Vinamilk tự tin giành lại thị phần thời gian tới, cổ phiếu VNM phục hồi ấn tượng

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tự tin khẳng định sẽ giành lại thị phần trong thời gian tới sau chiến dịch tái định vị thương hiệu. Hoạt động kinh doanh của hãng sữa này cũng đang ghi nhận tín hiệu tích cực khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh.

Biên lợi nhuận gộp dự kiến tiếp tục phục hồi

Biên lợi nhuận Vinamilk
Nguyên vật liệu đầu vào giảm đã giúp biên lợi nhuận gộp của Vinamilk phục hồi tích cực.

Trong quý 2/2023, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng ổn định (tăng 2% so với quý 2/2022) nhưng lãi ròng đã có tín hiệu tích cực đầu tiên (tăng 6% so với quý 2/2022), chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm của lợi nhuận kể từ quý 1/2021. Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý 2/2023 cũng đã tăng trở lại mức 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý 1/2023, chủ yếu nhờ vào nguyên vật liệu đầu vào giảm giá.

Kết quả này có phần gây bất ngờ với nhiều tổ chức tài chính khi các dự báo trước đó chủ yếu cho rằng sức mua người tiêu dùng vẫn còn yếu trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn.

Với những kết quả vượt kỳ vọng như trên, Phú Hưng Securities đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk lên mức lần lượt là 60.367 tỷ đồng và 9.204 tỷ đồng, lần lượt tăng 0,7% và 7,3% so với mức thực hiện của năm 2022 nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm và chiến lược tái định vị thương hiệu của hãng sữa hàng đầu Việt Nam này.

Trong đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk kỳ vọng sẽ được cải thiện tích cực nhờ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm xuống. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, giá sữa bột gầy (SMP) và sữa nguyên kem (WMP) trong thời gian qua đã liên tục điều chỉnh giảm.

Biên lợi nhuận Vinamilk
Biên lợi nhuận của Vinamilk trong quý 2/2023 đã được cải thiện tích cực so với quý 1/2023. (Nguồn: Vinamilk, Phú Hưng Securities)

Điều này đã giúp biên lợi nhuận gộp của Vinamilk trong quý 2/2023 đạt 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý 1/2023. Đây là mức cải thiện lớn nhất theo quý kể từ đầu năm 2021 đến nay của hãng sữa này; qua đó, nâng biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm nay lên mức 39,7%.

Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý tiếp theo và sẽ quay về mức trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, Vinamilk cũng đối mặt với rủi ro hiện tượng El Nino có thể khiến giá nguyên liệu chăn nuôi tăng lên, sản lượng sữa giảm xuống. Theo Phú Hưng Securities, Vinamilk đã điều chỉnh giá thu mua sữa lên 7% để chia sẻ với người nông dân trong thời gian vừa qua và đã chốt giá nguyên vật liệu tới cuối quý 3 và đầu quý 4 năm 2023.

Xem thêm: "Thế Giới Số: Cổ phiếu DGW có nhịp tăng mới, dự báo kinh doanh quý 4 tăng tích cực" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Sẽ giành lại thị phần trong thời gian tới, cổ phiếu VNM phục hồi ấn tượng

nhận diện thương hiệu Vinamilk
Chiến dịch tái định vị thương hiệu vừa qua của Vinamilk cho thấy những nỗ lực trẻ hoá thương hiệu để tiếp cận nhóm tiêu dùng trẻ, năng động.

Tâm điểm lớn nhất trong thời gian qua của Vinamilk là sự kiện tái định vị thương hiệu với việc thay đổi logo, mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào trong tương tác với khách hàng. Các động thái mới nhất cho thấy những nỗ lực trẻ hóa thương hiệu để hướng đến nhóm tiêu dùng trẻ, năng động.

Hãng sữa này cũng đang thúc đẩy các dự án số hoá nhằm ứng dụng công nghệ để tiếp cận và hiểu được khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời, nhằm đưa ra các giải pháp giúp tăng hiệu suất hoạt động của công ty.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Vinamilk, Vinamilk tự tin sẽ giành lại được thị phần trong các quý sắp tới nhờ vào Chiến dịch tái định vị thương hiệu và thay đổi bao bì sản phẩm mới. Theo dữ liệu của Phú Hưng Securities, hãng sữa này trên thực tế đã giành lại được thị phần trong tháng 6/2023. Hiện tại thị phần của ngành hàng Sữa nước thuộc Vinamilk đang đạt hơn 60%, Sữa chua khoảng 80%, Sữa đặc lớn hơn 80% và Sữa bột ở mức quanh 20%.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (Vilico, mã cổ phiếu VLC – sàn UPCoM) - công ty con của Vinamilk (sở hữu 68% vốn cổ phần) đã công bố thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng với thời gian nhận đăng ký mua sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 24/07/2023 đến ngày 28/08/2023.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 603 tỷ đồng sẽ được Vilico sử dụng để tăng phần vốn góp của Tổng công ty tại công ty liên doanh giữa Vilico và Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản JVL, để thực hiện dự án bò thịt. Dự án đã được khởi công vào quý 1/2023 và dự kiến hoàn thành và tung sản phẩm ra thị trường vào cuối quý 3/2024.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VNM của Vinamilk từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ngân hàng Quân đội (MBB): Sẽ không phát sinh nợ xấu từ Novaland và Trung Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Phú Hưng Securities hiện dự phóng thị trường sữa và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR khoảng 4%/năm trong khi đó thị phần của Vinamilk có thể tăng 0,3 điểm phần trăm mỗi năm. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2023 của Vinamlik theo dự phóng của hãng chứng khoán này có thể đạt 41,2%, tăng 136 điểm cơ bản so với năm trước nhờ vào xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu VNM của Vinamilk đạt 77.900 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 6 vừa qua, cổ phiếu VNM đã phục hồi “ấn tượng” với mức tăng gần 23%. Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu VNM trong 3 tháng trở lại đây đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn đầu năm, cho thấy sự chú ý của giới đầu tư đối với cổ phiếu ngành sữa này đã tăng lên.

Mạnh Hùng