Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội về mặt thế chể và bộ máy giúp việc

THS. HOÀNG THỤC OANH (Thanh tra Bộ Nội vụ)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó cho thấy những bất cập, hạn chế nhất định trong công tác này. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các kiến nghị về hoàn thiện thể chế, tập trung vào cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và cơ chế trách nhiệm và bộ máy giúp việc trong đó tập trung vào cơ chế đào tạo, bồi dưỡng và thông tin.

Từ khóa: thể chế, giám sát, Quốc hội.

1. Đặt vấn đề

Về mặt lý luận, việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong đó, giám sát được đánh giá là công cụ quan trọng để Quốc hội với tư cách là cơ quan thực hiện quyền lập pháp có thể kiểm soát được quyền lực của các cơ quan nhà nước khác. Thực tiễn hiện nay cho thấy, yêu cầu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tác động của cách mạng công nghệ 4.0... cũng đặt ra những yêu cầu đối với thể chế cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan giúp việc trong phục vụ hoạt động giám sát. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế và bộ máy giúp việc để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

2. Khái quát về quy định và thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội hiện nay

Giám sát là việc theo dõi, xem xét, kiểm tra, đánh giá một chủ thể nào đó về một việc làm đã thực hiện đúng hoặc thực hiện chưa đúng những điều đã quy định để từ đó có biện pháp điều chỉnh hoặc xử lý đối với việc làm sai, nhằm đạt được những mục đích hiệu quả xác định từ trước, bảo đảm cho các quyết định thực hiện đúng và đủ1. Hoạt động giám sát được thực hiện theo 2 giai đoạn: (1) Theo dõi, xem xét, kiểm tra; và (2) Đánh giá. Nếu ở giai đoạn theo dõi, xem xét, kiểm tra tốt thì việc đánh giá sẽ đúng đắn, chính xác, cuộc giám sát sẽ có kết quả tích cực và ngược lại 2.

Trên khía cạnh pháp lý, khái niệm “giám sát” trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành cũng được bổ sung theo hướng quy định không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát” mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý” (Điều 2).

Sự phối hợp giữa các đơn vị giúp việc là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội. Trong 2 nhiệm kỳ gần đây chứng kiến sự đổi mới khá lớn trong công tác giám sát, đặc biệt là theo hướng tăng cường hiệu lực và đa dạng hóa hình thức. Điều đó khiến cho công tác phục vụ cũng được đặt ra nhiều hướng đi và theo đó cũng là nhiều thách thức.

Trong đó, công tác phối hợp phục vụ giám sát đã dần chuyên nghiệp hóa, với sự tham gia của nhiều đơn vị vào nhiều khâu trong quy trình. Điều đó thể hiện phần nào ở kết quả của hoạt động giám sát ngày càng cao, ngày càng thực chất mà Quốc hội đã kết luận.

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề được đặt ra:

- Chưa có quy chế, quy trình phối hợp cụ thể, rõ ràng đối với từng hoạt động giám sát. Nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát, hậu giám sát vẫn còn chưa thống nhất, cụ thể, dễ triển khai.

- Vẫn còn có sự thiên lệch, thậm chí là cục bộ. Trong khi các cơ quan của Quốc hội tập trung vào một vài hoạt động giám sát của mình thì các hoạt động chung lại bị lơ là.

- Sự chủ động của các cơ quan, đơn vị còn thấp; còn hiện tượng cả nể, bị động trong khi hoạt động giám sát vốn cần có tính đấu tranh rất cao.

- Chưa có cơ chế cho sự tham gia sâu, rộng của các nguồn lực xã hội.

Những vấn đề nêu trên nếu còn tiếp tục tồn tại sẽ gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt xu hướng của Quốc hội là ngày càng tăng cường giám sát. Vì thế, cần đặt lộ trình để hoàn thiện dần công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát, để hoạt động này ngày càng chất lượng hơn.

3. Tăng cường thể chế hoạt động giám sát của Quốc hội

Đầu tiên là cần có sửa đổi nội dung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trong văn bản này, vấn đề phối hợp phục vụ hoạt động giám sát chưa được quan tâm một cách đúng mực. Cụ thể, Điều 90 của Luật này mới chỉ đặt ra các quy định chung như: giao nhiệm vụ phục vụ hoạt động giám sát cho Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội,… và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong thời gian tới, cần bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về phối hợp phục vụ vào Luật này để có thể triển khai trên thực tế.

Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị rất quan trọng, là một trong những yếu tố tạo nên chất lượng, hiệu quả công tác giám sát. Cần có thể chế góp phần thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu, phối hợp phục vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong đó, có hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, các hoạt động giám sát tối cao khác tại kỳ họp, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trong thời gian tới, cần tham mưu hoàn thiện quy chế quy định về quy trình, thủ tục, công tác phối hợp phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tham mưu, phục vụ xây dựng chương trình, triển khai thực hiện, báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và trong công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát.

