Thực trạng và giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay

TS. TRỊNH XUÂN VIỆT (Học viện Chính trị)

TÓM TẮT:

Đào tạo nghề cho người lao động giữ vai trò rất quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập, như: tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn còn lớn, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, cơ cấu và trình độ lao động đã đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu... Bài viết này đề cập đến một số vấn đề liên quan đến thực tiễn công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là những hạn chế và biện pháp khắc phục trên cơ sở quan điểm mới.

Từ khóa: lao động, nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nghề, cơ cấu lao động.

1. Thực trạng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn hiện nay

Nông nghiệp Việt Nam trước đây là nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Nghề nông cơ bản được cha truyền con nối, truyền bá kinh nghiệm sản xuất của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Các nghề truyền thống trong nông thôn cũng được truyền dạy theo kiểu như vậy. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn thực sự chỉ được bắt đầu chú ý từ khi đổi mới kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại gắn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi phải thay đổi căn bản chất lượng, trình độ lao động nông thôn về mọi mặt.

Trong 11 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn (2010 - 2020), cả nước có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% mục tiêu Đề án đặt ra (11 triệu người), trong đó gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956, đạt 65% kế hoạch 11 năm của Đề án (7,052 triệu người), trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4,57 triệu người, đạt 70% kế hoạch 11 năm của Đề án (6,54 triệu người), trong đó có: 53,4% lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là nữ; 40,2% học nghề nông nghiệp, 59,8% học nghề phi nông nghiệp; 1,8% là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; 25,8% người dân tộc thiểu số; 4,9% người thuộc hộ nghèo; 1,7% người bị thu hồi đất canh tác; 4,7 người khuyết tật; 3% người thuộc hộ cận nghèo, còn lại là lao động nông thôn khác được hỗ trợ học nghề; thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp giai đoạn 2010-2015 cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Trong số 4,57 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có 1,84 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, chiếm 40,2%; 2,73 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp, chiếm 59,8%. Sau khi đào tạo nghề, gần 4 triệu người có việc làm đạt 86,5% (mục tiêu tối thiểu 70% số lao động có việc làm sau học nghề), giai đoạn 2016-2020 đạt 89,3%. [2]

Kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đào tạo nghề đã chú trọng gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề đang chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế sau đây:

Một là, nhu cầu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn hiện rất lớn, song chưa đáp ứng được. Trong những năm qua, mặc dù quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, tuy nhiên, lao động vẫn tập trung ở khu vực nông thôn rất cao, tiếp tục gây sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Hai là, sự di cư của lao động nông thôn ra thành thị ồ ạt gây thiếu hụt lao động ở nông thôn và gia tăng sức ép việc làm. Năm 2020, số người di cư từ 15 tuổi trở lên là 877,8 nghìn người, chủ yếu đến khu vực thành thị (69,0%). Sự di cư tự phát này khiến cho tỷ lệ thất nghiệp của người di cư (9,82%) cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên (2,25%) mà phần lớn tập trung ở những lao động nông thôn không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. [2]

Ba là, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn còn thấp. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, nhưng còn hạn chế, làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, gây ra chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn là 16%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của thành thị (39,3%) và thấp hơn so với mức chung của cả nước (24,6%) [4].

Bốn là, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm mạnh. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp là phù hợp, các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp bị thu hẹp là tất yếu. Tuy nhiên, có rất nhiều ngành nghề cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ nông nghiệp...) để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ít người muốn vào học những ngành này do có xu hướng ly hương, ly nông để lập nghiệp.

Năm là, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu việc làm và còn biểu hiện lãng phí. Sự hình thành hàng loạt các trung tâm dạy nghề, nhất là tại cấp huyện nhưng không đủ năng lực đào tạo nên chỉ xoay quanh các lớp nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí nhỏ, lái xe,... với số người học ít ỏi, gây lãng phí cơ sở vật chất.

Sáu là, chất lượng đào tạo nghề còn quá thấp so với yêu cầu thực tế và trình độ của các nước trong khu vực. Lực lượng lao động phần lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

2. Giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn hiện nay

Nông thôn trong 10 năm tới vẫn là nguồn cung lao động cho các ngành phi nông nghiệp và cho khu vực thành thị thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp sẽ chỉ còn dưới 30% và tiếp tục giảm xuống dưới 15% vào năm 2035. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, cần phải xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Mục tiêu đào tạo nghề cần chuyển dần từ chỉ chuyên đào tạo kỹ năng lao động nghề nghiệp để người lao động có thể làm được một công việc nào đó (may, lái xe, thêu,...) sang việc cung cấp hàng loạt các kỹ năng tổng hợp khác (tạo sản phẩm, tìm thị trường, sáng chế mẫu mã sản phẩm, tiếp thị,...). Chúng ta cần thay đổi quan niệm về đào tạo nghề. Nếu chỉ dừng lại ở việc dạy nghề như trước đây thì cùng lắm chỉ đạt đến kết quả giải quyết được việc làm, khó có thể tạo ra người lao động sáng tạo và thích nghi và phải bằng lòng với việc làm thuê suốt đời. Cần hiểu rằng đào tạo nghề là phải đào tạo cả chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và các kỹ năng khác để có thể tồn tại, phát triển bản thân trong một môi trường, điều kiện lao động nhất định bằng nghề nghiệp của chính mình. Do đó, công tác quy hoạch đào tạo nghề hiện nay cần phải:

  • Xác định nhu cầu lao động cần được đào tạo và nhu cầu thị trường lao động để xác định danh mục ngành nghề đào tạo, tức là quy hoạch phải gắn với thị trường, gắn với việc làm, không đào tạo theo phong trào, chạy đua thành tích.
  • Xác định các ngành nghề cần ưu tiên đào tạo, giảm tình trạng đào tạo dàn trải, đào tạo cho có, đào tạo chỉ dựa vào năng lực địa phương. Đào tạo nghề phải có tính đón đầu, bám sát diễn biến kinh tế, linh hoạt theo sự thay đổi của kết cấu kinh tế, kết cấu thị trường.
  • Xác định hợp lý quy mô đào tạo nghề gắn với mỗi trình độ, ngành nghề đào tạo. Quy hoạch đào tạo nghề cần gắn với lợi thế nông nghiệp của mỗi vùng, nhằm khai thác tốt nhất nguồn lao động tại chỗ sau quá trình đào tạo.
  • Mở rộng thêm đào tạo các nghề mới, kể cả các nghề phi nông nghiệp như sơ chế nguyên liệu, dịch vụ nông nghiệp, du lịch nông thôn, làng nghề, du lịch cộng đồng dựa trên các sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, nông thôn và văn hóa bản địa.

Hai là, đổi mới nội dung đào tạo nghề, trong đó ngoài việc chú trọng hình thành chuyên môn kỹ thuật, tác nghiệp thành thạo cần bổ sung các kiến thức khác về bảo quản, sơ chế sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mua bán, kỹ năng tìm việc làm, khuyến khích khả năng sáng tạo trong lao động, đặc biệt là ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động theo tác phong lao động công nghiệp. Về mục tiêu của chiến lược đào tạo nông dân, cần giúp họ có niềm tin mãnh liệt vào chính mình trước những khó khăn về vật chất và tinh thần để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo đối với công việc, nhất là nghề nông trong quan niệm thường bị đánh giá thấp hơn so với các nghề khác.

Ba là, phương pháp đào tạo cần được thay đổi theo hướng tăng thực hành. Muốn vậy, cơ sở đào tạo cần có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt. Hiện tại, điều này khó đáp ứng được ở các cơ sở đào tạo. Để cải thiện, cần phải dựa vào cơ sở kỹ thuật của các doanh nghiệp. Điều này là lý do vì sao trong đào tạo nghề nhất thiết phải có sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, các xưởng thủ công hoặc các trang trại, thậm chí là các hộ nông dân.

Bốn là, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên dạy nghề. Hiện tại, đây là điểm rất yếu, nhất là ở cấp huyện. Thu hút giáo viên giỏi có tay nghề cao còn là điều rất khó do lương thấp, công việc thiếu ổn định. Những người có chuyên môn giỏi thường không chọn làm việc tại các trường, cơ sở dạy nghề. Hướng ưu đãi về tiền lương thường khó thực hiện do học nghề của lao động nông thôn hiện nay đang được khuyến khích với mức học phí thấp, khó có thể tăng thu cho các cơ sở đào tạo để thu hút giáo viên. Đây cũng là vấn đề chính phủ cần xem xét để có chính sách hỗ trợ hợp lý. Một giải pháp để giải quyết khó khăn này là tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, khuyến khích sự tham gia các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nghệ nhân nghề thủ công, những người làm nông nghiệp, làm vườn có kinh nghiệm, những nông dân giỏi... tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Năm là, cần quan tâm đào tạo nghề cho thế hệ thứ hai của lao động, do dịch chuyển lao động nông nghiệp có liên quan mật thiết tới di cư lao động. Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế là đối tượng này luôn bị thiệt thòi trong nhiều chính sách, trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đối tượng này cần phải được đào tạo để hòa nhập xã hội nơi thành thị, để có được nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động với năng suất, hiệu quả lao động.

Sáu là, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải chú trọng gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo. Hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được mối liên kết giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Lao động nông thôn còn bị hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản, khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt trong nông thôn. Các ngành kinh tế đô thị phát triển không dựa trên mối liên kết với nông thôn, trong khi khu vực nông thôn lại không đủ điểu kiện để phát triển các ngành chế biến và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Đối với lao động nông thôn, con đường ra đô thị vừa dễ, vừa khó, dễ ra, song khó hội nhập vào nơi đến. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, họ đều thực hiện chính sách thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn, chẳng hạn Nhật Bản đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp ở vùng nông thôn; có chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn sau đó lan tỏa về nông thôn. Thái Lan dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đầu tư ở nông thôn. Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp vùng nông thôn, như ban hành “Luật Phát triển công nghiệp địa phương”, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ở khu vực thành thị về vùng nông thôn. Ngoài ra, nước ta có thể áp dụng chiếc lược toàn diện quốc gia về phát triển việc làm, phát triển việc làm phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề mới khi đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp; thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực chính thức. Chính phủ cần nghiên cứu đầu tư phát triển một số doanh nghiệp xã hội ở các vùng nông thôn, tạo điều kiện mở rộng việc làm cho thanh niên, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp bằng các chương trình nâng đỡ và các nguồn vốn vay ưu đãi.

Bảy là, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nghiên cứu, xây dựng mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ theo hướng hỗ trợ theo định mức của từng nhóm nghề phù hợp với thực tế.

Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề đối với lao động nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với các tổ chức quốc tế đánh giá chất lượng lao động ngành nông nghiệp; xây dựng các tài liệu đào tạo nghề nông nghiệp tiên tiến, chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Tổ chức các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao chất lượng, kỹ năng cho lao động ngành nông nghiệp. Hợp tác đưa lao động nông nghiệp đi học tập và lao động theo diện hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.

Chín là, huy động các nguồn lực để đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc bố trí kinh phí trung hạn, hàng năm cho nội dung thành phần về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn.

3. Kết luận

Nông nghiệp nước ta được định hướng sẽ đi lên sản xuất lớn hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn là điều tất yếu, đòi hỏi phải có sự chuyển dịch tương ứng của lao động. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn là quá trình tạo tiền đề và có vai trò quyết định hiệu quả của sự chuyển biến này. Điều tác giả muốn kết luận ở bài viết này là: Hãy thay đổi quan niệm về đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn không phải chỉ hướng đến giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, mà đây là quá trình tạo ra nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại, sản xuất lớn, khoa học công nghệ cao và hội nhập quốc tế. Điều đó cần đến cách nhìn nhận nhằm thay đổi tư duy trong đào tạo nghề và các giải pháp tích cực, đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp, địa phương và cả sự nỗ lực của bản thân người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. TTHTQT (2019). Chuyển dịch lao động việc làm nông thôn Việt Nam hiện nay: Thực trạng, định hướng và giải pháp. Truy cập tại: http://nongthonmoi.gov.vn/Pages/chuyen-dich-lao-dong-viec-lam-nong-thon-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-dinh-huong-va-giai-phap.aspx.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
  3. Lê Phương Hòa (2021). Dịch chuyển lao động nông nghiệp ở Việt Nam: Một số hàm ý chính sách. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/823349/dich-chuyen-lao-dong-nong-nghiep-o-viet-nam--mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx.
  4. Tổng cục Thống kê (2020). Thông cáo báo chí kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
  5. Tổng cục Thống kê (2021). Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020.

The current situation and solutions for the vocational training of rural agricultural workers in Vietnam

Ph.D Trinh Xuan Viet

Ho Chi Minh National Political Academy

Abstract:

Vocational training for workers plays an important role in the restructuring of rural agricultural labor in order to develop modern rural agricultural areas. Besides some achieved encouraging results, the vocational training for rural agicultural labor still has many shortcomings. For example, the proportion of workers participating in agricultural activities is still large, the number of trained workers is quite low, and many trained workers still not meet requirements. This paper addresses some issues relating to the vocational training for rural agricultural workers in practice. The paper also proposes some measures based on new perspectives to overcome limitations in the vocational training for rural agricultural workers.

Keywords: labor, agriculture and rural areas, economic restructuring, vocational training, labor structure.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]