TÓM TẮT:

Công lý và tiếp cận công lý tuy không phải là một nội dung mới, nhưng trong những năm gần đây mới được chính thức trở thành một đối tượng nghiên cứu độc lập của nhiều ngành khoa học, trong đó có Luật học. Với nhận thức về tầm quan trọng của công lý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, sau 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đến bản Hiến pháp năm 2013, các giá trị cơ bản của công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới thực sự được đề cập đến. Bài viết này sẽ tập trung hệ thống, phân tích và làm rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý và những tư tưởng, khát vọng về một nền công lý đích thực.

Từ khóa: Công lý, tư tưởng Hồ Chí Minh, luật, pháp quyền.

1. Khái niệm về công lý

Khái niệm công lý là khái niệm thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Trong khoa học pháp lý, công lý cần được xem xét trên một số khía cạnh như: lịch sử nhà nước và pháp luật; thực hiện pháp luật; xây dựng pháp luật...

Công lý không phải là một thuật ngữ mới trong các lĩnh vực xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Ngay từ buổi đầu xuất hiện, khi con người ý thức được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, ý niệm về công lý đã xuất hiện. Công lý đã là ước mong, nguyện vọng của con người, được đối xử một cách công bằng, bình đẳng. Ở thời sơ khai, nó được thể hiện ở việc chia các nguồn lợi phẩm (hoa quả, hoang thú) theo sự đóng góp của các cá nhân trong buổi đi săn bắt, hái lượm; điều này đã thể hiện tính bình đẳng, công bằng giữa các cá nhân trong xã hội.

Những tư tưởng về công lý đã sớm được loài người đặt ra, nó xuất hiện như một khát khao về tự do, công bằng, chính nghĩa, lẽ phải, lòng nhân ái và được xem như là một phẩm chất cao quý trong mỗi con người, mỗi xã hội.

Định nghĩa công lý là sự kết tinh của lẽ phải, lẽ công bằng và đạo lý làm cho khá nhiều người hoang mang vì tính trừu tượng của nó, đặc biệt là những người bị giam hãm quá lâu trong hệ chuẩn tư duy cũ. Tuy nhiên, khái niệm này sẽ được cụ thể hóa trong những phán quyết của tòa án cho từng vụ án. Khi các thẩm phán biết áp dụng pháp luật để đạt được công lý, thì phán quyết của tòa án sẽ đạt được cái gọi là sự “tâm phục, khẩu phục” của tất cả các bên.

Công lý còn được coi là phẩm hạnh mang “tính thể chế”, “tính chính trị” nhất của mỗi xã hội. Tính chính đáng, chính nghĩa của một chính quyền thường được đánh giá thông qua việc nhà nước đó có thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm việc thực thi công lý hay không.

1.1. Quan niệm công lý ở phương Đông

Ở phương Đông, qua nghiên cứu, tư tưởng công lý với tư cách là lẽ phải, lẽ công bằng trong nền văn hóa Nho giáo có những điểm khá đặc sắc, phản ánh sinh động hình thái kinh tế - xã hội phương Đông, một hình thái lấy yêu cầu “hòa mục” làm trọng. Kinh Dịch - một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung Hoa (sau Kinh Thi và Kinh Thư), một cuốn sách bói mà thành sách triết với những triết lý tổng hợp về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa, có nguồn gốc từ năm 1200 TCN, với sự tham gia san định và chú giải của Khổng Tử, đại biểu Nho gia thời kỳ đầu, đã phản ánh sâu sắc triết lý trên. Trong Kinh Dịch, hình ảnh một xã hội trung chính được thể hiện rõ nét trong 64 quẻ. Trong đó quẻ Tụng trước sau chỉ khuyên răn người ta đừng ham tranh nhau kiện cáo. Hào 3 không kiện với ai là tốt; Hào 2 và 4 muốn kiện mà sau thôi, cũng tốt; Hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc sẽ tốt; duy có Hào 6 hăng kiện tới cùng thì xấu; Hào 5 tỏ ý ước mong có một tòa án công minh. Dương Hồng, Vương Thành Trung (2003), Tứ Thư, Nhiệm Đại Viên chú dịch, Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nxb Quân đội nhân dân.

1.2. Quan niệm công lý ở phương Tây

Ở phương Tây, đã có nhiều bộ luật được soạn ra ở thời cổ đại như Đạo luật Solon (thế kỷ VI-TCN), Luật 12 bảng của La Mã (thế kỷ V-TCN) hay nhiều tác phẩm của hàng loạt các nhà tư tưởng, triết gia trong thời kỳ này đã có những quan niệm khác nhau về công lý.

Trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại, công lý được cho rằng bắt nguồn từ trật tự xã hội, một xã hội ổn định, có trật tự sẽ thúc đẩy sự phát triển của công lý và ngược lại, một nền công lý mạnh mẽ sẽ thúc đẩy một xã hội trật tự, ổn định. Platon, triết gia vĩ đại của Hy Lạp, đã đưa những quan điểm, tư tưởng của mình về vấn đề công lý trong những tranh luận về vấn đề đạo đức và pháp luật, đặc biệt trong cuốn Luật pháp, tác phẩm cuối cùng còn dang dở trước khi ông qua đời. Trong Quyển IV tác phẩm Luật pháp, khi bàn về cuộc sống đức hạnh, Platon cho rằng, công lý hay những nguyên tắc tôn giáo cùng những đạo đức đóng vai trò dẫn dắt cuộc sống của họ: “Này các bạn, Thượng đế, theo truyền thuyết, nắm giữ trong tay Ngài cái đầu, cái giữa và cái cuối của mọi sự vật, nghĩa là chúng vận hành theo luật tự nhiên do Ngài xếp đặt trên một đường thẳng cho đến lúc kết thúc. Công lý luôn đi theo Ngài và sẽ trừng phạt những kẻ không thực hành đến nơi đến chốn luật của Thượng đế…” Will Durant (2006), Nguồn gốc văn minh, Nguyễn Hiển Lê biên dịch, Nhà Xuất bản văn hóa thông tin... Như vậy, khi nói về pháp luật, Platon nhấn mạnh đến luật tự nhiên, theo đó, công lý với nghĩa trừng phạt những kẻ vi phạm luật tự nhiên cũng mang tính tự nhiên. Tức là kẻ làm sai cũng nhận thấy cái sai của mình và vui vẻ, chấp thuận mà đồng ý với biện pháp trừng phạt áp dụng đối với mình. Đấy là sự khác nhau giữa “trừng phạt” theo nghĩa thông thường và “trừng phạt” của “công lý tự nhiên”. Trừng phạt theo nghĩa thông thường, có thể hiểu là sự trừng phạt theo quy định của pháp luật, do nhà làm luật quy định, kẻ làm điều sai có thể không “thuận nhận”.

1.3. Quan niệm công lý ở Việt Nam

Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, khát vọng công lý luôn lan tỏa trong những thành ngữ, tục ngữ phê phán thói hư, tật xấu của đội ngũ quan lại phong kiến từ xa xưa: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” (Công lý bị đồng tiền chi phối), “Đất thấp trời cao” (Hoàn cảnh trớ trêu, người có địa vị thấp hèn khó có thể giãi bày, kêu oan với bề trên), “Quan châu có quyền đốt đuốc, thiên hạ không được thắp đèn” (Nhận xét về sự bất công giữa kẻ có chức quyền và nhân dân), “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ” (Nhận định về tệ tham nhũng của quan lại phong kiến)… Có thể thấy, công lý, lẽ phải và sự công bằng đã trở thành khát vọng ngàn đời nay của người dân Việt Nam.

Những tư tưởng về một nền công lý đích thực, chân chính đã được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần nền “công lý thực dân” giả tạo:“Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam và người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả mặc dù tên này ăn cướp hay giết người…” Nguyễn Ái Quốc (1925), Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation française, Báo Quốc tế Cộng sản (Imprekor). Người cũng lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình ảnh về chế độ phi pháp quyền, vô nhân đạo và phản tiến hóa mà người Pháp áp đặt tại Việt Nam.

Kể từ ngày Việt Nam bước sang công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Cùng với sự kế thừa tinh hoa của nền văn minh nhân loại và bài học từ công tác quản lý đất nước suốt hơn 70 năm qua. Công lý đã trở thành một giá trị đặc trưng, một tiêu chí đánh giá mức độ thành công của công cuộc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam giai đoạn hiện nay. Cụ thể:

Công lý được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ, là sự tuyên bố công lý là giá trị căn bản được cộng đồng Việt Nam chia sẻ, làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà nước hoặc định hướng cho những tranh luận, thương thảo, thỏa thuận trong một cộng đồng xã hội, tránh không để xảy ra xung đột giữa các nhóm lợi ích, các cá nhân. Bên cạnh đó, tại các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, công lý xuất hiện trong bối cảnh hoạt động tư pháp xét xử như tại Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định bảo vệ công lý là nhiệm vụ hàng đầu, cơ bản và xuyên suốt của các tòa án nhân dân, cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hay Điều 2 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 1 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều3 Luật Luật sư năm 2006… đều đã nêu cao giá trị bảo vệ công lý của Tòa án.

Như vậy, có thể thấy, ở Việt Nam, “công lý là một hiện tượng xã hội mang tính giai cấp và lịch sử, là phẩm hạnh xã hội mang tính chính trị sâu sắc, là giá trị giúp mỗi thành viên xã hội không làm phương hại đến người khác và là căn cứ để tòa án giải quyết các xung đột, tranh chấp, vi phạm trên cơ sở đạo lý, lẽ phải, lẽ công bằng, qua đó, tạo dựng sự đồng thuận, ổn định và trật tự xã hội.” Nguyễn Xuân Tùng (2012). Về khái niệm “công lý” trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở Việt Nam, bài báo trên website của Bộ Tư Pháp tại http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1546.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý

Trong giai đoạn đầu, Người đã thể hiện niềm tin và khát vọng mãnh liệt về một nền công lý đích thực và chân chính cho nhân dân Việt Nam. Công lý là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Theo Người, công lý là một trong những yếu tố khách quan không thể thiếu trong việc thiết lập và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Khi chưa có chính quyền trong tay nhân dân chưa thể đặt vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật mới, tuy vậy Hồ Chí Minh đã ý thức rất rõ về vai trò của pháp luật đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ. Do đó, Người đã đòi hỏi song song với các quyền là vấn đề cải cách nền pháp lý: “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, trang 416. Người quan niệm rằng, công lý là cơ sở, là phương tiện để đạt được các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Mọi quyền của người dân phải được thể chế bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là những công cụ ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong thực tế, đồng thời là cơ sở để bảo vệ người dân trong trường hợp các quyền của họ bị vi phạm.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh là một trong những người Việt Nam đầu tiên đề cập đến khái niệm nhân quyền và dùng khái niệm nhân quyền trong các lập luận đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ, bênh vực nhân quyền của các dân tộc thuộc địa. Tác phẩm “Yêu sách của nhân dân An Nam” không chỉ là bản cáo trạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc phê phán, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản ở Việt Nam mà còn là bản yêu sách đòi quyền con người cho nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Hay trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Hồ Chí Minh đã tố cáo chủ nghĩa thực dân vi phạm quyền con người, tước đoạt tất cả quyền con người của người dân bản xứ trong tất cả các thuộc địa của Pháp. Người đã vạch mặt bản chất của chủ nghĩa thực dân và tính giả dối của nền dân chủ tư sản với các khẩu hiệu “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, “nhân quyền” mà bọn chúng vẫn giương lên.

Trong giai đoạn tiếp theo, Người lên án mạnh nền công lý thực dân giả tạo, hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính của thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, từ đó thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta, dân tộc ta. Không chỉ khi dừng lại ở sự phê phán, Người còn đi đầu trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân để cùng nhân loại tiến bộ loại bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa tàn bạo này, giành lại quyền làm người cho nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sớm tiếp cận với tư tưởng cách mạng chủ nghĩa Mác - Lê Nin cũng như của một số nhà tư tưởng tư sản tiến bộ khác, Người đã nhận thức sâu sắc và toàn diện về các giá trị đích thực của quyền con người và con đường đấu tranh vì quyền con người. Quá trình nhận thức đó của Người đã đúc kết như sau: “Từ nhận thức về quan hệ áp bức dân tộc,… đi tới nhận thức về quan hệ áp bức giai cấp, từ quyền của các dân tộc,… nói tới quyền của con người, trước hết là của những người lao động, từ xác định rõ kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc,… cũng đã thấy được bạn đồng minh là nhân dân lao động ở các chính quốc và thuộc địa” PGS. TS. Nguyễn Viết Thông, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, trang 29. Do đó, Người đã vạch ra con đường đúng đắn cho dân tộc mình: đi từ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc mới tới được giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý đã góp phần tạo nên niềm tin của nhân dân vào tính chính đáng, chính nghĩa của chính quyền cách mạng. Khát vọng và tình yêu công lý đó đã tiếp tục được thắp sáng thành ý nguyện của dân tộc ta, của nhân dân ta, góp phần lên án các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, kêu gọi hòa bình, tự do, công bằng và quyền cơ bản của con người, từ đó làm sáng rạng những phẩm giá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong “Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945”: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hay “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”... Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, trang 555. Đây là một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền có tinh thần cách mạng, khoa học và nhân văn cao cả; phản ánh một tầm nhìn thời đại, một tư duy sắc sảo về công lý và quyền con người.

Một trong nét độc đáo trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là Người đã chắt lọc được những tư tưởng công lý của các nhà tư tưởng khai sáng như Rút-xô, Can-tơ, Mông-tê-xờ-ki… để lên án cái gọi là “công lý” của nhà nước tư sản. Trong bài “Công lý” trong tập sách Đông Dương (1923 - 1924), Người dẫn lời một nghệ sĩ Pháp nói về nên công lý Pháp: “Pháp luật, công lý ư? Thôi đi! Chỉ có ba-toong, súng lục, súng trường, đó mới là thứ xứng đáng với lũ sâu bọ ấy” Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, trang 420.. Đồng thời, Người cũng chỉ ra sự thật công lý ở Đông Dương: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật người An Nam. Thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người” - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, trang 420...

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, những giá trị công bằng, độc lập, tự do, chân chính cần phải được thể hiện trong nội dung pháp luật của nhân dân. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực để công dân lựa chọn hành vi của mình sao cho phù hợp với lẽ phải, bảo đảm công bằng, tự do và trật tự xã hội. Đối với Bác, pháp luật là của nhân dân và để phục vụ nhân dân. Mọi quyền hạn, công lý đều ở nơi dân.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Người từng nói: “Tôi chỉ có ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” Bác nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là lý tưởng chính trị, đạo đức, nhân văn, chi phối toàn bộ mọi hoạt động của Người. Chính vì thế tư tưởng của Hồ Chủ tịch về công tác xây dựng pháp luật luôn xoay quanh một trục chính đó là vì dân, lấy dân làm gốc “quyền hành, lực lượng đầu ở nơi dân” do đó “phải đa chính trị vào giữa dân gian”. Bàn về Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiến pháp Việt Nam phải ghi rõ thành tích vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ”. Pháp luật theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ nét tính dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ và nhất quán một nguyên tắc: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - Võ Nguyên Giáp (1994), Những chặng đường lịch sử NXB Chính trị quốc gia, tr.196. vì “Không có gì quý hơn độc lập tư do” Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 15, trang 30. Bản tuyên ngôn độc lập bất hủ năm 1945 mà Người thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công bố trước toàn quốc dân và toàn thể thế giới là sự khẳng định trên thực tế không chỉ tư tưởng mà bằng hành động của Người về khát vọng lớn lao về nền độc lập cho nước nhà. Theo Người, chỉ khi giành được độc lập cho dân tộc thì nhân dân Việt Nam mới thực sự có nhà nước và pháp luật của chính mình. Những trích dẫn về quyền cơ bản của con người trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hoa Kỳ (1776) và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp (1789) là cơ sở để dân tộc ta tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự trở thành một nước tự do độc lập. Tất cả dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”... Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9, trang 557.

Với tư tưởng coi trọng các giá trị và vai trò của pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến việc sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền con người. Năm 1919, Hồ Chí Minh đã gửi đến hội nghị Vecxay yêu sách của nhân dân An Nam, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Vecxay đã có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và phản ánh những quyền cơ bản của con người. Thông qua bản yêu sách này, Hồ Chí Minh cũng đã vạch ra rõ chân tướng nhà nước “bảo hộ”, một nhà nước chuyên sử dụng các tòa án đặc biệt như công cụ để khủng bố và áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam và áp dụng chế độ ra các sắc lệnh chứ không phải chế độ đạo luật. Và Người đòi hỏi: “Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ các đạo luật”. Đây được xem là tư tưởng pháp quyền hết sức sâu sắc và tiến bộ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, hơn ai hết Người nhận thức rất rõ rằng sắc luật là văn bản do một người ban hành, dễ thiên về thể hiện ý chí cá nhận của người đó, ý chí đó có thể tùy tiện, phiến diện và rất nguy hiểm nếu nó đi ngược lại ý chí và lợi ích của tập thể, của Nhà nước cũng như của số đông quân chúng nhân dân trong xã hội. Trong khi đó, các đạo luật thường được xây dựng theo trình tự, thủ tục chặt chẽ hơn, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, soạn thảo và do một tập thể biểu quyết thông qua nên thường thể hiện một cách toàn diện và khách quan hơn ý chí và lợi ích của số đông trong xã hội.

