Nâng cao khả năng nói tiếng Anh điều dưỡng qua hình mô phỏng

ThS. VŨ MINH ĐỨC – LẠI VĂN HẢI (Khoa Khoa học cơ bản - Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định)

TÓM TẮT:

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày cách tiếp cận mới nhằm thay đổi môi trường thực hành nói tiếng Anh điều dưỡng cho sinh viên ở Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, cũng như nâng cao kỹ năng nói cho các em. Là người trực tiếp thực hiện ý tưởng này, người viết mong muốn đây sẽ là một gợi ý để trao đổi về việc dạy kỹ năng nói tiếng Anh nói chung và tiếng Anh điều dưỡng nói riêng cùng các đồng nghiệp.

Từ khóa: Tiếng Anh, điều dưỡng, hình mô phỏng, kỹ năng nói, sinh viên, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.

I. Đặt vấn đề

Ngày nay, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng thì ngoại ngữ là một phương tiện hết sức quan trọng để hội nhập. Đặc biệt là khi hội nhập vào cộng đồng ASEAN, theo thỏa thuận trong khuôn khổ AEC, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Đáp ứng nhu cầu cấp thiết như trên, việc dạy/học tiếng Anh ở Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định trong những năm gần đây đã được quan tâm đầu tư, bước đầu có những tiến bộ rõ rệt. Tiếng Anh nói chung và tiếng Anh Điều dưỡng nói riêng đã được triển khai giảng dạy ở các bậc học: Cao đẳng, Đại học, Chuyên khoa 1, Thạc sỹ... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để nâng cao năng lực ngoại ngữ, người học cần có môi trường sử dụng ngoại ngữ hợp lý. Thay đổi phương pháp dạy học và tiếp cận, với việc sử dụng ngoại ngữ gắn liền với thực tế là một nhu cầu cấp thiết không chỉ giúp nâng cao kỹ năng của người học, mà còn giúp người thầy thiết lập lên môi trường học ngoại ngữ hứng thú, hiệu quả và hữu ích cho sinh viên.

Từ thực tế trên, tác giả bài viết có ý tưởng thay đổi môi trường thực hành ngoại ngữ của sinh viên, thay vì thực hành trên giảng đường, sinh viên sẽ thực hiện các tình huống lâm sàng bằng tiếng Anh tại Trung tâm thực hành tiền lâm sàng của Nhà trường với đầy đủ các trang, thiết bị mô phỏng gần giống như bệnh viện. Trong môi trường đó, sinh viên sẽ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, nhận định và ra quyết định chăm sóc cho người bệnh. Với việc thực tế hóa môi trường học ngoại ngữ, tác giả mong muốn đây sẽ là một cải tiến hữu ích trong nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên điều dưỡng.

