Quyền tác giả, quyền liên quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Đề tài Quyền tác giả, quyền liên quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương do ThS. Nguyễn Khắc Chinh (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện

TÓM TẮT:

Chương 18 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đặt ra những chuẩn mực bảo hộ mới cũng như những cam kết cao hơn tiêu chuẩn hiện nay về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Để hoàn thành nghĩa vụ này, Việt Nam cần đánh giá thực trạng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay, đồng thời rà soát các quy định cụ thể nhằm đảm bảo tương thích với cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Từ khóa: quyền tác giả, quyền liên quan, sở hữu trí tuệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Hiệp định CPTPP.

1. Thực trạng nội luật hóa và tổ chức thực hiện các cam kết của Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan theo Hiệp định CPTPP

Các cam kết về quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) của Hiệp định CPTPP được quy định tại Mục H và J - Chương 18. Theo đó, QTG bao gồm các định nghĩa áp dụng đối với người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm như: phát sóng, truyền đạt tới công chúng, định hình, người biểu diễn, bản ghi âm, nhà xuất bản ghi âm và công bố. QTG và QLQ được quy định rằng mỗi quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP phải dành các quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm cho người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm là công dân của quốc gia thành viên khác; cho cuộc biểu diễn hoặc bản ghi âm công bố lần đầu tiên hoặc định hình lần đầu tiên trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia thành viên khác. Pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương thích với những quy định trên, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nội dung đặt ra yêu cầu phải nội luật hóa với Việt Nam.

Thứ nhất, Hiệp định CPTPP yêu cầu tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất (gọi chung là “chủ sở hữu”) được độc quyền trong việc cho phép, không cho phép hoặc cấm sao chép[1], truyền đạt[2] và phân phối[3] tác phẩm, cuộc biểu diễn, hoặc bản ghi âm của mình đến công chúng theo bất kỳ hình thức hoặc cách thức nào, bằng hình phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT 2022) quy định sao chép là “việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào[4]. Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022 quy định chủ sở hữu QTG được “độc quyền thực hiện hoặc cho phép” bên thứ ba sao chép, truyền đạt và phân phối tác phẩm của mình đến công chúng[5]. Sửa đổi này phù hợp với Công ước Berne bởi tại Khoản 1 Điều 9 của Công ước chỉ điều chỉnh quyền cho phép, còn hoàn toàn không đề cập đến việc tác giả có thể cấm việc sao chép dưới bất kỳ hình thức nào hay không[6]. Đối với Hoa Kỳ, cũng chỉ trao cho chủ sở hữu quyền độc quyền về việc cho phép sao chép các tác phẩm được bảo hộ dưới dạng bản sao hoặc bản ghi âm[7].

Thứ hai, Hiệp định CPTPP[8] quy định rằng quyền được bảo hộ của các chủ sở hữu đối với cùng một tác phẩm là ngang nhau, không có thứ tự ưu tiên. Theo đó, nếu bên thứ ba muốn sử dụng tác phẩm thuộc quyền sở hữu của tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình tác phẩm đó thì phải xin phép và được sự đồng ý của tất cả các chủ thể này. Theo Luật SHTT 2022, cá nhân hoặc tổ chức muốn sử dụng tác phẩm bảo hộ QTG phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu QTG[9]. Bên cạnh đó, khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền của người biểu diễn hoặc nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình, thì bên thứ ba phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn[10], hoặc chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình[11]. Những thay đổi này bắt buộc bên thứ ba muốn sử dụng tác phẩm được bảo hộ phải được sự cho phép của các chủ thể quyền thay vì chỉ trả thù lao[12] hoặc các quyền lợi vật chất khác[13] như trước kia.

Thứ ba, Hiệp định CPPTPP kéo dài thời gian bảo hộ QTG và QLQ thêm 20 năm so với pháp luật hiện hành của Việt Nam[14]. Nếu chủ thể quyền không phải cá nhân, gia hạn thêm hai mươi (20) năm tức là thời gian được bảo hộ tăng lên tới 40% so với trước đây. Việt Nam có năm (05) năm để nội luật hóa cam kết này từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực nên Luật SHTT 2022 vẫn chưa điều chỉnh các cam kết trên. Cam kết này mang đến nhiều lợi ích cho các tác giả và doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, bởi họ có thêm thời gian để khai thác lợi ích về kinh tế và danh tiếng. Tuy nhiên, quy định này phần nào sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích cộng đồng khi việc được tiếp cận miễn phí các tác phẩm này sẽ phải kéo dài thêm.

Thứ tư, Hiệp định CPTPP đưa ra các cam kết nhằm bảo vệ QTG và QLQ thông qua việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm các quyền này, đặc biệt trong môi trường số. Các hành vi phá, dỡ, vô hiệu hóa các công nghệ bảo vệ (Technological Protection Measures “TPM”)[15] và hành vi xâm phạm thông tin quản lý quyền (Rights Management Information “RMI”)[16] nhằm mục đích thương mại hoặc thu lợi sẽ bị xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP đã quy định rất rõ về các quy định bảo hộ QTG, QLQ và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong môi trường số (Intermediary Service Providers - “ISP”). Luật SHTT 2022 đã định nghĩa “Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền” và “Thông tin quản lý quyền”, bổ sung quy định về hành vi xâm phạm QTG và QLQ bao gồm các hành vi phá dỡ, vô hiệu hóa các công nghệ bảo vệ và xâm phạm thông tin quản lý quyền. Đồng thời, Luật SHTT 2022 đã bổ sung định nghĩa “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian” hay còn gọi là ISP và quy định các doanh nghiệp này có trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ QTG, QLQ trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet tại Điều 198b.

Điều 198b cho phép các ISP được miễn trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm QTG, QLQ trên môi trường số được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của họ trong 3 trường hợp cụ thể. Một là, khi chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số. Hai là, khi thực hiện chức năng lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin, ISP phải thực hiện một cách tự động, tạm thời và chỉ với mục đích trung chuyển thông tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn với các điều kiện: (i) Chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ; (ii) Tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử dụng nội dung thông tin số; (iii) Tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi; (iv) Không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số; (v) Gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó. Ba là, khi ISP lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ với điều kiện không biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm QTG, QLQ và có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm QTG, QLQ.

Sửa đổi, bổ sung của Điều 198b về việc quy định trách nhiệm của các ISP đã bảo đảm cân bằng giữa hai lợi ích: Một là, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ trung gian trực tuyến; Hai là, cho phép các chủ thể quyền đối phó một cách hiệu quả với hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra trong môi trường số. Các quy định này đã tương thích với yêu cầu của Hiệp định CPTPP, thể hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới nhằm bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, nâng cao hiệu quả bảo hộ QTG và QLQ trong môi trường số. Điều này tạo động lực sáng tạo và tối đa hóa việc khai thác lợi ích từ sản phẩm của các chủ thể quyền. Tuy nhiên, sửa đổi của Điều 198b còn chung chung và chưa nêu rõ trách nhiệm phối hợp cụ thể với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm QTG, QLQ trên môi trường số và các quy định về trách nhiệm bồi thường.

Thứ năm, Hiệp định CPTPP đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên về việc phải đảm bảo việc cân đối giữa quyền của chủ sở hữu với các mục tiêu công cộng khác. Trong từng trường hợp cụ thể, các ngoại lệ này sẽ được áp dụng tùy theo cách thức và điều kiện cho phép[17]. Ví dụ, một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được sử dụng nhằm phân tích, bình luận, báo cáo, giảng dạy, nghiên cứu, hoặc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận tác phẩm thuận lợi hơn. Luật SHTT 2022 đã liệt kê cụ thể những ngoại lệ không phải xin phép và không phải trả tiền bản quyền cho tác giả[18], người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình[19]. Những ngoại lệ này cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra của CPTPP và hướng đến việc cân bằng lợi ích giữa cộng đồng và chủ thể quyền.

2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan

Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về QTG và QLQ theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần phải đảm bảo thực hiện những mục tiêu sau: (i) Thực hiện cam kết về QTG và QLQ; (ii) Thiết lập một hệ thống bao gồm các thiết chế để quản lý và tổ chức thực thi QTG và QLQ theo CPTPP; (iii) Báo cáo tiến độ thực hiện và hợp tác với các quốc gia thành viên của Hiệp định. Để thực hiện mục tiêu đầu tiên, Nhà nước, tổ chức và người dân phải đảm bảo thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Nghị quyết số 72/2018 và các văn kiện liên quan đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Mục 2, Phụ lục 3.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện cam kết về QTG, QLQ theo Hiệp định CPTPP; phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết này. Đồng thời lên kế hoạch, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện cam kết về QTG, QLQ theo Hiệp định CPTPP; đảm bảo rằng các cam kết này được thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến QTG và QLQ để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTPP. Các nghĩa vụ phải thực hiện ngay khi CPTPP có hiệu lực đã được nội luật hóa tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về QTG và QLQ và soạn thảo tờ trình phê duyệt để tham gia hai điều ước gồm: Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT) và Hiệp ước về Biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT). Năm 2021, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp ước WCT sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, qua đó giúp các chủ thể quyền được bảo hộ nhanh chóng trên phạm vi rộng hơn, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.

Đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ QTG và QLQ với những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 đã được phê duyệt. Trong giai đoạn này, số lượng cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về QTG và QLQ từ Trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ phải đạt 100%. Số lượt các chủ thể quyền tham dự các lớp tập huấn về QTG và QLQ mỗi năm là khoảng 700. Đồng thời, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý và thực thi pháp luật về QTG và QLQ. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với hoạt động đăng ký QTG và QLQ. Thực tế, đã có rất nhiều tỉnh, thành phố, đã thực hiện những yêu cầu nêu trên với các kết quả tích cực như: Hải Dương; Bắc Kạn; Ninh Thuận;…

Theo Chiến lược về SHTT đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên QTG và QLQ (là mục tiêu thứ nhất), nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao, có thể đóng góp khoảng 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Cụ thể, chính sách, pháp luật về SHTT cần nhanh chóng hoàn thiện để đảm bảo hệ thống các tổ chức quản lý tập thể QTG và QLQ hoạt động có hiệu quả, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể sáng tạo, khuyến khích hoạt động sáng tạo. Mục tiêu thứ hai đó là hỗ trợ, khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các sản phẩm sáng tạo là đối tượng của QTG và QLQ đã hết thời hạn bảo hộ hoặc thuộc về Nhà nước. Mục tiêu thứ ba là tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể QTG và QLQ, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Chiến lược trên đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các cam kết về QTG và QLQ theo Hiệp định CPTPP. Nửa đầu năm 2019, Cục Bản quyền tác giả đã thụ lý, cấp mới 3.410 giấy chứng nhận đăng ký QTG và QLQ. Bên cạnh đó, với sự ra đời của 5 tổ chức nhằm thực hiện việc đàm phán cấp phép sử dụng, thu phí và phân phối lợi nhuận cho các chủ thể đã ủy thác quyền phần nào giải quyết được vấn đề yếu kém trong việc tự quản lý và khai thác quyền của chủ sở hữu. Năm 2020, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) có 276 tác giả là thành viên ký hợp đồng ủy quyền, nâng tổng số thành viên lên là 4.540 tác giả. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng VCPMC vẫn thu về hơn 150 tỉ đồng từ việc sử dụng QTG âm nhạc.

Những bước đầu thực hiện cam kết của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, tác giả thực sự được tôn trọng các quyền về mặt tinh thần, kinh tế và các lợi ích khác từ việc khai thác tác phẩm. Bảo hộ QTG không chỉ đảm bảo quyền tự do sáng tạo của cá nhân, tổ chức mà còn đảm bảo quyền bình đẳng, tự định đoạt của các chủ thể. Sự tự do sáng tạo của cá nhân được khuyến khích, tôn trọng và đảm bảo trên cơ sở được sự bảo hộ của Nhà nước. Bên cạnh việc tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo hộ, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật cũng rất quan trọng. Nhận thức đầy đủ của người dân, doanh nghiệp về QTG, QLQ là một yếu tố cốt lõi trong việc bảo hộ, bởi nó không chỉ giúp tác giả yên tâm sáng tạo mà còn đem lại cho họ những lợi ích khác khi khai thác quyền. Chính phủ, các cơ quan truyền thông đã vào cuộc rất tích cực trong việc tuyên truyền bảo hộ QTG, QLQ, từ đó đã có những chuyển biến rất tích cực đến từ người dân, doanh nghiệp khi thói quen tôn trọng quyền của họ đã và đang dần hình thành.

