Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay. Phần lớn các giải pháp giúp tiếm kiệm và nâng cao hiệu quả mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý và giải pháp không

Trong Hội thảo khởi động Dự án "Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam" diễn ra vừa qua, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thực hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nay nhưng phần lớn các giải pháp giúp tiếm kiệm và nâng cao hiệu quả mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý và giải pháp không yêu cầu đầu tư hoặc yêu cầu mức đầu tư thấp.

Việc thực hiện các giải pháp yêu cầu mức đầu tư lớn hoặc chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng vẫn còn rất hạn chế do các doanh nghiệp công nghiệp thiếu nguồn lực về tài chính. Muốn thực hiện được, các doanh nghiệp bắt buộc phải tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vay từ khu vực ngân hàng thương mại lại không dễ dàng do các ngân hàng thiếu kiến thức kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng, các dự án này thường bị đánh giá là có độ rủi ro cao, bà Giang nhận định.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhận định, các doanh nghiệp ngành công nghiệp nước ta còn hạn chế trong đầu tư chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng

Cải thiện tình trạng này, Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam" của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trị giá 1,9 triệu USD sẽ được khởi động và có các hoạt động trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng.

Dự án gồm 03 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Toàn bộ quá trình này sẽ được thực hiện từ 6/2018 đến tháng 12/2019.

Cụ thể, chương trình sẽ tổ chức 2 khóa đào tạo về quản lý và công nghệ nhằm giúp người tham gia nắm bắt được các xu hướng chính sách năng lượng chung; các kiến thức về hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); các công nghệ tiết kiệm năng lượng; giải pháp triển khai các dự án ESCO...

Doanh nghiệp công nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng

Đối với cấu phần 2, chương trình sẽ tiến hành tham khảo trên 2000 doanh nghiệp có mức sử dụng năng lượng cao tại Việt Nam ở tất cả lĩnh vực ngành nghề, sau đó sẽ lựa chọn ra 50 công ty để tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và tìm ra các phương thức hỗ trợ cụ thể căn cứ theo từng ngành nghề. Cuối cùng là chọn 10 công ty để thực hiện kiểm toán năng lượng. Công việc kiểm toán sẽ được tiến hành bởi các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở kết quả kiểm toán sẽ xác định được các dự án thí điểm.

Phần cuối cùng của dự án là hỗ trợ thực hiện đầu tư và tài chính bao gồm các nhiệm vụ điều tra về các quỹ đầu tư có năng lực, sẵn sàng tham gia; Cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư ESCO và hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp có yêu cầu; Khuyến nghị mô hình đầu tư lý tưởng cho Việt Nam.

Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về Dự án "Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam" 

Mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt. Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế.

Trên thực tế, mô hình đầu tư sử dụng, tiết kiệm năng lượng hiệu quả (mô hình ESCO) đã được triển khai tại Việt Nam song thị trường chưa phát triển do đây là một mô hình mới. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận thức khá đầy đủ về nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp song do nguồn vốn còn nhiều hạn chế nên khó triển khai trong thực tế. Do đó với sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc sẽ phần nào khơi thông thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện KOICA, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã cung cấp nhiều thông tin và giải đáp các câu hỏi của đại biểu liên quan đến lĩnh vực thị trường, nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm đã triển khai thực tế.

Thu Thủy