II. Những bất cập và đường hướng tiếp cận nói tiếng Anh điều dưỡng

1. Những bất cập khi thực hành nói

Trong quá trình giảng dạy môn tiếng Anh Điều dưỡng cho sinh viên đại học khối chính qui (ĐHCQ) tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam định, thực tế đã xuất hiện một số bất cập cho sinh viên khi tiếp thu và thực hành tiếng Anh Điều dưỡng qua từng bài học, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Môi trường giao tiếp là yếu tố quan trọng đối với người học tiếng Anh. Để phát triển kỹ năng nói tiếng Anh nói chung và tiếng Anh điều dưỡng nói riêng, đòi hỏi phải có một môi trường để thực tập nhiều hơn. Đối với sinh viên điều dưỡng, môi trường để nói tiếng Anh, nếu chỉ thực hiện trên giảng đường thì rất đơn điệu, chỉ là giáo viên giao tiếp với sinh viên hoặc sinh viên với sinh viên. Giáo viên chỉ đơn thuần thiết lập tình huống, chia nhóm, phân vai, sau đó sinh viên tiến hành hội thoại. Từ đó, khi nói sinh viên phải vừa nói vừa tưởng tượng ra các tình huống người bệnh, thiết bị, dụng cụ, máy móc..., nghĩ bằng tiếng Việt, chuyển sang tiếng Anh, rồi mới nói. Vì vậy, giao tiếp sẽ bị chậm, không đúng, không tạo được phản xạ nói, dẫn đến không khí đơn điệu và nhàm chán, làm sinh viên không tự tin và sợ nói tiếng Anh. Hơn nữa, sinh viên khối ĐHCQ khi học môn tiếng Anh Điều dưỡng hầu hết là chưa đi lâm sàng ở bệnh viện, ngay cả thời gian học chuyên môn cũng chưa tiếp xúc với người bệnh thực tế hoặc qua mô phỏng nên chưa nhìn thấy, chưa biết, hoặc biết mà chưa biết gọi tên và chức năng cũng như cách sử dụng của một số thiết bị, dụng cụ, máy móc, công cụ hỗ trợ điều trị bệnh nhân bằng tiếng Việt, chứ chưa nói đến tiếng Anh. Từ đó dẫn đến thực tế là, trong các giờ thực hành kỹ năng nói tiếng Anh trên giảng đường, đại bộ phận các sinh viên đều ngại, thậm chí sợ giao tiếp tiếng Anh, thường đùn đẩy nhau hoặc ngồi im lặng. Giáo viên thì nói mãi một mình nên trở thành độc thoại cũng chán, hoặc giả có một vài cặp sinh viên khá thực hành mãi cũng đơn điệu, không tạo thành không khí giao tiếp vì trên lớp chỉ có thầy và trò, không có các thiết bị chuyên dụng về điều dưỡng, đặc biệt là các thiết bị mô phỏng giúp học viên gợi nhớ các ngôn từ, thuật ngữ, cấu trúc câu và các tình huống giao tiếp, từ đó họ không hứng thú, khó hình thành phản xạ và ghi nhớ tốt những điều đã học. Thay đổi môi trường thực hành nói tiếng Anh, thay vì dạy ở giảng đường, thì nay chuyển xuống Trung tâm thực hành tiền lâm sàng để sinh viên được sử dụng ngoại ngữ trong một môi trường thực tế với các dụng cụ, thiết bị mô phỏng hỗ trợ, cùng với người bệnh mô phỏng gần giống thực tế là cần thiết, từng bước cải thiện khả năng giao tiếp cho người học.

2. Đường hướng tiếp cận

Giáo trình tiếng Anh Nursing One của Oxford University được biên soạn theo nhiều chủ đề khác nhau từ tổng quan về một bệnh viện ở Anh, Mỹ cho đến các thủ tục nhập viện, thăm khám và điều trị cho bệnh nhân được dùng làm tài tiệu giảng dạy cho sinh viên chính qui năm thứ nhất. Tất cả các ngữ liệu ngôn ngữ liên quan đến nội dung bài học như từ vựng, cấu trúc câu, hình thức ngữ pháp, phát âm phục vụ cho 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều đã được giới thiệu ở những giờ lý thuyết trên lớp. Tuy nhiên, khi tiến hành một buổi thực hành nói, có thể cần phải lưu tâm tới những khía cạnh sau:

1. Tiếng Anh trong Y khoa nói chung và Điều dưỡng nói riêng có đặc thù là ngôn từ, thuật ngữ thường khó đọc, khó viết vì chúng thường có gốc từ La-tinh. Vì vậy, sinh viên sẽ cảm thấy rất khó nhớ. Mặt khác, những từ có nghĩa thường dùng theo từ điển thì sang Tiếng Anh điều dưỡng nghĩa của chúng lại khác, ví dụ: labor (đau đẻ), an expectant woman (một phụ nữ mang thai), bone plate (cái nẹp xương), incontinence pad (cái bỉm cho bệnh nhân tiểu không kiểm soát được), pressure pad (tấm lót chống loét tư thế nằm). Những cấu trúc câu giao tiếp cũng như cách nói giữa bác sỹ với điều dưỡng, giữa điều dưỡng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng khác so với giao tiếp thông thường. Ví dụ:

+ Whats brought you along today?- Vì sao hôm nay Ông/Bà tới đây?

+ How long have they been bothering you? Or How long have you had them?- Ông/Bà bị bệnh/đau như vậy lâu chưa?

+ Which part of your head is affected?- Ông/Bà đau chỗ nào trên đầu?

+ Is there anything that makes it better?- Có cách gì làm bớt đau được không?

+ Does anything makes it worse?- Điều gì khiến cho đau nặng thêm?