Tuy nhiên, số liệu trên chưa phản ánh hết thực trạng bảo hộ hiện nay, bởi vì đó chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng chục nghìn tác phẩm thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đối với cá nhân, đặc biệt là tác giả - người trực tiếp sáng tạo, họ vẫn còn xem nhẹ vấn đề bản quyền vì ngại kiện tụng. Khi có tranh chấp, tác giả phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để thu thập chứng cứ như thời điểm sáng tạo, trình diễn, công bố tác phẩm hoặc xác định thời điểm bản viết tay ra đời. Điều này đã dẫn đến tâm lý chán nản, dễ buông xuôi, tạo điều kiện cho các xâm phạm diễn ra ngày càng nhiều, ngang nhiên, đồng thời làm cho nhiều vụ việc trở nên phức tạp, khó giải quyết. Trong khi đó, chỉ cần nắm rõ quy định của pháp luật và ý thức chủ động đăng ký bảo hộ để sử dụng làm bằng chứng cho việc xác lập quyền của mình, thì tác giả hoàn toàn có thể tránh khỏi tranh chấp, kiện tụng. Hiện nay, việc đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh lên nền tảng số đã tạo ra một thị trường mới đầy hấp dẫn thu hút sự tham gia của các công ty công nghệ. Họ sẵn sàng đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh trái phép hoặc không có bản quyền lên mạng để thu tiền thông qua lượt xem hoặc lượt quảng cáo. Từ đó, dẫn đến tình trạng xâm phạm QTG và QLQ trong môi trường Internet ngày càng nhiều với tính chất vô cùng phức tạp. Hầu hết khi bị phát hiện, các đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh trái phép chỉ xin lỗi, gỡ các sản phẩm đã đưa lên hoặc đền bù mang tính hình thức trong khi tổn thất tinh thần thậm chí còn lớn hơn thiệt hại về kinh tế. Hơn nữa, để đạt được những kết quả nêu trên, chủ thể QTG và QLQ bị xâm phạm sẽ phải trải qua nhiều thủ tục kiện tụng phức tạp, tốn thời gian và công sức. Nhìn chung, việc thực hiện các cam kết về QTG và QLQ theo Hiệp định CPTPP đã có những chuyển biến tích cực từ Nhà nước, cá nhân và tổ chức. Tuy vậy, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết triệt để nhằm tuân thủ đầy đủ các cam kết về QTG và QLQ theo Hiệp định CPTPP.

Bộ Công Thương là đại diện chính (cùng một số bộ ban ngành liên quan) của Việt Nam có nhiệm vụ tham gia tại các kì họp Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Hội đồng). Hội đồng bao gồm các đại diện Chính phủ mỗi Bên ở cấp Bộ trưởng hoặc quan chức cấp cao. Hội đồng được thành lập nhằm đảm bảo việc thực thi Hiệp định bằng cách thiết lập một hệ thống bao gồm các thiết chế để quản lý và tổ chức thực hiện Hiệp định CPTPP bao gồm các quyền SHTT. Cụ thể, Hội đồng có thể xây dựng các thỏa thuận để thực hiện Hiệp định CPTPP; giải quyết các tranh chấp phát sinh khi áp dụng Hiệp định CPTPP; hoặc đưa ra các giải thích về quy định của CPTPP. Mỗi thành viên sẽ có trách nhiệm điều hành cuộc họp của Hội đồng theo thứ tự. Trải qua 6 phiên họp, Hội đồng khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ Hiệp định CPTPP một cách đầy đủ và đúng đắn, nhằm đạt được kết quả như các thành viên đã đàm phán. Hội đồng cũng tiếp tục gửi tín hiệu mạnh mẽ về việc ủng hộ thương mại tự do; thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn cao và cân bằng phù hợp với thế kỉ XXI. Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên đã tích cực khi đóng góp rất nhiều sáng kiến nhằm đẩy nhanh việc thực thi đầy đủ Hiệp định CPTPP trong đó có nội dung về SHTT.

Nhiệm vụ của Việt Nam đó là báo cáo tiến độ thực hiện và hợp tác với các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP. Cụ thể, kể từ khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như xây dựng phương án, báo cáo Ban Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc triển khai thực hiện các cam kết về QTG và QLQ trong Hiệp định CPTPP, cùng với việc tham gia nhiều chương trình hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế về vấn đề bảo vệ QTG và QLQ. Cụ thể, tháng 8/2019, Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam (COV) đã phối hợp cùng với Hiệp hội Phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) tổ chức “Hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam” tại Hà Nội. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá và thảo luận về các quy định pháp luật và thực trạng bảo hộ QTG và QLQ tại Việt Nam; các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet tại Nhật Bản; các biện pháp CODA áp dụng nhằm ngăn chặn xâm phạm bản quyền; và các phương pháp mà CODA thực hiện nhằm phân phối nội dung có bản quyền được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, thực thi QTG và QLQ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Năm 2020, COV tiếp tục tổ chức cuộc họp trực tuyến với CODA, với mục tiêu tổ chức hội thảo, sự kiện trực tuyến về thực thi QTG và QLQ trên môi trường số nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức về các quyền này. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất việc cùng phối hợp nhằm xây dựng một bộ tài liệu tuyên truyền theo khuôn khổ của Bản ghi nhớ đã ký giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản với mục tiêu là “nhằm thiết lập một khuôn khổ chung về hợp tác song phương giữa Hai Bên về QTG thông qua trao đổi thông tin, những kinh nghiệm bổ ích và tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực”. Việc tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về quyền SHTT theo CPTPP.

3. Kết luận

Cam kết về quyền SHTT theo Hiệp định CPTPP đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn với phạm vi bảo hộ rộng hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn chung trong khuôn khổ của WTO, cụ thể là Hiệp định TRIPS. Xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật, Việt Nam đã từng bước thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua việc nội luật hóa các cam kết về QTG và QLQ. Đồng thời, Việt Nam đã và đang gia nhập các điều ước quốc tế theo yêu cầu của Hiệp định CPTPP theo đúng lộ trình cam kết. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về việc triển khai, thực hiện các cam kết về quyền SHTT theo Hiệp định CPTPP, đặc biệt là trong Các hội nghị bộ trưởng của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, tương tự như nhóm các quốc gia đang phát triển của Hiệp định CPTPP, Việt Nam là một trong những thành viên phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc nội luật hóa theo lộ trình đã cam kết cũng như đảm bảo việc thực thi quyền SHTT theo Hiệp định CPTPP. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng tìm ra những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật theo cam kết nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ tốt hơn cho các chủ thể quyền cũng như các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thực thi quyền SHTT.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 18.58 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[2] Điều 18.59 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[3] Điều 18.60 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[4] Điều 18.60 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[5] Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022

[6] Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022

[7] Khoản 1 Điều 106 Copyright law of the United States, tại: https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf

[8] Điều 18.61 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[9] Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022

[10] Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022

[11] Khoản 5 Điều 1 Luật SHTT 2022

[12] Khoản 4 Điều 29 Luật SHTT 2005

[13] Khoản 2 Điều 30 Luật SHTT 2005

[14] Điều 18.63 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[15] Điều 18.68 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[16] Điều 18.69 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[17] Điều 18.65 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

[18] Khoản 7 Điều 1 Luật SHTT 2022

[19] Khoản 9 Điều 1 Luật SHTT 2022

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
  2. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022
  3. Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Requirements for copyright and related rights under the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership

Master. Nguyen Khac Chinh

University of Law, Vietnam National University – Hanoi

Abstract:

The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP)’s Chapter 18 contains new standards of protection as well as higher commitments on copyright and related rights. To meet the CPTPP’s requirements for intellectual property, it is essential for Vietnam to quickly improve the intellectual property legal system, including regulations on copyright and related rights. To accomplish this task, it is important for Vietnam to assess the current regulations on copyright and related rights, and review specific regulations to ensure their compatibility with commitments under the CPTPP.

Keywords: copyright, related rights, intellectual property, the Law on Intellectual Property Law, the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương