Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty trong ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ BÍCH THUẬN (Giảng viên Khoa Kinh tế - Trường Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 19 công ty ngành thủy sản niêm yết trên hai sàn chứng khoán HOSE và HNX trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng các kiểm định Hausman và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng doanh thu tác động cùng chiều đến tỷ lệ nợ, còn tỷ suất sinh lời và rủi ro hoạt động của công ty có tương quan âm với tỷ lệ nợ. Còn các yếu tố khác như tài sản hữu hình và quy mô công ty có tác động đến việc lựa chọn cấu trúc vốn của công ty nhưng không có ý nghĩa thống kê.

Từ khóa: cấu trúc vốn, ngành Thủy sản, thị trường chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Vốn là một trong các yếu tố tiên quyết quyết định sự tồn tại và phát triển của các loại hình doanh nghiệp - là tiềm lực kinh tế quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh doanh của một công ty. Do vậy, việc xây dựng một cấu trúc vốn tối ưu là điều mà các nhà quản trị công ty luôn mong muốn. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, vấn đề lựa chọn một cơ cấu tài trợ hợp lý giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị công ty là vấn đề không dễ dàng với các doanh nghiêp. Làm thế nào để tìm ra một cấu trúc vốn tối ưu cũng là một vấn đề hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại, vì mỗi ngành đều có một đặc trưng riêng, nên cấu trúc vốn cũng có những nét khác nhau. Vì vậy, vấn đề nghiên cứu về cấu trúc vốn từ lâu đã được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về kinh tế. Chẳng hạn, Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn đề xuất việc xây dựng cấu trúc vốn dựa trên ý tưởng cân bằng giữa lợi ích và chi phí của việc sử dụng nợ. Bởi vì, việc sử dụng nợ có ưu điểm làm đòn bẩy làm gia tăng thu nhập cho chủ sở hữu và giá trị công ty, chi phí sử dụng vốn thấp, nhưng ngược lại sử dụng nợ cao làm tăng chi phí trả lãi vay và chi phí kiệt quệ tài chính gia tăng. Hoặc Lý thuyết trật tự phân hạng của Myer (1984) dựa trên vấn đề bất cân xứng cho rằng các nhà quản lý ưu tiên tài trợ cho các cơ hội đầu tư bằng 3 nguồn: đó là thông qua thu nhập giữ lại của công ty, tiếp theo là nợ và chọn tài trợ bằng vốn chủ sở hữu là phương án cuối cùng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm ở các quốc gia trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Mặt khác, ngành Thủy sản đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp tới 3,43% GDP cả nước và 23,75% GDP nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhất định. Vì vậy, mục tiêu của bài nghiên cứu này nhằm làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc hoạch định cấu trúc vốn của các công ty này.

2. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm liên quan

Lê Thẩm Dương và các cộng sự (2020), có bài nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp trong ngành Thực phẩm trên thị trường chứng khoán. Bài nghiên cứu sử dụng số liệu báo cáo tài chính từ 52 doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2011 - 2018 bằng phương pháp GLS. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp thực phẩm có khả năng sinh lời, tỷ lệ tài sản cố định/tổng tài sản và số năm hoạt động có ảnh hưởng nghịch chiều đến cấu trúc vốn. Ngược lại, quy mô và tốc độ tăng trưởng là hai nhân tố có ảnh hưởng thuận chiều đến cấu trúc vốn. Ngoài ra, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp không ảnh hưởng đến quyết định cấu trúc vốn của các doanh nghiệp thực phẩm. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất kiến nghị cho các nhà quản trị doanh nghiệp thực phẩm nhằm xây dựng cấu trúc vốn hiệu quả.

Khaki, A. R., & Akin, A. (2020) có bài nghiên cứu xác định các yếu tố quyết định đến việc xây dựng cấu trúc vốn tại các quốc gia ở vùng Vịnh GCC gồm các quốc gia cụ thể như Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong bài nghiên cứu, tác giả sử dụng dữ liệu bảng không cân bằng từ 329 công ty phi tài chính tại các quốc gia ở vùng Vịnh GCC giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017. Nghiên cứu sử dụng 3 mô hình hồi quy: Pooled Ordinary Least Square (Pooled OLS), Fixed effects model (FEM), Random effects model (REM) với dữ liệu bảng. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các kiểm định (Hausman và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier) để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn. Nghiên cứu còn phân tích liệu có sự khác biệt về các yếu tố quyết định chính đến vốn cấu trúc giữa các quốc gia ở vùng vinh GCC. Kết quả cho thấy quy mô, tài sản hữu hình và cơ hội tăng trưởng doanh thu có tác động tích cực đến tỷ lệ nợ của công ty.

Mặt khác, lợi nhuận, tính thanh khoản, số năm hoạt động của công ty, cổ tức và sở hữu của chính phủ có tác động ngược chiều tới tỷ lệ nợ ở mô hình nghiên cứu từng quốc gia trong mẫu nghiên cứu và mẫu gộp tất cả các quốc gia. Ngược lại, tài sản hữu hình, tốc độ tăng trưởng doanh thu và rủi ro hoạt động có tương quan dương tới tỷ lệ nợ. Kết quả cũng hàm ý rằng đặc điểm của các quốc gia việc lựa chọn cấu trúc vốn. Lê Quang Định và các cộng sự (2022), có bài nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp trong ngành bán buôn trên thị trường chứng khoán. Bài nghiên cứu sử dụng số liệu báo cáo tài chính từ 69 doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2014 - 2020 bằng phương pháp FGLS. Kết quả nghiên cứu cho thấy đòn bẩy hoạt động, tính thanh khoản và khả năng sinh lời có tác động ngược chiều cấu trúc vốn. Ngược lại, quy mô doanh nghiệp và tài sản hữu hình có tác động thuận chiều đối với cấu trúc vốn.Hoàng Thị Kim Thoa (2012) có nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty cổ phần ngành bất động sản được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy cho dữ liệu bảng được thu thập từ báo cáo tài chính hợp nhất của 55 công ty cổ phần trong ngành Bất động sản giai đoạn 2015-2019. Kết quả cho thấy, các yếu tố như quy mô doanh nghiệp, độ tuổi chủ tịch hội đồng quản trị và tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) tác động cùng chiều đến cấu trúc vốn. Ngược lại, các yếu tố như thời gian hoạt động, giới tính, tính thanh khoản, số vòng quay của tài sản và tỷ suất sinh lời của tổng tài sản (ROA) tác động ngược chiều đến cấu trúc vốn của các công ty cổ phần ngành Bất động sản. Các doanh nghiệp có chủ tịch hội đồng quản trị là nữ giới có hệ số nợ cao hơn so với những doanh nghiệp có chủ tịch Hội đồng quản trị là nam giới. Tuy nhiên, khi độ tuổi càng cao thì các chủ tịch hội đồng quản trị là nam giới có xu hướng sử dụng vốn vay cao hơn so với nữ giới.

3. Mô hình, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Bài nghiên cứu lọc ra các công ty trong ngành Thủy sản có đầy đủ các số liệu các biến trong mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng cân bằng được thu thập từ các bảng báo cáo thường niên của 19 công ty trong ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2022.

3.2. Mô hình nghiên cứu

LEVit= β0 + β1 ROA+ β2 SIZE + β3 TAX + β4 ASET + β5 GROW + β6 VOL + εit

  Trong đó: i - tương ứng công ty trong mẫu khảo sát

                t - Thời gian từ năm 2018 đến năm 2022

Bảng 1. Mô tả các biến trong mô hình và dấu kỳ vọng

Ký hiệu

Biến

Cách đo lường

Dấu kỳ vọng

LEV

Cấu trúc vốn

Tổng nợ trên tổng tài sản

 

ROA

Tỷ suất sinh lợi

Lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản ở cuối năm tài chính

+/-

SIZE

Quy mô công ty

Logarit tự nhiên của doanh thu thuần

+/-

TAX

Thuế suất thuế TNDN

Thuế thu nhập trên thu nhập trước thuế

+

ASET

Tài sản hữu hình

Tài sản cố định trên tổng tài sản

+

GROW

Tốc độ tăng trưởng của doanh thu

(Doanh thu năm (n) - Doanh thu năm (n-1))/Doanh thu năm (n-1)

+

VOL

Biến động của lợi nhuận

Độ lệch chuẩn của Ebit/Tổng tài sản

+/-

3.3. Phương pháp nghiên cứu

Trong bài viết này chúng tôi sử dụng nghiên cứu định lượng với phần mềm Stata 12.0 để ước tính các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp trong ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng 3 mô hình hồi quy Pooled Ordinary Least Square (Pooled OLS), Fixed effects model (FEM), Random effects model (REM) với dữ liệu bảng. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các kiểm định (Hausman và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier) để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn. Đồng thời, chúng tôi còn sử dụng tùy chọn Robust và Cluster để khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi, tự tương quan và kiểm định Ramsey Reset để kiểm định hiện tượng bỏ sót biến của mô hình. Với cách xác định mô hình như vậy, các hệ số hồi quy ước lượng trong mô hình có tính bền vững và hiệu quả có thể giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn.

4. Kết quả mô hình nghiên cứu

Kiểm tra sự lựa chọn giữa mô hình Pool OLS và REM

Giả thiết H0: Lựa chọn mô hình Pool OLS

             H1: Lựa chọn mô hình REM

Từ kết quả của kiểm định Breusch and Pagan Lagrangian multiplier ta thấy prob (chi) = 0.000 < 0.01. Điều này chứng tỏ chấp nhận giả thiết H1 với mức ý nghĩa 1%.

Do đó, mô hình REM phù hợp hơn mô hình Pool OLS.

Kiểm tra sự lựa chọn giữa mô hình REM và FEM

Giả thiết H0: Lựa chọn mô hình REM

              H1: Lựa chọn mô hình FEM

Từ kết quả của kiểm định Hausman ta có:

Chi 2 (7) = 50.82            Prob > Chi 2(7) = 0.0000

Ta thấy prob = 0.0000 < 0.01. Điều này chứng tỏ bác bỏ giả thiết H0 với mức ý nghĩa 1%.

Do đó mô hình FEM phù hợp hơn mô hình REM.

Tóm lại qua việc so sánh giữa 3 mô hình Pool OLS, REM và FEM. Kết quả mô hình FEM là phù hợp nhất. Ngoài ra, kết quả chạy mô hình FEM ở Bảng 3 đã sử dụng hồi quy với ước lượng robust và cluster để khắc phục hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đối. Từ đó kết quả mô hình sẽ giải thích tốt nhất cho sự thay đổi của cấu trúc vốn. Kết quả cũng cho thấy các biến này giải thích được 50,18% sự thay đổi trong cấu trúc vốn của các công ty trong ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bảng 3. Kết quả 3 mô hình

 

Pool OLS

REM

FEM

Coef.

Coef.

Coef.

TAX

2.453*

1.031*

0.525**

ASET

0.044

0.131

0.206

GROW

0.054**

0.024***

0.018**

SIZE

0.007

0.003

0.007

VOL

-0.355***

-0.451***

-0.647***

ROA

-0.896*

-0.777*

-0.679*

R2

0.686*

0.475*

0.502*

F-test

23.24*

 

13.05*

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phầm mềm STATA

Chú thích: *, ** , *** tương ứng với mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%.

Hệ số hồi quy ứng với biến TAX là 0.525, chứng tỏ khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thì các công ty sẽ gia tăng tỷ lệ nợ để tận dụng ưu điểm của đòn bẩy tài chính nhằm khuếch đại thu nhập cho chủ sở hữu ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả này phù hợp với lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam.

Hệ số hồi quy ứng với biến GROW là 0.018, chứng tỏ công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu càng cao thì công ty sử dụng tỷ lệ nợ càng nhiều ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả này phù hợp với lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam. Bởi vì công ty có tốc độ tăng trưởng càng cao càng cần thêm nguồn vốn để đáp ứng cho nhu cầu kinh doanh và khả năng trả được lãi vay cũng như vốn gốc rất tốt, nên công ty sử dụng nợ càng nhiều để tận dụng nguồn vốn từ nợ có chi phí rẻ và làm đòn bẩy làm tăng lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Hệ số hồi quy ứng với biến VOL là -0.647, chứng tỏ biến rủi ro có tương quan nghịch chiều với tỷ lệ nợ ở mức ý nghĩa 10%. Kết quả này phù hợp với lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam. Bởi vì, khi công ty có rủi ro kinh doanh càng cao tức dòng tiền biến động khá cao, chứng tỏ khả năng trả lãi vay và vốn gốc sẽ bị ảnh hưởng khá lớn trong thời gian kinh doanh khó khăn, đẩy áp lực lớn cho công ty. Vì vậy, công ty cần nên sử dụng tỷ lệ nợ thấp để đảm bảo hoạt động kinh doanh, duy trì hoạt động tốt trong những năm khó khăn trong kinh doanh, tránh rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính khi sử dụng nợ với tỷ lệ cao.

Hệ số hồi quy ứng với biến ROA là -0.679, chứng tỏ lợi nhuận tăng thì công ty sử dụng tỷ lệ nợ ít ở mức ý nghĩa 1%. Bởi vì công ty có thể giữ lại lợi nhuận để đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh, tránh sử dụng tỷ lệ nợ nhiều làm gia tăng rủi ro tài chính của công ty. Kết quả này phù hợp với lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam.

Các hệ số hồi quy ứng với các biến còn lại gồm tài sản hữu hình và quy mô của công ty có tương quan dương với tỷ lệ nợ nhưng không có ý nghĩa thống kê.

5. Kết luận

Việc xác định một cấu trúc vốn tối ưu có ảnh hưởng rất lớn đến giá trị doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng một cấu trúc vốn tối ưu phù hợp với đặc điểm của từng ngành nghề, từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà quản trị trong công ty. Các nghiên cứu lý thuyết chỉ ra rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc hoạch định cấu trúc vốn của một công ty. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của tác giả cho thấy, các biến này giải thích trong mô hình nghiên cứu giải thích được 50,18% sự thay đổi trong việc xác định tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của các công ty trong ngành Thủy sản. Kết quả nghiên cứu này giúp các nhà quản trị có thể xây dựng một cấu trúc vốn hợp lý cho các công ty ngành Thủy sản, nhằm tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn và gia tăng giá trị thị trường của công ty. Cụ thể như sau, khi công ty dự đoán hoạt động kinh doanh của công ty chịu rủi ro kinh doanh cao thì cần có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ nợ ở mức độ thấp để khi rủi ro xảy ra công ty vẫn có đủ khả năng chi trả lãi vay và đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh. Mặt khác, khi công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận càng cao, kết hợp với ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì công ty có thể nhiều khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn trong tương lai, vì vậy càng nên tận dụng đòn bẩy tài chính để khuếch đại thu nhập cho chủ sở hữu và làm gia tăng giá trị của công ty mình.

TAI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thẩm Dương, Bùi Đan Thanh, Lê Thị Hân (2020), Nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp ngành Thực phẩm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 3/2020.
  2. Lê Quang Định (2022), Nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp bán buôn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 8/2022.
  3. Khaki, A. R., & Akin, A. (2020). Factors affecting the capital structure: New evidence from GCC countries. Journal of International Studies, 13(1), 9-27.
  4. Hoàng Thị Kim Thoa. (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty cổ phần ngành bất động sản niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tạp chí Khoa học Quản lý và Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, (18).

A study on the factors affecting the capital structure of seafood companies listed on Vietnamese stock market

Master. Nguyen Thi Bich Thuan

Lecturer, Faculty of Economics, Dong Thap Univeristy

Abstract:

This study analyzes the panel data collected from the audited consolidated financial statements over the period from 2013 to 2019 of 19 seafood companies listed on Ho Chi Minh City Stock Exchange and Hanoi Stock Exchange. Hausman test, Breusch test and Pagan Lagrangian multiplier test are used in this study to choose the best research model for explaining factors that affect the capital structure of listed seafood companies. The study finds out that the factors of corporate income tax rate and revenue growth rate have a positive correlation with the debt ratio, while the factors of profitability ratio and operational risk have a negative correlation with the debt ratio of studied companies. Other factors such as tangible assets and company size have an impact on the company’s capital structure but they are not statistically significant.

Keywords: capital structure, seafood industry, stock market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương