Ngân hàng Quân đội: Được nới room tín dụng lên đến 24,5%, cổ phiếu MBB bật tăng

Ngân hàng TMCP Quân đội vừa được cấp thêm room tín dụng mới trong đầu tháng 7 vừa qua với hạn mức khoảng 24,5%. Bảo Việt Securities hiện dự báo NIM của ngân hàng này đang tạo đáy và sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Tăng trưởng tín dụng TOP đầu hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Quân đội
Ngân hàng Quân đội được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng 24,5% trong cả năm nay.

Theo báo cáo mới nhất của Bảo Việt Securities (BVSC), Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB – sàn HoSE) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thêm hạn mức tín dụng mới trong đầu tháng 7 vừa qua với hạn mức mới vào khoảng 24,5%.

Với kỳ vọng nền kinh tế có sự phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023 cũng như lãi suất đã giảm nhiều và vẫn đang trên đà đi xuống thì Ngân hàng Quân đội được kỳ vọng sẽ sử dụng hết hạn mức tín dụng và đạt mức tăng trưởng tín dụng 24,5% trong cả năm nay.

Tính đến cuối quý 2/2023, tín dụng của ngân hàng này đạt mức 561.061 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 10,6% so với thời điểm đầu năm 2023.  Với mức tăng trưởng này, Ngân hàng Quân đội là một trong số các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong quý 2/2023, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội được dẫn dắt bởi cho vay khách hàng đến từ cả 3 nhóm khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp lớn, và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, mảng trái phiếu doanh nghiệp có sự suy giảm nhẹ (giảm 5,5% so với quý 1/2023). Một số nhóm ngành có sự đóng góp tương đối lớn vào sự tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Quân đội như Năng lượng, Điện, Bất động sản…

Xem thêm: "Tập đoàn Novaland: Sẽ có lãi trở lại từ quý 3/2023, cổ phiếu NVL bật tăng mạnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

CASA bắt đầu có dấu hiệu phục hồi

Tỷ lệ Casa Ngân hàng Quân đội
Tỷ lệ CASA tính đến cuối quý 2/2023 của Ngân hàng Quân đội so với các ngân hàng khác đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (BVSC, BCTC các ngân hàng)

Từ quý 1/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng Quân đội bắt đầu có xu hướng giảm diễn ra từ Quý 1/2022 nhưng chỉ bắt đầu tăng tốc từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 do thanh khoản suy giảm, mặt bằng lãi suất tăng cao dẫn tới cá nhân và doanh nghiệp đều thực hiện quản lý chặt chẽ dòng tiền cũng như chuyển tiền từ không kỳ hạn sang tiền gửi có kỳ hạn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là mức suy giảm CASA của Ngân hàng Quân đội ít hơn các đối thủ cạnh tranh, giúp ngân hàng này vươn lên trở thành ngân hàng có hệ số CASA cao nhất toàn hệ thống.

Quý 2/2023, tỷ lệ CASA của Ngân hàng Quân đội đạt mức 37,1%, tăng lên 1,6% so với quý liền kề. Đây là dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận khi mà CASA của ngân hàng này đã có sự suy giảm trong hơn một năm qua. Tỷ lệ CASA nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm tới nhờ mặt bằng lãi suất đang giảm nhanh chóng và thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội còn có thế mạnh là sở hữu tập khách hàng cá nhân lớn, đang có sự gia tăng nhanh chóng cũng như tập khách hàng doanh nghiệp mạnh mẽ. Những yếu tố này giúp Ngân hàng Quân đội duy trì được vì thế nằm trong nhóm ngân hàng có CASA dẫn đầu trong những năm tới, theo BVSC.

Xem thêm: "Vì sao giá gạo xuất khẩu lên cao kỷ lục, lợi nhuận của Gạo Trung An (TAR) vẫn giảm 99%?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

NIM có thể phục hồi trong nửa cuối năm, cổ phiếu MBB bật tăng

NIM của Ngân hàng Quân Đội
Xu hướng NIM của Ngân hàng Quân đội qua các quý. (Nguồn: BVSC, BCTC Ngân hàng Quân đội)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gia tăng cung tiền cơ sở thông qua việc mua thêm khoảng 6 tỷ USD trong cuối năm 2022 và 2023 cũng như quyết liệt thực hiện tới 4 lần giảm lãi suất điều hành. Cùng với đó là nhu cầu tín dụng yếu đã làm hạ nhiệt nhanh chóng lãi suất huy động.

Không ngoài xu hướng chung toàn ngành, so với đầu năm, Ngân hàng Quân đội cũng thực hiện giảm lãi suất huy động từ 1,6-2% trên các kỳ hạn. Các khoản huy động của ngân hàng này tập trung ở các kỳ hạn ngắn. Huy động kỳ hạn dài ở cuối quý 2/2023 chiếm chưa tới 10% tổng huy động.

Ngân hàng Quân đội tập trung huy động phần lớn ở các kỳ hạn dưới 6 tháng vì vậy có mức quay vòng và thay đổi chi phí vốn diễn ra nhanh. Khi lãi suất hạ xuống, chi phí vốn của ngân hàng này sẽ giảm theo nhanh chóng.

Trong khi đó, gần 50% khoản vay của Ngân hàng Quân đội là các khoản cho vay trung và dài hạn, những khoản vay này có thời gian định giá lại lãi suất 3-6 tháng/lần dẫn tới mức thay đổi lãi suất cho vay chậm hơn thay đổi của chi phí vốn. Điều này sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi NIM của ngân hàng này trong nửa cuối năm 2023. BVSC ước NIM cả năm 2023 của Ngân hàng Quân đội ở mức 5,19% giảm 34 điểm cơ bản so với năm 2022.

Giá cổ phiếu MBB Ngân hàng Quân đội
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đạt 18.850 đồng/cổ phiếu – vùng giá cao nhất kể từ tháng 9/2022 đến nay. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu MBB đã tăng gần 30%.

Đáng chú ý, cổ phiếu MBB đã xác lập đà tăng mạnh kéo dài từ ngày 1/6 đến nay với mức tăng đạt hơn 18%, cùng với đó là thanh khoản cao hơn đáng kể so với thông thường.

Mạnh Hùng