Cơ hội mới của Abenomics

Trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vừa qua đã dấy lên những tranh luận về hiệu quả của học thuyết kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe thực thi từ năm 2013 còn gọi là Abenomics. Cuộc bầu cử cũng được cho l

Thắng lợi nói trên của ông Abe cùng LDP và các đảng đồng minh đã mở ra cơ hội mới để các chính sách Abenomics tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Ở đầu nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Abeđã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới khi tung ra học thuyết Abenomics với mục tiêu đưa kinh tế “Đất nước mặt trời mọc” thoát khỏi cảnh giảm phát kéo dài và dần ra khỏi suy thoái.

Đặc trưng của chính sách kinh tế họcAbelà nhằm xây dựng và triển khai chiến lược “kiềng ba chân”, bao gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng khuyến khích đầu tư tư nhân. Trên thực tế, chiến lược “ba mũi tên” trong học thuyết kinh tế của Thủ tướng S.Abexuất phát bởi ý tưởng và cách gọi từ câu chuyện trong truyền thuyết Moori Motonari của Nhật Bản. Theo đó, Moori là một danh tướng tài ba luôn biết chuẩn bị chu đáo để dành thắng lợi. Ông dạy ba người con trai mình rằng: “Một mũi tên thì có thể dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng hợp ba mũi tên cùng nhau thì không thể bị bẻ gãy”.

Đa số người dân Nhật Bản kỳ vọng Abenomics là phương thuốc hữu hiệu chống suy thoái kinh tế. Trên thực tế, ngay từ khi mới được “phóng đi” vào đầu năm 2013, Abenomics đã lập tức đạt được thành công quan trọng là tạo cho người dân cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản. Niềm tin ấy được "thổi" vào thị trường chứng khoán Nhật với những pha tăng điểm kỷ lục tới 35% trong những tháng đầu năm, trái ngược hẳn với bức tranh màu xám của chứng khoán khu vực và thế giới.

Trong các chiến dịch tranh cử vừa qua, LDP cũng đã nêu bật những thành quả của Abenomics, khẳng định học thuyết này đã giúp cải thiện thị trường lao động, tăng lương và giảm số vụ phá sản. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng Abenomics đã thất bại hoàn toàn. Theo họ, thị trường lao động trên thực tế không hề cải thiện vì tỷ lệ tuyển dụng công việc bán thời gian tăng, trong khi tỷ lệ tuyển dụng toàn thời gian giảm. Mức lương trung bình không tăng mà chỉ tăng số lương trả cho các lao động bán thời gian. Bên cạnh đó, việc Chính phủ có kế hoạch tiếp tục tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10% càng làm tăng gánh nặng kinh tế cho người dân…

Đáp lại những “cáo buộc” nêu trên, Thủ tướng Abe từng cho rằng cuộc bầu cử Hạ viện chính là "cuộc trưng cầu dân ý" về Abenomics. Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, ông nhấn mạnh Abenomics đã gặt hái thành công song chỉ mới đi được nửa chặng đường. Nếu LDP thắng lợi, điều đó chứng tỏ người dân ủng hộ Chính phủ tiếp tục thực thi biện pháp kinh tế này. Trên thực tế, kết quả bầu cử ở Nhật Bản vừa qua với thắng lợi vang dội của LDP đã minh chứng cho sự thành công được ghi nhận của Abenomics.

Không thể phủ nhận rằng, Abe và đảng của ông đã được sự ủng hộ của “thiên thời, địa lợi”. LDP đã giành thắng lợi lớn trong bối cảnh đảng Dân chủ đối lập chính đã bị chia rẽ mạnh mẽ và “tan đàn sẻ nghé” sau nhiệm kỳ mờ nhạt của họ giai đoạn 2009-2012. Sau khi chia tách thành hai đảng là đảng Dân chủ lập hiến theo quan điểm tương đối tự do và đảng Hy vọng theo quan điểm “bảo thủ cải cách”, hai đảng anh em này vẫn tiếp tục “nồi da xáo thịt” để rồi cùng thất bại. Nhiều người thậm chí mỉa mai gọi đảng Hy vọng là “đảng Thất vọng”. Việc những “kẻ phá đám” nói trên suy yếu và chia rẽ cũng sẽ là một thuận lợi lớn để ông Abe tiếp tục triển khai Abenomics trong nhiệm kỳ tới.

Trên thực tế, trong chặng đường 5 năm vừa qua, ông Abe mới chủ yếu tập trung vào hai mũi tên đầu tiên của Abenomics là chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khóa linh hoạt. Trong chặng đường tới, “mũi tên thứ ba” là chiến lược tăng trưởng chắc chắn sẽ được đẩy mạnh để tạo xung lực mới cho kinh tế Nhật. Thủ tướng Abe từng nhấn mạnh rằng “xương sống của chính sách kinh tế” chính là mũi tên kể trên. Theo đó, Tokyo sẽ tiếp thêm sinh lực cho hoạt động của các doanh nghiệp như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các đặc khu kinh tế. Chiến lược tăng trưởng cũng chỉ ra những mục tiêu rõ ràng khác đối với ngành điện lực và lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Đồng thời, Nhật Bản cũng chú trọng khai phá những thị trường mới. Việc Tokyo tích cực thúc đẩy Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa qua cũng là phục vụ chiến lược “mũi tên thứ ba” nêu trên.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất với một loạt các vấn đề kinh tế như giảm phát, đồng Yên tăng giá, dân số già hóa nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động…, việc triển khai Abenomics sẽ đối mặt không ít thách thức. Tuy nhiên, với động lực mới từ cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua, “Đất nước mặt trời mọc” hoàn toàn có thể tin tưởng những mũi tên từ Abenomics sẽ bắn trúng “hồng tâm” và đưa kinh tế Nhật cất cánh.