trọng tạo công ăn việc làm và đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của Việt Nam, nhưng lại gặp khó trong công tác quản lý. Bài viết phân tích những đặc điểm cơ bản về khu vực KTPCT và hàm ý chính sách với khu vực kinh tế này.
Từ khóa: Khu vực kinh tế phi chính thức, Việt Nam.

1. Đặc trưng về khu vực KTPCT tại Việt Nam
Trên thế giới thuật ngữ khu vực KTPCT được xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1970, đặc biệt là khi thảo luận về mối quan hệ giữa phát triển và các chính sách lao động. Kể từ đó đến nay, mặc dù cũng có khá nhiều nghiên cứu đề cập tới chủ đề này song khái niệm và phạm vi, bản chất, cấu thành, phương pháp đo lường khu vực KTPCT vẫn còn nhiều tranh cãi và thay đổi tùy từng khu vực và quốc gia.
Tại Việt Nam, hiện nay, quan điểm về khu vực KTPCT cũng chưa rõ ràng, chủ yếu dừng lại trong việc mô tả đặc điểm để phục vụ công tác thống kê. Năm 2007, Viện Khoa học Thống kê (KHTK) và đơn vị nghiên cứu Phát triển, Thể chế và Phân tích Dài hạn (DIAL) đã thiết kế một lược đồ điều tra để thu thập thông tin về khu vực KTPCT và việc làm phi chính thức ở Việt Nam. Theo hai cơ quan này: Khu vực kinh tế phi chính thức được định nghĩa là tất cả các doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân sản xuất ít nhất một hoặc một vài sản phẩm và dịch vụ để bán hoặc trao đổi không đăng kí kinh doanh (không có giấy phép kinh doanh) và không thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Và họ gọi các doanh nghiệp như vậy là “các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) phi chính thức”. Còn các hộ SXKD chính thức (có đăng kí kinh doanh) được xếp vào khu vực kinh tế chính thức.
Tính đến thời điểm này hầu hết các dữ liệu về khu vực KTPCT đều được lấy từ các cuộc điều tra về sản xuất kinh doanh hộ gia đình, thông qua các cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp và cuộc Tổng điều tra các cơ sở SXKD cá thể hàng năm do Tổng cục Thống kê tiến hành. Vì thế bài viết này sẽ sử dụng dữ liệu về các cơ sở SXKD cá thể phi nông nghiệp (do Tổng cục Thống kê công bố) để đại diện cho khu vực KTPCT tại Việt Nam, vì theo quy định, “cơ sở SXKD cá thể phi nông nghiệp” được hiểu là những đơn vị kinh tế diễn ra các hoạt động SXKD trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân (trừ nông-lâm-ngư nghiệp), thuộc sở hữu của một người, một nhóm người hoặc hộ gia đình và chưa đăng kí hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Một số đặc điểm về khu vực KTPCT ở Việt Nam:
Thứ nhất, khu vực KTPCT tại Việt Nam có xu hướng mở rộng trong quá trình phát triển kinh tế (điều này đi ngược lại với lý thuyết khi cho rằng khu vực KTPCT sẽ dần thu hẹp khi kinh tế càng phát triển). Theo thống kê, khu vực hộ SXKD cá thể phi nông nghiệp (đại diện cho khu vực KTPCT) có số lượng cơ sở sản xuất nhiều nhất trong các loại hình kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ SXKD cá thể), lớn gấp 11,6 lần số lượng các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức (402,3 nghìn doanh nghiệp - TCTK 2016), chiếm trên 90% tổng các đơn vị kinh tế trong cả nước và vẫn có xu hướng tăng (Bảng 2). Khu vực KTPCT tạo ra khoảng 15-27% tổng sản phẩm quốc nội, đồng thời khu vực này cũng đang cung cấp gần 8 triệu việc làm (Bảng 2), chiếm 1/3 tổng số việc làm trong các đơn vị kinh tế, sự nghiệp, hành chính; và gần bằng 72% số việc làm trong khu vực doanh nghiệp. Những con số này mới chỉ phản ánh một phần bức tranh khu vực KTPCT ở Việt Nam do những đơn vị cá thể không có địa điểm kinh doanh cố định (xe ôm, bán hàng rong, phụ hồ…) vẫn chưa được thống kê trong các cuộc điều tra này. Thứ hai, khu vực KTPCT tạo ra nhiều việc làm nhưng đa số đều là những công việc đơn giản, ít đòi hỏi trình độ chuyên môn. Chỉ có 2,8% lao động đang làm việc trong khu vực KTPCT là có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, thấp hơn rất nhiều so với của khu vực kinh tế chính thức; hơn 86% số lao động thuộc khu vực này không có bất kì bằng cấp, chứng chỉ tay nghề nào. Đa số các lao động không được kí hợp đồng lao động và không được hưởng các chế độ lao động theo quy định Nhà nước. Điều này cho thấy khu vực KTPCT có vai trò rất quan trọng giải quyết việc làm và thu nhập cho một khối lượng lớn lao động có trình độ thấp trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này có thể là tốt trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, tăng trưởng thấp. Nhưng nếu kéo dài thì khu vực phi chính thức ngày càng tụt hậu xa hơn so với khu vực chính thức bởi năng suất lao động thấp, thu nhập thấp và các điều kiện phúc lợi xã hội kém.
Thứ ba, các cơ sở kinh doanh trong khu vực KTPCT có quy mô rất nhỏ, cho thấy tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tận dụng lao động gia đình tại khu vực kinh tế này. Trung bình mỗi cơ sở SXKD cá thể chỉ sử dụng khoảng 1,7 - 1,9 lao động, thậm chí trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, số lao động trung bình được sử dụng còn nhỏ hơn mức bình quân chung các ngành kinh tế (Bảng 2). Đặc điểm này của khu vực KTPCT ở Việt Nam cũng khá tương đồng với khu vực KTPCT ở nhiều quốc gia khác ví dụ tại Pêru, quy mô trung bình của một đơn vị SXKD ở khu vực KTPCT là 1,5- 1,6 lao động/đơn vị giai đoạn 2003 - 2010 (Cling và các cộng sự 2013, 413). Quy mô nhỏ lẻ còn được biểu hiện thông qua vốn đầu tư, giá trị tài sản cố định và doanh thu bình quân của các hộ kinh doanh cá thể (Bảng 2). Lượng vốn đầu tư và giá trị tài sản cố định của hộ kinh doanh cá thể là rất nhỏ so với một doanh nghiệp (vốn đầu tư bình quân của DN là 44,3 tỷ đồng). Bảng 3 cũng chỉ ra rằng, nguồn gốc của vốn đầu tư gần như dựa hoàn toàn vào vốn tự có (chiếm khoảng 90%), do đó khu vực kinh tế này có mức độ an toàn tài chính tương đối “cao”. Vốn vay phần lớn đến từ nguồn thân quen (bạn bè, gia đình) hoặc tín dụng “đen” hơn là từ các định chế tài chính chính thống (ví dụ như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân). Nguyên nhân các hộ kinh doanh thuộc khu vực KTPCT khó tiếp cận được với các ngân hàng là do có đến 60-70% số cá thể không đăng kí kinh doanh hoặc không phải đăng kí kinh doanh nên các hộ đó không đủ điều kiện tiếp cận các chính sách tín dụng vi mô phát triển kinh tế hộ gia đình theo chủ trương của Nhà nước. Hơn nữa, dù có đăng kí kinh doanh nhưng các hộ SXKD cá thể cũng không có tư cách pháp nhân, phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của hộ gia đình, khiến các ngân hàng e ngại trong việc cho vay vốn đầu tư vì còn liên quan đến các thành viên khác trong hộ gia đình.
Thứ tư, khu vực KTPCT ở Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng cơ sở SXKD kinh doanh cá thể, nguồn vốn đầu tư cho khu vực sản xuất dịch vụ và cơ cấu lao động theo các ngành kinh tế. Bảng 1 cho thấy số lượng cơ sở SXKD và lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm lần lượt hơn 20% và 30% và có xu hướng giảm. Trong khi đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ có số cơ sở kinh doanh và số lao động cao hơn gấp 2 - 3 lần và có xu hướng tăng. Cũng trong lĩnh vực sản xuất vật chất, khu vực KTPCT có mức độ tập trung rất cao trong ngành công nghiệp chế biến, thứ hai là xây dựng (cả về số lượng cơ sở kinh doanh và việc làm). Còn đối với lĩnh vực sản xuất dịch vụ, các ngành thương mại, ăn uống và lưu trú, vận tải là những ngành có số lượng cơ sở SXKD và tạo việc làm nhiều nhất.
Cơ cấu nguồn vốn và tài sản cố định của các hộ kinh doanh phi chính thức cũng tập trung chủ yếu vào khu vực dịch vụ (chiếm đến 80%). Vì kinh doanh dịch vụ có doanh thu cao hơn, đầu tư tài sản cố định ít hơn (không cần nhiều máy móc thiết bị) (Bảng 2) nên kinh doanh dịch vụ có tính hấp dẫn và phù hợp hơn với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Thứ năm, khu vực KTPCT xuất hiện ở cả khu vực nông thôn và thành thị, nhưng các hộ SXKD cá thể phi nông nghiệp ở nông thôn tham gia vào khu vực KTPCT có phần ưu thế hơn (tỷ lệ hơn 61% tổng số cơ sở SXKD cá thể cả nước). Đặc điểm này không giống với khu vực KTPCT ở nhiều nước trên thế giới khi khu vực KTPCT được coi là hiện tượng của khu vực thành thị. Điều này cũng trái ngược với sự phân bổ về số lượng doanh nghiệp - thường tập trung nhiều ở thành thị hơn là nông thôn. Như vậy có thể thấy, khu vực KTPCT nông thôn cũng được coi là bộ đệm giúp tạo việc làm, thu nhập và giúp giảm nghèo, thay vì phải di cư ra thành thị và gia nhập vào khu vực KTPCT thành thị.
2. Kết luận và hàm ý chính sách
Thông qua thống kê, phân tích dữ liệu về các cơ sở SXKD cá thể phi nông nghiệp đại diện cho khu vực KTPCT ở Việt Nam cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh trong khu vực KTPCT đều có quy mô rất nhỏ (cả về lao động và vốn đầu tư, giá trị tài sản cố định), ít khả năng tiếp cận các tổ chức tài chính chính thức và tập trung nhiều trong lĩnh vực cần ít vốn đầu tư, công nghệ thâm dụng lao động. Khu vực thương mại dịch vụ luôn là nơi tạo việc làm nhiều nhất cho lao động trong khu vực KTPCT. Trình độ chuyên môn, tay nghề của lao động trong khu vực KTPCT rất thấp và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hơn là bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Thêm vào đó, khu vực KTPCT ở Việt Nam vẫn đang có xu hướng “phình to” trong tiến trình tăng trưởng kinh tế (chứ không thu hẹp và biến mất như đã xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế ở nhiều nước phát triển) và có khuynh hướng tồn tại phổ biến ở khu vực nông thôn hơn thành thị. Điều này cho thấy khu vực KTPCT ở Việt Nam vẫn sẽ luôn là một phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, với năng suất lao động của khu vực này quá thấp so với khu vực kinh tế chính thức sẽ là rào cản lớn trong công tác giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của phần lớn lao động Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, cần có nhận thức và chính sách can thiệp, hỗ trợ thực sự, kịp thời và đúng mức tới khu vực KTPCT từ phía nhà nước. Một vài gợi ý chính sách đó là:
- Tiến tới chính thức hóa khu vực phi chính thức bằng các giải pháp giảm rào cản và minh bạch trong tiếp cận đăng kí kinh doanh (về thủ tục, điều kiện, chi phí), cải thiện việc tiếp cận tài chính, vay vốn phù hợp với hình thức kinh doanh hộ gia đình sẽ khuyến khích hộ gia đình phi chính thức đăng kí tham gia vào khu vực chính thức. Qua đó, các cơ sở cá thể có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm và nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững (đặc biệt là khu vực nông thôn).
- Quan tâm đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động khu vực KTPCT để nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Có chính sách an sinh xã hội gắn với các đối tượng lao động làm trong khu vực phi chính thức như: Quy định về bảo hiểm thất nghiệp cho lao động làm thuê ở các cơ sở kinh doanh cá thể; tăng cường hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…, qua đó giảm được tính rủi ro, bấp bênh trong công việc của khu vực phi chính thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cling. Jean-Pierre, Đỗ Hoài Nam và các cộng sự, (2013) “Kinh tế phi chính thức tại các nước đang phát triển”. Hà Nội: NXB Tri thức.
2. Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra cơ sở SXKD cá thể phi nông nghiệp các năm 2007-2009; 2011, 2013, 2014, 2015, 2016, Hà Nội: NXB Thống Kê.
3. Tổng cục Thống kê, (2013) Kết quả tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012, Hà Nội: NXB Thống Kê.
4. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, (2010). “Khu vực và việc làm phi chính thức: Phương pháp thống kê, tác động kinh tế và Chính sách công”. Tài liệu hội thảo quốc tế, Hà Nội.

SOME CHARACTERISTICS OF THE INFORMAL SECTOR IN VIETNAM

MA. DO THI THANH HUYEN

Thuongmai University

ABSTRACT:

The informal sector plays an important role in creating jobs and contributing a large part to Vietnam's GDP, but it is difficult to manage. The paper analyzes the basic characteristics of the area of education and policy implications for this sector.

Keywords: Informal sector, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây