Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế

Đề tài Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế do ThS. Hà Thị Thu Thủy (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Thừa Thiên Huế có bề dày truyền thống về y học Đông y và Tây y với nguồn nhân lực y tế mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là lợi thế để Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh - du lịch chăm sóc sức khỏe. Bài viết giới thiệu những tiềm năng để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra những giải pháp góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, đồng thời cũng là một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

TỪ KHÓA: du lịch, chăm sóc sức khỏe, y tế, cư trú, tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch khá mới mẻ, chỉ bắt đầu phát triển trong vài năm gần đây và được đánh giá phù hợp, có tiềm năng. Du lịch chăm sóc sức khỏe không hẳn là du lịch chữa bệnh, bởi mục đích của chuyến đi giúp khách du lịch có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cả về thể chất và trí não. Chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe thường không bao gồm nhiều hoạt động di chuyển, tham quan các điểm đến du lịch. Ngược lại, nó được thiết kế với những hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh, nhằm mục đích tăng cường sức khỏe cho du khách, làm mới lại cơ thể.

Thừa Thiên Huế có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, có hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, thân thiện với thiên nhiên cùng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, hệ thống đầm phá, bãi biển đẹp như: Vườn Quốc gia Bạch Mã; vịnh Lăng Cô, biển Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh… đặc biệt là suối khoáng nóng Thanh Tân, nước khoáng nóng A Roàng, nước khoáng bùn Mỹ An. Đó là những thế mạnh để địa phương phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Mặc dù hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch khám, chữa bệnh của cả nước, nhưng hiện tại, Thừa Thiên Huế vẫn chưa tận dụng, khai thác triệt để tiềm năng này, chưa mang về nguồn thu tương xứng cho tỉnh. 

2. Tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Du lịch Huế không thể không nhắc đến Quần thể di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu, cảnh quan thiên nhiên, hệ thống đầm phá và nhiều bãi biển đẹp cùng 7 nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 2 nguồn nước nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ sức khỏe và du lịch như khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (suối khoáng nóng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) và khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen (xã Phú Dương, TP. Huế). Cùng với đó, Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triền đồi, ven bờ sông Hương, hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon, Lăng Cô Beach, Hue Riverside Boutique, Hue Ecolodge... Ngay trong nội đô cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo hình thức đông y cổ truyền, như: Spatel D’Annam của Công ty Đại Nam Thái Y viện, hay có dịch vụ spa đẳng cấp như: Azerai La Residence, SilkPath Grand, Melia Vinpearl, Senna,...

Cùng với hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú, mảnh đất Cố đô còn có nền y học cổ truyền lâu đời, nhiều lương y danh tiếng. Nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của ngành Y học ở Huế là nền Đông Y phục vụ cung đình, phát triển ở trình độ cao, do triều đình tổ chức, quản lý, trong đó đại diện và đỉnh cao là Thái y viện triều Nguyễn. Tại Thừa Thiên Huế có Bệnh viện Y học cổ truyền cùng các trung tâm đào tạo ứng dụng y học cổ truyền, như: Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức... Hầu hết các trung tâm y tế của Tỉnh đã thành lập khoa Y học cổ truyền; các trạm y tế đều triển khai khám, chữa bệnh bằng châm cứu, dùng thuốc nam dược cổ truyền, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Nhiều khách sạn đã kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo Đông Y cổ truyền. Việc chữa bệnh theo Tây Y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém hai đầu đất nước với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế… và các bệnh viện tư nhân khác. Thực tế trong thời gian qua, các bệnh viện đi đầu là Bệnh viện Quốc tế Huế - Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất và các quy chế tương đối hoàn chỉnh, liên quan đến khám chữa bệnh cho đối tượng nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch Y tế. Lượng khách đến khám, chữa bệnh tăng qua các năm, chứng tỏ chất lượng khám, chữa bệnh, cơ cấu khách cũng ngày càng đa dạng, từ những người khám, chữa bệnh đến từ các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Nam... mà còn đến từ các nước trong khu vực, như Lào, Thái Lan,… Thành công bước đầu của mô hình này rất đáng phấn khởi và cần được nhân rộng.

Bên cạnh đó, hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố; 141 trạm y tế xã/phường/thị trấn. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc đạt 90,8%. Nhân lực y tế tại cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có 2.319 người. Thừa Thiên Huế hiện có trên 60 giáo sư và phó giáo sư, 7 thầy thuốc nhân dân, 84 thầy thuốc ưu tú, 122 tiến sĩ, 126 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 425 thạc sĩ, 321 bác sĩ chuyên khoa cấp I. Sở Y tế Thừa Thiên Huế đang triển khai đề án thu hút lao động trình độ cao trong lĩnh vực Y tế, nhằm thu hút nhân tài phục vụ cho các đơn vị y tế công lập, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Tiếp tục duy trì mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp trong cả tỉnh, 100% các xã, phường, thị trấn có cơ sở trạm y tế xã. Số nhân viên y tế được bố trí làm công tác dự phòng là 1.345 người, trong đó bác sĩ là 313 người. Trong 3 năm qua (2020-2022), số viên chức cử đi đào tạo sau đại học chuyên môn Y về công tác y tế dự phòng khá cao 34/130, đạt tỉ lệ 26,15%. Với lĩnh vực Y tế chuyên sâu, Thừa Thiên Huế hiện là trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước với Bệnh viện Trung ương Huế, là một trong những bệnh viện dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ, kỹ thuật được áp dụng trong khám chữa bệnh các chuyên khoa. Đặc biệt trong những năm gần đây, Bệnh viện đã thực hiện được nhiều đột phá trong lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật nội soi, điều trị đột quỵ... 

Những cơ sở đó khẳng định, Thừa Thiên Huế hoàn toàn phát triển tốt loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế. Nắm bắt được những tiềm năng này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54 -NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ: Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế được đánh giá chưa tận dụng khai thác tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế một cách triệt để, thiếu sự liên kết giữa các bên liên quan trong xây dựng và khai thác chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng chưa quảng bá được nhiều về thương hiệu du lịch chăm sóc sức khỏe; Tiêu chuẩn của dịch vụ khám, chữa bệnh ở Huế được đánh giá cao, nhưng chưa áp dụng quy chuẩn theo thông lệ quốc tế trong khai thác, phục vụ khách du lịch. Đó là những điểm cần khắc phục khi phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới

Một là, tỉnh Thừa Thiên Huế cần hoàn thiện cơ chế, có chính sách nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư và thu hút du khách, cần có định hướng và quy hoạch cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau với các mục tiêu rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe để đảm bảo tính hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Hai là, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; liên kết nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau phục vụ cho loại hình du lịch khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giới thiệu các kỹ thuật chuyên sâu, phổ biến các thành tựu y học hiện đại, đặc biệt là xây dựng được tour tuyến riêng, kết hợp tham quan, trải nghiệm Huế cùng với việc khám, chữa bệnh.

Ba là, để đa dạng hóa các gói sản phẩm, các Sở Du lịch, Y tế, Tài nguyên và Môi trường Tỉnh cần có định hướng để xây dựng và thẩm định các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, tiếp tục kết nối các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú để tạo ra gói sản phẩm du lịch y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, để làm phong phú các dòng trải nghiệm của khách du lịch tại Huế, cần có định hướng phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực xanh của vùng miền trong thời gian tới, nên có chính sách khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nông dân trồng rau sạch, bảo vệ và nhân giống các rau củ đặc sản Huế nhiều dược tính có tác dụng lợi cho sức khỏe. Xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Các nhà hàng tăng cường mạng lưới truyền thông món ăn ngon. Xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe tại tỉnh nhà ở cả trong và ngoài nước càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, kết hợp với các điểm du lịch tâm linh để du khách đến cầu bình an, sức khỏe, hoặc tìm đến sự thanh thản của tâm hồn.

Bốn là, cần có kế hoạch, đề án tổng thể phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của cả tỉnh, cùng với việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển. Để làm được việc đó, cần sự nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học, về các yếu tố tiềm năng cũng như hiện trạng của địa phương. Ngoài ra, cần xác định phân khúc thị trường cụ thể để đảm bảo việc phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu và xu hướng thay đổi trong bối cảnh mới, cũng như sự đầu tư, quy mô, tầm vóc phát triển và hành lang chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển. Ngành Du lịch sẽ vận động chính quyền và nhân dân thành phố Huế cùng các sở, ngành liên quan, phối hợp các cơ sở nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... tham gia hưởng ứng Cuộc vận động World Wellness Weekend (Kỳ nghỉ cuối tuần chăm sóc sức khỏe toàn cầu), nhằm kích cầu du lịch gắn với loại hình Wellness (chăm sóc sức khỏe) và thu hút du khách quan tâm đến Huế cùng tham gia hoạt động này với cộng đồng địa phương.

Năm là, chăm lo phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả liên kết, hợp tác giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương trong vùng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển du lịch và dịch vụ biển.

Sáu là, tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế y tế trên địa bàn để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình "Trường - Viện" cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm miền Trung và tổ hợp y tế công nghệ cao phục vụ khám, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm y tế và kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sáu là, nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu tầm cỡ quốc tế; trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa các dịch vụ công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2022). Nghị quyết số 135/NQ-HĐND ngày 19/12/2022 về phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  3. Sở Y tế Thừa Thiên Huế (2023). Website https://syt.thuathienhue.gov.vn/.

Current situation and solutions for the development of health care tourism in Thua Thien Hue province

Master. Ha Thi Thu Thuy

Faculty of Tourism and Hospitality

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Thua Thien Hue province has a rich tradition of Eastern and Western medicine with a high-quality medical human resource. This is an advantage for Thua Thien Hue province to promote the development of resort tourism combined with medical examination and treatment, also known as health care tourism. This paper introduces the health care tourism potential of Thua Thien Hue province to develop suitable tourism products. The paper also proposed some solutions contributing to realizing Thua Thien Hue province’s goal of becoming one of the most cultural tourism centers and specialized medical centers in Southeast Asia in the period 2021-2025, with a vision to 2030.

Keywords: tourism, health care, medical, residence, Thua Thien Hue province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]

Tạp chí Công Thương