Những ngôn từ, thuật ngữ, cũng như các mẫu câu giao tiếp như trên khi có thiết bị, dụng cụ minh họa, hình mô phỏng hỗ trợ, hoặc bối cảnh cụ thể - ở đây là được thực hành tại các phòng mô phỏng của Trung tâm - sẽ khiến cho sinh viên dễ nhớ hơn.

2. Nội dung thực hành ở Trung tâm thực hành tiền lâm sàng nên được thiết kế trước, dựa trên các bài lý thuyết đã giảng cho sinh viên ở trên lớp thông qua các kịch bản (scenarios) thiết kế nói theo cặp, theo nhóm... cụ thể cho một số trường hợp như: thăm hỏi bệnh nhân, quy trình tiêm và hướng dẫn dùng thuốc, tư vấn sức khỏe cho người bệnh tiểu đường (diabetes), béo phì (obesity), huyết áp cao (high blood pressure or hypertension)..., sử dụng tối đa hình mô phỏng (simulators), thiết bị, dụng cụ kèm theo. Tuy nhiên, có thể chuyển kịch bản cho sinh viên nghiên cứu ở nhà trước để tiết kiệm thời gian khi thực hành, nhất là buổi đầu tiên và kịch bản xây dựng ở các buổi thực hành chỉ là phần cứng của một tình huống giao tiếp. Trên thực tế, lúc nói do một số yếu tố tác động như tâm lý rụt rè trước đám đông, phản xạ nói chưa tốt... dẫn đến việc sinh viên có thể nói sai, thêm hoặc bớt đi một số câu trong kịch bản thì điều đó cũng không quá quan trọng. Cần thiết là ở chỗ phải bảo đảm nội dung kịch bản, nói một cách khác là nội dung cốt lõi của tình huống giao tiếp.

3. Lên lịch thực hành trước cho mỗi buổi thực hành, phối kết hợp với các giáo viên chuyên môn của Trung tâm thực hành tiền lâm sàng bố trí thiết bị, dụng cụ phục vụ theo tình huống, sau đó đưa sinh viên xuống thực hành.

4. Khi thực hành, giáo viên có thể giả giọng người bệnh (imitate the patients accent ), người nhà hoặc bác sỹ… để trợ giúp sinh viên khi sinh viên quên từ, hoặc lúng túng khi diễn tả các triệu chứng bệnh bằng tiếng Anh, hoặc dùng các dụng cụ, thiết bị, các hình mô phỏng có sẵn gợi ý, để qua đó sinh viên liên tưởng ra từ tiếng Anh hoặc cách diễn đạt bằng tiếng Anh như thế nào.

III. Gợi ý một số hoạt động cho một buổi thực hành giao tiếp tiếng Anh điều dưỡng với hình mô phỏng

- Bước 1: Xây dựng trước kịch bản hội thoại giữa một bệnh nhân và một điều dưỡng, giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ dựa trên nội dung đã học ở giờ lý thuyết trên lớp.

- Bước 2: Chia lớp học thành nhiều nhóm (groups), mỗi nhóm chọn ra một cặp (a pair) để thực hành. Sau đó giáo viên phát kịch bản cho từng nhóm nghiên cứu trước khoảng 5 phút (hoặc có thể chuẩn bị trước ở nhà), rồi từng cặp tự phân vai ai là nurse, ai là patient. Trong khi đó, cán bộ Trung tâm chuẩn bị sẵn sàng thiết bị hỗ trợ và hình mô phỏng.

- Bước 3: Khi quan sát thấy sự chuẩn bị đã hoàn tất, giáo viên khởi động không khí bằng một vài câu hỏi, ví dụ: How are you today? What do you feel now? Are you sure with the situation? Are you ready to practice? Khi sinh viên trả lời đã sẵn sàng, giáo viên tiến hành cho cặp thứ nhất vào buồng bệnh để thực hiện hội thoại theo sự phân công của nhóm. Các nhóm khác ngồi tại phòng quan sát để theo dõi.

