Quá trình thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

NCS. Hồ Thị Dung (Học viên Khoa học Xã hội, Giảng viên Bộ môn Lý luận Chính trị, Đại học Đồng Nai)

TÓM TẮT:

    Để dân chủ cơ sở được phát huy và đi vào cuộc sống phải được cụ thể hóa và quy định trong hệ thống pháp luật. Pháp luật thực thi dân chủ cơ sở là sự cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này, quy định các nội dung: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ; quy định cách thức, phương pháp để người dân thể hiện quyền làm chủ. Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai thể hiện thực trạng và những kết quả mà huyện đạt được cũng như những hạn chế của quả quá trình này. Bài viết cũng nêu lên những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được của huyện.

Từ khóa: Dân chủ, dân chủ cơ sở, quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

1. Đặt vấn đề

    Dân chủ là giá trị chung của nhân loại. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy: khái niệm "dân chủ" được hình thành vào trước Công nguyên, có xuất xứ từ Hy Lạp thời cổ đại. Từ khi xã hội phân chia thành giai cấp và có nhà nước, mọi hình thức dân chủ đều mang tính giai cấp; dân chủ mang nghĩa dân chủ chính trị. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, dân chủ là "hình thức tổ chức thiết chế chính trị xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. Dân chủ cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế nhất định..." (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995, tr. 653)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và phát triển thể chế chính trị cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Quá trình này nhằm tạo ra một nền chính trị dân chủ của sự phát triển ở nước ta, hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nền dân chủ ấy phải đảm bảo gắn liền dân chủ với công bằng và tiến bộ xã hội được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nền dân chủ ấy phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm, phải loại trừ được những biến thái tiêu cực, những hành vi lợi dụng dân chủ và những ý đồ phá hoại dân chủ,… Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng có vai trò và ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội.

Sau khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30-CT/TW (ngày 18/2/1998) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, khẳng định: khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về thực hiện Quy chế dân chủ nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp từ cơ sở tại địa bàn cư trú, nơi làm việc và đơn vị công tác. Theo đó, nhiều địa phương, đơn vị sản xuất - kinh doanh, cơ quan hành chính - sự nghiệp,… đã tích cực triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng được những quy định cụ thể để thực hiện dân chủ trong nhiều lĩnh vực hoạt động của mình.

2. Thực trạng quá trình thực hiện dân chủ cơ sở ở huyện Nhơn Trạch

2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên - xã hội huyện Nhơn Trạch

Huyện Nhơn Trạch nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai. Huyện được thành lập năm 1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Long Thành cũ. Đại giới của Nhơn Trạch: phía Bắc, Đông Bắc giáp huyện Long Thành; phía Tây, Tây bắc giáp quận 2 và quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), phía Nam và phía Tây giáp huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh), phía Đông và Đông Nam giáp huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Huyện có 12 xã: Phước Thiền, Hiệp Phước, Phú Hội, Long Tân, Phú Thạnh, Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Long Thọ, Phước An.

Tổng diện tích tự nhiên 410,89 km2, chiếm 7% diện tích tự nhiên của Đồng Nai. Dân số 121.266 người (theo số liệu năm 2005) chiếm 5,5% dân số Đồng Nai, mật độ dân số trung bình 295,13 người/km2. Huyện Nhơn Trạch có các tuyến giao thông thủy bộ huyết mạch của vùng và là cửa ngõ tương lai vào TP Hồ Chí Minh nên Nhơn Trạch có lợi thế to lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Huyện Nhơn Trạch hiện nay là tổng Thành Tuy Hạ xưa thuộc tổng rồi huyện Long Thành. Tổng Thành Tuy Hạ được chia ra từ tổng Thanh Tuy (1836). Năm 1878, tổng Thành Tuy Hạ có 11 làng gồm: An Phú, Long Hiệu, Lương Thiện, Mỹ Hội, Phú Mỹ, Phước An, Phước Khánh, Phước Thạnh, Phước Lương, Phước Tý, Tân Tường. Năm 1901, tổng Thành Tuy Hạ có tăng lên một số làng xã. Một số tên mới các làng xã tăng thêm là: Tân Lương, Mỹ Khoan, An Phú, Bình Quới, Long Điền, Phước Kiển, Phước Lai, Phước Long.

Ngày 9 tháng 9 năm 1960, chính quyền Sài Gòn thành lập huyện Nhơn Trạch theo Nghị định số 858 - NV trên cơ sở tách 13 xã ven tỉnh lộ 17 và 19 của huyện Long Thành tỉnh Biên Hòa.

Về phía chính quyền cách mạng, huyện Nhơn Trạch có nhiều lần tách nhập. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địa bàn Nhơn Trạch thuộc huyện Long Thành có một thời gian thuộc tỉnh Bà Chợ (tỉnh Bà Rịa và Chợ Lớn sáp nhập lại từ năm 1951 đến 1954). Sau này trực thuộc tỉnh Biên Hòa, tỉnh Bà Biên, phân khu 4, phân khu Bà Rịa - Long Khánh, tỉnh Biên Hòa nông thôn trong từng thời điểm phân chia chiến trường phù hợp với phong trào đấu tranh. Năm 1976, huyện Nhơn Trạch và Long Thành sáp nhập thành huyện Long Thành, tồn tại đến năm 1994 thì chia tách lại.

