Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay

Bài báo "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay" do ThS. Luật sư Bùi Thị Tâm (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) thực hiện.

Tóm tắt:

Giáo dục pháp luật cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở để mỗi sinh viên nắm vững những kiến thức cơ bản về pháp luật, về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và lợi ích của công dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao kiến thức của sinh viên về pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu khách quan, cấp thiết. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên, tính tất yếu, khách quan phải nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên và xác định một số giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay.

Từ khóa: sinh viên, giáo dục pháp luật, phổ biến pháp luật, đại học.

1. Đặt vấn đề

Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xác định: “phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng” (Ban Bí thư, 2003). Trong Khoản 4, điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng xác định: “Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học” (Quốc hội, 2012). Đối với các trường đại học, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên là nội dung quan trọng và bắt buộc trong chương trình đào tạo, góp phần quan trọng vào “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc” [7]. Do đó, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay là yêu cầu khách quan, cấp thiết.

2. Tổng quan nghiên cứu

Phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là yêu cầu khách quan, đảm bảo cho mỗi người dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Do đó, nghiên cứu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhất là phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học là hướng nghiên cứu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, nổi lên một số bài viết tiêu biểu:

Tác giả Huỳnh Bọng (2012), với nghiên cứu “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên đại học Đà Nẵng” (Huỳnh Bọng, 2012, p. 93), đã đưa ra quan niệm phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc thù của công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên, từ đó đánh giá thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đề xuất một số biện pháp tăng cường giáo dục pháp luật ở Đại học Đà Nẵng như: tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác giáo dục pháp luật, bổ sung đủ số lượng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên triển khai việc phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, hoàn thiện và phát huy cơ chế phối hợp, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tác giả Nguyễn Hưng Thịnh (2013), nghiên cứu “Một số giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên ở đại học Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay” (Nguyễn Hưng Thịnh  2013, p. 63), đã đánh giá thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ở đại học Thái Nguyên và đề xuất giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên ở Đại học Thái Nguyên. Trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác pháp chế; từng bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Tác giả Doãn Thị Chín (2016), nghiên cứu “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên” (Doãn Thị Chín, 2016, p. 44), cho rằng công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ đó, tác giả đã đánh giá thực trạng công tác giáo dục pháp luật đối với sinh viên và xác định một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay như: tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình giáo dục pháp luật cho sinh viên; đa dạng hóa các kênh truyền tải thông tin pháp luật phù hợp với từng đối tượng sinh viên; tăng cường bổ sung, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của các chủ thể giáo dục và phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong quá trình giáo dục pháp luật.

Tác giả Nguyễn Thị Hoàng Anh (2017), nghiên cứu “Vai trò của trường đại học trong giáo dục pháp luật cho sinh viên hiện nay” (Nguyễn Thị Hoàng Anh, 2017, p. 25), đã đưa ra quan niệm về pháp luật, giáo dục pháp luật, quản lý công tác giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, tác giả tập trung làm rõ vai trò định hướng, tổ chức của trường đại học trong giáo dục pháp luật cho sinh viên và xác định những yêu cầu đối với giáo dục pháp luật cho sinh viên như: giáo dục pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, thông qua và kết hợp với các con đường khác như dạy học, hoạt động xã hội… phải coi hoạt động là điều kiện quan trọng của giáo dục pháp luật, chú trọng giáo dục pháp luật cho sinh viên có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa gia đình, nhà trường và xã hội,…

Hoàng Thị Tuyết Mai (2022), “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên Đại học Tân Trào”, đã đánh giá và chỉ ra một số hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở Trường Đại học Tân Trào. Trên cơ sở đó, để xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở Trường Đại học Tân Trào như tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản của trường về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên trong giảng dạy học phần pháp luật đại cương; đổi mới, nâng cao chất lượng phương pháp giảng dạy và thi, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

3, Phương pháp nghiên cứu

Bài viết dựa trên cơ sở quan điểm phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đó là khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể và phát triển; kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn… Bên cạnh đó, bài viết còn sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể như phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp hệ thống hóa, khái quát hóa lý thuyết trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu… Trên cơ sở đó tác giả nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay.

4. Nội dung nghiên cứu

4.1. Một số vấn đề về công tác phổ biến, giáo dục pháp cho sinh viên ở các trường đại học

Phổ biến, giáo dục pháp luật là “một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và tòa xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng” (Ban Chấp hành Trung ương, 2020), góp phần nâng cao ý thức pháp luật và thực hiện hành vi pháp luật của công dân. Theo đó, “công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật”, “Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật” (Quốc hội, 2012).

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay được thực hiện trên cơ sở quán triệt tinh thần khoản 4, điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: “Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học” (Quốc hội, 2012). Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học được thực hiện thông qua chương trình giáo dục pháp luật chính khóa (học tập môn Pháp luật đại cương hoặc các học phần liên quan đến pháp luật), kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức với giáo dục pháp luật.

4.2. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay là yêu cầu khách quan, cấp thiết

Một là, xuất phát từ vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với sinh viên.

Phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi sinh viên. Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sinh viên nắm vững những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về pháp luật, những kiến thức pháp luật cơ bản về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân.

Hai là, yêu cầu phát huy hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.

Thực hiện mục tiêu “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành luật” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, p. 179), đòi hỏi mỗi người dân nói chung, mỗi sinh viên nói riêng nắm vững, hiểu và tự giác chấp hành pháp luật để thực hiện sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tiến hành có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học, qua đó giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi sinh viên.

Ba là, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đặt ra yêu cầu khách quan đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên phải tiến hành “đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện”. Đồng thời, “chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đổi mới việc học, thi, kiểm tra, đánh giá môn học pháp luật đại cương; đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khoá cho sinh viên; đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong tuần sinh hoạt “Công dân - sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023) như là tiền đề, điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay.

Bốn là, thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay.

Đánh giá đúng vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên, những năm qua, các trường đại học đã coi trọng giáo dục pháp luật cho sinh viên, từ việc xây dựng đến triển khai thực hiện kế hoạch, trên cơ sở nội dung phổ biến giáo dục pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên được tiến hành linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng sinh viên, góp phần vào đào tạo lực lượng sinh viên có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm.

4.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay

Một là, thường xuyên đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay.

Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật trong các trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên, đòi hỏi các trường đại học phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, bám sát kế hoạch phổ biến, giáo dục phổ biến pháp luật hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hai là, linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn, sử dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn và từng đối tượng sinh viên.

Thực hiện “đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc” (Quốc hội, 2012). Các trường đại học căn cứ vào đặc điểm cụ thể để lựa chọn, sử dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên phù hợp. Kết hợp các hình thức, phương pháp như thông qua nội dung các bài giảng, thông qua tuyên truyền miệng; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể để phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên “tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo…” (Ban Bí thư, 2003).

Ba là, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật ở các trường đại học.

Đây là lực lượng trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên, do đó, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả quá trình này. Do đó, các trường đại học cần chú trọng việc đào tạo, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên pháp luật, từng bước hoàn thiện theo tiêu chuẩn Báo cáo viên pháp luật được quy định trong điều 35 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhận thức và trình độ chuyên môn, “rà soát, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương; khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tham gia vào phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại địa phương” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023).

Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học

Đây là điều kiện, tiền đề để thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay. Theo đó, cần tập trung “thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Ban Chấp hành trung ương, 2020).

Năm là, phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Sinh viên vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học cần chuyển hóa quá trình phổ biến, giáo dục thành quá trình tự phổ biến, tự giáo dục, phải khơi dậy được tính tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng của chính sinh viên.

5. Kết luận

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên ở các trường đại học là nội dung trong chương trình đào tạo, có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ và hành vi của sinh viên. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải quán triệt và vận dụng hệ thống các giải pháp góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi chấp hành pháp luật của sinh viên, xây dựng đội ngũ sinh viên có đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Bí thư (2003). Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Hà Nội.
  2. Ban Chấp hành Trung ương (2020). Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấ.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023). Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 2 năm 2023 Ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục năm 2023. Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1.
  5. Doãn Thị Chín (2016). Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 4 - 2016.
  6. Hoàng Thị Tuyết Mai (2022). Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên Đại học Tân Trào, Tạp chí Quản lý nhà nước online, ngày 5/5/2022.
  7. Huỳnh Bọng (2012). Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên đại học Đà Nẵng. Tạp Chí Khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục, tập 2, số 3., (p. 93).
  8. Nguyễn Hưng Thịnh (2013). Một số giải pháp tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên ở Đại học Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Khoa học vả Công nghệ, số 105 (05).
  9. Nguyễn Thị Hoàng Anh (2017). Vai trò của trường đại học trong giáo dục pháp luật cho sinh viên hiện nay. Tạp chí Khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục, tập 7, số 4.
  10. Quốc hội (2012). Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật số 14/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012. Hà Nội.
  11. Quốc hội (2012). Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật số 14/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012. Hà Nội.

 

Improving the efficiency of current legal education for university students

Master. Lawer Bui Thi Tam

Hong Bang University

ABSTRACT:

 Legal education for students plays an important role, serving as the basis for each student to master the basics of law, the basic rights and obligations of citizens, and the rights and interests of citizens. Legal education supports the enforcement of laws, limits legal violations, and improves students' legal knowledge. Therefore, strengthening and improving the effectiveness of legal education for university students is an important, objective and urgent task. This paper clarifies a number of issues about legal education for students, the inevitability and objectivity to improve the effectiveness of legal education. The paper also identifies some basic solutions to improve the efficiency of current legal education for university students.

Keywords: students, legal education, university.