- Bước 4: Sau khi cặp thứ nhất kết thúc hội thoại, giáo viên yêu cầu các nhóm đưa ra nhận xét, tập trung vào các tiêu chí: tư thế, tác phong của điều dưỡng, cách biểu hiện của bệnh nhân, cách phát âm các từ tiếng Anh, ngữ điệu, cách hỏi bệnh của điều dưỡng, cũng như ngữ điệu, cách trả lời của bệnh nhân có đúng không, có sai không, nếu sai thì sai chỗ nào và sửa ra sao. Cuối cùng, giáo viên tổng hợp các ý kiến của các nhóm và đưa ra nhận xét của mình cũng như các chỉnh sửa cần thiết dựa trên các tiêu chí đã nêu.

-Bước 5: Sau phần nhận xét và góp ý, giáo viên yêu cầu đổi vai (change roles) thực hành lại hội thoại và cứ tiếp tục như thế đối với các nhóm còn lại.

IV. Kết quả sau buổi học

Qua quan sát và tổng hợp ý kiến phản hồi của sinh viên sau buổi học, có thể rút ra một số điều sau đây:

- Người học được nhìn thấy tận mắt, cầm tận tay các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng, đặc biệt là các hình mô phỏng. Điều này giúp cho họ có cảm giác đang ở trong bối cảnh cụ thể của một phòng, khoa của một bệnh viện như là một môi trường thực hành nói sống động, như thật và gắn với thực tế hơn so với trên lớp, từ đó kích thích trí nhớ, hồi tưởng lại những kiến thức về điều dưỡng mà họ đã được học trên lớp, cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

- Những từ và mẫu câu tiếng Anh chuyên dụng khi được thực hành trên người bệnh cụ thể (roleplay or simulators) đã được sinh viên sử dụng trôi chảy hơn (more smoothly), tự nhiên hơn (more naturally) bởi vì chính các thiết bị mô phỏng này đã tạo cho sinh viên khả năng liên tưởng sang tiếng Anh và khả năng “bật” ngôn ngữ (ability of aspirating words) tốt hơn.

- Đôi khi cũng xuất hiện một vài tình huống nằm ngoài kịch bản. Ví dụ: sinh viên đóng vai bác sĩ nói: Give me a pair of scissors, please! (Hãy đưa cho tôi cái kéo) thì điều dưỡng lại đi lấy bơm tiêm (a syringe) hoặc kim tiêm (a needle) vì quên từ đó. Lúc ấy, bác sĩ có thể chỉ vào cái kéo (the scissors) và nói: Không, cái này cơ, không phải cái đó (No, this, not that); vì vậy, qua cái kéo cụ thể, sinh viên nhớ được từ scissors. Hoặc lấy kịch bản dưới đây là một ví dụ cụ thể về một tình huống giao tiếp giữa một bệnh nhân bị sốt kèm theo đau họng với các đốm đỏ trên ngực và lưng với một điều dưỡng.

N=nurse, P=patient

N: How are you feeling?

P: I feel so hot. What does the thermometer say?

N: Yes, you do have fever. Your temperature is a little over 38. Have you got a sore throat?

P: Yes, it hurts when I talk.

N: I can see spots. Any redness?

P: Yes, my chest and back are all red.

N: And do you feel tired?

P: Yes, constant tiredness. And my legs feel achy, too.

- Đánh giá hiệu quả của kịch bản này sau khi được thực hành bằng cách đối chiếu, so sánh giữa sinh viên được thực hành nói ở Trung tâm thực hành tiền lâm sàng có sự hỗ trợ của các hình mô phỏng với sinh viên học ở trên lớp như thường lệ, có thể nói:

+ Với đối tượng được thực hành nói ở Trung tâm thực hành tiền lâm sàng thì khả năng bật ngôn ngữ nhanh hơn so với trên lớp, vì các em đã được nghiên cứu kỹ kịch bản, thậm chí gần như thuộc kịch bản nên dẫn đến giao tiếp chủ động và tự nhiên hơn. Nhìn vào dụng cụ và hình, các câu hỏi như: How are you feeling? What does the thermometer say?... bật ra như một phản xạ.

+ Khi thực hành ở Trung tâm, khả năng nhớ từ của các em được cải thiện hơn so với trên lớp. Ví dụ, với hội thoại đã nêu ở trên, khi vai điều dưỡng hỏi: Any redness? thì vai bệnh nhân quên mất từ redness nghĩa là gì nên lúng túng. Lúc đó giảng viên chuyên môn hỗ trợ bằng cách cho hình mô phỏng hiện màu đỏ trên ngực và lưng, nên vai bệnh nhân đã bật ra được từ red và nói luôn câu: Yes, my chest and back are all red”. Trong khi đó, nếu ở trên lớp thì rất lâu mới nhớ ra được, thậm chí không nhớ ra.

