Tôn Đông Á - Doanh nghiệp tôn mạ lớn thứ hai Việt Nam chuẩn bị lên sàn UPCoM

Gần 115 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, doanh nghiệp tôn mạ lớn thứ hai Việt Nam về sản lượng tiêu thụ, sẽ được niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán GDA.

Gần 115 triệu cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á sắp chào sàn UPCoM

Cổ phiếu GDA Tôn Đông Á
Tôn Đông Á hiện là doanh nghiệp có công suất sản xuất lớn thứ 3 và có sản lượng tiêu thụ trên thị trường nội địa lớn thứ 2 ngành tôn mạ Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa qua đã chấp thuận cho 114,69 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán GDA.

Công ty Cổ phần Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập ngày 05/11/1998 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau đó, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 06/2005 và chuyển sang dạng cổ phần từ năm 2009. Sau 13 lần tăng vốn, vốn điều lệ của Tôn Đông Á hiện ở mức gần 1.147 tỷ đồng.

Tôn Đông Á hoạt động trong ngành thép, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trung đến hạ nguồn như tôn kẽm, tôn lạnh màu, thép lá mạ… Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản, EU... Hiện Tôn Đông Á có hai nhà máy Thủ Dầu Một và Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn đạt 800.000 tấn/năm.

Doanh nghiệp này hiện lên kế hoạch đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Đáng chú ý, Tôn Đông Á đã cung cấp được các sản phẩm thép lá mạ dùng trong sản xuất thiết bị gia dụng cho những tập đoàn quốc tế lớn như Samsung, LG…

Xét về cơ cấu cổ đông, Tôn Đông Á hiện có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 57,34% vốn cổ phần, bao gồm: ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan - thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; và bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp tôn mạ lớn thứ hai Việt Nam về sản lượng tiêu thụ

Trong năm nay, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, giảm gần 22% so với mức thực hiện của năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng, so với mức lỗ 276 tỷ đồng của năm ngoái.

Tổng sản lượng của Tôn Đông Á trong năm nay dự kiến ở mức 760.000 tấn, tương đương 98,7% so với thực hiện trong năm 2022. Trong năm 2022, doanh nghiệp tôn mạ này đã sản xuất được hơn 767.000 tấn sản phẩm các loại, đạt trên 90% hiệu suất. Trong đó, sản lượng tiêu thụ đạt hơn 770.000 tấn.

Xét về năng lực sản xuất, hiện Tôn Đông Á hiện đang đứng thứ 3 toàn ngành tôn mạ Việt Nam; nếu xét về sản lượng tiêu thụ thực tế, doanh nghiệp này đang đứng thứ hai tại thị trường nội địa với thị phần khoảng 14%, so với mức 13% của năm 2021. Đồng thời, thị phần xuất khẩu của Tôn Đông Á trong năm 2022 đã tăng lên mức 20,4%, so với mức 14,1% của năm 2021.

Giá thép HRC
Diễn biến giá thép HRC (USD/tấn) tại các thị trường kể từ tháng 1/2023 đến đầu tháng 8/2023. (Nguồn: Bloomberg, SSI Research)

Xem thêm: "Biên lợi nhuận Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim có thể giảm trong quý 3/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, các doanh nghiệp tôn mạ tại Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận trong quý 3/2023 khi chênh lệch giữa giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á ngày càng thu hẹp, tác động tiêu cực đến kênh xuất khẩu. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân trong quý 3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh vào tháng 3/2023. 

Ngoài ra, SSI Research lưu ý, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho tại nước này tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu.

Quỳnh Trang