Những nhân tố tác động đến ý định thi các chứng chỉ kế toán quốc tế của sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. TRẦN ĐÌNH SƠN ANH MINH (Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) - (CHÂU PHỤNG HÂN - PHAN THỊ NGỌC MÂY - ĐẶNG ĐỨC LONG - NGUYỄN PHƯƠNG TRÂM - NGUYỄN TRƯƠNG THANH TRÚC (Sinh viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu nhằm xác định những nhân tố tác động đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên chuyên ngành đại học là Kế toán và Kiểm toán trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ cùng chiều của quan điểm cá nhân về nghề nghiệp và triển vọng nghề nghiệp sau khi đạt chứng chỉ Kế toán quốc tế đối với thái độ đối với việc dự thi; tiếp theo đó, thái độ đối với việc dự thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế cùng với sự kiểm soát hành vi được cảm nhận, mức độ chấp nhận rủi ro có tác động tích cực đến ý định dự thi. Ý kiến các nhóm tham khảo có tác động ngược chiều với ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên và phí ôn thi, lệ phí thi không có ảnh hưởng đến ý định thi các chứng chỉ này.

Từ khóa: chứng chỉ Kế toán quốc tế kế toán, kiểm toán, chứng chỉ kế toán quốc tế, sinh viên đại học, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Kế toán - Kiểm toán (KT-KT) là một trong những công cụ quản lý kinh tế quan trọng có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách đáp ứng yêu cầu cho công tác điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, DN. Theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu tổng quát về chiến lược KT-KT với tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thông qua việc tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với kiểm toán viên hành nghề trong khối ASEAN và giữa Việt Nam với các nước như Anh, Úc... và các nước khác.

Để nâng cao nguồn nhân lực KT-KT, bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò đào tạo của các trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành KT-KT, các trường đại học và cao đẳng cũng nên khuyến khích sinh viên ngành KT-KT tham gia vào các chương trình đào tạo chứng chỉ Kế toán quốc tế được thiết kế bởi các hiệp hội Kế toán Tài chính quốc tế. Tại Việt Nam, các chứng chỉ Kế toán quốc tế tiêu biểu như: ACCA (Chartered Certified Accountant - Kế toán công chứng Anh Quốc), CPA Australia (Certified Public Accountant - Kế toán công chứng Úc), ICAEW ACA (ICAEW Chartered Accountant - Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales). Việc đạt được chứng chỉ Kế toán quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên như cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn ở các tập đoàn lớn, dễ dàng hơn trong lộ trình thăng tiến của sự nghiệp, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cũng như đem tới cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thực tế cho thấy, sinh viên chưa thật sự quan tâm đến những khóa học này hoặc họ thường phân vân về quyết định nên theo học thêm các chứng chỉ hay chỉ đơn thuần là học chương trình đào tạo đại học truyền thống. Cụ thể, kết quả nghiên cứu của Trần Thị Hồng Vân (2022) về hoạt động đào tạo ngành KT-KT tại các trường đại học cho thấy số lượng người có bằng đại học chuyên ngành KT-KT ngày càng tăng (số lượng sinh viên tốt nghiệp trung bình khoảng 2.000 người, đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN). Tuy nhiên, so với số lượng cử nhân tốt nghiệp ngành này mỗi năm, số lượng kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ của các hiệp hội quốc tế còn ít (khoảng 5.000 người), chiếm gần 3% tổng số nhân lực KT-KT của 10 quốc gia ASEAN (gần 190.000 người). Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Các yếu tố tác động đến việc học các chứng chỉ quốc tế của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh” rất cần thiết.

2. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Kế thừa có chọn lọc các mô hình nghiên cứu trước về ý định/quyết định theo học và thi các CCKTQT trong và ngoài nước, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

it = b0 + b1it + b2TVit + εit

YDit = b0 + b1it + b2YKit + b3KSit + b4RRit + b5PTit + εit

Trong đó:

- Biến phụ thuộc thứ nhất: TĐ là Thái độ đối với việc dự thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế.

- Biến phụ thuộc thứ hai: YD là Ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán.

- Biến độc lập: QĐ là chỉ số Quan điểm cá nhân về nghề nghiệp, TV là chỉ số Triển vọng nghề nghiệp sau khi đạt chứng chỉ Kế toán quốc tế, YK là chỉ số Ý kiến các nhóm tham khảo, KS là chỉ số Sự kiểm soát hành vi được cảm nhận, RR là chỉ số Mức độ chấp nhận rủi ro, PT là chỉ số Phí ôn thi và lệ phí thi.

2.2. Giả thuyết nghiên cứu

Các giả thuyết nghiên cứu bao gồm:

H1: Quan điểm cá nhân về nghề nghiệp tác động tích cực đến Thái độ đối với việc dự thi chứng chỉ Kế toán quốc tế.

H2: Triển vọng nghề nghiệp sau khi đạt chứng chỉ Kế toán quốc tế tác động tích cực đến Thái độ đối với việc dự thi chứng chỉ Kế toán quốc tế.

H3: Thái độ đối với việc dự thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

H4: Ý kiến các nhóm tham khảo tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

H5: Sự kiểm soát hành vi được cảm nhận có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

H6: Mức độ chấp nhận rủi ro có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

H7: Phí ôn thi và lệ phí thi có tác động tiêu cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Từ 500 bảng khảo sát gửi cho sinh viên thuộc chuyên ngành KT-KT thông qua khảo sát trực tuyến bằng Google Forms, tác giả đã thu về 425 bảng khảo sát, đạt tỷ lệ hồi đáp 85%. Sau khi kiểm tra trực tiếp các bảng khảo sát thu về, tác giả đã loại bỏ những bảng khảo sát không đúng yêu cầu và thu về 379 bảng khảo sát. Trong đó, số lượng sinh viên ngành Kế toán là 274 tương ứng với 72.3%, trong khi số lượng sinh viên ngành Kiểm toán là 105 tương ứng với 27.7%. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh là 40.6% (154 sinh viên), tỷ lệ sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là 20.3% (77 sinh viên). Số lượng sinh viên đang học Trường Đại học Tài chính Marketing là 19, chiếm tỷ lệ 5% và số lượng sinh viên đang theo học các trường đại học khác ngoài 3 trường đại học nêu trên là 129 sinh viên, chiếm tỷ lệ 34%.

3.2. Kết quả nghiên cứu định lượng

Khi thực hiện kiểm định các thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, hệ số tương quan biến - tổng của các biến quan sát với các thang đo là tương đối cao (lớn hơn 0.4). Điều này cho thấy các biến quan sát có sự tương quan khá tốt với tổng thể thang đo. Hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đều có giá trị trên mức 0.6, do đó các thang đo cho khảo sát chính thức đảm bảo độ tin cậy. Không có biến quan sát nào bị loại bỏ để làm tăng độ tin cậy của thang đo. Như vậy, các thang đo khảo sát đều đạt độ tin cậy cao, là điều kiện để tiến hành các phân tích tiếp theo.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) trình bày được tất cả các biến được gom lại mà không xảy ra bất kỳ sự xáo trộn của các biến đo lường giữa các nhóm thành phần. Đối với biến phụ thuộc TĐ, kiểm định KMO = 0.868 nằm trong khoảng 0.5 đến 1, kiểm định Bartletts Test có Sig. = 0.000. Số lượng các nhân tố trích được là 2, tương đồng với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai tích lũy đạt 63.743% và trọng số của các nhân tố đều lớn hơn 0.5.

Bảng 1. Phân tích nhân tố khám phá EFA biến phụ thuộc TĐ

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Đối với biến phụ thuộc YD, kiểm định KMO = 0.895, kiểm định Bartletts Test có Sig. = 0.000. Số lượng các nhân tố trích được là 5, tương đồng với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai tích lũy đạt 70.095% và trọng số của các nhân tố đều lớn hơn 0.5. Như vậy, phân tích EFA thích hợp với các dữ liệu và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể, nên được sử dụng cho phân tích tiếp theo.

Bảng 2. Phân tích nhân tố khám phá EFA biến phụ thuộc YD

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Bảng 3. Ma trận tương quan giữa các thành phần biến phụ thuộc TĐ

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Bảng 4. Ma trận tương quan giữa các thành phần biến phụ thuộc YD

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Bảng 3 và Bảng 4 cho thấy kết quả hệ số tương quan giữa các biến. Đối với biến phụ thuộc YD, nhân tố “Phí ôn thi và lệ phí thi” có Sig. > 0.05 nên bị loại, nhân tố này không tương quan với biến phụ thuộc.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy đa biến biến phụ thuộc TĐ

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Kết quả tại Bảng 5 cho thấy, giá trị R2 hiệu chỉnh = 0.552 đồng nghĩa với các biến độc lập trên có thể giải thích được 55.2% sự thay đổi của biến phụ thuộc và 44.8% còn lại là những nhân tố không có trong mô hình và sai số ngẫu nhiên. Hệ số Durbin - Watson = 2.126, nằm trong khoảng 1.5 đến 2.5 nên kết quả không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất. Giá trị Sig. kiểm định F = 0.000 < 0.05, do đó mô hình hồi quy là phù hợp. Giá trị Sig. của 2 biến QĐ và TĐ đều nhỏ hơn 0.05 và có hệ số VIF < 2 cho thấy các biến này không có quan hệ chặt chẽ với nhau, nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Hệ số hồi quy của các biến độc lập này đều mang dấu dương, đồng nghĩa với các biến độc lập có tác động thuận chiều lên biến phụ thuộc.

Bảng 6. Kết quả phân tích hồi quy đa biến biến phụ thuộc YD

chứng chỉ kế toán quốc tế

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS 22.0

Bảng 6 cho thấy, giá trị R2 hiệu chỉnh = 0.462. Giá trị Sig. kiểm định F = 0.000 < 0.05, do đó mô hình hồi quy là phù hợp và giá trị Sig. của tất cả biến độc lập đều nhỏ hơn 0.05. Ngoại trừ biến độc lập YK có hệ số hồi quy mang dấu âm thể hiện sự tác động ngược chiều lên biến phụ thuộc, hệ số hồi quy của 3 biến độc lập còn đều mang dấu dương, đồng nghĩa với các biến độc lập có tác động thuận chiều lên biến phụ thuộc YD.

Phương trình hồi quy với các biến có hệ số chuẩn hóa có dạng sau:

YD = 0.478TĐ - 0.134YK + 0.198KS + 0.199RR + e

4. Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu đã xác định được những nhân tố tác động đến ý định thi chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành Kế toán - Kiểm toán ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh và mức độ tác động của từng nhân tố. Dựa trên kết quả nghiên cứu định lượng, giả thuyết H1, H2, H3, H5 và H6 được chấp nhận và giả thuyết H4, H7 không được chấp nhận. Từ kết quả trên, tác giả đưa ra một số kết luận như sau:

- Quan điểm cá nhân về nghề nghiệp tác động tích cực đến Thái độ đối với việc dự thi chứng chỉ Kế toán quốc tế.

- Triển vọng nghề nghiệp sau khi đạt chứng chỉ Kế toán quốc tế tác động tích cực đến Thái độ đối với việc dự thi chứng chỉ Kế toán quốc tế.

- Thái độ đối với việc dự thi có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

- Sự kiểm soát hành vi được cảm nhận có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

- Mức độ chấp nhận rủi ro có tác động tích cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

- Ý kiến các nhóm tham khảo tác động tiêu cực đến ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

- Phí ôn thi và lệ phí thi không có tác động ý định thi các chứng chỉ Kế toán quốc tế của sinh viên ngành KT-KT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

  1. An, N. T., & Phương, H. N. (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định dự thi chứng chỉ Kế toán viên và Kiểm toán viên - Nghiên cứu thực nghiệm tại Cần Thơ. Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 17(3), 121-134.
  2. Điệp, N. T. N. & Dự, N. T. (2018). Nghiên cứu các nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn học chứng chỉ ACCA của sinh viên khối ngành kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập tại https://www.researchgate.net/ publication/340861808_Nghien_cuu_cac_nhan_to_tac_dong_den_quyet_dinh_lua_chon_hoc_chung_chi_ACCA_cua_sinh_vien_khoi_nganh_kinh_te_tai_TPHCM
  3. Thủ tướng Chính phủ. (2013). Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
  4. Vân, T. T. H. (2022). Hoạt động đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại các trường đại học. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoat-dong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-tai-cac-truong-dai-hoc-86780.htm

Tiếng Anh

  1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  2. Ajzen, I., & Fishbein, M. (1975). Belief, attitude, intention and behavior. An introduction to Theory and Research. Boston, MA: Addison-Wesley.
  3. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E., & Tatham, R. I. (2006). Multivariate Data Analysis. Upper Saddle River NJ: Prentice-Hall.

FACTORS AFFECTING THE INTENTION

OF UNDERGRADUATE ACCOUNTING AND AUDITING

STUDENTS IN HO CHI MINH CITY TO GET

INTERNATIONAL ACCOUNTING CERTIFICATES

Master. TRAN DINH SON ANH MINH1

• CHAU PHUNG HAN2

• PHAN THI NGOC MAY2

• DANG DUC LONG2

• NGUYEN PHUONG TRAM2

• NGUYEN TRUONG THANH TRUC2

1Lecturer, Faculty of Accounting -  Auditing, Ho Chi Minh City Open University

2Student, Faculty of Accounting -  Auditing, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study determines the factors affecting the intention of undergraduate accounting and auditing students in Ho Chi Minh City to get international accounting certificates. The study finds out that the personal opinion about career and the career prospects after getting international accounting certificates have positive relationships with the attitude of students towards taking the international accounting exams. In addition, the attitude of students towards taking the international accounting exams, the perceived behavioral control, and  the level of risk acceptance have positive impacts on the intention of students to get international accounting certificates. However, the opinion of reference groups has a negative impact on the students' intention to take the international accounting exams. Meanwhile, the exam preparation fees and exam fees have no impact on the intention of students to get international accounting certificates.

Keywords: accounting, auditing, international accounting certificates, university students, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]

TCCT