- Lẽ dĩ nhiên, các tình huống thực hành này cũng có thể được thực hiện trên giảng đường như trước đây cùng với việc mang các thiết bị phục vụ lên lớp. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển sẽ rất mất thời gian mang lên, trả về. Ngoài ra, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng rơi vãi, thất thoát tài sản của nhà trường trong khi vận chuyển. Vì vậy, cách tiếp cận trên khắc phục được những bất cập ấy.

V. Kết luận

Nói tóm lại, trong khuôn khổ dạy và học tiếng Anh theo đặc thù của cơ sở đào tạo điều dưỡng, với những giá trị về mặt thực hành kiến thức chuyên môn tiếng Anh trong điều dưỡng, tác giả bài viết không đơn thuần bàn luận quá sâu về phương pháp giảng dạy và thực hành kỹ năng nói tiếng Anh vì đó là kỹ năng tối thiểu của một giáo viên ngoại ngữ nói chung. Ở đây, người viết thiết nghĩ, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh trong các trường Y nói chung và Điều dưỡng nói riêng nên sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế trong lĩnh vực dạy/học tiếng Anh, cụ thể ở đây là sử dụng hình mô phỏng, tạo môi trường thuận lợi có tính bổ trợ lẫn nhau giữa giảng viên ngoại ngữ và giảng viên chuyên môn trong dạy/học tại nhà trường, tăng tính hội nhập quốc tế, tạo ra được môi trường thực hành giao tiếp tiếng Anh chuyên ngành một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu các hoạt động của giáo viên trên lớp, tăng tối đa thời lượng các hoạt động của sinh viên. Điều này cũng kích thích, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên khi thực hành giao tiếp, tạo phản xạ giao tiếp khi có các giáo cụ trực quan sinh động, ở đây là Trung tâm thực hành tiền lâm sàng để đáp ứng mục đích cuối cùng của việc dạy học là lấy người học làm trung tâm (learner-centered teaching). Cách tiếp cận này, theo chúng tôi, như là một tiền đề để sau này có thể triển khai mở rộng việc dạy/học tiếng Anh Điều dưỡng với đối tượng cao hơn, ví dụ học viên Thạc sĩ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nội, ngoại, sản, nhi... và cũng có thể áp dụng sang dạy/học được ở tất cả các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Trung... một cách hiệu quả, khi có nhu cầu, tại nhiều trung tâm có mô phỏng hoặc các dụng cụ trực quan ở nhiều bậc học, trình độ khác nhau tại các trung tâm dạy nghề, các trường phổ thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. River, Wilga., Temperley, Mary S. (1978). A practical Guide to the Teaching of English as a Second or Foreign Language. Oxford University Press.

2. River, W. M. (1981). Teaching foreign language skills. Chicago: The University of Chicago.

3. Fromkin, V., Rodman, R., Hyams, N. (2007). An Introduction to Language. Boston, USA: Thomson Wads worth Higher Education.

4. Tony Grice and Antoniette Meehan. (2009). English for Creers: Nursing 1. Oxford University Press.

5. Virginia Allum and Patricia McGarr. (2010). Cambridge English for Nursing. Cambridge University Press.

IMPROVING THE ABILITY OF SPEAKING ENGLISH FOR NURSES WITH THE HELP OF SIMULATORS

VU MINH DUC

M.A in English Language, Department of Foregin Language,

Faculty of Basic Science, Nam Dinh University of Nursing

LAI VAN HAI

Faculty of Basic Science, Nam Dinh University of Nursing

ABSTRACT:

Within the scope of this paper, the author refers to a new approach to change the envirnoment of practising speaking English for Nurses for students of Nam Dinh University of Nursing as well as improving their speaking skill. As a person who has already carried out this ideal, the writer hopes this will work as a suggestion for other colleagues to swap information in teaching the speaking skill in English in general and English for Nurses in particular.

Keywords: English, nurse, simulators, speaking skill, students, Nam Dinh University of Nursing.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.