Những hiệu quả và tồn tại khi thực hiện tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước

ThS. TRẦN THỊ LAN (Bộ môn Pháp luật và nghiệp vụ CAND - Học viện Chính trị Công an nhân dân)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và tiếp đến giai đoạn 2011-2020 là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu đó, điều cốt lõi trước hết cần phải có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thành thạo và trách nhiệm trong một guồng máy hợp lý, khoa học. Bài viết nghiên cứu, phân tích những hiệu quả và tồn tại khi thực hiện tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Tinh giản biên chế, hành chính nhà nước, cải cách.

1. Khái niệm tinh giản biên chế

Sự chuyên nghiệp của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nghĩa là phải kết hợp các yếu tố: năng lực chuyên môn liên quan đến công vụ, sự thành thạo nghiệp vụ trong thực thi công việc được giao. Thành thạo là sử dụng nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, xử lý các quan hệ gắn với công vụ được giao. Trách nhiệm là nhấn mạnh đến yếu tố nhân cách của người công chức.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta có một đội ngũ không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi làm, chiều cắp ô về”, sức ép lên ngân sách nhà nước trong việc chi trả lương ngày càng lớn. Thực trạng ấy đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết là cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả chính sách tinh giản biên chế.

Tinh giản biên chế được hiểu là việc đánh giá, phân loại đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế (khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/NĐ-CP).

Trước đây, việc tinh giản biên chế chỉ được hiểu đơn thuần là giảm về số lượng biên chế, người làm việc. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc tinh giản biên chế không chỉ dừng ở việc giảm số lượng biên chế, mà mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng đội ngũ biên chế trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, việc tinh giản biên chế không có “vùng cấm”, được thực hiện trong tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị, từ các cơ quan của Đảng đến các cơ quan của nhà nước và các cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã. Nghị định 108/NĐ-CP đã xác định rõ các trường hợp tinh giản cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ.

- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.

- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn.

- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

2. Hiệu quả và những tồn tại khi thực hiện tinh giản biên chế

Trong thời gian gần đây, chính sách tinh giản biên chế được thực hiện một cách quyết liệt và đã có những chuyển biến đáng kể. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá, phân loại chặt chẽ, đúng đối tượng; công tác tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại được thực hiện theo hướng tinh gọn, chất lượng được nâng cao. Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, trong năm 2016, công tác tinh giản biên chế được thực hiện rất quyết liệt, cụ thể là: Thành phố đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 cơ sở và tương đương, sau sắp xếp giảm từ 204 phòng xuống 158 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Đồng thời, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, theo đó, giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, tức giảm 121 đơn vị, tương ứng 30,2%. Đối với các quận, huyện, thị xã, cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Cơ bản hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc thành phố thành 8 Ban Quản lý dự án theo lĩnh vực thuộc thành phố và 30 Ban Quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì quá trình thực hiện tinh giản biên chế còn một số khó khăn, tồn tại như:

- Đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu là nghỉ hưu, không phải qua công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến việc tinh giản biên chế còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Nhiều địa phương chỉ coi mục tiêu tinh giản biên chế là giảm cơ học một số lượng biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chứ chưa gắn với thực hiện các nội dung của cải cách chế độ công vụ, công chức, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

- Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ ở nhiều nơi còn nặng về cảm tính, nể nang, xuề xòa, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, biên chế cho đỡ phức tạp. Ngoài những trường hợp vi phạm kỷ luật, còn ít cán bộ, công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cho nên khó thực hiện tinh giản biên chế đối với nhóm đối tượng này.

- Các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức chủ yếu mang tính chất định tính, thiếu định lượng, rất khó xác định mức độ cụ thể. Điều này được thấy rõ nhất qua Bản kiểm điểm cán bộ, công chức cuối năm. Hầu hết công chức hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, trong khi phẩm chất, năng lực của một bộ phận không nhỏ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...

- Sức ép từ việc thành lập các tổ chức mới là một trở ngại đối việc tinh giản biên chế và công tác quản lý chặt chẽ biên chế. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc… Do đó, việc sắp xếp, bố trí việc làm, biên chế gặp nhiều khó khăn.

3. Đề xuất một số giải pháp

Để nâng cao hiệu quả, khắc phục những tồn tại, khó khăn khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong thời gian tới, cần áp dụng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xác định vị trí việc làm, xây dựng bản mô tả công việc đối với từng vị trí việc làm. Việc xác định vị trí việc làm giúp cho cơ quan quản lý, sử dụng nhân lực có thể xác định được số lượng, cơ cấu, chất lượng nhận lực bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan mình.

Để làm tốt công tác xác định vị trí việc làm, cần rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức nhằm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ đã được giao; các bản mô tả công việc cần xác định cụ thể các nhiệm vụ và đánh giá việc hoàn thiện nhiệm vụ của từng công chức, viên chức, xác định cụ thể về năng lực chuyên môn, quản lý, năng lực đặc thù của từng vị trí việc làm làm căn cứ cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; xác định ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm; xây dựng các quy trình công tác, quy chế, quy định quản lý cán bộ, công chức, viên chức...

Thứ hai, xây dựng khung tiêu chí trong đánh giá cán bộ, công chức nhằm khắc phục tình trạng nể nang trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, công tác tinh giản biên chế phải được thực hiện đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, đúng pháp luật. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện, phân rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhất là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, thực hiện các giải pháp thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức; thực hiện đánh giá, phân loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác, nâng cao kỷ luật, kỷ cương… để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thứ năm, khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế phải đồng thời có chính sách hỗ trợ động viên, bảo đảm quyền lợi cho những người thuộc diện tinh giản biên chế.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

4. Kết luận

Tinh giản biên chế là một công việc khó khăn, phức tạp, cần có sự thống nhất nhận thức, hành động trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức và đơn vị cần quyết liệt, thực hiện tinh giảm biên chế đúng quy định, đưa những người không đủ điều kiện năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, thu hút những người tài đức vào hoạt động công vụ, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về “Chính sách tinh giản biên chế”.

2. Hương Quỳnh, “Tinh giản biên chế chủ yếu đối tượng về hưu”, vietnamnet.vn (06/12/2016).

3. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, “Tinh giản biên chế, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp”, tapchicongsan.org.vn, (20/03/2014).

EFFICIENCIES AND SHORTCOMINGS IN THE IMPLEMENTATION OF STREAMLINING OF THE PUBLIC ADMINISTRATION

MA. TRAN THI LAN

Faculty Of Law And Specialist Skills Of Peoples Public Security,

Peoples Public Security Political Academy

ABSTRACT:

The overall objectives of the bureaucrat restructuring plan in 2001 - 2010 period and then 2011 - 2020 period is to build a professional administration. In order to achieve that goal, it is essential that a team of professional, responsible civil servants and officials work in a rational and scientific way. This paper studies and analyzes the effects and the shortcomings of the streamlining of public administration in Vietnam.

Keywords: Staff streamlining, public administration, reform.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây