Thực trạng lạm phát ở Việt Nam và những giải pháp

ThS. PHẠM NGỌC ANH (Phòng Tổ chức cán bộ - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Trong nền kinh tế thị trường đang phát triển và có nhiều sự cạnh tranh giai đoạn hiện nay, lạm phát đang là một vấn đề bất cập được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm. Bài viết đề cập đến thực trạng lạm phát tại Việt Nam các năm 2016, 2017 và giải pháp để đạt được mục tiêu duy trì lạm phát năm 2018 dưới 4%.
Từ khóa: Lạm phát, CPI, lạm phát cơ bản, Tổng cục Thống kê.

I. Thực trạng lạm phát năm các năm 2016, 2017
1. Thực trạng lạm phát năm 2016
Năm 2016 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại nhưng nhờ lạm phát thấp nên Nhà nước vẫn có dư địa điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường. Lạm phát cơ bản tháng 12/2016 tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước (lạm phát sau khi loại trừ giá lương thực-thực phẩm, giá năng lượng và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), tăng nhẹ so với mức 1,69% của năm 2015.
Một thước đo khác là lạm phát GDP cũng chỉ ở mức 1,1% (cao hơn so với mức -0,2% trong năm 2015), bởi năm 2016 trong khi GDP thực tăng 6,2%, thì GDP danh nghĩa cũng chỉ tăng 7,3% (từ 4192 nghìn tỷ đồng lên 4502 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu loại trừ các yếu tố làm tăng giá mang tính ngắn hạn, lạm phát của Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2% và là mức tương đối thấp. Hơn nữa, mức lạm phát thấp này đã được duy trì tương đối ổn định kể từ giữa năm 2016, khi lạm phát cơ bản chỉ dao động xoay quanh mức 0,1%/tháng. Về nguyên nhân, xu hướng lạm phát thấp chủ yếu là do tình hình tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP 6,21% trong năm 2016 thấp hơn tương đối nhiều so với mục tiêu 6,7%, thậm chí thấp hơn cả so với mức dự báo gần đây là 6,3-6,5%. Mặc dù có những nguyên nhân mang tính khách quan như thời tiết không thuận lợi dẫn đến ngành Nông nghiệp tăng trưởng chậm với mức 1,36% và ngành Khai khoáng bị sụt giảm 4% do giá nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, song tựu trung vẫn là do tổng cầu thấp.
2. Thực trạng lạm phát năm 2017
Theo đó, CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016 và tăng 2,6% so với tháng 12/2016. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017. Giải thích một số yếu tố gây tăng giá trong năm 2017, giá dịch vụ y tế tăng bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I do Bộ Y tế và các bộ, ngành quản lý. Tính đến ngày 20/12/2017, đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 37,3% so với cuối năm 2016 và bình quân cả năm 2017 tăng 57,91% so với năm 2016 làm cho CPI năm 2017 tăng khoảng 1,35% so với tháng 12/2016 và CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 2,04% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh đã tăng học phí các cấp học. Điều này đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục trong năm 2017 tăng 7,29% so với tháng 12/2016 và bình quân cả năm 2017 tăng 9,1% so với bình quân năm 2016, tác động làm cho CPI năm 2017 tăng khoảng 0,41% so với tháng 12/2016 và CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.
Đồng thời, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp cũng tăng từ ngày 01/01/2017. Mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2017 tăng 90.000 đồng/tháng đã làm cho giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình tăng giá từ 3 - 8% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và giá các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng. Bình quân năm 2017, chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,52% và 1,07% so với năm 2016. Giá gas sinh hoạt cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới. Cụ thể, năm 2017 giá gas tăng 15,91% so với năm 2016.
Ngoài ra, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong năm 2017 tăng khá mạnh, bình quân giá dầu Brent từ thời điểm ngày 01/01/2017 đến thời điểm ngày 20/12/2017 ở mức 54,49 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 45,13 USD/thùng của bình quân năm 2016. Trong nước, giá xăng dầu tính đến ngày 10/12/2017 được điều chỉnh 10 đợt tăng và 8 đợt giảm, hai đợt không đổi, tổng cộng giá xăng tăng 1.040 đồng/lít; dầu diezel tăng 1.260 đồng/lít, làm cho giá xăng dầu bình quân năm 2017 tăng 15,49% so với năm 2016, góp phần tăng CPI chung 0,64%.
Giá vật liệu xây dựng cũng tăng 5,23% do giá cát xây dựng tăng rất mạnh vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2017 do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt việc quản lý khai thác cát và các cơ quan chức năng không cho phép khai thác các mỏ mới. Giá sắt thép tăng do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà máy sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5 - 10%.
Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu năm 2017 so năm 2016 tăng 2,57%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 2,93%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tăng 2,82%.
Năm 2017 cũng được đánh giá là năm kỷ lục về số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển đông, có 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Riêng cơn bão số 12 (Damrey) gây thiệt hại lớn nhất về người và vật chất cho các tỉnh miền Trung làm cho chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng trong tháng 11/2017 cao hơn các tỉnh khác.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, trong năm 2017 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI. Đó là, chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm 2017 giảm 2,6% so với năm 2016 làm CPI chung giảm khoảng 0,53%, chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12/2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ. Bình quân năm 2017 so với năm 2016, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Bình quân năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,41% thấp hơn mức kế hoạch từ 1,6-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%. CPI bình quân năm 2017 tăng chủ yếu là do các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh. Có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm nay như chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống). Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
II. Giải pháp để đạt được mục tiêu duy trì lạm phát năm 2018
Dựa vào những nhân tố nêu trên, lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4%. Ðể đạt được mục tiêu này cần thực hiện những giải pháp sau:
- Công tác điều hành giá phải bám sát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu, chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết đầu năm và cuối năm để hạn chế tăng giá; có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp...
- Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá… Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá thì trong năm 2018 cần điều chỉnh cho phù hợp, theo từng thời điểm, tránh hiện tượng tăng giá ồ ạt, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này ảnh hưởng đến CPI chung. Về giá điện, Bộ Công Thương nếu tăng giá điện phải chủ động đưa ra các phương án để tính toán các mức độ ảnh hưởng chỉ số CPI, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng GDP.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó có việc hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ vào giá. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Về chính sách tiền tệ, cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp. Không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được,
- Chính sách tài khóa cũng vô cùng quan trọng, tác động tới kiểm soát lạm phát. Với chính sách tài khóa chặt chẽ được thực thi một cách có hiệu quả cũng như kiểm soát việc chi tiêu của nguồn ngân sách một cách hợp lý thì chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức 4% là khả thi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội các năm 2016, 2017.
2. Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016-2017.
3. Niên giám Thống kê các năm 2016-2017.
4. Trang web Tổng cục Thống kê.

SITUATION OF INFLATION IN VIET NAM IN RECENT YEARS

MA. PHAM NGOC ANH

Organization Department - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

In a developing market economy with increasing level of competition, inflation is an urging problem to the world. The article mentions the situation of inflation in Vietnam in 2016, 2017 and the solution to achieve inflation target of 2018, which is under 4%.

Keywords: Inflation, CPI, core inflation, General Statistics Office.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây