Tiêu chí đánh giá hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh

Trần Vân Anh (Cục Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Đánh giá hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh có ý nghĩa to lớn đối với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương cấp tỉnh. Thông qua bài báo này, tác giả muốn đưa ra một số tiêu chí nhằm đánh giá hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương cấp tỉnh. Từ những tiêu chí này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn đối với việc sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh.

Từ khóa: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh, tiêu chí đánh giá, hiệu quả.

1. Cơ sở lý thuyết

1.1. Khái niệm

Quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh là việc chính quyền cấp tỉnh sử dụng tổng thể các biện pháp, công cụ tác động vào quá trình phân bổ và sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ nhất định.

1.2. Phân loại vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước

- Căn cứ vào nguồn ngân sách nhà nước, có thể có nguồn vốn đầu tư phát triển sau đây:

+ Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là thuế, phí ngân sách nhà nước được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có từ nguồn thu thuế và phí. Nguồn ngân sách này được chính phủ sử dụng đầu tư phát triển. Vốn này thường được tập trung cho những công trình trọng điểm, an ninh, quốc phòng, các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cần sự tham gia của Nhà nước, chi cho công tác lập và thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn.

+ Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là nguồn vốn viện trợ của nước ngoài cho Chính phủ và chính quyền các cấp cũng được coi thuộc ngân sách nhà nước và được sử dụng cho đầu tư phát triển. Vốn này thường được tách riêng cho từng công trình, từng dự án đầu tư. Nhưng trong thực tế, một dự án đầu tư cũng có thể có cả phần ngân sách nhà nước và phần vốn viện trợ, được nhà nước quản lý theo luật định giống như vốn ngân sách nhà nước.

Vốn viện trợ thường rất ít, loại vốn này chỉ dành cho những đầu tư nhân đạo như: rừng phòng hộ, trường đại học, trạm xá hoặc giao thông miền núi.

+ Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là nguồn vốn ODA. Vốn ODA là nguồn vốn do chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp, thậm chí không có lãi cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế. Nguồn này thường được tập trung vào ngân sách của Nhà nước để đầu tư phát triển hoặc cho vay. Ngoài ngoại tệ, vốn ODA thường được đầu tư dưới dạng máy móc, thiết bị, công nghệ, công trình hoặc chuyên gia. Đây là nguồn vốn có quy mô tương đối lớn, thời gian đầu tư dài. Vốn ODA thường được tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng mang tầm chiến lược quốc gia như đường quốc lộ, đường dây tải điện cao thế, thủy điện, thủy lợi lớn,... các công trình có ý nghĩa then chốt và chủ đạo đối với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra động lực phát triển kinh tế của đất nước.

- Căn cứ vào chủ thể quản lý, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước có các loại sau:

+ Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước trung ương. Đây là nguồn vốn hình thành từ các nguồn thu của ngân sách trung ương theo quy định pháp luật ngân sách nhà nước. Nó gồm các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cân đối chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương liên quan đến bội chi ngân sách quốc gia.

+ Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước địa phương: Phần ngân sách này được hình thành từ các nguồn thu của địa phương theo quy định của luật ngân sách nhà nước. Đó là các khoản thu phát sinh trên địa bàn và cũng phân chia thành khoản thu ngân sách địa phương 100% và những khoản thu địa phương được hưởng theo tỷ lệ phần trăm. Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước địa phương có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tỉnh, huyện và xã.

+ Nguồn vốn phát triển của Chính phủ: Đây là vốn phát triển do chính phủ hỗ trợ cân đối cho địa phương. Chính phủ hỗ trợ vốn cho những địa phương có nguồn thu ngân sách thấp, ngân sách địa phương không thể tự cân đối để thực hiện được các mục tiêu đầu tư phát triển trên địa bàn. Do vậy, ngân sách chính phủ cấp hỗ trợ vốn đầu tư phát triển để thực hiện nhiệm vụ chi của địa phương.

Vốn đầu tư phát triển do Chính phủ cấp hỗ trợ đầu tư có mục tiêu là vốn thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ có phạm vi theo vùng, theo ngành hoặc toàn quốc nhằm đạt được những mục tiêu nhất định của chính sách đầu tư công trong từng thời kỳ.

1.3. Đặc điểm của vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh

Một là, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh luôn gắn liền với quyền lực của ngân sách cấp tỉnh.

Việc huy động vốn vào ngân sách để đầu tư phát triển thông qua chính sách thuế, phí của Nhà nước mang tính chất cưỡng chế. Việc sử dụng vốn này cũng phải thông qua cơ quan quyền lực của Nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước được quản lý một cách chặt chẽ bằng hệ thống pháp luật về các lĩnh vực như ngân sách nhà nước, đầu tư, đấu thầu,... và được thực hiện bởi hệ thống các cơ quan quyền lực quản lý chuyên ngành như Ủy ban nhân dân, hệ thống cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư và kho bạc nhà nước,...

Phần lớn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh luôn gắn với các dự án, chương trình đầu tư (ngoại trừ một số khoản chi như hỗ trợ doanh nghiệp, góp vốn vào những lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước,...). Do vậy, việc quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phụ thuộc rất lớn và gắn chặt chẽ với cơ chế quản lý dự án đầu tư xây dựng. Những dự án, chương trình đầu tư bằng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải được quyết định đầu tư bởi cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền.

Hai là, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh liên quan chặt chẽ với mức đóng thuế của dân địa phương và đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các chủ thể trong phân chia nguồn vốn đầu tư phát triển. Quan hệ phân chia này tiềm ẩn mâu thuẫn. Khi Nhà nước đầu tư phát triển với khối lượng vốn lớn, thì phần vốn đầu tư phát triển của hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế (hiện tượng lấn át đầu tư). Mặt khác, trong trường hợp này, phần ngân sách nhà nước thu từ thuế của người dân và doanh nghiệp còn lại (không chi cho đầu tư) còn ít. Khi Nhà nước đầu tư phát triển thấp (vốn đầu tư phát triển ít) thì phần ngân sách nhà nước từ thuế để lại cao. Chính vì thế, người dân thường phản đối khi Nhà nước tăng vốn đầu tư phát triển. Thái độ phản đối sẽ càng tăng lên khi đối tượng nộp thuế vào ngân sách nhà nước cho rằng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước quá cao hoặc khi họ phát hiện Nhà nước chi tiêu vốn ngân sách nhà nước vào đầu tư phát triển không có hiệu quả.

Ba là, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh thường được sử dụng vì lợi ích cả cộng đồng, lợi ích của địa phương, lợi ích quốc gia.

Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn của địa phương. Do việc lập, thẩm định, phê duyệt vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước được đưa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Việc đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước có tác động trực tiếp kích thích kinh tế địa phương phát triển, làm gia tăng năng lực sản xuất địa phương. Theo đó, những tác động này được lan tỏa trong nền kinh tế theo số nhân, làm tăng năng lực sản xuất của cả nền kinh tế.

Bốn là, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh được sử dụng vào chương trình, dự án lớn có quy mô lớn và quan trọng của địa phương, của quốc gia.

Vốn ngân sách nhà nước thường được đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đủ khả năng hoặc không được phép đầu tư. Những dự án công ích có tỷ suất đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm hoặc không thể thu hồi vốn (đường sá, cầu cống,...), những lĩnh vực đầu tư mang tính chủ quyền quốc gia, tài nguyên quốc gia (các công trình quốc phòng). Vốn ngân sách nhà nước còn được đầu tư vào các lĩnh vực không mang lại lợi ích trực tiếp hoặc khả năng sinh lời thấp, như đầu tư cho các dịch vụ công cộng, giáo dục phổ cập tiểu học, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đầu tư phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,...

1.4. Vai trò của quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nuớc cấp tỉnh

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thì quản lý vốn đầu tư phát triển có vai trò rất to lớn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh như:

Thứ nhất, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh có vai trò bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách của tỉnh. Bố trí các nguồn vốn cho dự án đầu tư, đặc biệt là việc bố trí vốn ngân sách nhà nước, xác định điểm dự án đầu tư và nhu cầu sử dụng vốn, giai đoạn thực hiện vốn đầu tư nhà nước, bảo đảm vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác cho đầu tư, phối hợp giữa với các cơ quan chức năng để thúc đẩy sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước tiến hành kiểm tra, kiểm soát vốn đầu tư để uốn nắn, chấn chỉnh nhằm mục tiêu sử dụng đúng đắn và tiết kiệm các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh còn hạn chế tình trạng thất thoát lãng phí, tham nhũng trong quá trình sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh.

Thứ ba, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh có vai trò định hướng cho các hoạt động đầu tư trong nền kinh tế địa phương, thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực vốn đầu tư phát triển của một cách hiệu quả.