2.2. Quá trình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở huyện Nhơn Trạch

2.2.1. Thực trạng quá trình thực hiện QCDC cơ sở thời gian qua

Thời gian qua, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở ở huyện Nhơn Trạch, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân đã có sức lan tỏa, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như sức sáng tạo của người dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Để việc thực hiện QCDC phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên chú trọng lãnh đạo, quán triệt nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện ủy ban hành nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức niêm yết, công khai để cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện và giám sát. Cùng với đó, huyện yêu cầu các địa phương chủ động kiện toàn, rà soát, bổ sung quy chế hoạt động của ban xây dựng cơ sở và thực hiện QCDC; triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 34-PL/UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy, chính quyền và tác phong của cán bộ cơ sở ở huyện Nhơn Trạch. Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở một số nơi vẫn còn hạn chế. Có xã vẫn chưa niêm yết công khai những nội dung dân biết, dân bàn mà chỉ phổ biến qua các cuộc họp và loa truyền thanh. Một số trụ sở UBND chưa bố trí được phòng tiếp dân. Nhiều cán bộ xã chậm tiếp cận các văn bản, hướng dẫn mới dẫn đến giải quyết công việc còn theo cảm tính, lối cũ, chưa nhận được sự đồng tình của dân…

Huyện ủy Nhơn Trạch xác định nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phổ biến để từng người dân hiểu và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. Huyện ủy sẽ tiếp tục phát huy vai trò Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác tham mưu cấp ủy và hướng dẫn cơ sở giải quyết những vấn đề phức tạp đang diễn ra như giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, an ninh nông thôn…

2.2.2. Một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở thời gian tới

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ. Muốn thực hiện quyền làm chủ thì trước tiên nhân dân phải hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về các quyền tự do dân chủ ở cơ sở của mình. Đó là quyền được biết những công việc mà chính quyền có trách nhiệm phải công khai, quyền được bàn và quyết định trực tiếp, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân, quyền giám sát các công việc của chính quyền.

Thứ hai, đích cuối cùng của thực hiện dân chủ cơ sở là góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Thực hiện Quy chế dân chủ không phải vì bản thân quy chế đó hay vì sự ổn định xã hội nhất thời, mà đích cuối cùng là bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no hơn, tiến bộ hơn. Do vậy, để đạt được mục đích đó cần hướng vào: Tạo điều kiện thuận lợi và giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án tại địa phương; xây dựng và mở rộng nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh - trật tự.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những cơ chế bảo đảm dân chủ trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đảng phải là tấm gương về dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình. Cần tiếp tục nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để làm rõ trong điều kiện một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền vẫn phát huy được dân chủ thực sự, vẫn giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng, Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên không rơi vào suy thoái, xa rời quần chúng. Phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, “dựa vào dân để sửa chính sách”, “sửa cán bộ” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ trong các cơ quan, đơn vị nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng góp phần để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước.

3. Kết luận

Dân chủ là nền tảng cho sự độc lập và giàu mạnh của quốc gia. Thực hiện tốt dân chủ cơ sở là giải quyết đúng đắn vấn đề dân chủ đang được đặt ra. Cơ chế phát huy dân chủ cơ sở ở nước ta tuy đã tạo được chuyển biến tích cực hòa vào động lực của đổi mới và phát triển của xã hội, nhưng cũng đang bộc lộ những vấn đề cần được tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, làm rõ hơn nữa về phương diện lý luận và phương diện thực tiễn: cần chú trọng khảo sát thực địa, nhận diện đúng những cơ hội và thách thức về dân chủ cơ sở; tạo điều kiện thúc đẩy quá trình dân chủ cơ sở, phát huy cao độ quyền làm chủ trực tiếp của người dân từ cơ sở, đẩy mạnh chiều sâu dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
  2. 2. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1992.
  3. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-BNV.
  4. Nguyễn Quốc Sửu (2016), Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Cộng sản.
  5. Bùi Thị Ngọc Mai (2015), Trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước, Luận án tiến sĩ Quản lý hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 30 CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” (1998).

IMPLEMENTING THE GRASSROOTS DEMOCRACY IN NHON THACH DISTRICT, DONG NAI PROVINCE

Student. Ph.D. Ho Thi Dung

Lecturer, Department of Political theory

Dong Nai University

ABSTRACT:

To promote and enforce the grassroots democracy, the grassroots democracy should be specified and stipulated in the legal system. The law of implementing the grassroots democracy is the concretization of the Party's views and guidelines on this issue, stipulating the policy “people know, people discuss, people act, people examine and people enjoy” and ways or methods for people to practice their rights.

The process of implementing democratic regulations in Nhon Trach district, Dong Nai province shows the situation and the results achieved by the district as well as the limitations of this process. This article also outlines solutions to further promote the district's achievements.

Keywords: Democracy,  grassroots democracy, the process of implementing democratic regulations at grassroots level.