Tổng thống Vladimir Putin và trọng trách nặng nề trong nhiệm kỳ mới

Ngày 7/5, Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức với 70% phiếu bầu của cử tri. Cuộc bầu cử đã diễn ra rất thuận lợi.

Lễ tuyên thệ được diễn ra tại Cung điện Kremlin Grand ở Moscow. Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư trong bối cảnh nước Nga đang rơi vào tình trạng đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.

Với vai trò là Tổng thống, trọng trách hết sức nặng nề đã đặt lên vai của ông trong chặng đường 6 năm sắp tới.

Thách thức mà ông Putin phải đối mặt trước hết là những vấn đề trong nước. Sau hơn bốn năm chống chọi với các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, nền kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tăng trưởng lại. Kết thúc năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 1,5% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), thu nhập thực tế của người dân Nga trong suốt bốn năm qua liên tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối cao 5,1%, khoảng 20 triệu người dân đang phải sống dưới mức nghèo đói, tỷ lệ sinh đẻ có chiều hướng đi xuống... Do đó, ông Putin sẽ phải đẩy mạnh cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới và qua đó nâng cao phúc lợi người dân.

Giới phân tích cảnh báo nếu chính sách kinh tế của ông Putin thất bại sẽ gây ra xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống chính trị-xã hội ở xứ sở Bạch Dương. Có lẽ, ý thức được điều này nên ngay sau khi tái đắc cử ông Putin tuyên bố hướng ưu tiên trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống mới là công tác đối nội. Theo đó, Nga sẽ tập trung phát triển trong lĩnh vực như y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cùng với các phương hướng rất quan trọng khác để tiến về phía trước và nâng cao mức sống cho người dân.

Tập trung lo các vấn đề quốc kế dân sinh, song ông Putin cũng không thể lơ là việc đảm bảo năng lực quốc phòng và an ninh khi mà đất nước đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Chỉ tính riêng năm 2017, Nga đã ngăn chăn thành công 60 âm mưu tấn công khủng bố. Nga rất cần vốn và công nghệ để phát triển nền kinh tế số, trong khi phương Tây rất cần thị trường tiêu thụ khổng lồ của Nga. Vì vậy, trên lĩnh vực đối ngoại, việc thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, song vẫn bảo đảm các lợi ích quốc gia nhằm cải thiện quan hệ với các nước phương Tây rất có thể được ông Putin đưa vào danh sách những ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình.

Một vấn đề khá quan trọng nữa là lựa chọn người kế nhiệm. Theo Hiến pháp Nga, sau năm 2024, ông Putin, khi đó đã ở tuổi 78, không được phép tiếp tục tái tranh cử nên vấn đề tìm kiếm người kế nhiệm được cọi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất.

Tuy nhiên, để tìm được một người có đủ năng lực lãnh đạo, đảm bảo tính kế thừa đường lối phát triển đất nước, đồng thời nhận được sự ủng hộ của cử trị không phải là việc dễ dàng.

Theo giới phân tích, nếu Putin tìm kiếm người kế nhiệm quá muộn, thì người này có thể sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị gánh vác trách nhiệm nặng nề trong vai trò tổng thống. Việc này có thể sẽ khiến chính trường Nga bất ổn và rối ren dưới thời kỳ "hậu Putin."

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song đa số người dân xứ sở Bạch Dương đều tin rằng dưới sự "chèo lái" của Tổng thống Putin nước Nga sẽ vượt qua, đồng thời thực hiện thành công công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế, củng cố an ninh và quốc phòng và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Lê Duyên