Tương quan kinh tế Mỹ - Trung trong cách tiếp cận mới

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu khi nhiều quốc gia trên thế giới đã phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế và hậu quả của nó. Trong khi Hoa Kỳ và các q

Theo cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (một tổ chức phi chính phủ và phi đảng phái tại Mỹ),trong số 41.953 người trả lời ở 38 quốc gia từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 8 tháng 5 năm 2017, có 42% cho rằng Mỹ là nền kinh tế hàng đầu, trong khi 32% cho rằng Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, tại 10 quốc gia Liên minh châu Âu (trừ Ý), nhiều người dân cho rằng Trung Quốc đang vươn lên thành cường quốc kinh tế hàng đầu. Phần lớn người được hỏi ở Nga cũng có quan điểm này. Châu Âu ngày càng đánh giá cao hơn đối tác thương mại lớn của họ là Trung Quốc, thể hiện gần đây nhất là việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chuyển một phần dự trữ đô la Mỹ sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Trong năm qua, nhận thức về quyền lực kinh tế tương đối của Mỹ đã giảm ở nhiều nước đối tác thương mại quan trọng và các đồng minh của họ. Xu hướng này có thể thấy ở một số nước châu Âu, nơi mà quan điểm về sự cân bằng kinh tế và quyền lực dao động trong những năm gần đây. Sau cuộc khủng hoảng tài chính gần một thập kỷ trước, người châu Âu ngày càng tìm kiếm cơ hội từ đối tác Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, do đó họ cho rằng đất nước đông dân nhất châu Á có quyền lực kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Mỹ hồi phục chậm lại, ở các nước như Đức, Anh và Tây Ban Nha vai trò đối tác thương mại và tài chính của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Điều này cũng diễn ra tương tự ở các nước như Canada, Brazil, Mexico và Philippines. Ở Tây Âu, nhiều người đánh giá cao hơn vai trò của Trung Quốc so với Mỹ như: Tây Ban Nha (48%), Pháp (47%), Anh (46%) và Đức (41%) nói rằng Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu.

Nhìn chung, công chúng toàn cầu có xu hướng thể hiện quan điểm tích cực về nền kinh tế Trung Quốc. Trung bình 47% người trên 38 quốc gia được khảo sát có cái nhìn lạc quan về kinh tế Trung Quốc, trong khi 37% tỏ ra bi quan. Tỷ lệ này là 49% và 39% đối với nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc nhận được những đánh giá tích cực nhất ở vùng hạ Sahara Châu Phi, nơi mà nước đã đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây. Khoảng 72% đánh giá của người Nigeria về Trung Quốc là tích cực nhất trong cuộc khảo sát, tiếp theo là Nga với 70% đánh giá tích cực về nền kinh tế Trung Quốc.

Hàn Quốc là nước có nhiều người tin tưởng rằng Mỹ là nước dẫn đầu về kinh tế (66%), theo sau là Nhật Bản (62%). Một số nước có tỷ lệ người được hỏi cho rằng Mỹ dẫn dắt kinh tế toàn cầu dao động quanh 50% như Israel (52%), Việt Nam (51%), Hungary (51%) và ngay cả tại Mỹ cũng chỉ có 51% số người được hỏi tự tin vào vị trí dẫn đầu của nền kinh tế nước họ.

Tại các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, số người ghi nhận vị thế dẫn đầu của kinh tế Mỹ như sau: tại Philippines (49%), Ấn Độ (42%) và Indonesia (39%). Úc là quốc gia có nhiều niềm tin nhất rằng Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu thế giới - 58% người Úc giữ quan điểm này. Các nước khác, trong đó nhiều nước nói rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất bao gồm Canada (42%) và Nga (35%).

Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người cho rằng EU hoặc Nhật Bản là nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cán cân thương mại chưa thuyên chuyển

Mặc dù Mỹ đã cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc điều tra về sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, các lô hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, vẫn tăng mạnh lên mức 37,3 tỷ đô la Mỹ trong tháng 7, tăng 8,9% so với năm ngoái và dẫn đến thặng dư thương mại là 25,2 tỷ đô la Mỹ.

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Mỹ đã tăng 12,1%, cao hơn mức 9,5% của Liên minh châu Âu, 6,2% của Nhật Bản và 9% của các nước ASEAN. Thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm của Mỹ đạt 143,5 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa trong cuộc vận động tranh cử vào năm ngoái sẽ khắc phục sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc bằng cách đánh thuế 45% đối với nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc.

Hiện chính phủ Mỹ đang xem xét kế hoạch sử dụng một phần của Đạo luật Thương mại để điều tra các sản phẩm của Trung Quốc về vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ, một công cụ được sử dụng trong những năm 1980 để ngăn chặn sự thâm nhập ồ ạt của hàng hóa từ Nhật Bản.

Về phía Trung Quốc, Bộ Tài chính nước này cho rằng chìa khóa cho việc giảm bớt sự mất cân đối thương mại của Mỹ với Trung Quốc là xuất khẩu hàng hóa công nghệ của Mỹ. Lợi thế lớn nhất của Mỹ là công nghệ, nhưng những chính sách của họ đang hạn chế khả năng mở rộng xuất khẩu hàng công nghệ vào Trung Quốc, với nỗi lo về sở hữu trí tuệ bị vi phạm.

Liệu vấn đề có chỉ nằm trong cơ cấu giao thương, thể hiện trong các loại hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu mà cả hai nước đang sản xuất. Trong khi Mỹ có thâm hụt thương mại với Trung Quốc về hàng hoá, Trung Quốc lại thâm hụt thương mại với Mỹ về dịch vụ. Trên thực tế, riêng Hoa Kỳ chiếm 23,1% thâm hụt thương mại của Trung Quốc về dịch vụ. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có nên cạnh tranh với Trung Quốc về thương mại hàng hóa hay thương mại hàng hoá thậm chí nên được sử dụng như một biện pháp để cân bằng mối quan hệ kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc?

Trong khi việc tìm ra một giải pháp khác cho cán cân thương mại trở nên khó khăn hơn thì phép thử của Mỹ về vấn đề Triều Tiên đặt Trung Quốc trước những quyết định dứt khoát hơn về chính trị, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại của họ. Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, láng giềng và đồng minh lâu năm của mình. Hơn 80 % xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt mới sẽ cắt giảm 1/3 doanh thu ngoại hối của Bình Nhưỡng(1 tỷ USD). Với quyết định này, dường như Trung Quốc muốn Mỹ không có những thay đổi lớn về chính sách thương mại đối với họ trong thời gian tới.

Kế hoạch 100 ngày nhằm cải thiện cán cân thương mại

Kế hoạch này được nguyên thủ quốc gia của hai nước thống nhất trong năm nay, có thể thúc đẩy mở cửa thị trường và giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Thỏa thuận thương mại mới sẽ cho phép các công ty Mỹ tăng cường tiếp cận thị trường tài chính của Trung Quốc cũng như cho phép Mỹ xuất khẩu cả hai loại thịt bò và khí tự nhiên lỏng (LNG) sang Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty công nghệ sinh học của Mỹ như Monsanto, DuPont và Dow Chemical sẽ được cấp phép kinh doanh tại các thị trường Trung Quốc.

Ngược lại, Trung Quốc sẽ được phép bán các sản phẩm gia cầm nấu chín sang Hoa Kỳ. Thông qua thỏa thuận, Trung Quốc cũng giành được lợi thế quyền lực mềm từ việc Mỹ sẽ công nhận Sáng kiến Vành đai và Con đường, một lợi ích kinh tế to lớn cho Trung Quốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung và tranh chấp thương mại về từng sản phẩm, ví dụ thép, luôn tồn tại và có thể sẽ kéo dài trong tương lai. Tuy nhiên, những bất đồng trong quan hệ thương mại của họ không phải là báo hiệu một cuộc chiến tranh thương mại. Mỹ đã liên minh với cả Đức và Nhật Bản kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, mặc dù thực tế là Mỹ có thâm hụt thương mại với cả hai nước này.

Trong thực tế nền kinh tế Mỹ không quá phụ thuộc vào thương mại hàng hóa như Trung Quốc, và do đó, thương mại có thể không phải là biện pháp tốt nhất để tạo sức mạnh kinh tế hay sức mạnh của họ trong tương quan mối quan hệ với Trung Quốc. Giải pháp có thể là mở rộng hơn nữa thị trường ở cả hai nước để tăng đầu tư song phương, trong dài hạn sẽ giúp giảm sự mất cân bằng thương mại. Không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế, việc mở rộng cơ hội cho đầu tư song phương sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước ở nhiều lĩnh vực khác trong một trật tự thế giới mới đang dần rõ nét.



(Bài viết sử dụng một phần kết quả của cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew -một tổ chức phi chính phủ và phi đảng phái tại Mỹ, với 41.953 người trả lời ở 38 quốc gia từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 8 tháng 5 năm 2017 về vị thế của Trung Quốc và Mỹ trên bản đồ kinh tế thế giới, kết hợp với những phân tích và quan điểm của cá nhân tác giả).