Quảng Bình: Linh hoạt và đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tỉnh Quảng Bình đã và đang phục hồi tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh tăng trưởng khả quan.

Năm 2023, hoạt động sản xuất – thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường, các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa dần hồi phục. Tuy nhiên, kinh tế thế giới có chiều hướng suy yếu; lạm phát tại những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Châu Âu…ở mức cao khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Trong nước, chi phí đầu vào và lãi suất vay vẫn ở mức cao; một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp có quy mô lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 nhưng hầu hết chậm tiến độ…

Quảng Bình
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị tổng kết cuối năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, phối hợp các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp và kinh doanh, thương mại của tỉnh Quảng Bình năm 2023 đã đạt được một số kết quả khả quan và tiếp tục duy trì tăng trưởng khá so với năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% (kế hoạch năm 2023 tăng 11,5%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6% (kế hoạch năm 2023 tăng 8,5%). Một số ngành như: sản xuất viên nén năng lượng, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất giấy, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trong năm có các đơn hàng được ký kết nên sản xuất tăng khá so với năm trước góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn của ngành Công nghiệp trong tỉnh, Sở Công Thương Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công Thương, các bộ ngành ở Trung ương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mời gọi và triển khai các dự án dự án trọng điểm của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xăng dầu để tổng hợp tỉnh hình và tham mưu đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo lưu thông, phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng, bình ổn thị trường, giá cả.

Quảng Bình
Ngày 28/12/2023 Sở Công Thương Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.

Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 53.093,9 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 45.970 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2022.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa, nắm bắt nhu cầu của nhân dân đối với các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đề xuất biện pháp cung ứng hàng hóa và bình ổn giá trong dịp trước, trong và sau Tết cũng như mùa mưa bão và trong trường hợp có dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện bình ổn giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sở Công Thương tiếp tục triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia và triển khai các nội dung thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo (tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn Siêu thị Co.opmart tổ chức các đội bán hàng lưu động, đưa hàng hoá đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa,…).

Qua đó, mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục được duy trì và mở rộng, hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại cửa hàng bán lẻ… trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt. Quy mô của các cơ sở ngày càng tăng, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, thực sự là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị có chiều hướng gia tăng và kéo dài; tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ khó lường.

Quảng Bình
Ngành Công Thương Quảng Bình phấn đấu sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 8,0% so với năm 2023.

Song, những chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 dự báo sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp tục hỗ trợ kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Bên cạnh đó, một số dự án mới dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2024 như: Thủy điện La Trọng, các dự án viên nén năng lượng (Dũng Nguyệt Anh, công suất 70.000 tấn/năm, Viên nén Dohwa công suất 200.000 tấn/năm, VINAFOR công suất 190.000 tấn/năm); may xuất khẩu (May QT Quảng Bình, công suất 5 triệu sp/năm, may Tun Power mở rộng, công suất 5 triệu sp/năm), Giấy Xenlulo Quảng Bình, công suất 18.000 tấn/năm.

Trên những cơ sở đó, ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, với mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 8,0% so với năm 2023; Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 18.129 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 58.885 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2023.Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 51.020 tỷ đồng, tăng 11,0% so với năm 2023…

Cảnh Hưng