Tác động của yếu tố quy mô công ty đến điều chỉnh lợi nhuận các công ty niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Giảng viên Khoa Kế toán Tài chính, Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa qui mô và điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam với 100 công ty niêm yết từ năm 2014 đến 2017 trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy có việc điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị và việc điều chỉnh này là điều chỉnh tăng. Các kết quả hồi quy yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh giai đoạn 2014 - 2017 với mô hình tác động cố định (REM) gồm qui mô doanh nghiệp LoTA với R bình phương là 0,0183 và hệ số tác động là 4.21e+10. Điều này chứng tỏ sự thay đổi qui mô doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự thay đổi trong điều chỉnh lợi nhuận 4.2e+10. Giá trị p-value của LoTA có ý nghĩa cao có nghĩa rằng sự gia tăng của tổng tài sản sẽ dẫn đến sự thay đổi của điều chỉnh lợi nhuận. Tổng tài sản bao gồm tài sản hiện hành, tài sản cố định và một vài tài sản vô hình. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường tính trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết.

Từ khóa: Công ty niêm yết, qui mô, điều chỉnh lợi nhuận.

1. Đặt vấn đề

Khả năng hoạt động liên tục cho biết doanh nghiệp có còn đủ nguồn lực để tồn tại trong tương lai. Thông tin trên báo cáo tài chính chỉ thực sự hữu ích khi phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp, tuân thủ theo các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà quản lý có xu hướng điều chỉnh báo cáo tài chính theo hướng có lợi cho họ và lợi nhuận là thông tin được điều chỉnh nhiều nhất. Mặc dù, báo cáo tài chính của các DN niêm yết thường được kiểm toán nhưng những giới hạn nhất định trong kiểm toán đã không thể phát hiện được hết các gian lận, sai sót. Điều này đã gây bất lợi cho nhà đầu tư, các cổ đông trong việc đưa ra những phán đoán và đánh giá không phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Đối với hành vi điều chỉnh lợi nhuận, có rất nhiều nhân tố tác động dẫn đến nhà quản lý thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận như: khủng hoảng kinh tế, cơ cấu vốn, các giao ước nợ, lợi ích của người quản lý khi có sự tách biệt giữa người quản lý và người sở hữu, quy mô công ty... Việc tìm hiểu và nhận dạng những nhân tố tác động từ đó đưa ra những phán đoán về thông tin cung cấp trên báo cáo tài chính là cần thiết cho người sử dụng báo cáo tài chính. Đã có các nghiên cứu phân tích các nhân tố tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý được thực hiện tại Việt Nam, nhưng chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích liệu có hay không quy mô công ty tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Vì vậy, việc nghiên cứu “Tác động của yếu tố quy mô công ty đến điều chỉnh lợi nhuận các công ty niêm yết tại Việt Nam” là cần thiết.

Mục tiêu nghiên cứu chính yếu của nghiên cứu là: (i) Nhận diện mối quan hệ giữa quy mô công ty và điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam; (ii) Đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường tính trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận trên báo cáo tài chính của các công ty niêm yết tại Việt Nam.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa qui mô và điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam với 100 công ty niêm yết từ năm 2014 đến năm 2017 trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giới hạn nghiên cứu: Nghiên cứu chỉ phân tích tác động của quy mô công ty đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết, không bao gồm những công ty tài chính, ngân hàng và chứng khoán.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính riêng theo kỳ kế toán năm công ty niêm yết, báo cáo kiểm toán liên tục trong 4 năm từ năm 2014 đến năm 2017. Nghiên cứu được thực hiện chọn mẫu từ các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định tính kết hợp với định lượng. Về định tính, người viết thực hiện việc phân loại, chọn lọc nhiều tài liệu nghiên cứu có liên quan trong và ngoài nước để giải quyết vấn đề tổng quan điều chỉnh lợi nhuận, mối liên hệ giữa quy mô công ty và điều chỉnh lợi nhuận. Về định lượng, người viết dựa vào nghiên cứu của Ali, Usman và cộng sự (2015) để phân tích tác động của yếu tố quy mô công ty đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Biến quy mô công ty (SIZE) là biến độc lập được đo lường bằng Logarit tổng tài sản. Biến điều chỉnh lợi nhuận (EM) là biến phụ thuộc được đo lường thông qua các khoản trích trước tùy ý theo mô hình điều chỉnh của Jones. Thực hiện thống kê mô tả, tương quan và phân tích dữ liệu bảng để nhận diện ảnh hưởng của quy mô công ty và điều chỉnh lợi nhuận.

Dữ liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0 để tính mức độ điều chỉnh lợi nhuận (DA) và phần mềm Stata để đo lường mối quan hệ giữa quy mô công ty và điều chỉnh lợi nhuận. Phương pháp thống kê mô tả, hồi qui được sử dụng trong nghiên cứu

3. Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu:

Dựa theo nghiên cứu của Ali, Usman và cộng sự (2015), để kiểm tra tác động của quy mô công ty đến điều chỉnh lợi nhuận, mô hình sau được phát triển dựa vào bảng dữ liệu phân tích:

EMit = β0 + ∑ βiXit + ε

EM = β0 + β1Xi + ε

- Đo lường các biến nghiên cứu

+ Biến độc lập:

Biến X1: Quy mô công ty (SIZE) được đo lường bằng cách lấy logarit tự nhiên của tổng tài sản

+ Biến phụ thuộc:

Biến EM: Điều chỉnh lợi nhuận (DA)

Có nhiều mô hình khác nhau để kiểm định hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý, tuy nhiên theo Dechow, Sloan và Sweedy (1995), mô hình Jones điều chỉnh cung cấp kiểm tra mạnh mẽ nhất về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý. Nghiên cứu của Nguyễn Anh Hiền, Phạm Thanh Trung (2015) về kiểm định và nhận diện mô hình nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam cũng cho thấy rằng, mô hình Jones điều chỉnh là phù hợp để kiểm định hành vi điều chỉnh lợi nhuận trong bối cảnh Việt Nam. Từ đó, người viết sử dụng mô hình Jones điều chỉnh để phát hiện các khoản khoản trích trước bất thường, được sử dụng để phát hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận.

Có 2 hướng tiếp cận để tính các khoản trích trước bất thường (DA - Discretionary accruals) đó là tiếp cận dựa trên số liệu của bảng cân đối kế toán và tiếp cận dựa theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nghiên cứu này người viết thực hiện tính các khoản dồn tích bất thường theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ vì sau khi xem xét các tài liệu nghiên cứu, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thích cách tiếp cận này.

- Giả thuyết nghiên cứu:

H0: Không có mối liên hệ giữa quy mô công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận

H1: Có mối liên hệ đáng kể giữa quy mô công ty và hành vi điều chỉnh lợi nhuận

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả

Bảng 1. Thống kê mô tả
Bảng 1 trình bày các thống kê mô tả cho tất cả các biến được sử dụng trong nghiên cứu này. Tất cả các biến này được tính toán dựa trên công thức trong Mục 3 và trên cơ sở các thông tin tài chính thu được từ bảng cân đối và báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của 100 doanh nghiệp trong thời gian 2014 - 2017. Tổng số quan sát là 400.

Kết quả thống kê mô tả trong Bảng 1 cho thấy:

+ Điều chỉnh lợi nhuận (DA) trung bình là 3.10e+10 >0, giá trị nhỏ nhất là -3.00e+10, lớn nhất là 4.90e+12, độ lệch chuẩn là 4.67e+11.

+ Quy mô công ty (SIZE) trung bình của các doanh nghiệp là 27.09203, giá trị nhỏ nhất là 23.1799, lớn nhất là 31.95876, độ lệch chuẩn là 1.496872.

4.2. Phân tích tương quan

Tương quan kiểm tra mối quan hệ giữa các biến độc lập và các biến phụ thuộc, cũng như các biến độc lập với nhau. Bảng 2 cho thấy biến độc lập có quan hệ phụ thuộc với biến độ lập với 0,1352.

Bảng 2. Ma trận tương quan

4.3. Kết quả hồi quy

+ Mô hình tác động cố định (FEM)

Bảng 3. Kết quả hồi quy theo mô hình tác động cố định (FEM)

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, biến qui mô LoTA trong mô hình không có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 5%. Mặt khác, kết quả kiểm tra về tính hợp lệ của các mô hình cho thấy rằng giá trị của Prob> ÷2 lớn hơn 10%.

+ Mô hình tác động ngẫu nhiên (REM)

Bảng 4. Kết quả hồi quy theo mô hình tác động ngẫu nhiên (REM)

Kết quả ở Bảng 4 cho thấy, biến qui mô LoTA trong mô hình có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 1%. Mặt khác, kết quả kiểm tra về tính hợp lệ của các mô hình cho thấy rằng giá trị của Prob> ÷2 nhỏ hơn 1%, có nghĩa là các mô hình có hiệu lực.

Các kết quả hồi quy yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2017 với mô hình tác động cố định (REM) gồm qui mô doanh nghiệp LoTA với R bình phương hiệu chỉnh là 0,0183 và hệ số tác động là 4.21e+10.

+ Kiểm định Hausman

Bảng 5. Kiểm định Hausman để lựa chọn giữa REM và FEM

Kết quả kiểm định Hausman cho thấy giả thuyết H0: "Sự khác biệt trong các hệ số hồi quy không có hệ thống" bị bác bỏ ở mức ý nghĩa 5%, vì Prob >Chi2. Kết quả này hàm ý rằng, mô hình FEM là mô hình phù hợp hơn so với mô hình REM.

Như vậy, theo mô hình FEM: Điều chỉnh lợi nhuận (DA) chịu ảnh hưởng bởi yếu tố Quy mô công ty (SIZE- LoTA). Qui mô công ty (LoTA) tác động cùng chiều với DA có mức ý nghĩa mức 1%. Hàm ý rằng công ty qui mô càng lớn sẽ càng điều chỉnh lợi nhuận DA.

4.4. Thảo luận

Điều chỉnh lợi nhuận (DA) trung bình là 3.10e+10 >0, có thể kết luận có việc điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị và việc điều chỉnh này là điều chỉnh tăng. Tương quan kiểm tra mối quan hệ giữa biến độc lập có quan hệ phụ thuộc với biến độ lập với 0,1352. Kết quả này là tương đồng với nghiên cứu của Naz và cộng sự (2014) nghiên cứu tác động của qui mô doanh nghiệp và cấu trúc tài chính lên điều chỉnh lợi nhuận; cũng như tương đồng với nghiên cứu của Rahmani và Akaris (2017) đo lường tác động của qui mô doanh nghiệp và cấu trúc tài chính lên điều chỉnh lợi nhuận tại Iran; cũng như tương đồng với nghiên cứu của Usman Ali (2015), nghiên cứu tác động của qui mô doanh nghiệp lên điều chỉnh lợi nhuận tại Pakistan.

Các kết quả hồi quy yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2017 với mô hình tác động cố định (REM) gồm qui mô doanh nghiệp LoTA với R bình phương là 0,0183 và hệ số tác động là 4.21e+10. Điều này chứng tỏ sự thay đổi qui mô doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự thay đổi trong điều chỉnh lợi nhuận 4.2e+10. Giá trị p-value của LoTA có ý nghĩa cao có nghĩa rằng sự gia tăng của tổng tài sản sẽ dẫn đến sự thay đổi của điều chỉnh lợi nhuận. Tổng tài sản bao gồm tài sản hiện hành, tài sản cố định và một vài tài sản vô hình.

R bình phương trình bày sự giải thích bởi biến độc lập với giá trị là 0,0183. Chỉ số này chỉ ra rằng log của tài sản là biến độc lập giải thích 1,83% bởi biến phụ thuộc. Các nghiên cứu trước giải thích rằng doanh nghiệp qui mô lớn được các nhà quản trị quản lý lợi nhuận chặt chẽ hơn các doanh nghiệp qui mô nhỏ. Một phần nghiên cứu của Barton và Simko (2002) chứng tỏ doanh nghiệp qui mô lớn có quản lý lợi nhuận tài chính tốt hơn từ nhà đầu tư và các phân tích viên tài chính. Myers và Skinner (2000) chứng minh rằng doanh nghiệp qui mô lớn không chỉ cho thu nhập thực tế của nó. Nelson (2002) giải thích rằng tác động của điều chỉnh lợi nhuận bởi doanh nghiệp lớn bị bỏ qua bởi kiểm toán viên.

5. Kết luận

Qua số liệu của 100 doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên hình doanh nghiệp đã kiểm định trên cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp tùy theo ý muốn chủ quan của nhà quản trị có thể thực hiện hành động điều chỉnh lợi nhuận, có thể điều chỉnh lợi nhuận tăng hoặc giảm hơn mức thực tế. Với mỗi loại hình, doanh nghiệp sẽ có các nguyên nhân điều chỉnh lợi nhuận khác nhau. Thường đối với các công ty cổ phần, động cơ điều chỉnh lợi nhuận nhằm tiết kiệm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp không phải lúc nào cũng được ưu tiên lựa chọn mà có thể động cơ điều chỉnh tăng lợi nhuận nhằm thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài chiếm ưu thế hơn. Nghiên cứu về các yếu tố tác động đến điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào qui mô doanh nghiệp và qui mô doanh nghiệp tác động cùng chiều với điều chỉnh lợi nhuận.

Đối với hướng nghiên cứu tương lai, cần chú ý hướng vào nâng cao nghiên cứu này bằng cách xem xét kích thước mẫu lớn hơn và tăng thời gian nghiên cứu. Cuối cùng, bằng cách thêm một số biến mà không được thử nghiệm ở đây, chẳng hạn như lạm phát, cơ chế quản trị doanh nghiệp, sẽ tạo ra một kết quả mạnh mẽ hơn■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

1. Bùi Thị Mai Hoài, Nguyễn Thị Tuyết Hoa (2015) - Các nhân tố quyết định hành vi điều chỉnh thu nhập làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp: Trường hợp Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 22 (32) - Tháng 05-06/2015.

2. Huỳnh Thị Vân (2012), “Nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận ở các công ty cổ phần trong năm đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”. Luận văn thạc sĩ kinh tế - Trường ĐH Đà Nẵng.

3. Nguyễn Thị Minh Trang (2014) - Kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị”. Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Khoa Tài chính Kế toán - Đại học Đông Á.

4. Nguyễn Thị Minh Trang (2012) - Vận dụng mô hình DeAngelo và Friedlan để nhận dạng hành động điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản trị”. Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Khoa Tài chính Kế toán - Đại học Đông Á.

5. Nguyễn Anh Hiền, Phạm Thanh Trung (2015) - Kiểm định và nhận diện mô hình nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 18, Số Q3 - 2015.

Tiếng Anh

1. Ali, Usman, et al. "Impact of Firm Size on Earnings Management: A Study of Textile Sector of Pakistan."European Journal of Business and Management7.28 (2015).

2. Apedzan Kighir, Normah Omar & Norhayati Mohamed:” Earnings management Detection Modeling: A Methodological Review”.World Journal of Social Sciences Vol.4.No.1. March 2017 Issue, Pp 18-32.

3. Cinthia Valle Ruiz:“Literature review of earnings management: Who, why, when, how and what for?”. Finish Business Review - Published online, March 11, 2016.

THE IMPACT OF THE COMPANY'S SIZE ON PROFITABILITY

OF LISTED COMPANIES IN VIETNAM FOR THE PERIOD 2014 - 2017

● MA. NGUYEN THI HONG NHUNG

Faculty of Accounting and Finance, Nha Trang University

ABSTRACT:

The study focuses on analyzing and evaluating the relationship between size and profitability of listed companies in Vietnam with 100 listed companies from 2014 to 2017 on both Hanoi and Ho Chi Minh City stock exchanges. he results show that the adjustment of manager's profits and the adjustment is adjusted to increase. The regression results that affect the profitability of the 2014-2017 periods with the fixed effects model (REM) include the size of the LoTA enterprise with a square R of 0.0183 and the impact factor of 4.21.e +10. This indicates that the change in size of the business will lead to a change in profitability adjustment of 4.2e + 10. The high value of LoTA's p-value means that the increase in total assets will lead to a change in profitability. Total assets include current assets, fixed assets and some intangible assets. Based on that, the author proposes recommendations to improve the honesty of profit targets on the financial statements of listed companies.

Keywords: Listed companies, scale, profit adjustment.