Thấu hiểu công lý phải được bảo vệ bởi một nhà nước pháp quyền, một nhà nước hợp hiến, ngay sau khi cách mạng giành được thắng lợi, Hồ Chí Minh đã xác định một trong những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là thành lập Chính phủ lâm thời và ban hành Hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ, quyền con người của nhân dân ra. Ngày 17/9/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Với Hồ Chí Minh quyền con người trước hết phải là một quyền Hiến định. Do vậy, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị một cách khẩn trương, khoa học và quy tụ hàm lượng chất xám cao. Ngay trong lời nói đầu đã chỉ rõ, một trong ba nguyên tắc xây dựng bản Hiến pháp 1946 là: “Bảo đảm mở rộng các quyền tự do, dân chủ” - Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, trang 491., Điều 7 quy định: “Tất cả các công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.” Bản dự thảo Hiến pháp này đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (09/11/1946). Dù ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng Hiến pháp năm 1946 đã long trọng ghi nhận những giá trị cơ bản nhất và quyền cao quý nhất của nhân dân đó là quyền được sống tự do trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây chính là cơ sở pháp lý cao nhất đảm bảo thực hiện các quyền của công dân Viêt Nam trong thực tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa, nhất quán về tầm quan trọng và vai trò tối thượng của Hiến pháp và công lý. Những tư tưởng về công lý mà đỉnh cao của nó được thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập tiếp tục được thừa kế và ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1959 được xây dựng theo xu hướng ngày càng mở rộng, đầy đủ hơn các quyền dân chủ, nhất là dân chủ trong kinh tế. Hiến pháp năm 1959 không chỉ dừng lại ở những quyền công dân đã được xác lập trong Hiến pháp năm 1946 mà quy định thêm những quyền mới của công dân như: Quyền khiếu nại, tố cáo đối với bất cứ cơ quan nhà nước nào về hành vi phạm pháp của nhân viên; quyền làm việc; quyền nghỉ ngơi; quyền học tập; quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác. Cùng với Hiến pháp năm 1959, một số luật cơ bản đã được công bố, trong đó đã thể hiện được các quyền cơ bản của người dân tạo ra cơ sở pháp lý cho nhân dân ta được quyền dân chủ của mình.

Song song việc đề cao vai trò của pháp luật trong ghi nhận các quyền tự do, dân chủ nhân của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú trọng vai trò của công lý trong việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước và các cá nhân được nhà nước trao quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo đảm thực hiện từ phía các cơ quan nhà nước, viên chức nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, việc thực thi công lý phải triệt để, nghiêm minh và đặc biệt “nhà cầm quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Nét đặc biệt trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò của công lý còn thể hiện trong các hoạt động vận động quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt Nam; thông qua các giá trị về công lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi quốc tế công nhận nền độc lập của đất nước Việt Nam. Trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý”. Cũng trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ vào tháng 11 năm 1945, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ bởi nhân dân Mỹ là những người có “những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế”. Trong Điện văn gửi các ông: Ăngđrê Grômưcô - Đại diện Liên Xô, Giêm Biếcnơ - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sỹ Cố Duy Quân - Đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 1 năm 1946, Người bày tỏ “hy vọng vào sự thắng lợi cuối cùng của công lý và hòa bình” tại Việt Nam. Trong Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1946, Người thiết tha yêu cầu: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Vì vậy, Việt Nam yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi” - Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2011): Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Võ Nguyên Giáp (1994), Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị quốc gia.

2. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2011): Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Dương Hồng, Vương Thành Trung (2003), Tứ Thư, Nhiệm Đại Viên chú dịch, Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch, Nxb Quân đội nhân dân.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2.

6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1.

7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 9.

8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 15.

9. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh,Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.

10. Nguyễn Ái Quốc (1925), Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la colonisation française, Báo Quốc tế Cộng sản (Imprekor).

11. Nguyễn Anh Tuấn (2008), Khảo lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước lưỡng hà cổ đại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

12. Nguyễn Xuân Tùng (2012), Về khái niệm “công lý” trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở Việt Nam, Bài báo trên website của Bộ Tư Pháp tại http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1546.

13. PGS. TS. Nguyễn Viết Thông (Tổng chủ biên), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia.

UNDERSTANDING JUSTICE IN HO CHI MINH IDEOLOGY

● MA. HOANG THI BICH NGOC

Faculty of Law, Vinh University

ABSTRACT:

Justice and access to justice are not new concepts, however, in recent years they has officially become the subject of independent science research including Law. Recognizing the importance of justice in the process of building and perfecting the socialist law-based state in Vietnam; for the first time in the constitutional history of Vienam, after four Constitutions including the 1946 Constitution, the 1959 Constitution, the 1980 Constitution and the 1992 Constitution (amended and supplemented in 2001); the 2013 Constitution mentioned the fundamental values of justice in the legitimate socialist state of Vietnam. This article will focus on analyzing and clarifying Ho Chi Minh ideology on justice and the ideals, aspirations of a true justice.

Keywords: Justice, Ho Chi Minh ideology, law, rule of law.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây