Tập trung 6 yếu tố để phát triển khoa học công nghệ

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị
trực tuyến tổng kết với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ

Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Năm 2016, ngành KHCN đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KHCN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tham gia ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng nhấn mạnh: Thời gian qua, KH&CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Điển hình, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&CN cũng thắng thắn thừa nhận những hạn chế cần giải quyết như: Chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới; thiếu cơ chế hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN; năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế; trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực còn khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới…

Tại hội nghị, đại diện các lãnh đạo đã chia sẻ một số thành tựu về KHCN tại địa phương. Ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Công tác nghiên cứu, ứng dụng, triển khai của ngành KH&CN tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách như: chọn tạo giống cây con, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, bảo vệ sức khỏe cộng đồng,... Đã có trên 90% kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được ứng dụng vào thực tiễn.

Qua chia sẻ của các địa phương, nhiều kiến nghị các giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành KH&CN theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như: tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời, đưa KH&CN vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thành tựu kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta luôn có sự đóng góp của KH&CN. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển KH&CN thời gian tới cần tập trung vào 6 yếu tố: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập của đất nước; năng lực kiến tạo, quản trị của Nhà nước. Đồng thời, cần tạo cơ chế thông thoáng hơn, thu hút nhân tài có nguyện vọng cống hiến, xây dựng đất nước; tiếp tục cải cách nền hành chính, tháo gỡ những chế tài đang kìm hãm sự phát triển KHCN. Rà soát, đánh giá lại chất lượng nguồn nhân lực KHCN, có quy mô và cơ cấu hợp lý, cân đối về tổ chức và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực KH&CN. Đặc biệt, tránh tình trạng hành chính hóa KHCN, làm quen với tư duy quản lý khoa học phải dựa vào kết quả, không phải dựa vào quá trình.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, làm KHCN phải gắn với kinh tế, vận dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống, sản xuất,tăng cường đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Do đó, Thủ tướng đề nghị ngành KH&CN cùng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, ghi nhận ý kiến doanh nghiệp, nhu cầu từ cuộc sống người dân để phát triển KHCN...

Tin, ảnh Hà Minh