Một số khó khăn vướng mắc trong việc đăng ký hộ tịch và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi

ThS. Dương Hiền Trúc Lan (Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ), ThS. Phạm Kim Hửng (Trường Chính trị tỉnh Cà Mau)

Tóm tắt:

Đăng ký hộ tịch là một trong quyền nhân thân mà Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014 đã quy định cho các cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn từ qui định của pháp luật hiện hành. Bài viết phân tích một số hiện trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện trong việc đăng ký hộ tịch.

Từ khóa: Đăng ký hộ tịch, Luật Hộ tịch.

  1. Đặt vấn đề

Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, ghi vào sổ đăng ký các thông tin hộ tịch cần thiết của cá nhân, cấp giấy tờ hộ tịch tương ứng, tạo cơ sở pháp lý để xác lập mối quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước; đây là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch, các văn bản này thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi, bảo đảm phù hợp với thực tế. Đầu tiên là Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến Bản Điều lệ hộ tịch năm 1956 ban hành kèm theo Nghị định số 764/TTg ngày 08/5/1956 của Chính phủ; tiếp theo đó là Bản Điều lệ đăng ký hộ tịch năm 1961 ban hành kèm theo Nghị định số 04/CP ngày 16/01/1961. Giai đoạn gần đây có các văn bản như Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch; Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình đối với các dân tộc thiểu số; Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và Gia đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/Nđ-CP; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực; Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014. Đây là lần đầu tiên có văn bản Luật quy định riêng về lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch sau hơn 60 năm thực hiện các văn bản dưới luật. Luật có nhiều quy định mới mang tính đột phá, “cách mạng” về: thẩm quyền đăng ký hộ tịch, phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch, cải cách mạnh thủ tục hành chính. Để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; liên Bộ Ngoại giao - Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6 /2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch được đồng bộ, thống nhất.

Trên cơ sở các văn bản pháp lý trên, với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về hộ tịch đã tôn trọng quyền nhân thân của các cá nhân thực hiện việc đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý hiện nay cũng đang gặp một số khó khăn từ qui định của pháp luật hiện hành. Bài viết này, tác giả tìm hiểu hiện trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hộ tịch.

  1. Quan niệm về hộ tịch, đăng ký hộ tịch

Hộ tịch là một vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội cả dưới góc độ quản lý xã hội lẫn cá nhân. Vào thời phong kiến, việc quản lý hộ tịch gắn liền với chính sách phát triển kinh tế của các triều đại, vừa là cơ sở để tính thuế vừa là danh mục để bổ sung quân số hay lập ấp cho quan lại, hoàng thân phong kiến. Trải qua mấy ngàn năm phong kiến, việc quản lý hộ tịch vẫn được coi trọng và ngày càng hoàn chỉnh. Sau ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, vấn đề hộ tịch đã được Bác Hồ và Chính phủ quan tâm, tuy nhiên, mục đích của việc quản lý hộ tịch khác hẳn chế độ xã hội trước đây, không phải để tra thêm gông cùm, gánh nặng, mà để mỗi người dân Việt Nam được làm người, làm chủ đất nước và thực hiện các quyền tự do dân chủ của mình.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại khoản 1, 2 của Điều 2 Luật Hộ tịch năm 2014 xác định “1. Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.” và “2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.” [1]. Như vậy, Luật Hộ tịch đã ấn định nội hàm pháp lý đối với thuật ngữ “hộ tịch” chính là các sự kiện cơ bản xảy ra đối với mỗi cá nhân con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, các sự kiện cơ bản này cho phép xác định tình trạng nhân thân với các quyền và nghĩa vụ tương ứng với sự kiện hộ tịch cụ thể. Với định nghĩa pháp lý trên hộ tịch không còn là những phương tiện, công cụ để lưu trữ các thông tin cá nhân của một người nữa, mà nó gắn liền với các quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng. Do vậy, hộ tịch với tư cách là sự kiện cơ bản khi xảy ra đòi hỏi phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nguyên tắc đầy đủ, kịp thời, chính xác và đăng ký tại một nơi theo đúng quy định.

  1. Một số thực trạng trong thực tiễn thi hành Luật Hộ tịch ở các địa phương

Qua gần 03 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh (ĐKKS) điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi được ĐKKS[2]; Thực hiện tốt quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch (ĐKHT) cho mình không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ khẩu thường trú như trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn cơ quan đăng ký sự kiện hộ tịch của mình; Hệ thống cơ quan quản lý, ĐKHT, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, có kế hoạch đào tạo bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn luật, công chức làm công tác hộ tịch được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo chương trình bồi dưỡng chính thức đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt; Yêu cầu ĐKHT của người dân cơ bản được giải quyết kịp thời; Trình tự, thủ tục ĐKHT được cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ĐKHT đã được quan tâm triển khai ở nhiều địa phương, cơ sở dữ liệu hộ tịch được hình thành với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử kết hợp với sổ ĐKHT được lưu trữ, thống kê thường xuyên; Việc phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch ngày càng được coi trọng, nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác ĐKHT được nâng cao.

Mặc dù Luật Hộ tịch đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên cả nước và thực tế đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tiễn giải quyết cho thấy, các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng, phức tạp, nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc tử, việc thay đổi họ, tên… nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu được; đơn cử:

Tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 thì nội dung khai sinh gồm: thông tin của người được ĐKKS (họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch); thông tin của cha, mẹ người được ĐKKS (họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú); số định danh cá nhân. Liên quan đến việc xác định họ, tên cho con, điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai ĐKKS; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán. Tuy nhiên, theo quy định này, một số cơ quan đăng ký hộ tịch (ĐKHT), người dân lại hiểu rằng, việc xác định họ cho con theo phong tục tập quán tức là phong tục tập quán như thế nào thì xác định đúng theo như thế mà không phải tuân thủ nguyên tắc nào khác, dẫn đến xác định họ của con có thể không theo họ của mẹ, cũng không theo họ của cha, thậm chí không có họ, chỉ có tên. Thực tế tại một số địa bàn, vẫn tồn tại tình trạng ĐKKS cho con không mang họ cha, cũng không mang họ mẹ, hoặc ĐKKS cho con “ngoài giá thú” nhưng không mang họ của mẹ [3]. Trường hợp công chức làm công tác hộ tịch từ chối giải quyết yêu cầu ĐKKS thì người dân phản ứng, bức xúc hoặc phản đối bằng việc không tiếp tục thực hiện ĐKKS cho con.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền ĐKHT, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định cho phép kết hợp thủ tục nhận cha, mẹ, con và ĐKKS. Tuy nhiên, hiện tại có tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài nhưng cuộc sống chung không hạnh phúc nên bỏ về Việt Nam, cũng có trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép sang nước ngoài định cư nên hôn nhân không duy trì được, thực tế quan hệ vợ chồng đã chấm dứt nhưng chưa làm thủ tục ly hôn mà đã lại có quan hệ chung sống với người đàn ông khác và sinh con. Do con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân vẫn còn tồn tại, nên theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, phải được xác định là con chung của hai vợ chồng (mặc dù người chồng không phải là người cha trên thực tế của đứa trẻ)[4], người mẹ có yêu cầu đăng ký việc nhận cha (người cha trên thực tế) của trẻ em kết hợp với thủ tục ĐKKS để khai sinh theo đúng thông tin về cha mẹ hoặc ĐKKS theo diện con chưa xác định được cha thì cơ quan ĐKHT không giải quyết được.

Do khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định”; khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình”, nên yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân, không thuộc thẩm quyền của cơ quan ĐKHT. Nhưng thực tế, đa phần người dân phản ánh tòa án có thẩm quyền không thụ lý giải quyết hoặc có tiếp nhận, nhưng sau đó đình chỉ việc giải quyết vì cho rằng không có “tranh chấp”, dẫn đến việc trẻ em không được ĐKKS kịp thời hoặc ĐKKS nhưng với thông tin về người cha không đúng thực tế, vì vậy, cần thiết phải có quy định hướng dẫn xác định thẩm quyền giải quyết để bảo đảm quyền lợi của trẻ em.

  1. Đề xuất hoàn thiện

Để góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực đăng ký hộ tịch, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

Một là, tổng kết những vấn đề vướng mắc phát sinh từ thực tế trong thực hiện đăng ký hộ tịch nhằm kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để có sự điều chỉnh bổ sung hoặc hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Hai là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng yêu cầu thực tế.

Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ tịch.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho công tác đăng ký, quản lý nhà nước về hộ tịch được thực hiện một cách chính xác, khoa học, chất lượng và thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Qua đó sẽ giảm bớt sức lao động thủ công, góp phần tăng năng suất lao động, tạo sự kết nối dữ liệu, nâng tầm quản lý giữa các cơ quan thực hiện đăng ký, quản lý nhà nước về hộ tịch.

Bốn là, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, hướng tới hoạt động đăng ký hộ tịch đạt hiệu quả.

Năm là, tăng cường việc trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật liên quan.

Sáu là, khen thưởng, động viên khuyến khích những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính - tư pháp, đặc biệt là trong công tác hộ tịch.

  1. Kết luận

Qua nghiên cứu thực tế và đối chiếu với các vấn đề mang tính lý luận trong việc đăng ký hộ tịch, tác giả đã đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hoạt động quản lý trong lĩnh vực hộ tịch, cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Hộ tịch năm 2014.
  2. Phần mềm ĐKKS điện tử mới thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  3. Một số địa bàn có tập quán nếu sinh con gái thì lấy chữ đệm trong tên của cha làm họ.
  4. Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân”.

DIFFICULTIES OF REGISTERING CIVIL STATUS AND SOLUTIONS TO THESE ISSUES

Master. Duong Hien Truc Lan

School of Politics - Can Tho City

Master. Pham Kim Hung

School of Politics - Ca Mau province

Abstract:

Civil status registration is one of personal rights that is defined on the Civil Code of 2015 and the Law on Civil Status 2014. Under current laws, the implementation of civil registration management has posed some difficulties. This paper analyzes a number of current situations and proposes some solutions to improve the civil status registration.

Từ khóa: Civil status registration, Law on Civil Status.