Theo đó, chương trình, kế hoạch giám sát, khảo sát, hội thảo của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban cần gửi sớm về Văn phòng Quốc hội (đầu mối là Vụ phục vụ hoạt động giám sát) để thuận lợi cho việc tham mưu, điều hòa hoạt động giám sát, tránh việc trùng lặp nhiều cuộc giám sát, khảo sát, hội thảo tại cùng địa phương, trong cùng thời điểm, tránh việc Bộ trưởng, Trưởng ngành phải báo cáo giải trình hoặc tham gia giải trình nhiều lần trong tháng. Vụ phục vụ hoạt động giám sát cần tổng hợp thông tin hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để báo cáo lãnh đạo Quốc hội và gửi lên mạng thông tin điện tử nội bộ để phục vụ cho công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành; theo dõi, tổng hợp, việc triển khai nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.

Mỗi cơ quan của Quốc hội cần có lãnh đạo theo dõi, đôn đốc hoạt động giám sát. Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban tăng cường sự phối hợp với Văn phòng Quốc hội thông qua việc chỉ đạo các Vụ chuyên môn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Vụ Phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng Quốc hội. Các Vụ chuyên môn nâng cao chất lượng tham mưu về mặt nội dung chuyên môn, tích cực tham gia trong việc chuẩn bị thông tin đầu vào như tham mưu lựa chọn chuyên đề giám sát, đề xuất nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề cần báo cáo giải trình, xây dựng các báo cáo giám sát... và xử lý thông tin đầu ra như xây dựng các nghị quyết, kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn... Vụ Phục vụ hoạt động giám sát làm đầu mối tham mưu, phối hợp phục vụ lãnh đạo về công tác chỉ đạo, điều hành, điều hòa, báo cáo tổng hợp hoạt động giám sát; về công tác bảo đảm phục vụ các hoạt động giám sát; tham gia xây dựng các báo cáo và nghị quyết về hoạt động giám sát. Giữa các vụ cần có sự liên hệ thường xuyên, tăng cường trao đổi thông tin để triển khai thông suốt, hiệu quả, tránh dựa dẫm hoặc trùng chéo công việc.

Cần thiết lập và giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận theo dõi, tham gia phục vụ về hoạt động giám sát; không chỉ giữa các các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội mà còn giữa các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội với bộ phận tham mưu, giúp việc của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đến hoạt động giám sát và chịu sự giám sát.

Cuối cùng, về mặt thể chế cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định rõ về tiêu chí, quy trình, thủ tục tiến hành các hình thức giám sát (như quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục của việc xây dựng chương trình hoạt động giám sát hàng năm; trình tự, thủ tục thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; trách nhiệm của các thành viên Đoàn giám sát trong việc tham gia Đoàn, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết khi được phân công; tiêu chí lựa chọn nội dung, người trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; trình tự, thủ tục hoạt động báo cáo giải trình tại các phiên họp của Hội đồng, Ủy ban; việc thành lập Ủy ban lâm thời; bỏ phiếu tín nhiệm; quy định về việc theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội qua hoạt động giám sát, cơ chế pháp lý để ràng buộc việc thực hiện các kiến nghị, nghị quyết sau giám sát...); bổ sung trình tự, thủ tục đối với hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; quy định về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong nội bộ Văn phòng Quốc hội, giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan khác trong hoạt động giám sát. Trên cơ sở đó, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bắt buộc phải ban hành Quy chế phối hợp phục vụ hoạt động giám sát có liên quan thay vì việc ban hành các văn bản ngắn hạn như hiện nay.

4. Cải thiện hoạt động của bộ máy giúp việc

Cần nhận thức được đặc thù bộ máy giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội là phải coi trọng về nghiên cứu, tham mưu chuyên môn hơn là đảm bảo điều kiện vật chất. Vị thế của các đơn vị phục vụ cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là trong những mối liên hệ với các cơ quan nhà nước khác ở bên ngoài. Vì vậy, cần trao cho các cơ quan, đơn vị phục vụ thẩm quyền thay mặt Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội để yêu cầu chủ thể cung cấp thông tin.

Về bộ máy giúp việc phục vụ hoạt động giám sát, cần đáp ứng đầy đủ về số lượng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ nhằm từng bước kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và hiệu quả phối hợp trong hoạt động phục vụ. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên phục vụ về hoạt động giám sát; bổ sung nguồn nhân lực, biên chế phù hợp cho các Vụ, đơn vị để đảm bảo tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát hiệu quả hơn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hòa, phối hợp các hoạt động giám sát4.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho đại biểu Quốc hội, kỹ năng tham mưu, phục vụ của cán bộ, chuyên viên cần có cả các biện pháp phù hợp để khuyến khích các vị đại biểu Quốc hội tích cực tham gia các khóa tập huấn đầy đủ và tập trung hơn. Tạo điều kiện tối đa để cán bộ, chuyên viên dành thời gian tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội.

Đẩy mạnh công tác bảo đảm về thông tin thông qua việc thu thập, tiếp nhận và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng. Trong đó, chú trọng việc nâng cao trách nhiệm của các vụ, đơn vị trong việc gửi các báo cáo, xuất bản phẩm để lưu giữ tại Thư viện Quốc hội, phục vụ hoạt động tra cứu và cung cấp thông tin phục vụ công tác của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; tăng cường đầu tư, hợp tác với các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Có cơ chế công khai hóa, đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin về hoạt động giám sát, các văn bản quy phạm pháp luật, tư liệu liên quan.

Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Cơ sở dữ liệu này sẽ được chia sẻ, liên kết với cơ sở dữ liệu về công tác giám sát (nếu có) của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các Ban, giúp cho việc lưu trữ và cung cấp các văn bản, tài liệu có liên quan đến các nội dung giám sát. Cơ sở dữ liệu này còn giúp phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát, tránh chồng chéo, trùng lắp thời gian… Nâng cấp trang web thành phần về hoạt động giám sát trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, cung cấp đầy đủ văn bản, tài liệu, kết quả hoạt động giám sát của các đoàn giám sát, hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn và các hoạt động giám sát khác. Trang này sẽ liên kết với cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát để phục vụ theo dõi, triển khai hoạt động giám sát. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các vụ, đơn vị có liên quan đến hoạt động giám sát trong việc cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu để đưa lên trang điện tử.

Tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện sự điều hòa, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (như quy định về thực hiện nghiêm túc sự điều hòa của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các hoạt động của các đoàn giám sát; thực hiện tiết kiệm khi sử dụng phương tiện, tài liệu, cơ sở vật chất…) 2.

Hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiêu tài chính theo hướng khoán gọn theo đầu việc, theo khối lượng công việc đối với những nội dung được phép chi đã định hình (như chi cho xây dựng nghị quyết thành lập các đoàn giám sát; chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát; xây dựng các nghị quyết sau giám sát; chi xây dựng các văn bản liên quan…), chú trọng đến hoạt động đặc thù của Quốc hội; tăng cường tính chủ động, tự chủ khi thực hiện chi phục vụ các hoạt động giám sát của các cơ quan; bổ sung những khoản chi hỗ trợ phục vụ hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền quy định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

5. Kết luận

Hai khía cạnh thể chế và bộ máy giúp việc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội. Thông qua đó, không chỉ việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được tăng cường mà chính cá nhân Đại biểu Quốc hội cũng có điều kiện chủ động hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Thị Hoàn (2015). Vai trò và đặc điểm hoạt động của đại biểu Quốc hội, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 2/2015.
  3. Nguyễn Sĩ Dũng (2016). Giám sát của Quốc hội: Vấn đề khái niệm, Tạp chí Tia Sáng, số 14.
  4. Thư viện Quốc hội, Viện Hanns Seidel (2019). Thực trạng về cơ chế hỗ trợ cá nhân Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, Tài liệu tọa đàm. Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Sĩ Dũng, Vũ Công Giao (2015), Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Việt Nam - Vấn đề và giải pháp, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Văn phòng Quốc hội (2019). Báo cáo số 113/BC-VPQH, ngày 10/01/2019.
  3. Văn phòng Quốc hội (2016). Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội.
  4. Lê Bộ Lĩnh (2016). Phát biểu khai mạc Diễn đàn thu thập, phân tích và xử lý thông tin tham khảo trong hoạt động của Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và USAID tổ chức, Vĩnh Phúc.
  5. Uông Chu Lưu (2016), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Nxb chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  6. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (2016). Báo cáo nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội, trên cơ sở so sánh với tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội Nhật Bản, Singapore và Ba Lan.

Improving the quality of of the National Assembly of Vietnam’s supervision activities in terms of institutions and assisting apparatus

 Master. Hoang Thuc Oanh

Inspector, Ministry of Home Affairs

Abstract:

This paper analyzes the current quality of the National Assembly of Vietnam’s supervision activities, and points out inadequacies and limitations of these activities. Based on the paper’s analysis, some recommendations about institutional improvement are made. These recommendations focus on the enhancement of the inter-agency coordination mechanism and the accountability mechanism, and the improvement of assisting apparatus. These recommendations also include training, fostering and sharing information solutions.

Keywords: activity, supervision, the National Assembly of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9  tháng 4 năm 2023]