Thứ tư, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật chính sách. Quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh được thực hiện trên cơ sở tuân thủ pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy định của Nhà nước. Điều này bảo đảm trật tự kỷ cương trong thực thi pháp luật và chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính tập trung thống nhất trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước của cả nước, hạn chế sự rối loạn trong hoạt động đầu tư phát triển, trong sử dụng ngân sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của tỉnh và của cả nước khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thứ năm, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh góp phần tạo lập môi trường và điều kiện thúc đẩy việc khai thác các nguồn vốn đầu tư phát triển trong và ngoài địa phương cho phát triển kinh tế.

2. Một số tiêu chí đánh giá quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở cấp tỉnh

Quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ở cấp tỉnh có thể được đánh giá theo nội dung quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh.

* Về phân cấp quản lý

Đánh giá phân cấp quản lý được thực hiện trên một số khía cạnh như sau: Tính hợp pháp của việc phân cấp, tính hợp lý, hiệu quả. Tính hợp pháp của phân cấp đòi hỏi việc phân cấp được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tính hợp lý của phân cấp đòi hỏi việc phân cấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đó là các yêu cầu về đầu tư phát triển của địa phương, số lượng và quy mô các dự án, các công trình ở địa phương, trình độ năng lực của cán bộ quản lý cấp dưới,... Tính hiệu quả của việc phân cấp quản lý thể hiện ở hiệu quả quản lý của cấp dưới được phân cấp.

H1: Việc phân cấp quản lý được thực hiện tốt sẽ tác động tích cực đến hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển của tỉnh.

* Về việc lập kế hoạch

Việc đánh giá được thực hiện trên các mặt:

i) Căn cứ để lập kế hoạch ngân sách đầu tư phát triển địa phương:

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm.

Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương.

Chính sách, chế độ chi ngân sách hiện hành của địa phương.

Tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách đầu tư phát triển năm trước.

ii) Yêu cầu khi lập kế hoạch ngân sách đầu tư phát triển là đảm bảo vốn chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước lớn hơn các khoản chi thường xuyên và các khoản chi trả nợ. Bội chi ngân sách nhà nước nhỏ hơn chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển phải đảm bảo mức độ, trật tự, cơ cấu nguồn vốn trong nước hợp lý.

Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do cơ quan ngân sách đảm nhận. Cơ quan ngân sách căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm của Nhà nước; căn cứ chính sách, chế độ vốn ngân sách nhà nước; căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá của năm trước để dự kiến số vốn ngân sách tổng thể, số vốn ngân sách theo lĩnh vực, ngành, từng địa phương và đưa ra các biện pháp thực hiện để đảm bảo đạt được số vốn ngân sách đầu tư phát triển đó.

iii) Quy trình lập kế hoạch ngân sách đầu tư phát triển bao gồm các bước sau:

- Chuẩn bị lập kế hoạch: Nội dung của bước này là tạo dựng các điều kiện vật chất và nhân lực cần thiết để tiến hành lập kế hoạch có chất lượng, trong đó dữ liệu và cán bộ có năng lực là điều kiện quan trọng.

- Dự thảo kế hoạch: Công việc chính là sử dụng các căn cứ, vận dụng các chính sách để đưa ra được các chỉ tiêu ngân sách hợp lý. Kế hoạch ngân sách phải đáp ứng các yêu cầu:

+ Xác định được từng chỉ tiêu của kế hoạch.

+ Tổng hợp các chỉ tiêu, lên cân đối toàn bộ và phản ánh theo biểu mẫu quy định.

+ Lập bản thuyết minh về các điều kiện, các lý do và tính khả thi của việc thiết lập các chỉ tiêu kế hoạch.

+ Đề xuất các biện pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đưa ra.

- Xét duyệt kế hoạch

Đây là khâu phê chuẩn để kế hoạch trở thành văn bản pháp lý có giá trị thi hành. Công việc chính là hiệp thương giữa cơ quan bảo vệ kế hoạch và cơ quan xét duyệt kế hoạch. Việc xét duyệt kế hoạch được thực hiện từ dưới lên trên.

- Giao kế hoạch: Kế hoạch ngân sách đầu tư phát triển, sau khi đã được phê chuẩn, được giao cho cơ quan ngân sách đầu tư phát triển các cấp thực hiện. Việc giao kế hoạch thực hiện tuần tự từ cấp cao xuống cấp thấp.

H2: Việc lập kế hoạch tốt giúp cho lãnh đạo nắm được tình hình cụ thể và có những quyết định chính xác tác động đến hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển tại tỉnh.

* Về tổ chức thực hiện kế hoạch

- Tổ chức thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thường có những việc sau:

+ Lập kế hoạch quý, tháng, kế hoạch được duyệt tính cho cả năm. Khi tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý vốn đầu tư thường cân nhắc tính chất thời vụ của các nguồn vốn đầu tư để thích hợp cho từng tháng, quý, trên cơ sở đó có biện pháp điều hành thích hợp.

+ Triển khai thực hiện sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Kế hoạch quý, tháng được giao đến từng cấp thực hiện vốn đầu tư, các cơ quan quản lý vốn đầu tư thường tiến hành các biện pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư.

+ Điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Đây là công việc được làm khi nền kinh tế có những biến động lớn làm thay đổi nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước dự kiến. Có hai cấp độ điều chỉnh là điều chỉnh toàn phần kế hoạch và điều chỉnh từng phần kế hoạch.

Điều chỉnh toàn phần kế hoạch, thực chất là lập lại kế hoạch mới. Cấp độ này hãn hữu mới áp dụng.

Điều chỉnh từng phần kế hoạch, chủ yếu là điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với khả năng vốn đầu tư.

H3: Việc thực hiện kế hoạch càng khẩn trương, càng nhanh chóng sẽ giúp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển.

* Về kiểm tra - kiểm soát việc thực hiện kế hoạch

Kiểm tra - kiểm soát việc thực hiện kế hoạch là một khâu rất quan trọng, không những giúp cho nhà quản lý nắm được tình hình thực hiện kế hoạch mà còn có thể thấy được những bất cập, những thiếu sót cần bổ sung trong quá trình thực hiện kế hoạch đã được đề ra. Thông qua công tác kiểm tra - kiểm soát cũng có thể thấy những sai phạm đó thuộc cơ chế, chính sách của tỉnh hay sai phạm trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách đối với vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh, sai phạm nào thuộc đối tượng quản lý,... Đánh giá kiểm tra thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh đòi hỏi xác định những thất thoát, lãng phí, tham nhũng có thể có trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước của tỉnh, xác định mức độ, hiệu quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tỉnh,...

H4: Việc kiểm tra kiểm soát giúp nhà quản lý nhanh chóng phát hiện những chỗ chưa phù hợp để từ đó khẩn trương khắc phục tránh tình trạng thất thoát lãng phí nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư

* Về phối kết hợp

Công việc này giúp đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước với các đơn vị sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Quá trình đánh giá này đòi hỏi xác định tính hợp lý trong phân công, phân nhiệm, đánh giá trách nhiệm trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, các bộ phận trong bộ máy quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Đánh giá sự phối hợp trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh đòi hỏi xác định những bất hợp lý có thể có trong phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các bộ phận trong quá trình thực hiện các chức năng quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh.

H5: Thông qua công tác đánh giá phối hợp nhằm có những điều chỉnh thích hợp trong quá trình thực hiện đầu tư của các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư

Thông qua những giả thuyết đã nêu trên có thể khái quát thành mô hình đánh giá hiệu quả vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh như sau:

3. Kết luận

Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh có vai trò rất to lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thông qua công tác này, giúp các nhà quản lý thấy được những tồn tại, hạn chế cũng như những mặt tích cực để từ đó có các giải pháp hữu hiệu đối với nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Thái Bá Cẩn (2009), Giáo trình Phân tích và Quản lý dự án đầu tư, NXB Giáo dục.

2. Trần Văn Chử (2006), Giáo trình kinh tế học phát triển, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Lê Vinh Danh (2004), Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thành phố Hồ Chí Minh hiện trạng và giải pháp, Đề tài VKT 03.2004, Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Đẩu (2005), Huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp, Luận án tiến sĩ kinh tế.

Criteria for evaluating development capital efficiency from provincial state budget

Tran Van Anh

Department of Planning and Investment, Ministry of Public Security

ABSTRACT:

Assessing the efficiency of development investment capital from provincial state budget has great significance for the process of provincial economic development. Through this article, the author wants to give some criteria to evaluate the effectiveness of development investment capital from the provincial budget. These criteria will help us to have a more objective view on the usage of development investment capital from the provincial state budget.

Keywords: Development investment capital from provincial state budget, evaluation criteria, efficiency.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây