Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài

Lê Thị Minh Phương (Học viên Cao học Luật Quốc tế khóa 21-22, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:
Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Với số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng, đã và đang đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới cho công tác bảo hộ người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Chính vì thế, việc nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và sâu rộng về các vấn đề pháp lý liên quan đến di cư của người Việt Nam ra nước ngoài và bảo hộ công dân là việc làm hết sức cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích cơ chế pháp lý hiện hành về bảo hộ quyền lợi của người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Từ đó, tác giả đưa ra một số ý kiến đánh giá và kiến nghị đối với vấn đề này.
Từ khóa: Di cư, bảo hộ, cơ chế pháp lý, quyền lợi, công dân.

1. Tổng quan khung pháp lý và chính sách về di cư của người Việt Nam ra nước ngoài
Di cư quốc tế là hiện tượng tất yếu của quá trình phát triển, đặt ra cả cơ hội và thách thức cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các Chính phủ của cả nước xuất cư và nước nhập cư1. “Di cư” (hay “di cư quốc tế”) được hiểu là sự di chuyển của những người rời nước gốc hoặc nước cư trú thường xuyên để tạo lập cuộc sống mới tại nước khác, kể cả tạm thời hoặc lâu dài2. “Người di cư Việt Nam” được hiểu là những người Việt Nam di chuyển qua biên giới Việt Nam đến một nước hoặc vùng lãnh thổ khác để tạo lập cuộc sống mới, kể cả tạm thời hoặc lâu dài. Theo các số liệu thống kê, trong giai đoạn 2012-2016, số lượng người Việt Nam di cư ngày càng tăng lên3. Theo các tiêu chí phân loại của Tổ chức Di cư quốc tế IMO, người Việt Nam di cư về cơ bản cũng bao gồm các loại sau: (i) Di cư lao động quốc tế theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài4; (ii) Di cư học tập5; (iii) Di cư do kết hôn có yếu tố nước ngoài6; (iv) Di cư con nuôi7; và (v) Di cư mua bán người8.
Thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép là chính sách nhất quán của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Về nguyên tắc, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt nhập cư. Điều này được quy định tại Điều 17 Hiến pháp 2013: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Thực hiện quy định nêu trên của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài. Hiện có khoảng 53 văn bản luật và dưới luật liên quan đến di cư. Nhìn chung, pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối cụ thể nhằm bảo hộ các quyền về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi ích chính đáng khác của công dân khi sinh sống, lao động, học tập, kết hôn và nuôi con nuôi ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư và kiên quyết đấu tranh với nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người với các nước có đường biên giới chung và các nước có số lượng lớn người Việt sinh sống thông qua việc ký kết các Hiệp định hợp tác song phương với các nước láng giềng, như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia…
2. Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân của Việt Nam di cư ra nước ngoài
2.1. Cơ sở pháp lý
Trong luật quốc tế, bảo hộ công dân (BHCD) đặt ra khi cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia sở tại có hành vi trái pháp luật quốc tế, qua đó gây phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình ở nước ngoài. Quốc gia mà người đó là công dân có trách nhiệm tiến hành các biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc gia sở tại và pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân mình. Đồng thời, trách nhiệm BHCD còn bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà nhà nước dành cho công dân mình đang ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại nào tới công dân của nước này. Trong trường hợp này, sự bảo hộ bao gồm những hoạt động mang tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính cho công dân; các hoạt động có tính chất trợ giúp như giúp đỡ về tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ công dân trong việc chuyển thông tin, bảo quản giấy tờ, tài sản…; hỏi thăm lãnh sự khi công dân bị bắt, bị giam, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nước mình trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật quốc gia sở tại hoặc luật pháp quốc tế9.
Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư10. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ” (khoản 3 Điều 17). Cùng với đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã chỉ rõ, việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18/06/2009 (Điều 8 và Điều 9)… Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài với 20 tỷ đồng chi cho các hoạt động ban đầu của công tác này đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với công tác bảo hộ công dân và nâng cao hiệu quả của công tác này11. Ngày 20/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-TTg về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện nay. Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành hữu quan và UBND các địa phương trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư ra nước ngoài, nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo hộ giữa các Bộ, ngành hữu quan, giữa các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, giáo dục định hướng và cung cấp thông tin cho người di cư trước khi xuất cảnh, công khai, minh bạch thông tin và thị trường tuyển dụng lao động…
2.2. Cơ chế pháp lý
Theo các quy định trên, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện - CQĐD) thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế; khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó12.
Bộ Ngoại giao Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ giúp thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước đối với công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao còn đóng vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác BHCD ở nước ngoài, chỉ đạo các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài thực hiện; chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đề xuất việc thực hiện đàm phán ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương trong lĩnh vực di cư, tham gia các tổ chức, các diễn đàn quốc tế về di cư nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư13.
Tiếp đến, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao là đơn vị được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác lãnh sựở trong nước cũng như chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán và các CQĐD khác của Việt Nam được Bộ Ngoại giao ủy nhiệm, trong việc thực hiện công tác lãnh sự ở nước ngoài14. Hệ thống các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác lãnh sự và trực tiếp thực hiện các chức năng lãnh sự ở trong và ngoài nước bao gồm: Ở trong nước là Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Phòng Lãnh sự); ở ngoài nước là các Đại sứ quán, các cơ quan lãnh sự (Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán, kể cả các cơ quan lãnh sự do Lãnh sự danh dự của Việt Nam đứng đầu) và các CQĐD khác được ủy nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự ở nước ngoài. Đến năm 2016, Chính phủ đã mở 67 Đại sứ quán, 23 Tổng Lãnh sự quán và 7 cơ quan Lãnh sự danh dự ở khắp các châu lục. Tại các Đại sứ quán ở địa bàn có đông lao động Việt Nam, như: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Qatar, UAE, Séc…, đều đã thành lập Ban Quản lý lao động15.
Tháng 4/2012, Bộ Ngoại giao đã thành lập Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, qua đó tập trung đầu mối nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến BHCD Việt Nam ở nước ngoài. Việc vận hành trang mạng điện tử của Bộ Ngoại giao và của Cục Lãnh sự cũng đã tạo thuận lợi cho đăng tải các thông tin về công tác BHCD, đồng thời đưa ra các cảnh báo cần thiết cho công dân để phòng ngừa, tránh các rủi ro, thảm họa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho công dân khi họ xuất cảnh và cư trú ở nước ngoài. Ngoài ra, Phòng Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thiết lập điện thoại đường dây nóng trực BHCD 24/24 giờ ngày 25/7/2007, Chính phủ đã thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam. Theo quy chế quản lý tài chính của Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thì công dân Việt Nam ở nước ngoài trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, bị tai nạn, gặp rủi ro nghiêm trọng tự mình không thể khắc phục được thì sẽ được hỗ trợ về tài chính. Quỹ này còn được sử dụng vay tạm ứng để mua vé về nước, tiền viện phí, khách sạn khi đương sự không có khả năng chi trả nhưng có sự bảo lãnh của người thân hoặc tổ chức trong nước, hoặc có cam kết hoàn trả số tiền vay này.
2.3. Thực tiễn hoạt động bảo hộ công dân Việt Nam
Trong thực tiễn hoạt động, các CQĐD Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ trước các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nước sở tại. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, các CQĐD đã làm tốt chức năng của mình như tìm hiểu, đề ra các biện pháp giúp đỡ công dân Việt Nam trong nhiều trường hợp cần có sự hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời. Chẳng hạn như năm 2011, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch giải cứu 10.400 lao động Việt Nam tại Lybia sau khi nước này diễn ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Gadaffi vào tháng 1/2011. Chính phủ Việt Nam khi ấy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi, có nhiệm vụ sơ tán lao động Việt Nam tại Libya và đưa về nước. Tiếp đó, Đại sứ Việt Nam tại Libya đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng đại diện của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) và đề nghị IOM hỗ trợ, giúp đỡ cho lao động Việt Nam. Kết quả của chiến dịch là hàng ngàn lao động Việt Nam được về nước an toàn bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy16.
Việc đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam cũng được thực hiện tốt như vụ 10 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Đài Loan bị cảnh sát Nam Phi bắt và xét xử ở Cape Town ngày 05/5/2009, Cục Lãnh sự đã gặp gỡ và trao công hàm cho Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội, đồng thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tìm hiểu rõ sự việc, phối hợp đưa ra những phương án bảo hộ phù hợp, hiệu quả nhất. Kết quả 10 thuyền viên này đã được đưa về nước an toàn ngày 22/6/2009. Tương tự, ngày 12/7/2010, tàu Dung Quất 2 bị bắt giữ tại Davao (Philippines) do hàng hóa chở trên tàu có dấu hiệu bị nhiễm nước, Cục Lãnh sự đã có công hàm gửi Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines có công hàm gửi Tòa án Davao đề nghị nước này nhanh chóng giải quyết vụ việc theo đúng luật pháp Philippines và thông lệ quốc tế. Kết quả là tàu Dung Quất 2 đã được thả về Việt Nam ngày 03/8/201017. Cuối năm 2011, tàu Vinalines Queen cùng với 22 thủy thủ đang vận chuyển 54.400 tấn quặng ni-ken từ Indonesia đến Trung Quốc qua vùng biển ngoài khơi Philippines thì gặp bão lớn và bị chìm. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các CQĐD Việt Nam tại Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản và Văn phòng KT-VH Việt Nam tại Đài Bắc và các CQĐD nước liên quan nói trên và Văn phòng KT-VH Đài Bắc tại Hà Nội, đề nghị phối hợp xác định tình trạng tàu và tìm kiếm các thủy thủ18.
Trường hợp BHCD Việt Nam trong trường hợp kết hôn với công dân nước ngoài cũng được thực hiện khá tốt. Chẳng hạn, Cơ quan lãnh sự Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xử lý vụ việc cô dâu người Việt là Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng tâm thần Hàn Quốc sát hại. Sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã mời Đại sứ Việt Nam đến để gửi lời chia buồn và trao số tiền 10 triệu won (tương đương 8300 USD) cho gia đình nạn nhân. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã cấp giấy tờ và giúp đỡ gia đình đưa hài cốt chị Ngọc về an táng tại quê nhà19.
Đáng chú ý là việc bảo hộ quyền lợi của công dân Việt Nam cũng được thực hiện đối với những công dân Việt Nam bị bắt, giam giữ và cáo buộc có sự vi phạm pháp luật nước sở tại. Gần đây nhất là hai vụ của nghệ sĩ Hồng Quang Minh20 và công dân Đoàn Thị Hương - nghi phạm người Việt Nam trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam (Triều Tiên) vào tháng 2/2017. Ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc Malaysia bắt giữ nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương, Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan, theo dõi chặt chẽ để xác minh thông tin. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tiếp xúc lãnh sự và hỏi thăm sức khỏe của Đoàn Thị Hương. Tại phiên tòa ngày 1/3/2017, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Đoàn Thị Hương tại phiên tòa. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sau đó tiếp tục theo dõi vụ việc đảm bảo nước sở tại tiến hành thủ tục tố tụng một cách công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại21.
3. Kết luận
Một là, hàng năm có hàng triệu công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài. Cần phải thấy rằng, di cư quốc tế là xu hướng có tính quy luật trên toàn thế giới, không thể đảo ngược. Nhà nước cần có các biện pháp và thể chế phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế tối đa những rủi ro mà họ có thể gặp phải, tạo điều kiện để họ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và đất nước.
Hai là, các quy định liên quan đến các loại hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài còn thiếu và phần lớn chưa được luật hóa, nằm rải rác trong các văn bản dưới luật, do đó còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Hầu hết các quy định khác liên quan đến di cư đều nằm dưới dạng nghị định, quyết định, thông tư… liên quan đến nhiều Bộ, ngành, do đó gây nhiều khó khăn trong công tác thực thi pháp luật và chính sách về vấn đề này. Việt Nam vẫn còn thiếu một hệ thống chính sách pháp luật hiệu quả trong lĩnh vực này, vẫn còn nhiều khoảng trống trong hệ thống pháp luật và chính sách, trong hợp tác song phương, khu vực và quốc tế. Để có thể bảo đảm di cư an toàn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài, thì việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, của bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực di cư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về di cư là những vấn đề hết sức cấp thiết.
Ba là, Nhà nước cần có cơ quan làm đầu mối trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu di cư quốc tế dưới nhiều loại hình khác nhau, định kỳ xây dựng hồ sơ di cư phục vụ quản lý và phát triển. Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, rà soát lại các chính sách và thể chế di cư quốc tế hiện có, hoàn thiện cơ chế và chính sách đối với di cư theo hướng tối ưu hóa thủ tục di cư nhằm giảm bớt chi phí, phục vụ tốt hơn nhu cầu di cư quốc tế chính đáng của người dân, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho việc quản lý xuất nhập cảnh thông qua cơ sở dữ liệu điện tử có thể dễ dàng bóc tách theo các tiêu chí cơ bản như tuổi, giới tính, nơi đi, nơi đến và nếu có thể, cả mục đích di cư. Những điều này có thể thực hiện sau khi đã rà soát lại cơ chế chính sách.
Tài liệu trích dẫn:
1 Xem Tổ chức Di cư quốc tế (2011), Giải thích thuật ngữ về di cư, NXB Tổ chức Di cư quốc tế, Thụy Sĩ, tr.73.
2 Xem các báo cáo về tình hình di cư Việt Nam của Bộ Ngoại giao các năm 2011 và 2016.
3 Là những người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn do các doanh nghiệp được cấp phép đưa đi theo quy định trên cơ sở ký kết với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động ở nước ngoài.
4 Đây là trường hợp di cư của các đối tượng bao gồm học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo hệ chính khóa, di cư tu nghiệp và thực tập sinh là những lao động nhằm mục đích thực tập và đào tạo nghề.
5 Đây là trường hợp di cư của công dân Việt Nam cư trú trong nước kết hôn với người có quốc tịch nước ngoài và công dân Việt Nam cư trú trong nước kết hôn với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài dẫn đến việc di chuyển nơi cư trú của cặp vợ chồng ra nước ngoài.
6 Là trường hợp di cư của trẻ em Việt Nam theo bố/mẹ nuôi là người nước ngoài hoặc người Việt có quốc tịch nước ngoài.
7 Đây là trường hợp đưa người ra nước ngoài chủ yếu dưới dạng mua bán phụ nữ, trẻ em. Trường hợp này cũng bao gồm việc mua bán nam giới thông qua việc lừa đưa đi nước ngoài làm việc rồi buộc nạn nhân phải lao động khổ sai.
8 Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Công pháp Quốc tế - Quyển 1, Nxb Hồng Đức, tr. 456-457.
9 Bộ Ngoại giao (2011), Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, Hà Nội, tr. 71.
10 Bộ Ngoại giao (2011), tlđd, tr. 65
11 Điều 8, 9, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009.
12 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
13 Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11/6/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao và Quyết định số 227/QĐ-BNG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Lãnh sự.
14 Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài: Quán triệt phương châm chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, <https://vnembassy-mexico.mofa.gov.vn>, truy cập ngày 28/3/2018.
15 Báo Điện tử VNExpress, Cuộc giải cứu lao động Việt Nam khỏi Libya đã kết thúc <https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuoc-giai-cuu-lao-dong-viet-nam-khoi-libya-da-ket-thuc-2189479-p4.html>, truy cập ngày 27/3/2018.
16 Báo Quốc tế, Bảo hộ Chủ động, kịp thời, tích cực & hiệu quả <http://baoquocte.vn/bao-ho-chu-dong-kip-thoi-tich-cuc-hieu-qua-1782.html>, truy cập ngày 27/3/2018.
17 Xem Báo Điện tử Dân trí, Bảo hộ công dân: Chủ động, Nhanh chóng và Hiệu quả; <http://dantri.com.vn/dien-dan/bao-ho-cong-dan-chu-dong-nhanh-chong-va-hieu-qua-20150804141524525.htm>, truy cập ngày 25/3/2018.
18 tlđd.
19Báo Lao động, Bộ Ngoại giao thực hiện bảo hộ công dân với diễn viên Minh Béo <https://laodong.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-thuc-hien-bao-ho-cong-dan-voi-dien-vien-minh-beo-535573.bld>, truy cập ngày 27/3/2018.
20 Báo Quốc tế, Bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương cần phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế <http://baoquocte.vn/bao-ho-cong-dan-doan-thi-huong-can-phu-hop-luat-phap-va-thuc-tien-quoc-te-45312.html>, truy cập ngày 28/3/2018.
21 Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (2016), tlđd số 2, tr. 101 - 107
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Điện tử VNExpress, VNExpress, “Cuộc giải cứu lao động Việt Nam khỏi Libya đã kết thúc” <https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuoc-giai-cuu-lao-dong-viet-nam-khoi-libya-da-ket-thuc-2189479-p4.html>,
2. Báo Lao động, “Bộ Ngoại giao thực hiện bảo hộ công dân với diễn viên Minh Béo” <https://laodong.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-thuc-hien-bao-ho-cong-dan-voi-dien-vien-minh-beo-535573.bld>
3. Báo Quốc tế, “Bảo hộ Chủ động, kịp thời, tích cực và hiệu quả” <http://baoquocte.vn/bao-ho-chu-dong-kip-thoi-tich-cuc-hieu-qua-1782.html
4. Báo Quốc tế, “Bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương cần phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế” <http://baoquocte.vn/bao-ho-cong-dan-doan-thi-huong-can-phu-hop-luat-phap-va-thuc-tien-quoc-te-45312.html
5. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (2011), Báo cáo tổng quan về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, Hà Nội.
6. Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Công pháp Quốc tế - Quyển 1, Nxb Hồng Đức.
7. Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.
8. Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài năm 2009.
9. Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.
10. Tổ chức Di cư quốc tế (2011), Giải thích thuật ngữ về di cư, NXB Tổ chức Di cư quốc tế, Thụy Sĩ.

LEGAL FRAMEWORK FOR PROTECTION OF VIETNAMESE CITIZENS MIGRATING ABROAD

Le Thi Minh Phuong

Post Graduate Student, International Law Course 21-22, Ho Chi Minh City University of Law

ABSTRACT:

Currently, there are about 6 million Vietnamese in all continents of the world. With the increasing number of Vietnamese migrating abroad with various purposes, there will be need for new requirements and tasks for the protection of Vietnamese migrants abroad. Therefore, a comprehensive and extensive evaluation of the legal issues related to the migration of Vietnamese abroad and citizen protection is required. Within the scope of this paper, the author focuses on analyzing the current legal framework for protection of the interests of Vietnamese migrants abroad.  Then, the author gives some opinions and recommendations on this issue.

Keywords: Migration, protection, legal framework, interests, citizen.